Một chủ nhà hàng bán lẩu Trung Quốc Maratang vừa chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội.

Vào khoảng 8 giờ tối ngày 6/6/2021, anh nhận được một đơn đặt hàng qua ứng dụng Baemin và hẹn sẽ giao đồ ăn tới cho khách trong vòng 50 phút.

Đến 9 giờ 45 phút tối, anh nhận được điện thoại của khách phàn nàn rằng bún bị trương, hương vị của món ăn cũng rất dở nên “không thể ăn được”. Sau khi tiếp nhận phản hồi này, anh hứa sẽ ngay lập tức nấu bát canh mới cho khách và nhắc khách trả lại đồ cũ khi nhân viên giao hàng tới.

Khi đó, vị khách này có nói là “Đã ăn một chút”, nhưng chủ nhà hàng có thoả thuận là “Nếu chỉ ăn một chút thì không sao.”

Nhưng sau khi nhân viên giao hàng mang set đồ bị trả lại về, chủ nhà hàng kiểm tra trong túi thì thấy vị khách trên đã ăn sạch bách mọi thứ, chỉ chừa lại chút nước canh và vài sợi mỳ lõng bõng.

Thấy rõ là mình bị lừa, chủ cửa hàng có gọi điện lên tổng đài của ứng dụng gọi đồ ăn nhờ can thiệp, anh và nhân viên tổng đài liên tục gọi điện nhưng vị khách kia nhất quyết không chịu nhận máy.

Sau khi câu chuyện này được chia sẻ, cộng đồng mạng Hàn Quốc vô cùng bức xúc và lên án vị khách khôn lỏi kia, có người nói: “Đây là lừa đảo, là ăn cướp của người ta rồi còn gì!”.

Dạo gần đây, những thủ đoạn “gọi đồ nhưng đòi ăn không”của một số thành phần bất hảo ngày càng tinh vi. Có một câu chuyện khác cũng được một nhân viên giao hàng chia sẻ trên mạng xã hội.

Anh kể đã đặt đồ ăn ở trước cửa theo yêu cầu của khách, nhưng 30 phút sau thì có điện thoại của trung tâm khách hàng báo khách chưa nhận được đồ, yêu cầu anh phải bồi thường tiền hàng, và tất nhiên là phí giao hàng cũng không được nhận.

Nhân viên giao hàng này quay trở lại chỗ giao đồ nhưng không thấy túi đồ ăn đâu, nhấn chuông cửa nhưng cũng không thấy ai mở cửa. Thấy nghi, anh báo cảnh sát và nhờ kiểm tra CCTV ở hành lang và phát hiện thấy có một người đàn ông đã đến xách túi đồ ăn đi, lạ hơn nữa là trong suốt thời gian đó, cửa ngôi nhà đặt địa chỉ gọi đồ ăn đó không hề mở cửa. Vậy tại sao khách hàng trong nhà biết là đồ ăn không đến?

Hoá ra là có kẻ đã cố tình lấy địa chỉ của ngôi nhà không có người, đợi đồ ăn đến thì lén lút mang đi chỗ khác, sau đó lại gọi cho trung tâm khách hàng đòi hoàn tiền.

Để đề phòng những trường hợp lừa đảo này, anh nhân viên giao hàng khuyên các đồng nghiệp, hãy làm giống như Coupang man, khi giao đồ không gặp khách hàng thì phải chụp ảnh lại vị trí đặt đồ ăn để sau này còn có chứng cớ đối chất.

Do dịch COVID-19 nên nhu cầu đặt hàng online ở Hàn Quốc tăng lên gấp đôi. Các kiểu lừa đảo, chơi xấu liên quan đến đặt và giao hàng theo đó cũng muôn hình vạn trạng hơn. Thời gian vừa qua cũng có nhiều vụ tố cáo nhân viên giao hàng “ăn vụng” đồ ăn của khách.

Có người kể “Tôi gọi 7 cái bánh Dounut mà mở ra chỉ thấy có 4 cái”, CCTV thang máy của một chung cư phát hiện có cảnh người giao hàng đang cúi lom khom rút một miếng pizza của khách, sau đó còn nắn nót xếp các miếng pizza còn lại cho ngay ngắn.

Thậm chí trên mạng còn có group kín của các nhân viên giao hàng, họ chỉ cho nhau cách “ăn vụng không để lại dấu vết”. “Nên chuẩn bị sẵn một cái túi kín hay có hộp giữ lạnh mini thì càng tốt, lấy mỗi đơn một ít là được đầy hộp, buổi tối tha hồ có cái ăn.”

Ở Hàn Quốc có một khái niệm “배달거지” – “ăn mày giao hàng”, chỉ trường hợp người giao hàng hoặc chính khách hàng ăn vụng đồ ăn trình độ cao như những trường hợp trên.

Một chủ quán gà ở Daegu chia sẻ “Có nhiều khách hàng gọi suất 순살 – gà rán rút xương nhưng phàn nàn là thấy số miếng gà ít quá, không giống lượng nguyên con”. Vì vậy, có cửa hàng bán gà còn chế ra tấm dán an toàn ghi rõ “trong hộp có 15 miếng gà rán” để trấn an khách hàng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).