Chế độ nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc đã tồn tại hơn 60 năm kể từ năm 1957, sau khi chiến tranh Triều Tiên được coi là tạm kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7 năm 1953.

Theo đó, tất cả nam thanh niên mang quốc tịch Hàn Quốc ở độ tuổi 18 ~ 28 với sức khỏe bình thường đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc với thời hạn từ 1.5 ~ 2 năm, tùy theo từng loại hình phục vụ trong quân ngũ hay các cơ sở khác. Phụ nữ không bị bắt buộc nhưng hoàn toàn có thể tham gia trong trường hợp tự nguyện.

Hàn Quốc hiện tại là quốc gia có tỉ lệ nam giới tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự nhiều nhất thế giới, sau là Israel và Singapore và Bắc Hàn. Năm 2010, đã có nhiều lời kêu gọi rút ngắn thời gian phục vụ trong quân ngũ hoặc chuyển dần sang chế độ nhập ngũ tự nguyện. Tuy nhiên, yêu cầu này đã được chính phủ Hàn Quốc bác bỏ sau khi cân nhắc đến hai sự kiện lớn lúc bấy giờ là sự cố đắm tàu Cheonan và vụ ném bom Yeonpyeong.

Nổi tiếng với sự nghiêm khắc và công bằng, chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc tại Hàn Quốc đã nhiều lần được đưa tin trên các trang báo lớn nước ngoài, tiêu biểu như sự kiện BTS – nhóm nhạc nổi tiếng thế giới với giá trị ước tính lên tới 4.65 tỉ USD đóng góp vào GDP Hàn Quốc (2018) – cũng không thể được xem xét đặc cách nghĩa vụ quân sự.

Đáp lại quan điểm của người hâm mộ và một số chính trị gia cho rằng các thành viên ban nhạc nên được miễn trừ kèm điều kiện đối với việc gia nhập quân ngũ vì những nỗ lực và cống hiến to lớn của họ vào sự phát triển kinh tế, văn hóa Hàn Quốc, đại diện chính phủ cho biết:

“Việc miễn giảm nghĩa vụ quân sự cho các nghệ sỹ văn hóa nhạc pop vì những đóng góp của họ vào danh tiếng nước nhà không phù hợp với quan điểm của chính phủ về bình đẳng và công bằng.”

Tuy nhiên, hẳn nhiều người nước ngoài quan tâm đến Hàn Quốc không hề biết rằng trên thực tế, vẫn có khoảng trên 1% số người đến tuổi nhập ngũ được đặc cách thực hiện chế độ nghĩa vụ thay thế thay vì huấn luyện tập trung khoảng 2 năm trong quân ngũ. Và gần như toàn bộ những trường hợp này đều không hề nổi tiếng trong công chúng.

Chế độ nghĩa vụ quân sự thay thế

Chế độ nghĩa vụ quân sự thay thế (대체복무제) hay còn được biết đến dưới tên 병역특례, là chế độ xem xét miễn giảm hoặc thay đổi phương thức thực hiện nghĩa vụ cho một số đối tượng được ghi nhận có vai trò đặc biệt.

Thay vì huấn luyện tập trung toàn thời gian trong quân ngũ, đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự thay thế được phép duy trì cuộc sống dân sự bình thường sau khi tham gia khóa huấn luyện quân sự cơ bản kéo dài 4 tuần và làm việc tại các cơ sở chỉ định của chính phủ trong các khoảng thời gian liên tục hoặc chỉ vài tháng mỗi năm.

Hiện tại, mỗi năm có tối đa 7.500 trường hợp nằm trong diện thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự thay thế. Trong đó, chỉ có ít hơn 45 trường hợp là các vận động viên thể thao hay nghệ sỹ giao hưởng đạt giải thưởng lớn quốc tế.

Các trường hợp đặc cách nằm trong 3 nhóm chính:

– Người có tay nghề cao trong ngành công nghiệp (산업기능요원) – tối đa 4.000 suất
– Lính dự bị trên tàu thuyền (승선근무예비역) – tối đa 1.000 suất
– Nhà nghiên cứu chuyên môn (전문연구요원) – tối đa 2.500 suất

Ngoài nhóm người lao động có tay nghề cao và lính dự bị trên tàu là hai nhóm lao động đặc hữu, nhóm các nhà nguyên cứu chuyên môn phần lớn là các học viên cao học (thạc sỹ, tiến sỹ) thuộc nhóm ngành STEM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Toán).

Trong trường hợp các thạc sỹ ngành STEM, sau khi hoàn thành chương trình học và nhận bằng thạc sỹ, họ được yêu cầu làm việc trong vòng 3 năm tại các cơ sở nghiên cứu được chính phủ chỉ định.

Còn với trường hợp các nghiên cứu sinh, toàn bộ quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ nằm trọn trong chương trình tiến sỹ. Nói cách khác, họ sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự của mình tại thời điểm nhận bằng tiến sỹ. Hẳn không quá lời khi cho rằng việc học tập và nghiên cứu của họ cũng được coi như một dạng đóng góp, phụng sự đất nước.

Tiêu chí này cũng cho thấy sự hết mình của chính phủ Hàn Quốc trong sự nghiệp phát triển đất nước bằng con đường khoa học công nghệ kỹ thuật – vốn là nhân tố chính tạo nên kỳ tích sông Hán trong giai đoạn phát triển đất nước hậu đình chiến.

Thậm chí vào tháng 11/2019 vừa qua, trong nỗ lực điều chỉnh số đối tượng thực hiện nghĩa vụ quân sự thay thế nhằm đáp ứng lại tình trạng thiếu hụt quân sỹ trong quân đội, mặc dù số suất cho phép ở các nhóm lao động tay nghề, thủy thủ và thạc sỹ STEM đều lần lượt bị giảm đi tới 20%, quota dành cho các nghiên cứu sinh KH-CN-KT-TH vẫn được giữ nguyên để đảm bảo nhu cầu chuyên gia bậc cao của đất nước.

Theo thống kê, trong số 1.000 nghiên cứu sinh thực hiện nghĩa vụ quân sự thay thế năm 2019, có tới 40% hiện đang theo học tại 4 viện nghiên cứu khoa học lớn của Hàn Quốc là KAIST (Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc), UNIST (Viện Khoa học Công nghệ Quốc gia Ulsan), GIST (Viện Khoa học Công nghệ Gwangju) và DGIST (Viện khoa học công nghệ Daegu-Gyeongbuk). 600 người còn lại là các nghiên cứu sinh tại 113 trường đại học khác trên cả nước.

Trong số 400 nghiên cứu sinh tại 4 viện nghiên cứu nói trên, 65% (260 người) đang theo học tại KAIST – viện nghiên cứu quốc gia đầu tiên được xây dựng theo định hướng khoa học công nghệ tại Hàn Quốc. Được thành lập vào năm 1971 với cơ sở chính đặt tại thành phố Daejeon, cùng với SNU và POSTECH, KAIST luôn nằm trong top 3 cơ sở giáo dục đại học danh giá nhất Hàn trong nhiều năm qua.

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).