Hàn Quốc những năm đầu thập niên 1990 chứng kiến sự phát triển thần kỳ về kinh tế và đô thị mà thế giới được biết đến với tên gọi “Kỳ tích sông Hàn” (한강의 기적). Kỳ tích ấy khiến người Hàn Quốc tin rằng họ có thể làm được mọi thứ, chỉ cần làm việc thật chăm chỉ.

Trên con đường trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ 4 châu Á như ngày nay, Hàn Quốc đã phải trả giá rất nhiều, bằng những cái chết, do tốc độ phát triển hạ tầng quá nhanh trong khi khía cạnh an toàn chưa theo kịp. Đó là mảng tối không mong muốn của “Kỳ tích sông Hàn”.

Hai năm trước khi xảy ra thảm kịch trên cầu Seongsu, hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên toàn quốc, như: tai nạn cầu Sinhaengju (신행주대교) 14 trụ cầu bị nhấn chìm xuống sông Hàn khi đang thi công ngày 31/7/1992, tai nạn sập cầu Chamseon ở Namhae (남해 참선교), nứt tường trên tuyến tàu điện ngầm số 2 ở thủ đô Seoul, sập chung cư Wooam (우암상가아파트) ở Chungbuk…

Những tai nạn này đáng lẽ là lời cảnh báo với chính quyền về việc chọn nhà thầu giá rẻ và quản lý an toàn lỏng lẻo cho các công trình công cộng có thể gây ra thảm hoạ bất cứ lúc nào. Nhưng không có cảnh báo hay thay đổi nào được đưa ra cho đến khi xảy ra thảm hoạ sập cầu Seongsu bắc qua sông Hàn ở thủ đô Seoul.

Thảm hoạ gãy cầu Seongsu tưởng như sẽ là cú sốc lớn nhất trong ngành xây dựng Hàn Quốc khi có tới 32 người chết và 17 người bị thương. Nhưng chưa đầy một năm sau đó, nó trở thành “thảm hoạ bị lãng quên” khi xảy ra vụ tai nạn sập trung tâm thương mại Sampoong (삼풍백화점), cũng ở thủ đô Seoul, ngày 29/6/1995 khiến 502 người chết và hơn 900 người bị thương.

30 năm sau, vụ sập trung tâm thương mại Sampoong vẫn là thảm hoạ có số người chết nhiều nhất ở Hàn Quốc.

Những tai nạn chết người liên tục xảy ra khiến nhiệm kỳ của tổng thống Kim Yeung Sam (김영삼) được gọi là kỷ nguyên của thiên tai, hậu quả của việc đi tắt, hy sinh các vấn đề về an toàn trong việc theo đuổi thành công nhanh chóng.

Thảm kịch sập cầu Seongsu khiến 32 người chết
7:38 phút ngày 21/10/1994, đoạn cầu dài 48m ở nhịp thứ 10 và 11 của cầu Seongsu trên sông Hàn bị sập khiến 32 người chết và 17 người bị thương.
Thảm hoạ sập trung tâm thương mại Sampoong 502 người chết ở Seoul
Ngày 29/6/1995, trung tâm bách hoá Sampoong ở thủ đô Seoul bị đổ sập khiến 502 người bị chết và hơn 900 người bị thương. Thảm hoạ có số người chết nhiều nhất Hàn Quốc cho đến tận ngày nay.

Thảm kịch cầu Seongsu

Sáng thứ Sáu, 7 giờ 38 phút ngày 21/10/1994, một đoạn dài 48m ở nhịp thứ 10 và 11 trên cây cầu Seongsu bị đứt lìa và rơi thẳng xuống sông Hàn mang theo 5 chiếc xe ôtô, trong đó có chiếc xe bus nội thành số 16 xấu số. Chiếc xe bus lúc đầu còn lơ lửng ở phần rìa của cầu, sau đó rơi thẳng xuống đỉnh của đoạn cầu đứt gãy trong tư thế lộn ngược khiến 29 trong số 32 hành khách trên xe chết ngay lập tức, trong đó có 8 học sinh trường trung học nữ Muhak (무학여자고등학교) và 1 học sinh trung học cơ sở Muhak.

