Hàn Quốc là một trong những quốc gia có luật nghĩa vụ quân sự khắc nghiệt nhất thế giới. Ở Hàn Quốc, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là giấy chứng nhận cho lòng yêu nước của mỗi công dân. Vì thế, hầu như tất cả nam thanh niên Hàn Quốc độ tuổi từ 18 ~ 35 đều phải dành một quãng thời gian tuổi trẻ của mình để thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Những trường hợp miễn, giảm nghĩa vụ ở Hàn Quốc chủ yếu là do vấn đề sức khỏe như người tàn tật, người mắc bệnh tâm thần, truyền nhiễm, không có khả năng lao động…

⇢ Xem thêm các bài viết hay về quân sự và chiến tranh:

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, những quân nhân này sẽ được đưa vào danh sách dự bị. Trong vòng 6 năm sau khi xuất ngũ, những quân nhân dự bị này sẽ được tập huấn mỗi năm vài tuần để ôn lại các kỹ năng chiến đấu của mình.

Hàn Quốc có luật nghĩa vụ hà khắc như vậy bởi trên thực tế, quốc gia này vẫn đang trong tình trạng đình chiến chứ không phải là đã kết thúc chiến tranh với Bắc Hàn. Mối đe dọa thường trực từ quốc gia láng giềng đã buộc Hàn Quốc phải trong tư thế sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra. Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt quan tâm tới việc huấn luyện quân sự và sẵn sàng cho những tình huống an ninh bất ngờ.

Đi nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc

Nam thanh niên Hàn Quốc trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự có quyền chọn thời điểm thực hiện nghĩa vụ. Cũng như các quốc gia khác, họ thường bắt đầu thời hạn nghĩa vụ quân sự của mình trước khi đi học đại học. Hoặc trong khi học đại học bằng cách bảo lưu kết quả học tập. Hoặc sau khi vừa tốt nghiệp đại học.

Theo luật pháp Hàn Quốc, nam giới bước qua tuổi 18 sẽ phải ghi danh nhập ngũ. Khi bước qua tuổi 19, thanh niên sẽ phải khám sức khỏe để nhập ngũ, tuy nhiên chưa bắt buộc nhập ngũ ngay mà có thể được hoãn.

Thông thường, nam giới Hàn Quốc sẽ nhập ngũ ngay sau khi học đại học xong vì hồ sơ quân nhân là một trong những thứ giấy tờ cực kỳ quan trọng, giúp họ có lợi thế hơn khi đi xin việc. Các công ty, tập đoàn của Hàn Quốc cũng không muốn nhận những người chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự vì sớm muộn họ cũng sẽ phải nghỉ làm trong 2 năm để thực hiện việc này.

Luật pháp Hàn Quốc quy định tất cả nam giới phải đi nghĩa vụ quân sự trước sinh nhật lần thứ 28, ngoại trừ những người không đủ điều kiện sức khỏe hoặc các vận động viên vô địch Asiad hoặc đoạt huy chương tại Olympic (từ HC đồng trở lên).

Đi nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc

Hàn Quốc có kỷ luật quân ngũ nghiêm túc và cực kỳ khắc nghiệt. Từ việc ăn, ngủ, tập luyện, vui chơi, thể dục thể thao cho tới vấn đề nhỏ nhất là vệ sinh hàng ngày, lính nghĩa vụ đều phải tuân thủ theo giờ giấc, quy định cụ thể. Hai năm trong quân ngũ, họ sẽ phải tham gia các bài tập huấn luyện vô cùng gian khổ, hà khắc, hoàn toàn thay đổi nếp sống hàng ngày trong gia đình.

Tất cả các nam thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều trở nên rắn rỏi và trưởng thành lên rất nhiều. Chính môi trường rèn luyện trong quân đội đã giúp họ có được thể lực cường tráng cùng tinh thần đoàn kết và trách nhiệm.

Nghĩa vụ quân sự là bình đẳng

Nếu như ở một số quốc gia, những người bình thường có thể được miễn giảm nghĩa vụ quân sự khi có lý do chính đáng, thì ở Hàn Quốc, không có ai có thể trốn tránh khỏi nhiệm vụ này. Thậm chí những người nổi tiếng cũng không được ưu tiên hơn người bình thường.

