Thế hệ 8x, 9x tại Việt Nam hẳn còn nhớ những trò chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ như đánh chuyền, nhảy dây, kéo co, ô ăn quan… Cho đến nay, nhiều trẻ em tại các cùng quê vẫn hàng ngày chơi những trò chơi dân gian này.

Những trò chơi không quá khó nhưng cũng khiến lũ trẻ con ngày ấy chơi mải miết cả ngày không biết chán, mà niềm vui của kẻ thắng cũng thật giản đơn, khi thì là hoa quả trái cây hái trong vườn, khi thì là một chuyến công kênh từ đầu đến cuối làng, có khi cũng chẳng có gì chỉ cần được những đứa trẻ khác công nhận như một vị vua là đã vui suốt cả ngày.

Văn hoá Việt – Hàn có nhiều nét tương đồng

Trẻ con tại những miền quê ở Hàn Quốc cũng không ngoại lệ, những trò chơi dân gian đi liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ.

Nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố cũng được bố mẹ dạy chơi các trò chơi dân gian, vừa để rèn cho con nhiều đức tính tốt khi còn nhỏ, vừa cho con một tuổi thơ tinh thần phong phú. Do ảnh hưởng của văn hoá và phong tục châu Á, có rất nhiều trò chơi dân gian của Hàn Quốc giống hệt Việt Nam. Các gia đình đa văn hoá Việt – Hàn hoàn toàn có thể dạy con chơi vì nó phù hợp với văn hoá cả 2 nước.

Nhảy lò cò (Nhảy ô)

Hai cha con vui vẻ chơi nhảy lò cò tại Hàn Quốc

Nếu bạn nghĩ trò chơi dân gian nhảy ô là trò chơi chỉ xuất hiện tại Việt Nam thì bạn đã nhầm. Nhảy ô phổ biến rộng rãi là là trò chơi dân gian của nhiều quốc gia và châu lục trên thế giới. Từ các quốc gia Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… đến các nước ở các Châu lục khác như Anh, Pháp, Mỹ… các bạn nhỏ đều thích chơi trò chơi này.

Trẻ em Việt Nam chơi nhảy lò cò

Cách chơi cùng rất đơn giản, hai bên cùng nhảy từ đầu đến cuối của dãy ô, nhảy tách 2 chân ở chỗ có 2 ô, và chụm chân lại ở chỗ có 1 ô, rồi quay ngược lại, ai nhanh hơn sẽ thắng.

Ô ăn quan

Nếu Việt Nam có những trò chơi dân gian như ô ăn quan, thì Hàn Quốc có Yutnori, cũng là một trò chơi rất thú vị dành cho trẻ em. Đặc biệt vào năm mới, mọi người thường hay cùng nhau chơi Yutnori để kỳ vọng vào năm mới thật nhiều thuận lợi trong cuộc sống.

Yutnori của Hàn giống trò chơi ô ăn quan của Việt Nam

Người chơi sẽ tung 4 gậy yut lên để xác định các bước đi trên bàn chơi. Nếu có 1 cây mặt ngửa gọi là “do” (도) thì được đi thêm 1 bước, 2 cây mặt ngửa gọi là gae (개) được đi 2 bước, 3 cây mặt ngửa gọi là geol (걸) được đi 3 bước, 4 cây mặt ngửa gọi là yut (윷) được đi 4 bước. Nếu không có cây nào ngửa thì gọi là mo (모) và được đi 5 bước, đặc biệt, nếu bắt được ngựa hay bò của đối phương sẽ được tung yut 2 lần. Cả 4 quân của người nào (đội nào) về đích trước thì sẽ thắng cuộc.

Trò chơi ô ăn quan tại Việt Nam giúp trẻ luyện tính tư duy và tính toán tốt. Luật chơi cũng rất đơn giản, dù không phải tung xúc xắc nhưng cần phải căn ke các viên sỏi ở mỗi ô để làm sao ăn được ô quan (ô to nhất ở 2 đầu) của đối phương. Ai ăn được quan của đối phương trước sẽ thắng. Số sỏi tại mỗi ô nhỏ thay đổi liên tục nên cần sự tập trung cao độ và cần thêm một chút may mắn.

Thả diều

Trẻ em Hàn Quốc thường chơi thả diều mỗi dịp Tết đến

Giống như ở Việt Nam, thả diều cũng là trò chơi được rất nhiều bạn trẻ Hàn Quốc yêu thích. Hình mẫu của một con diều Hàn Quốc xét về tổng thể là rất đơn giản nhưng về mặt cấu trúc khung hình lại được xây dựng với tính chính xác cao. Người Hàn thường thả diều trong dịp Tết với mong muốn giải trí, tiễn tai ương năm cũ và đón chào may mắn trong năm mới.

Cánh diều gắn liền với tuổi thơ của trẻ em Việt Nam

Ở Việt Nam, trẻ em chơi thả diều bất kể thời gian nào trong năm, chỉ cần khoảng đất rộng nhiều gió, cánh diều buộc đơn giản bằng những que tre que nứa và giấy dầu, giấy nilon, nhiều em còn sáng tạo thêm những chiếc đuôi rồng đuôi phượng cho cánh diều thêm độc đáo, diều của ai bay cao hơn càng chứng tỏ người đó làm diều giỏi và khéo tay.

Kéo co

Kéo co cũng rất phổ biến tại Hàn Quốc từ lâu đời

Nghi lễ và trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở Đông và Đông Nam Á, thể hiện quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, niềm tin và ước nguyện của con người, đặc biệt là của cộng đồng cư dân nông nghiệp về mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Ở Hàn Quốc, kéo co là nghi lễ phổ biến của người dân các địa phương ở Dangjin thuộc tỉnh Chungcheongnam; Samcheok thuộc tỉnh Gangwon; Namhae, Milyang, Euiryung, và Changnyeong thuộc tỉnh Gyeongsangnam.

Và ở Việt Nam cũng vậy

Ở Việt Nam, kéo co không chỉ là một môn thể thao mà nó vừa là một trò chơi dân gian, vừa là một nét sinh hoạt văn hóa gắn với những quan niệm tâm linh của nhiều dân tộc. Trò chơi kéo co đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2003.

Con quay (Cù)

Trẻ em Hàn tụ tập chơi con quay và bộ con quay của Hàn Quốc

Đây là trò chơi tương tự với chơi con quay ở Việt Nam. Trẻ em Hàn Quốc có thể chơi trên mặt đất hoặc mặt nước đóng băng trong mùa đông dịp Tết. Con quay ở Hàn Quốc thường được làm từ gỗ cây bạch dương, gỗ cây thông hoặc gõ cây táo. Điều khác biệt duy nhất đó là trẻ em Hàn Quốc thường dùng que để chơi con quay.

Con Cù của Việt Nam

Ở Việt Nam, trẻ em thường dùng dây mềm như vải, dây sợi bông, dây sợi gai, dây sợi đay… khá chắc. Tùy từng loại cù, trẻ em quấn vào phần trên hay phần dưới của chiếc cù sau đó văng mạnh xuống vị trí đất đã định. Khi văng cù, dây được đồng thời kéo mạnh ngược trở lại, tạo lực cho cù quay tít dưới mặt đất. Cù của ai quay được lâu hơn hoặc đánh trúng cù của đối phương thì thắng.

XEM THÊM: 20 Đặc trưng văn hóa của người Hàn Quốc

author-avatar

About 수하

“Chúng ta không cần phải học giỏi Văn để có thể viết truyện, chúng ta chỉ cần sống ý nghĩa cuộc đời của mình. Và Hạnh Phúc chính là một hành trình!”

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).