Thảm hoạ chết người trên cầu Seongsu hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu chính quyền không lựa chọn nhà thầu giá rẻ, cũng như thực sự lắng nghe báo cáo của người dân. Tai nạn không xảy ra đột ngột, nó được báo trước 1 ngày trước đó, và thậm chí là 60 phút trước khi xảy ra.

Cầu Seongsu dài 1.2km, khánh thành vào tháng 10/1979, đúng 15 năm trước khi xảy ra tai nạn.

Theo thiết kế, cầu Seongsu chỉ cho phép 80.000 xe có trọng tải tối đa 18 tấn chạy qua mỗi ngày. Nhưng sau khi đường cao tốc Dongbu (동부간선도로) đoạn Seongsu - Sanggye hoàn thành 1 năm trước đó đã khiến lưu lượng xe qua cầu tăng gấp đôi, khoảng 160.000 xe chạy qua cầu mỗi ngày. Thêm nữa là ở ngay đầu cầu phía Bắc có nhà máy bê tông trộn sẵn Sampyo, các xe trộn bê tông nặng tới 25 tấn chạy qua chạy lại hàng ngày mà không bị giới hạn.

Gần một ngày trước khi xảy ra tai nạn, vào lúc 21 giờ tối ngày 20/10/1994 nhiều vết rạn bất thường trên cầu được phát hiện và báo cáo. 6 giờ sáng ngày 21/10/1994, tức khoảng 1 tiếng đồng hồ trước khi xảy ra tai nạn, một số người dân đã báo cáo về các vết nứt mới xuất hiện trên cầu cùng với miếng thép che khe hở cầu bị bung ra. Nhưng không có cảnh báo nào được đưa ra, cây cầu cũng không bị chặn lại.

07 giờ 38 phút sáng ngày 21/10/1994, một tiếng đồng hồ sau cảnh báo cuối cùng, tai nạn kinh hoàng đã xảy ra khiến 32 người chết.

Sau này khi điều tra lại, người ta mô phỏng đúng cấu trúc của cây cầu Seongsu bằng cách sử dụng chính các mối hàn lỗi trên cầu thì phát hiện ra rằng việc cây cầu vẫn hoạt động tới 15 năm cũng là một… kỳ tích, bởi ngay cả khi lưu lượng và trọng lượng xe qua cầu thấp hơn mức thiết kế thì cầu Seongsu cũng sẽ sụp đổ sau 12 năm. Và với lưu lượng và trọng lượng của xe theo thực tế thì cầu chỉ trụ được… 8.5 năm. Có quá nhiều sai sót trong trong thiết kế và xây dựng cầu được phát hiện.

Thảm kịch sập cầu Seongsu khiến 32 người chết
Ngược lại với chiếc xe bus màu tím số 16 xấu số bị nát vụn khiến 29 người thiệt mạng, chiếc xe tải mini màu xanh hiệu Kia Best lại còn nguyên vẹn, không ai bị thương.

Hậu quả và trách nhiệm

Sau khi tai nạn xảy ra, Dong-A Construction (동아건설), công ty xây dựng cầu Seongsu lên tiếng sẽ chịu hoàn toàn các chi phí sửa chữa cầu trong 5 năm để tránh các cáo buộc pháp lý nhưng không được công chúng chấp nhận. Sau cùng, trước sự phẫn nộ của dư luận, công ty này đã phải đăng xin lỗi chính thức trên báo chí, đồng thời sẽ chi 150 tỉ won để xây mới lại cây cầu Seongsu, cũng như sẽ chi thêm 10 tỉ won nữa cho thành phố để quản lý và tu sửa lại toàn bộ các cây cầu bắc qua sông Hàn ở khu vực thủ đô Seoul.

Việc xây dựng cây cầu Seongsu mới được giao cho công ty xây dựng Hyundai (Hyundai E&C), khởi công ngày 26/4/1995 và hoàn thành vào ngày 03/7/1997.

