Hàn Quốc vừa tưởng niệm 26 năm (29/6/1995) xảy ra thảm hoạ trung tâm mua sắm Sampoong ở Seoul, thảm kịch thời bình lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, và cũng là vụ sập cao ốc nhiều người chết nhất thế giới cho tới khi vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ xảy ra khiến tòa tháp đôi sập xuống.

Tuy nhiên khác với vụ 11/9 hay phần đông các vụ sập nhà khác là do yếu tố thời tiết, khủng bố, hoặc quá cũ, vụ sập bách hóa Sampoong lại hoàn toàn do “chủ đầu tư”.

Đã 26 năm trôi qua nhưng nỗi ám ảnh và những bài học đau xót qua thảm hoạ này vẫn còn nguyên, đặc biệt là mới đây, vào ngày 9/6/2021 lại xảy ra vụ sập toà nhà ở thành phố Gwangju khiến 17 người thương vong.

Ở thị trấn Surfside, Mỹ vào ngày 24/6 vừa qua cũng xảy ra tai nạn sập một phần tòa nhà 12 tầng Champlain Towers South làm 4 người chết và 159 người mất tích.

20 giây định mệnh

Vào khoảng 17:52 phút ngày 29/6/1995, trung tâm thương mại Sampoong (삼풍백화점) tại phường Seocho quận Seocho (서울 서초구 서초동) ở Seoul khi đó đang có khoảng 1.500 khách hàng và nhân viên bên trong đã bất ngờ sụp đổ.

Chỉ mất 20 giây để tòa nhà 9 tầng (5 tầng trên mặt đất và 4 tầng dưới mặt đất) sụp đổ.

Vụ tai nạn làm chết 502 người và bị thương 937 người. Các tầng của tòa nhà đổ xếp chồng lên nhau từng lớp như một chiếc bánh sandwich, không còn giữ nguyên được chút hình dạng nào ban đầu.

Chủ đầu tư tắc trách

Lee Joon, ông chủ của Sampoong đã bắt đầu xây dựng toà nhà này từ năm 1989. Ban đầu, thiết kế chỉ có 4 tầng, tuy nhiên ngay trong khi đang tiến hành thi công thì ông Joon lại quyết định xây thêm một tầng phụ và một tầng để làm nhà hàng.

Trung tâm mua sắm này gồm khu phía Bắc và khu phía Nam, được nối với nhau bằng một mái vòm. Tòa nhà gồm 5 tầng, được dựng lên mà không có bộ khung thép, điều này có nghĩa là không có cách nào phân bổ sức nặng cho các tầng; kết quả là, các vết nứt dần dần xuất hiện khắp tòa nhà.

Một số kỹ sư đã lên tiếng cảnh báo nhưng lại bị ông Joon sa thải, sau đó ông ta tiếp tục cho tiến hành xây dựng mà không thông báo với chính quyền thành phố Seoul về việc thay đổi thiết kế. Về sau trong quá trình điều tra còn phát hiện một số thanh tra xây dựng đã nhận hối lộ và che đậy vụ việc.

Không chỉ thay đổi thiết kế, Lee Joon còn rút ruột công trình bằng cách làm cho các trụ đỡ tòa nhà mỏng hơn và giảm một nửa số lượng cốt thép.

Tòa nhà được hoàn tất vào cuối những năm 1980 và chính thức mở cửa vào ngày 7/7/1990. Sau 5 năm hoạt động, nó đã trở thành địa điểm mua sắm hoành tráng, sôi động vào bậc nhất ở Seoul thời đó với khoảng hơn 40.000 khách hàng mỗi ngày.

Trước khi xảy ra thảm họa, vào ngày 27/6/1995, có vụ rò khí ga khiến tầng 5 có dấu hiệu hư hỏng nhưng ông Joon gần như không có động thái khắc phục.

Vào ngày xảy ra thảm hoạ, các nhân viên bảo trì đã thông báo cho ban quản lý về các điểm cần khắc phục an toàn. Toà nhà này sử dụng hệ thống điều hòa ống nước nóng (hệ thống sưởi thời xưa, mỗi chiếc điều hoà nước nóng nặng tới 15 tấn). Hệ thống điều hoà này ban đầu được đặt ở tầng 3, rồi sau đó do dân cư xung quanh phàn nàn nên đã được chuyển lên tầng 5, tầng 5 phải chịu thêm trọng tải nặng tới 50 tấn (gấp 4 lần thiết kế cho phép).

Sau khi thấy có dấu hiệu rạn nứt ở dầm và cột trên tầng 5 vào tháng 4 cùng năm, ông Lee chỉ khắc phục bằng cách chuyển bớt các vật dụng ở tầng 5 xuống tầng hầm.

Đến ngày định mệnh 29/6/1995, tầng 5 đã nứt toác, các kỹ sư cảnh báo về nguy cơ sập toà nhà nhưng ông Lee đã ra lệnh cho nhân viên lo sơ tán kim loại quý và hàng hóa đắt tiền chứ không phải là thông báo cho khách hàng.

