Tết Đoan Ngọ, hay quen gọi trong tiếng Việt là Tết diệt sâu bọ, tết nửa năm… rơi vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Năm 2020, Tết Đoan Ngọ rơi vào thứ Năm, ngày 25/6/2020 (theo dương lịch).

Tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông và gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm. Một số nước chịu ảnh hưởng văn hóa Nho giáo như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đón tết này. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, Tết Đoan Ngọ lại được biến tấu và mang những ý nghĩa văn hoá nội hàm khác nhau.

Trong tiếng Hàn, Tết Đoan Ngọ được gọi là Dano (단오) hay Surit-nal (수릿날). Tuy không phải ngày quốc lễ và được kỉ niệm với quy mô lớn như Tết Trung Thu Chuseok hay Tết Nguyên Đán Seollal, nhưng Tết Đoan Ngọ cũng có ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hoá tinh thần của người Hàn Quốc từ xưa đến nay.

Trung Quốc: Tết Đoan Ngọ là để tưởng nhớ Khuất Nguyên?

Theo giải thích của học giả Chu Xử trong sách “Phong Thổ Ký” thì Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương; Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Sở dĩ Tết này được gọi là Tết Đoan Ngọ, chính vì tháng năm là tháng bắt đầu nắng to, khi dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa.

Người Trung Quốc còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết Trùng Ngũ hay Đoan ngũ. Trùng Ngũ là hai số 5 gặp nhau, ý chỉ mồng 5 tháng Năm. Ngoài ra xưa kia ở kinh kỳ, người ta gọi ngày mồng 1 tháng năm là Đoan Nhất, ngày mồng 2 là Đoan Nhị, ngày mồng 3 là Đoan Tam, ngày mồng 4 là Đoan Tứ và ngày mồng 5 là Đoan Ngũ.

Quan niệm phổ biến cho rằng Tết Đoan Ngọ gắn liền với một nhân vật trong lịch sử Trung Quốc là Khuất Nguyên.

Khuất Nguyên, tên Bình, hiệu Linh Quân (340 TCN – 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ.

Đến cuối đời, ông lại bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú “Hoài Sa” rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.

Giờ đây, người Trung Quốc vẫn duy trì trò đua thuyền rồng trên sông vào ngày Tết Đoan Ngọ. Tập tục này cũng có nguồn gốc từ việc người dân tìm vớt Khuất Nguyên trên sông.

Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.

Bánh nếp thường được chuẩn bị từ tối hôm trước bằng cách ngâm gạo với lá tre. Tùy mỗi vùng khác nhau mà nhân bánh nếp có thể là thịt, đỗ xanh, long nhãn, trứng mặn hay bột dẻ, hạt tiêu…

Ngoài bánh nếp, người Trung Quốc còn uống rượu hùng hoàng được làm bằng cách lên men lúa mạch với hùng hoàng, một khoáng vật màu vàng được người dân Trung Quốc dùng để xua đuổi sâu bọ, côn trùng.

Tại sao người Việt gọi Tết Đoan Ngọ là tết diệt sâu bọ?

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã hơn: Tết diệt sâu bọ hoặc có một cái tên khác là “Tết Nửa Năm”(cũng có nơi là gọi là Giữa Năm).

Lý giải về tên gọi “Tết Nửa năm”, tác giả Nguyễn Ngọc Thơ trong “Lại bàn về nguồn gốc Tết Đoan Ngọ” giải thích: “Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm”.

Các sử gia Việt Nam khẳng định, tuy trong suốt quá trình lịch sử, Việt Nam có tiếp nhận văn hoá Trung Quốc, nhưng Tết Đoan Ngọ hoàn toàn là thành quả từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp phương Nam của các bộ tộc Bách Việt.

Nhà nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm giải thích: “Từ ngàn xưa đây vốn là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gây dựng nên. Do nằm dọc hai bên chí tuyến Bắc, mùa hè ở đây oi bức, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. May mắn, người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại, nhờ vậy phong tục Tết Đoan Ngọ hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng của chu kỳ tuần hoàn thời tiết.”

Theo quan niệm dân gian, người Việt Nam gọi Tết Đoan Ngọ là Tết Diệt sâu bọ bởi đây là giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết nên dịch bệnh, sâu bọ dễ phát sinh. Nếu không diệt trừ sâu bọ sâu bọ sẽ làm hỏng mùa màng nên phải cúng Tết Đoan Ngọ.