7 năm sau vụ tai nạn, toà án tối cao Seoul phán quyết thảm hoạ xảy ra do chất lượng xây dựng kém của Dong-A Construction. Tập đoàn Dong-A bị giải thể vào năm 2001, còn công ty xây dựng Dong-A trở thành công ty con của tập đoàn SM vào năm 2007.

Tai nạn sập cầu Seongsu cũng đã châm ngòi cho cuộc đại tu trong giới lãnh đạo của chính quyền thủ đô.

Tổng thống Hàn Quốc Kim Yeung Sam xin lỗi quốc dân và gia quyến của người bị nạn.

Thủ tướng đương nhiệm Lee Young Deuk (이영덕) đệ đơn từ chức ngay trong ngày 21/10 và đến ngày 24/10 thì bị bãi nhiệm.

Thị trưởng Seoul đương chức Lee Won Jong (이원종) bị bãi nhiệm ngay lập tức (tại nhiệm từ 08/3/1993 ~ 21/10/1994). Cũng nên biết là ông Lee Won Jong được đặt vào vị trí thị trưởng của thủ đô vì đã xử lý tốt vụ tai nạn sập chung cư Wooam ở Chungbuk khiến 28 người chết hơn 1 năm trước đó (우암상가아파트, ngày 07/1/1993).

Người kế nhiệm ông Lee Won Jong là Woo Myung Gyu (우명규) cũng chỉ tại vị được đúng 11 ngày (22/10 ~ 03/11/1994) và phải từ chức sau khi bị phát hiện chính là người đã đồng ý cho xây dựng câu cầu Seongsu. Tại thời điểm xảy ra tai nạn cầu Seongsu, ông Woo Myung Gyu đang là tỉnh trưởng Gyeongbuk (경상북도), còn tại thời điểm cây cầu Seongsu được xây dựng thì ông này đang là Giám đốc Sở Xây dựng của thành phố Seoul.

Khi đó, chức thị trưởng Seoul vẫn do chính quyền Trung ương chỉ định chứ không phải thông qua bầu cử như ngày nay.

Công ty xây dựng và các quan chức chính quyền chịu trách nhiệm giám sát cây cầu bị trừng phạt. Nhưng dân chúng vẫn nghi ngờ rằng tham nhũng trên diện rộng đã góp phần giúp công ty xây dựng thoát được các cáo buộc trong thủ tục pháp lý cuối cùng.

Điều này trái ngược hoàn toàn với vụ chìm tàu Sewol xảy ra đúng hai thập kỷ sau đó vào năm 2014, khiến 304 người chết hoặc mất tích, sau đó một cuộc điều tra toàn diện của chính phủ đã được tiến hành và phát hiện tham nhũng liên quan đến việc kiểm tra an toàn lỏng lẻo.

Thảm kịch sập cầu Seongsu khiến 32 người chết
Hàng chục phút sau khi xảy ra tai nạn sập cầu Seongsu, đội cứu nạn mới có mặt ở hiện trường.

Cải tổ hệ thống kiểm tra an toàn

Tham nhũng, hối lộ và thông đồng là nguyên nhân gây nên những thảm hoạ lớn ở Hàn Quốc giai đoạn xảy ra vụ sập cầu Seongsu. Chính quyền thuê các nhà thầu giá rẻ để xây dựng các công trình quan trọng, các cơ quan giám sát an toàn ăn hối lộ để bỏ qua những lỗi xây dựng của nhà thầu…

Sau khi cầu Seongsu bị sập, lần đầu tiên Hàn Quốc thuê công ty giám sát an toàn nước ngoài để phối hợp cùng với công ty xây dựng trong nước Hyundai E&C xây một cây cầu Seongsu mới. Công ty giám sát được chỉ định là High Point Rendel của Anh quốc.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn trên cầu Seongsu, Hàn Quốc đã tiến hành kiểm tra đánh giá mức độ an toàn của hơn 500 cây cầu trên khắp toàn quốc. Và tiếp theo vụ sập trung tâm thương mại Sampoong vào năm sau đó, Hàn Quốc cũng bắt đầu tiến hành kiểm tra và đánh giá an toàn của tất cả các toà nhà cao tầng trên toàn quốc.

