AstraZeneca là vắc xin do hãng dược phẩm Anh sản xuất, cũng là vắc xin được cấp phép sử dụng đầu tiên ở Hàn Quốc.

Ưu điểm lớn nhất của vắc xin hãng AstraZeneca là có thể bảo quản, phấn phối lạnh ở nhiệt độ từ 2-8ºC, không cần hệ thống bảo quản riêng. Trong khi đó, vắc xin COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) phải bảo quản ở nhiệt độ -70ºC, dẫn tới khó khăn trong việc bảo quản, phân phối.

Nhóm xúc tiến tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Hàn Quốc cho biết tính đến 0 giờ ngày 16/3/2021 đã có 602.150 người được tiêm vắc xin, hoàn thành 76% trong số 792.578 người được ưu tiên tiêm chủng từ tháng 2 đến tháng 3.

So với dân số trong nước (52 triệu người) thì tỷ lệ tiêm chủng là 1,15%. Trong tổng số các lần tiêm chủng có 575.000 người đã được tiêm vắc xin AstraZeneca và 26.861 người đã được tiêm vắc xin Pfizer.

16 trường hợp báo tử vong sau khi tiêm phòng COVID-19 ở Hàn Quốc

Cho đến nay đã có 16 trường hợp được báo là tử vong sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Tuy nhiên 14 trường hợp được cơ quan y tế Hàn Quốc hoàn thành thẩm định và xác nhận không liên quan đến vắc xin, 2 trường hợp còn lại đang chờ giám định tử thi.

Nếu chứng minh được liên quan giữa việc tiêm vắc xin COVID-19 và các triệu chứng, bệnh lý phát sinh thì người tiêm vắc xin ở Hàn Quốc có thể được nhận bồi thường các khoản chi phí y tế, chi phí chăm sóc điều dưỡng và khoản bồi thường tử vong tạm thời lên đến 437 triệu KRW.

Cơ quan y tế Hàn Quốc cho biết, 14/16 trường hợp đều tử vong vì đều có bệnh nền ở mức độ nặng như suy tim, viêm phổi. Ngoài ra, khi kiểm tra phản ứng của loạt vắc xin và các đối tượng được tiêm cùng ngày với các nạn nhân thì không có phản ứng nghiêm trọng nào, chứng tỏ chất lượng vắc xin hoặc lỗi trong quá trình tiêm chủng không phải là nguyên nhân gây ra các trường hợp tử vong.

Những ý kiến trái chiều

Ngoài 16 trường hợp tử vong, có hàng trăm phản hồi về các triệu chứng đau cơ bắp, chóng mặt, buồn nôn sau khi tiêm vắc xin COVID-19 ở Hàn Quốc. Một thanh niên tầm 20 tuổi đã đăng kiến nghị trên website của Phủ Tổng thống vì cho rằng mình đang khoẻ mạnh, nhưng sau khi tiêm vắc xin đã bị viêm tuỷ sống.

Người này thấy “tinh thần suy nhược và tôn thương cơ đến 70-80%” và phải nhập viện. Tuy nhiên bác sĩ điều trị cho thanh niên này lại phủ nhận liên quan với việc tiêm vắc xin và cho rằng anh đã mắc bệnh từ trước.

Mặc dù liên tục được cơ quan y tế trấn an, nhưng tâm lý chung của người dân Hàn Quốc là vẫn còn lo lắng và dè dặt với việc tiêm vắc xin, đặc biệt là vắc xin AstraZeneca. Trừ những trường hợp bắt buộc như nhân viên y tế, người cao tuổi ở viện dưỡng lão, người dân Hàn Quốc có quyền quyết định việc tiêm vắc xin COVID-19.

Hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc sử dụng vắc xin AstraZeneca. Danh sách các nước ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca ngày một kéo dài: Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Áo, Ireland, Bulgaria, Luxembourg, Estonia, Lithuania, Latvia, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha… Ở châu Á, chính phủ Thái Lan và Indonesia cũng đã quyết định không tiêm vắc xin AZ.

AstraZeneca nói gì?

Trong tuyên bố ngày 11/3/2021, AstraZeneca cho biết họ không tìm thấy bằng chứng nào về việc tăng nguy cơ thuyên tắc phổi hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu sau khi xem xét hơn 10 triệu hồ sơ. AstraZeneca cho biết quá trình xem xét còn tính cụ thể đến tuổi tác, giới tính, lô sản xuất và quốc gia sử dụng.

Chính phủ Anh cùng ngày cũng lên tiếng bảo vệ vắc xin của AstraZeneca. “Vắc xin của AstraZeneca vừa an toàn vừa hiệu quả. Nếu bạn được yêu cầu tiêm chủng, hãy tự tin tiêm”, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định.

Tổng thống Moon Jae In tiêm phòng vắc xin AstraZeneca

Chính phủ Hàn Quốc ngày 10/3/2021 cũng đã quyết định mở rộng đối tượng tiêm chủng đối với người trên 65 tuổi.

Trước đó, Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc kết luận vắc xin AstraZeneca về tổng thể là an toàn nhưng đã loại người trên 65 tuổi khỏi đối tượng tiêm vắc xin này vì tỷ lệ người cao tuổi tham gia thử nghiệm lâm sàng chỉ ở mức 7,4%, chưa đủ để chắc chắn hoàn toàn. Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc cũng yêu cầu AstraZeneca ghi chú nội dung là “Phải quyết định thận trọng khi sử dụng cho người trên 65 tuổi”.

Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc mới đây lại dựa theo theo kết quả nghiên cứu của Anh và Scotland: vắc xin AstraZeneca có hiệu quả phòng dịch đối với người trên 70 tuổi. Theo đó, cơ quan phòng dịch dự kiến sẽ tiến hành tiêm phòng cho khoảng 376.000 bệnh nhân và nhân viên trên 65 tuổi tại các bệnh viện và cơ sở điều dưỡng trong tháng 3.

Nhằm trấn an người dân, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và đệ nhất phu nhân Kim Jung Sook tuyên bố sẽ tiêm vắc xin COVID-19 của hãng dược AstraZeneca ngày 23/3/2021. Tổng thống Moon năm nay 68 tuổi, phu nhân 66 tuổi nên việc Tổng thống tiêm phòng sẽ đi đầu làm gương, dập tắt một số ý kiến nghi ngờ về tính an toàn, hiệu quả của vắc xin COVID-19.

Ngoài ra, việc tiêm phòng nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Anh của ông Moon Jae In để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vào tháng 6. Việc tiêm phòng sẽ được tiến hành theo đúng quy trình tiêm chủng của Cơ quan quản lý dịch bệnh (KDCA).

Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức tại Anh từ 11-13/6. Vào ngày 22/1 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi thư mời lãnh đạo Hàn Quốc tham dự hội nghị, và tổng thống Moon đã đồng ý tham dự. Hội nghị thượng đỉnh lần này ngoài 7 quốc gia G7 còn mời lãnh đạo Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) tham dự.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).