Ngày 13/6/2021, Công đoàn Lao động Chuyển phát toàn Hàn Quốc cho biết, một nhân viên giao hàng họ Lim (47 tuổi) của Lotte Delivery Unjung, được chuyển đến bệnh viện vào 7 giờ sáng cùng ngày và được chẩn đoán mắc chứng đa xuất huyết não.

Khoảng 4 giờ 30 phút sáng, vợ anh đã phải gọi cấp cứu 911 sau khi phát hiện thấy triệu chứng bất thường. Hiện nay tuy đã được phẫu thuật, nhưng anh Lim vẫn đang rơi vào trạng thái bất tỉnh.

Lim thường đi làm lúc 7 giờ sáng về nhà vào lúc nửa đêm, tức khoảng 3 giờ sáng ngày hôm sau. Anh làm việc tới 15.5 giờ mỗi ngày, trung bình 93 giờ một tuần và gần đây đã làm việc thêm. Trong lúc làm việc ở trạm giao hàng phường Unjung ở Seoul, anh phải đảm nhiệm giao 250 kiện hàng một ngày và khoảng 6.000 kiện hàng mỗi tháng.

Chuyện của anh Lim chỉ là một trong số nhiều trường hợp nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc đang phải đánh đổi mạng sống của mình để đảm nhiệm công việc cực khổ này.

Công việc béo bở?

Ở Hàn Quốc, so với mặt bằng chung các công việc lao động chân tay thì làm giao hàng chăm chỉ cũng sẽ đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, thậm chí còn cao hơn nhân viên văn phòng rất nhiều. Làm giao hàng có thể được ví như doanh nghiệp một người, làm bao nhiêu thì kiếm được bấy nhiêu.

Đầu năm 2021, CJ Logistics, công ty chuyển hàng có quy mô lớn nhất Hàn Quốc công khai lương bình quân của nhân viên là 7 triệu KRW mỗi tháng và hơn 20% nhân viên giao hàng có mức lương trên 100 triệu KRW mỗi năm.

Tất nhiên, con số này mới chỉ là thu nhập ròng, nếu trừ đi 30% các khoản chi phí cho đại lý, xăng dầu, bảo dưỡng xe thì số tiền lương thực tế rơi vào khoảng 4.9 triệu KRW một tháng. Nhiều tài xế kiếm 100 triệu KRW một năm thường huy động cả người nhà hoặc thuê người làm thêm để gom thêm hàng.

Đó là mức lương của công ty top đầu, ở những công ty vận chuyển khác, các nhân viên giao hàng có mức lương vào khoảng 3.5 triệu KRW sau khi trừ các loại chi phí. Nhưng trên thực tế, các nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc và người nhà của họ ít khi “khoe” lương, vì tất cả đều ngầm hiểu đây là những đồng tiền đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt và đôi khi là mạng sống mới có được.

Một trong những nỗi ám ảnh của những người giao hàng ở Hàn Quốc là “과로사” – quá lao tử, tức tử vong vì làm việc quá sức.

“Tôi về nhà lúc 5 giờ sáng, ăn cơm, tắm giặt xong, chưa kịp nghỉ ngơi thì đã phải đến kho để phân loại hàng. Mệt quá sức!” – Đây là một phần trong những tin nhắn anh Kim (36 tuổi) gửi cho đồng nghiệp than thở trước khi đột tử tại nhà ngày 12/5/2021.

Chỉ tính trong năm 2021 đã có 15 nhân viên giao hàng tử vong, nhóm tuổi của các nạn nhân giao động từ 20 ~ 50 tuổi.

Trước tình trạng này, công đoàn lao động chuyển phát toàn Hàn Quốc quyết định đứng dậy đấu tranh để cải thiện tình trạng làm việc quá tải hiện nay.

Chỉ riêng phân loại đã mất 8 tiếng

Công việc hàng ngày của một nhân viên giao hàng bao gồm: Phân loại hàng theo từng khu vực cụ thể, xếp dỡ hàng lên xe và giao hàng.

Việc phân loại hàng tưởng như đơn giản nhất trong 3 công đoạn trên, nhưng thực ra lại tốn nhiều thời gian nhất. Trước đây, khi lượng hàng còn ít thì các nhân viên giao hàng bắt buộc phải coi đây là một phần việc “đương nhiên” phải làm, nhưng càng về sau, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát, số kiện hàng mỗi ngày đã tăng lên gấp đôi, gấp ba.

Theo Hiệp hội Logistics Hàn Quốc, khối lượng chuyển phát bưu kiện nội địa hàng năm đã tăng 47 lần, từ 59.75 triệu kiện hàng năm 1998 lên 2.79 tỷ kiện hàng vào năm 2019. Khối lượng hàng hóa còn tăng 30% (khoảng 3.6 tỷ kiện) trong năm 2020 do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát về điều kiện làm việc thực tế của 821 nhân viên giao hàng trong tháng 8/2019 (mùa thấp điểm), 80.4% cho biết phải làm việc trung bình mỗi tuần là 71.3 giờ; vào mùa cao điểm thì thời gian trung bình vượt quá 80 giờ.

Một tài xế giao hàng của CJ Korea Express cho biết, do lượng hàng tăng nhanh hàng năm, một tài xế giao hàng phải mất ít nhất 5 giờ để phân loại sản phẩm hàng ngày và đôi khi lên đến 8 giờ vào các ngày lễ tết hoặc mùa cao điểm. Vì vậy, các tài xế thường phải đi làm từ sớm mới có thể kịp phân loại và giao hàng.

Một tài xế giao hàng làm việc ở Hanjin chia sẻ: “Tự bao giờ, việc phân loại đã trở thành một thứ “lao động không công” mà các nhân viên giao hàng phải đảm nhiệm. Tôi quá mệt mỏi vì phải phân loại, bốc dỡ hàng nên đã phải thuê người phụ giúp mình việc này, mỗi tháng khoảng 400.000 KRW, nhưng cuối cùng phải từ bỏ vì không đủ sức chi trả tiền công.”

Kiên quyết đàm phán đòi quyền lợi

Từ ngày 9/6/2021, công đoàn lao động chuyển phát toàn Hàn Quốc đã bắt đầu tổng đình công vô thời hạn và đến ngày 14/6/2021 cũng cho biết sẽ tiếp tục đình công vì chưa tìm được tiếng nói chung với phía chủ tuyển dụng.

Trước đó, trong quá trình đàm phán ngày 8/6, phía các công ty chuyển phát đề xuất hoãn thêm một năm việc bố trí nhân lực phân loại hàng hóa. Tuy nhiên, phía công đoàn đã phản đối đề xuất này, tuyên bố tiến hành đình công.

Phía công đoàn nhấn mạnh, “công ty chuyển phát nhanh nên xin lỗi những người lao động và gia đình của họ đã sa sút vì làm việc quá sức và đi đến một thỏa thuận xã hội.”

Phía công đoàn cho biết chỉ có 2.000 thành viên tham gia đình công, bằng một phần ba tổng số thành viên công đoàn này. Hơn 4.000 người còn lại vẫn đang tiếp tục “hành động tập thể” từ ngày 7/6, từ chối công việc phân loại hàng hóa và đi làm vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày, muộn hơn bình thường.

Sáng ngày 14/6/2021, nhân viên chuyên phát bưu điện thuộc công đoàn lao động chuyển phát toàn Hàn Quốc tổ chức cuộc biểu tình tại sảnh Bưu điện Post Tower, quận Yeongdeungpo, Seoul.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).