Kết quả kiểm tra các toà nhà cao tầng đã gây sốc và sợ hãi về những công trình được xây dựng trong những năm 1980. 14.3% các toà nhà cao tầng cần được cải tạo, 80% phải đại tu và chỉ có 2% ở trong tình trạng an toàn.

Đối với các cây cầu bắc qua sông Hàn, phần lớn phải phá đi xây dựng lại, trong đó có các cây cầu nổi tiếng như cầu Gwangjin (phá đi xây lại), cầu Mapo (phá đi xây lại), cầu Yanghwa (phá đi xây lại), cầu Hannam (đại tu), cầu đường sắt Dangsan (phá đi xây lại).

Đáng chú ý nhất là cầu đường sắt Dangsan. Cây cầu này có tuyến tàu điện ngầm line 2, được đánh giá là có vấn đề về an toàn mà nhiều người tin rằng nó sẽ sập đầu tiên, nếu cầu Seongsu không bị gãy. Sau tai nạn trên cầu Seongsu, cầu Dangsan cũng nằm trong danh sách phải đại tu lại, và nó đã tự sập xuống ngày 22/5/1997 khi đang tháo dỡ, rất may không có thương vong.

Vụ tai nạn gãy cầu Seongsu làm thay đổi hoàn toàn hệ thống quản lý an toàn cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc.

Ngày 05/1/1995, chính phủ ban hành Đạo luật Đặc biệt về An toàn và Bảo trì Cơ sở Hạ tầng (gọi tắt là Đạo luật An toàn Cơ sở Hạ tầng). Tên tiếng Hàn đầy đủ là 시설물의 안전 및 유지관리에 관한 특별법 (viết tắt là 시설물안전법). Đạo luật này được thực thi từ ngày 06/4 cùng năm. Cơ quan An toàn Cơ sở Vật chất quốc gia Hàn Quốc (한국시설안전공단) được thành lập để thực thi đạo luật này.

Đạo luật An toàn Cơ sở Hạ tầng yêu cầu phải kiểm tra thường xuyên và chi tiết về mức độ an toàn của tất cả các công trình từ 10 năm tuổi trở lên.

Đạo luật này phân loại cơ sở hạ tầng công cộng thành 3 nhóm, theo quy mô. Các cây cầu bắc qua sông Hàn thuộc nhóm cấu trúc công cộng hạng nhất, tuân theo quy trình kiểm tra gắt gao nhất từ 4 đến 6 năm một lần, tuỳ thuộc vào số điểm đạt được sau mỗi lần kiểm tra. Số lượng các cây cầu bắc qua sông Hàn đã tăng từ 19 vào năm 1994 lên 31 cây ở thời điểm hiện tại.

30 năm sau thảm kịch cầu Seongsu, lại một cây cầu khác ở Hàn Quốc bị tai nạn khiến 1 người chết và 1 người bị thương. Ngày 06/4/2023, cây cầu Jeongja bắc qua suối Tan ở thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi (경기 성남시 탄천 정자교) đột nhiên bị sập một bên cầu ở phía Đông, cạnh ngã tư làng Neuti (느티마을사거리).

Cầu Jeongja là cấu trúc công cộng hạng hai, nó đã 30 năm tuổi và chỉ được kiểm tra chủ yếu bên ngoài chứ không cần kiểm tra kỹ lưỡng như cấu trúc hạng một.

Sau vụ tai nạn cầu Jeongja, Hàn Quốc quyết định rằng kể từ tháng 7/2023 trở đi tất cả các cơ sở hạ tầng của tất cả các nhóm có tuổi đời từ 30 năm trở lên phải được kiểm tra và chẩn đoán an toàn đầy đủ.