Không những thế, cứ vào tháng 5, thời tiết oi bức là con người hay ốm đau. Do đó, cúng Tết Đoan Ngọ có 2 nhiệm vụ: Bảo vệ sức khỏe khỏi ốm đau và ăn hoa quả như thụ lộc, thụ hưởng thành quả lao động. Từ đó những loại như rượu nếp, mận, vải có chức năng diệt các loại sâu bọ.

Buổi sáng sớm, những người bà, người mẹ hay phụ trách việc đi chợ trong gia đình thường dậy sớm để mua các đồ cúng lễ, các món ăn sẽ dùng trong ngày lễ Đoan Ngọ. Lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ sẽ có đôi chút khác nhau theo vùng miền. Ví dụ như, miền Bắc có bánh tro trên mâm cúng còn miền Nam có bánh ú, chè trôi nước, miền Trung lại có chè kê.

Ngày Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc không thể thiếu rượu nếp. Rượu nếp có vị ngòn ngọt, cay cay rất dễ chịu, cả người già, con trẻ đều có thể ăn được. Ngày nay, kinh tế phát triển hơn, nhu cầu về những thức ăn cúng Tết Đoan Ngọ cũng dễ dàng đáp ứng hơn nên sự háo hức của trẻ con thành phố đối với ngày này có lẽ cũng nhạt dần.

Tết Đoan Ngọ của người Hàn Quốc

Ngoài cách gọi theo âm Hán là Da-no (단오), cũng là Đoan Ngọ, người Hàn Quốc còn có tên gọi khác là Surinal (수릿날). Ở đây, “Suri” có nghĩa là “Thần”, là “cao”, tức là vị thần tối cao, ám chỉ mặt trời. Tết Đoan Ngọ báo cho mọi người biết ánh nắng chói chang của mùa hè sắp lan tỏa khắp nơi, cây cối hoa màu cũng sắp tới thời điểm sinh trưởng tốt tươi nhất trong năm.

Tuy có cùng tên, cùng ngày lễ với Việt Nam và Trung Quốc nhưng nguồn gốc ngày lễ Đoan Ngọ ở Hàn Quốc cũng có những khác biệt về cơ bản.

Năm 2005, Lễ hội có hơn 1.000 năm lịch sử mang tên Tết Đoan Ngọ vùng Gangneung (강릉 단오제) đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Vào thời điểm UNESCO xét duyệt, người Trung Quốc kịch liệt phản đối kết quả này. Tuy nhiên, UNESCO đã xác định mặc dù cùng tên gọi nhưng Tết Đoan Ngọ của vùng Gangneung không hề có liên quan gì với tích Khuất Nguyên của Trung Quốc. Đó chỉ là nghi thức tế lễ cầu nguyện bình an cho các làng mạc thuộc khu vực tỉnh Gangneung. Đây là nghi thức mang tính cộng đồng, kết hợp hài hòa tinh thần của các tôn giáo Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân tộc.

Dựa theo nguồn gốc của lễ hội này thì Tết Đoan Ngọ gắn liền với lễ cúng hai vị thần linh thiêng của vùng Gangwon là thờ tướng quân Kim Yu Shin của vương quốc Silla làm thần núi (Sơn thần) của vùng đèo Daegwallyeong (대관령산신) và thờ nhà sư Phiếm Nhật (범일국사, 810~889) triều đại Silla làm quốc sư Thành Hoàng (대관령국사성황) (tức thần Thành Hoàng). Đây là hai vị thần trấn ải đèo Daegwanryeong được coi là cửa ngõ của vùng Gangneung.

Theo quan niệm dân gian thông thường, Tết Đoan Ngọ là dịp cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại. Vào thời điểm này ở Hàn Quốc, việc cấy lúa đã hòm hòm, những người lao động sẽ được dịp hoà mình trong những màn nhảy múa ca hát tưng bừng.

Một tiết mục thú vị trong ngày Lễ hội Tết Đoan Ngọ vùng Gangneung chính là màn nhảy múa ca hát này được đặt tên là “Gwanno Gamyeongeuk” tức là “kịch mặt nạ của những người nô bộc”.

Ngoài vùng Gangneung ra còn có múa mặt nạ vùng Eunyul và Bongsan, tỉnh Hwanghae (Bắc Hàn), Gangneung, Sandae vùng Gyeonggi… Đa phần đây là những màn diễn tấu mang nội dung chế nhạo, trào phúng giới thượng lưu trong xã hội phong kiến.