4 tiếng đồng hồ trước thảm hoạ, ông Joon đến cửa hàng và tổ chức một cuộc họp với các giám đốc điều hành, nhưng họ quyết định sẽ bắt đầu công việc sửa chữa sau khi đóng cửa bách hoá để tránh tai tiếng.

Chỉ đến khi sàn tầng 5 bắt đầu rung lắc mạnh thì phía quản lý toà nhà mới thông báo cho khách hàng. Nhưng đã quá muộn, hệ thống điều hòa đánh sập trần nhà quá tải rơi xuống và chưa đầy 20 giây sau cả trung tâm bách hóa sụp đổ. Ông Lee đã rời khỏi trước khi tòa sập.

Đã có 25 người, bao gồm thanh tra xây dựng bị điều tra và xử phạt hình sự vì liên quan đến việc tác động vào cấu trúc, thiết kế của tòa nhà dẫn đến thảm họa diễn ra. Ông Lee cũng bị phạt 7 năm 6 tháng tù – hơn 7 năm tù cho hơn 500 mạng người, nhiều người dân Hàn Quốc vào thời điểm đó đã cho rằng bản án này là một trò hề không hơn không kém.

Sau tai nạn này, Hàn Quốc bắt đầu học được bài học đánh giá mức độ an toàn các tòa nhà và thiết lập nhiều trung tâm cứu hộ 119 trên toàn quốc.

Ám ảnh còn mãi

Người Hàn Quốc sống trong thập niên 1990 ngày đó sẽ mãi mãi không thể quên được thảm hoạ sập trung tâm thương mại Sampoong. Người dân các địa phương khác bỏ bữa tối, dán mắt vào màn hình TV, mọi chương trình bị tạm dừng phát sóng để tường thuật công tác cứu nạn tại hiện trường.

Gia đình của những người mất tích chạy trong nước mắt đến hiện trường, tìm kiếm và gọi tên người thân.

Có giai đoạn chính quyền phải cho tạm dừng công tác cứu hộ vì sợ phần còn lại của toà nhà sẽ sụp đổ, nhưng người dân phản đối kịch liệt nên họ đã cố định phần còn lại bằng dây cáp và tiếp tục công tác tìm kiếm.

Có 40 người được cứu sống khỏi đống gạch vụn, nhưng tất cả họ đều ở dưới tầng hầm, những người ở từ tầng 1 đến tầng 5 trên mặt đất không có một người nào sống sót.

Các thiết bị cứu trợ hạng nặng như máy bay trực thăng và máy xúc, 100 xe cứu thương và lính cứu hỏa trên toàn quốc đổ về đây để tham gia công tác giải cứu, nhưng vì toà nhà quá lớn, quá nhiều nạn nhân nên người dân cũng ùa vào dùng tay để dỡ bỏ từng tấm cọc bê tông. Có 5 người ở tầng hầm đầu tiên đã được giải cứu 16 tiếng đồng hồ sau khi toà nhà bị sập.

Ngày thứ 17 sau vụ sập toà nhà, người ta vẫn cứu thêm được một nạn nhân khác là cô Park và đây là kỷ lục có nạn nhân còn sống lâu nhất trong lịch sử thảm hoạ sập nhà ở Hàn Quốc.

Một người còn sống sót trong thảm hoạ này chia sẻ: “Thảm hoạ không chọn người để xảy ra đâu. Nó có thể xảy ra với tôi, với bạn, với bất kỳ ai. Sáng nay ra khỏi nhà còn vẫy tay chào nhau đấy, nhưng đến chiều thì có thể đã cách biệt âm dương. Tôi hy vọng thế giới sẽ tuân theo những điều cơ bản nhất để giảm thiểu những thảm hoạ đau thương như thế này”.

Người đàn bà độc ác

Vào thời điểm khi người dân Hàn Quốc đang chìm trong đau thương và tập trung cầu nguyện mong có thêm nhiều nạn nhân sống sót thì vẫn có những kẻ lợi dụng cơ hội “đục nước thả câu”.

Máy quay của phóng viên đã tình cờ ghi lại cảnh một người phụ nữ đang lang thang tại hiện trường đổ vỡ. Trong khi đội cứu hộ đang tập trung vào công tác tìm kiếm thì cô ta lúi húi nhặt nhạnh những món đồ còn giá trị. Tay cô ta vơ chiếc áo và trên khuôn mặt nở nụ cười của “ác ma”.

Sau này, nhiều người dân khi xem video clip đã cố tìm tung tích của người phụ nữ trên, nhưng cho đến nay vẫn chưa xác định được nhân thân của cô ta.

Có lẽ cùng với hiện trường đổ nát, hình ảnh người phụ nữ với nụ cười “ác ma” đã trở thành nhân chứng cho một trong những thời khắc đau thương nhất của lịch sử hiện đại Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).