Dịch bệnh đang làm tê liệt nền kinh tế Hàn Quốc. Tình trạng giảm việc làm, hàng loạt các cửa hàng kinh doanh đóng cửa… khiến cho nền kinh tế Hàn Quốc rơi vào cảnh ảm đạm chưa từng thấy.

Giữa hoàn cảnh này, người dân Hàn Quốc được an ủi ít nhiều nhờ nguồn hỗ trợ khẩn cấp của nhà nước. Tuy nguồn hỗ trợ không nhiều nhưng cũng là những ngọn nến khơi lại tâm lý tiêu dùng cho toàn dân Hàn Quốc hiện nay.

Trong các nguồn hỗ trợ, hiện nay tiền hỗ trợ trẻ em đang là vấn đề quan tâm nhiều nhất. Tính đến thời điểm này, hầu hết các gia đình đã nhận được tiền hỗ trợ.

Trung bình mỗi gia đình có thể nhận 400.000KRW/trẻ. Số tiền hỗ trợ tương đối lớn nếu gia đình có 2 ~ 3 trẻ thuộc nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ.

Một số người Hàn đã lên kế hoạch sử dụng và tiết kiệm tiền hỗ trợ trẻ em một cách rất thông minh. Cô dâu gia đình đa văn hoá nên cân nhắc kế hoạch sử dụng đúng đắn nhất hơn là việc suy nghĩ nên tiêu ở đâu, tiêu như thế nào cho hết?

Với lý do tiền hỗ trợ được cấp theo 3 hình thức (tuỳ từng khu vực), cách sử dụng và có thể sử dụng ở đâu đang là vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay. Một trong những cách giúp bạn tiết kiệm tiền mặt là việc tận dụng tiền hỗ trợ để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.

Với số tiền 400.000 KRW/trẻ, cô dâu Việt nên lập một kế hoạch hoán đổi vị chi như gợi ý dưới đây.

Ví dụ gia đình chị Kim được nhận tổng tiền hỗ trợ là 800.000 KRW với hình thức Point được cấp trực tiếp vào thẻ. Chị đã hoán đổi 800.000 KRW point thành 800.000 KRW tiền mặt và lên kế hoạch rất chi tiết.

Cách hoán đổi là cuộc giao dịch giữa các thành viên trong gia đình. Chị và chồng đã bàn bạc và thống nhất việc hoán đổi giao dịch dựa trên khái niệm tiền của các con và tiền của bố mẹ.

Anh chị cho rằng 800.000 KRW tiền hỗ trợ là tiền hỗ trợ của con cái, có thể tiêu dùng cho các con. Việc quản lý kinh tế vẫn nằm trong tầm kiểm soát của 2 người nên họ quyết định không tiêu mà dùng số tiền này để tiết kiệm.

Chồng của chị Kim đã chuyển 800.000 KRW vào tài khoản cho chị Kim và tiền sinh hoạt sẽ được tận dụng tối đa bằng tiền hỗ trợ point. Chị Kim có nhiệm vụ tìm hiểu và tập trung mua đồ dùng sinh hoạt ở những địa điểm nhận thanh toán. Nhiệm vụ thứ 2 của chị là lên kế hoạch tiết kiệm cho con thật hợp lý với số tiền hỗ trợ trên.

1. Tận dùng tiền hỗ trợ trẻ em để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình

Tùy theo năng lực kinh tế và phong cách chi tiêu của mỗi gia đình, gia đình chị Kim với nguồn thu nhập duy nhất từ chồng chị – việc chi tiêu trong gia đình được chị cân nhắc kỹ càng. Chị Kim muốn tiết kiệm một cách tối đa do đây là thời điểm kinh tế khó khăn toàn cầu. Chị đã tìm hiểu những nơi có thể thanh toán bằng point.