Ngày thường, phận kẻ ăn người ở đâu dám lớn tiếng như vậy, chỉ trong ngày này thì ngay cả các gia đình khét tiếng trong vùng cũng bỏ qua cho đám người lam lũ này. Có thể nói rằng trong ngày Tết Đoan Ngọ, giới thượng lưu, thường dân, nô bộc đều bình đẳng và đều là con cháu của đất trời.

Một phần không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ tại Hàn Quốc là các trò chơi dân gian.

Nam giới sẽ khẳng định sức mạnh của mình với trò đầu vật (Ssireum, 씨름). Khu vực thi đấu là một vòng tròn viền cát dày. Hai đối thủ quỳ trên cát, nắm chặt satba (샅바, một loại thắt lưng của người Hàn Quốc) của đối phương. Người thắng cuộc sẽ là người hạ đo ván đối thủ dưới đất, với điều kiện không một bộ phận nào của cơ thể đối thủ được cao hơn gối của người thắng. Phần thưởng cho nhà vô địch trong cuộc thi này là một con bò to khỏe.

Tết Đoan Ngọ cũng là ngày người phụ nữ Hàn Quốc được giải phóng ra khỏi bốn bức tường nhà, được phép tìm tới những dòng suối trong veo, mát lạnh để gội đầu, hay chơi đánh đu dưới bầu trời trong xanh cao vút.

Bức tranh của hoạ sĩ Shin Yoon Bok (신윤복) khắc hoạ cảnh nghỉ ngơi, chơi đánh đu và gội đầu bên suối của phụ nữ Hàn Quốc xưa kia.

Một nét văn hóa Hàn Quốc thú vị khác trong ngày tết này đó là tục lệ gội đầu bằng nước lá cỏ Thạch Dương Bồ (창포물) để có mái tóc óng ả, suôn mượt.

Gội đầu cho các bé gái để tái hiện lại phong tục truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc

Hoa của cây Thạch Dương Bồ (창포꽃)

Đến cả các cô gái đài các giới thượng lưu ngày thường chỉ quanh quẩn trong dinh thự, nhưng tới ngày Tết Đoan Ngọ cũng được cha mẹ cho phép ra ngoài ngắm cảnh. Người Hàn Quốc còn bông đùa với nhau rằng Đoan Ngọ là “Ngày bà góa đi lấy chồng” và là “ngày lấy đá làm gối ngủ”.

Trường ca hát kể chuyện Pansori “Xuân Hương ca” (춘향전) cũng có đoạn tả cảnh chàng Lý Mộng Long phải lòng Xuân Hương khi thấy nàng chơi đánh đu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Không chỉ đối với cỏ cây và vạn vật trên thế gian, Tết Đoan Ngọ còn là ngày khởi nguồn những mối tình đầu trong sáng nồng cháy.

Vào Tết Đoan Ngọ, người Hàn Quốc ăn 2 loại bánh truyền thống đó là Suritteok (수리떡, 수리취절편) và Yaktteok (약떡).

Món Suritteok có tên xuất phát từ từ Sure (수레) nghĩa là bánh xe. Bánh làm từ lá ngải cứu trần lấy nước, trộn cùng bột gạo. Bánh có màu xanh và được nặn giống hình bánh xe.

Bánh Yaktteok được làm từ gạo không dính nấu chín nhưng không phải với lá ngải cứu mà với các loại hạt khác nhau và tạo thành những hình dáng đa dạng. Đây là một đặc sản của vùng phía nam tỉnh Jeolla.

Vào ngày này, người Hàn Quốc thường tặng nhau những chiếc quạt xinh xắn bởi người Hàn Quốc có câu: “Dano tặng quạt, đông chí tặng lịch”. Dịp Tết Đoan Ngọ thường diễn ra vào những ngày đầu hè vì vậy những chiếc quạt là món quà truyền thống hấp dẫn mà người Hàn Quốc thường trao tặng nhau để xua tan đi những cái nóng trong hè sắp tới.

Phong tục này đã đươc hình thành và duy trì từ thời Joseon. Thậm chí, chính nhà vua cũng tặng quạt cho các cận thần theo chức vụ từ cao tới thấp.

Trong xã hội hiện đại ngày hôm nay, những phong tục về ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam và Hàn Quốc đã bị mai một đi nhiều. Tuy nhiên, theo quy luật tuần hoàn khí tiết thì đây ngày có dương khí thịnh nhất trong năm, nên nếu có dịp, các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm những nét văn hoá truyền thống và lan toả nguồn năng lượng tích cực của bản thân cho gia đình và những người xung quanh, đúng theo tinh thần của ngày Tết này nhé!

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).