Nhiều nghệ sĩ trong giới giải trí đã mất cả sự nghiệp sau khi trở về từ nghĩa vụ quân sự bởi 2 năm là quãng thời gian đủ cho người hâm mộ có thể quên lãng đi các ngôi sao từng nổi tiếng của mình. Họ buộc phải chấp nhận điều này bởi nếu bị đánh giá về lòng yêu nước, lòng trung thành và trách nhiệm với tổ quốc, họ có thể còn nhận búa rìu dư luận còn tồi tệ hơn.

Ca sĩ Yoo Seung Joon (còn gọi là Steve Yoo) được xem là vết nhơ của showbiz Hàn. Năm 2002, ngay khi có lệnh nhập ngũ, giọng ca sinh năm 1976 tìm mọi cách chối bỏ tư cách công dân Hàn để nhập tịch Mỹ. Sự việc khiến anh bị cấm vĩnh viễn không được nhập cảnh trở lại vào Hàn Quốc.

Đi nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc

Suốt 13 năm sống xứ người, Yoo Seung Joon chưa từng biện minh hay xin lỗi cho hành động này. Chỉ đến khi bị đánh thuế thu nhập tại Los Angeles lẫn Trung Quốc quá cao, gặp khó khăn về tài chính vào năm 2015, qua một kênh truyền hình ở Hong Kong, anh quỳ gối hối lỗi và tha thiết mong chính phủ Hàn Quốc gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh.

Ca sĩ nổi danh một thời khóc thảm thiết và nói thấy mình như tội phạm, tù nhân chính trị. Anh khẳng định nếu được về nước sẽ lập tức thực hiện nghĩa vụ quân sự ở tuổi 39. Thời điểm đó, quân đội Hàn không nhận người quá 38 tuổi. Sự việc khiến anh tiếp tục bị ném đá. Đến nay 16 năm đã trôi qua, ca sĩ chưa một lần được trở về quê hương.

Một nghệ sĩ nổi tiếng khác, rapper, MC Mong (tên thật là Sin Dong Hyun) cũng khiến công chúng nước này thất vọng khi trì hoãn nghĩa vụ quân sự đến bảy lần (1999-2006). Lý do anh đưa ra là lưu diễn nước ngoài, tu nghiệp, bị thương… Thậm chí năm 2010, anh cố tình nhổ 12 chiếc răng hàm để bị đánh trượt.

Theo luật Hàn Quốc, công dân mất chín chiếc răng hàm sẽ được miễn nhập ngũ. Sau khi bị phanh phui gian dối, ca sĩ phải hầu tòa nhiều lần, bị kết án 06 tháng tù giam và 01 năm quản chế… Sau thi hành án, anh bị cấm xuất hiện trong các chương trình giải trí. Đến nay, sau khi mãn án, dù có tài, anh vẫn bị dư luận tẩy chay và không thể lấy lại được danh tiếng.

Đi nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc

Dư luận Hàn Quốc giữ vai trò người giám sát cực kỳ nghiêm khắc đối với những thành phần đặc biệt tham gia nghĩa vụ quân sự. Mỗi lần tiến hành bầu cử chính phủ mới, báo chí đều đăng tải thông tin về địa điểm và thời gian mà các thành viên nội các từng phục vụ quân đội.

Công luận cũng tập trung tìm hiểu về quá trình thi hành nghĩa vụ quân sự của con cái các nghị sĩ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn và các nhân vật nổi bật khác. Đối với người Hàn Quốc, điều rất quan trọng là con cái tầng lớp thượng lưu phải bình đẳng với con cái của tầng lớp bình dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trước năm 2009, Hàn Quốc từng cho phép những người thuộc diện con lai hoặc con em của các gia đình đa văn hóa được miễn nhập ngũ. Tuy nhiên, từ sau năm 2009, luật nghĩa vụ quân sự được sửa đổi, theo đó, không còn bất cứ người bình thường nào được miễn trừ nhiệm vụ. Con lai cũng là thành viên của xã hội Hàn Quốc, nên cần phải bình đẳng như mọi thanh niên khác. Chính vì thế, lời tuyên thệ nhập ngũ của thanh niên Hàn Quốc cũng được chỉnh sửa từ vì quốc gia dân tộc thành vì quốc gia quốc dân.