★ Tiền hỗ trợ trẻ em có thể sử dụng được ở những địa điểm sau:

  1. Chợ truyền thống (전통시장), 동네마트 (những siêu thị nhỏ gần nhà, bao gồm siêu thị 농협하나로마트), trạm đổ xăng dầu, cửa hàng thịt, hoa quả, quán tiện ích, quán cà phê, cửa hàng bánh mỳ.
  2. Bệnh viện và hiệu thuốc khi đi khám bệnh cho con (병원, 약국)
  3. Cửa hàng quần áo, xe đạp, đồ chơi (의료, 자전거, 장난감)
  4. Hiệu làm tóc (미용실), cửa hàng kính (안경점)
  5. Hiệu đọc sách, đồ văn phòng phẩm, tiền học phí hakwon (서점, 문방구, 학원비)

★ Tiền hỗ trợ trẻ em không thể sử dụng ở những địa điểm sau:

  1. Siêu thị lớn (대형마트), trung tâm thương mại (백화점), thanh toán điện tử online (온라인전자상거래), cửa hàng kinh doanh điện tử lớn (대형전자판매점), cửa hàng miễn thuế (면세점)
  2. Trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ (어린이집, 유치원)
  3. Không thể dùng point để mua phiếu mua hàng (상품권) và vật có giá trị như vàng, bạc (귀금속)
  4. Địa điểm kinh doanh giải trí (유흥업종, 레저업종), dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm đẹp (위생업종), địa điểm bán vé sổ số (사행업종)
  5. Không thể dùng để trả thuế (국세, 지방세), phí công cộng như tiền điện, nước, điện thoại, (공공요금), bảo hiểm (보험), trả tiền thẻ tự động (phí giao thông hoặc cước phí điện thoại)

2. Kế hoạch tiết kiệm cho con

Trước đó, chị Kim đã đăng ký cho con gói tiết kiệm tổng hợp nhà ở (주택청약종합통장) cho 2 con – đây là một trong những gói tiết kiệm mà tất cả các gia đình nên chuẩn bị cho con. Hàng tháng chị chỉ đóng 20.000 KRW để duy trì việc đóng tiền tiết kiệm đều đặn.

Với tính chất của sổ là có thể đóng một lúc nhiều tiền nên chị quyết định đóng trước 4 tháng cho các con – 80.000 KRW/trẻ, tổng 160.000 KRW cho 2 con.

Chị mạnh dạn tìm hiểu về bảo hiểm “học phí” (학자금 보험) thông qua một công ty bảo hiểm nổi tiếng. Việc đóng bảo hiểm học phí hàng tháng cho 2 con có thể sẽ khiến chị phải rút bớt chi tiêu một số khoản, nên chị quyết định đăng ký gói sản phẩm ít tiền.

Sau khi mày mò tìm hiểu trên mạng, chị đã quyết định đóng bảo hiểm học phí cho 2 đứa con của mình tổng 150.000 KRW/tháng. Việc đóng bảo hiểm học phí sẽ giúp giảm bớt gánh nặng khi các con nhập học hoặc bước sang giai đoạn chuyển trường.

Chị đã bỏ riêng 450.000 KRW để đóng bảo hiểm học phí cho 2 con trong 3 tháng tới, do tình hình dịch bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến thu nhập gia đình chị, chị thực sự không muốn quá tay sẽ tạo gánh nặng cho chồng.

Còn lại 190.000 KRW chị sẽ cho vào sổ tiết kiệm tự do (자유적금), tuy loại tiết kiệm tự do không có lãi suất cao nhưng có ưu điểm là chủ nhân của cuốn sổ không bị căng thẳng nếu không có tiền để tiết kiệm hàng tháng và có thể lấy ra sử dụng khi có việc gấp.

Sổ tiết kiệm tự do điện tử của ngân hàng Kakao (카카오뱅크) rất tiện lợi trong việc quản lý, chị đã đặt tên riêng cho sổ tiết kiệm tự do này là “gói tiết kiệm tự do dành cho các con” (우리 아이들을 위한 자유적금).

Với số tiền 800.000KRW chị đã san sẻ rất chi tiết vào các mục đích tiết kiệm khác nhau sao cho vừa khớp với khả năng kinh tế của gia đình.

Mỗi một gia đình có khái niệm quản lý kinh tế, nguồn thu nhập, thói quen chi tiêu khác nhau nhưng sự chi sẻ của chị Kim là một trong những thông tin mà cô dâu Việt nên tham khảo.

Đây là một trong những bước đầu của việc học quản lý kinh tế gia đình – một trong những cách để cô dâu Việt tạo dựng chỗ đứng trong gia đình và xã hội.

NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH CHO BẠN:

author-avatar

About Nguyễn Vân

Hàn Quốc sẽ thật đẹp khi biết trân trọng vùng đất này. Sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá sẽ cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).