Những điều kỳ lạ và ghi chép

Ngày xảy ra tai nạn sập cầu Seongsu cũng là ngày kỷ niệm của cảnh sát Hàn Quốc (경찰의 날, 21/10). Chiếc xe van (xe tải mini) màu xanh hiệu Kia Best chở một trung uý xuất sắc và các sĩ quan cảnh sát khác đang trên đường tham dự lễ biểu dương thì gặp tai nạn. Chiếc xe rơi xuống sông ngay lập tức cùng với đoạn cầu gãy dài 48m nhưng không ai bị thương, chiếc xe cũng còn nguyên vẹn như có thể thấy trong hình. Tất cả sĩ quan cảnh sát trong xe đã cống hiến hết mình để cứu các nạn nhân khác trong vụ tai nạn.

Hàng chục phút sau khi vụ tai nạn xảy ra, đội cứu nạn mới tới hiện trường. Sau này bị chỉ trích thì đã giải thích như sau: Tai nạn đứt một khúc cầu trên sông Hàn nghe rất là rất vô lý, thêm nữa là vào những năm 1990 có rất nhiều cuộc điện thoại chơi khăm mà không bị pháp luật xử lý, nên nhân viên tiếp nhận cũng nghĩ đây là một trò chơi khăm!?

Sau khi xảy ra tai nạn, một điều luật mới chỉ định sự ưu tiên hàng đầu với học sinh trung học phổ thông ở khu vực nội thành Seoul là… không bao giờ được đi qua sông Hàn. Điều luật này tồn tại khoảng chục năm rồi mới biến mất. Và những học sinh đã thiệt mạng trong vụ tai nạn cũng được nhà trường trao bằng tốt nghiệp danh dự.

Trong số 32 người chết, có một người nước ngoài mang quốc tịch Philippines.

Thời điểm xảy ra tai nạn, khái niệm điều trị sang chấn tâm lý PTSD còn rất xa lạ với người Hàn Quốc. Và hình ảnh một học sinh phải điều trị PTSD còn tồi tệ hơn là để mặc. Vì vậy, bất chấp thảm hoạ vừa xảy ra và còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới kỳ thi đại học, các học sinh nữ của trường trung học nữ Muhak chỉ có một buổi tưởng niệm ngắn vào sáng ngày hôm sau sau đó vào học lại bình thường chứ không hề nhận được bất kỳ điều trị hoặc tư vấn nào về tâm lý. Vụ tai nạn thực sự đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của các học sinh cùng lớp với những nạn nhân bị tử nạn trên cầu Seongsu.

Hàng loạt xe bus của thành phố Seoul đã phải sơn lại màu khác với hệ thống phân loại màu có từ năm 1988 để tránh nhắc lại sự kiện tang thương trong mắt dân chúng, đặc biệt là màu tím của chiếc xe bus số 16 xấu số.

Thảm hoạ cầu Seongsu xuất hiện rất nhiều trong văn hoá đại chúng Hàn Quốc sau này, trong phim ảnh, âm nhạc, webtoon… Nổi bật nhất là bài hát 성수대교 (Cầu Seongsu) của nhóm nhạc rap DJDOC thành lập chưa đầy 1 tháng sau tai nạn. Ca từ của bài hát lên án chính quyền và nói lên nỗi lòng của gia đình các nạn nhân.

Cầu Jeongja ở Seongnam bị sập 1 người chết và 1 người bị thương.
Ngày 06/4/2023, gần 30 năm sau thảm hoạ sập cầu Seongsu, cầu Jeongja 30 năm tuổi bị sập 1 bên thành khiến 1 người bị chết và 1 người bị thương.

Phóng sự tóm tắt thảm kịch xảy ra trên cầu Seongsu gần 30 năm trước.

Mô phỏng 3D vụ tai nạn.

Tư liệu thời sự toàn cảnh thảm hoạ sập cầu Seongsu.

Thông tin, hình ảnh và video được tổng hợp từ Korea Herald, Namuwiki, Naver và Youtube.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).