Vào năm 2018, Hàn Quốc đang xôn xao vụ 12 sinh viên của một nhạc viện trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách không giống ai đó là tăng cân. Những thanh niên này đã cố tình ăn rất nhiều thức ăn giàu calo như pizza, hamburger với hy vọng trở nên béo phì, sau đó là trượt bài kiểm tra thể chất và không phải nhập ngũ. Họ ăn 5 bữa 1 ngày, trong suốt 6 tháng. Kết quả là mỗi người đã tăng 30kg. Đây như một nỗ lực tuyệt vọng, tự biến mình thành một dạng người không đủ khả năng, để trốn nghĩa vụ quân sự.

Đầu năm 2019 cũng có vụ 8 thanh niên giả điếc để trốn nghĩa vụ quân sự. Những thanh niên này đã cố ý nghe âm thanh cường độ cao từ còi hơi để bị điếc tạm thời nhằm khai nhận trong hồ sơ để bị loại.

Chế độ trong quân ngũ Hàn Quốc

Từ năm 2019 quân nhân Hàn Quốc vừa được tăng lương, vừa được rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự và được ra ngoài. Cụ thể là:

Lương của binh nhất (mới nhập ngũ) là 306.000 KRW (~ 6.732.000 VND) và tăng dần theo cấp bậc.

Đi nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc

Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự của nam giới Hàn Quốc giảm từ 21 tháng xuống 18 tháng đối với lục quân, 23 tháng xuống 20 tháng đối với hải quân và 24 tháng xuống còn 22 tháng đối với không quân.

Bắt đầu từ tháng 2/2019, các binh sĩ sẽ có thể ra ngoài sau khi kết thúc thời gian tập huấn. Thời gian ra ngoài cho phép là 4 tiếng, từ 5 giờ 30 phút chiều tới 9 giờ 30 phút tối. Binh sĩ có thể xin phép ra ngoài với mục đích cá nhân như đi khám bệnh, phát triển bản thân, tiếp gia đình, tham gia hoạt động tập thể của đơn vị, nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng tới trạng thái sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Top 10 nhóm nhạc nữ được các anh lính Hàn Quốc yêu thích

Ngoại trừ lý do xin ra ngoài là hoạt động tập thể của cấp tiểu đội, trung đội, thì binh sĩ có thể xin ra ngoài hai lần trong một tháng cho các mục đích cá nhân. Quân đội có thể cho phép 35% binh lực trực thuộc các đơn vị ra ngoài.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đang thí nghiệm việc sử dụng điện thoại sau khi kết thúc giờ huấn luyện và sẽ công bố quyết định chính thức về thời gian áp dụng trên toàn quân trong nửa đầu năm 2020.

Mặc dù việc sử dụng điện thoại mới đang chỉ là thí điểm, nhưng các quân nhân Hàn Quốc là người vui mừng nhất với quyết định này. Chiếc điện thoại đã khiến cuộc sống trong quân ngũ của họ đỡ buồn tẻ hơn rất nhiều.

Bộ Quốc phòng sẽ cho phép binh lính sử dụng điện thoại di động từ 18 ~ 22 giờ tối vào các ngày trong tuần, 7 ~ 22 giờ tối vào ngày nghỉ, áp dụng với các binh sĩ đóng quân ở mọi khu vực, ngoại trừ một số khu vực có an ninh kém. Điện thoại di động sẽ được bảo quản chung hoặc do cá nhân tự bảo quản. Các tính năng như ghi âm, chụp hình sẽ bị kiểm soát theo quy định hoặc bằng hệ thống chuyên dụng.

Binh lính Hàn Quốc thường dùng điện thoại nhiều nhất để liên lạc với gia đình, tiếp theo là lướt Internet, mua sắm, nghe bài giảng trực tuyến, xem Facebook, Instagram và chơi game…

Ngoài việc tập luyện gian khổ, quân nhân Hàn Quốc cũng hưởng nhiều ưu đãi trong việc khám sức khoẻ và chữa bệnh. Những cửa hàng dành riêng cho quân nhân có giá rẻ hơ 20~30% so với giá trên thị trường và đều là những mặt hàng có chất lượng tốt nhất.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).