Các thế hệ con em các gia đình đa văn hóa đang dần trưởng thành và từng bước thích nghi với xã hội Hàn Quốc.

Theo thống kê của bộ giáo dục Hàn Quốc năm 2017, tổng số học sinh (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) là 110.000, người chiếm 1.9% tổng số học sinh của cả Hàn Quốc, tăng gấp 2 lần so với năm 2013. Theo thời gian, con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh và trong tương lai sẽ chiếm một vị trí nhân lực không nhỏ đối với xã hội Hàn Quốc.

Gia đình đa văn hóa thường bị gắn liền với cụm từ “phân biệt” (차별), “khinh bỉ” (무시) và không ít con em của các gia đình đa văn hóa đã bị phân biệt đối xử, bạo hành học đường dẫn tới nhiều câu chuyện đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên, người Hàn Quốc lại cảm thấy vô cùng “ghen tỵ” với gia đình đa văn hóa khi nhắc tới việc “giáo dục song ngữ” – một việc rất khó có thể làm được trong một môi trường thuần Hàn (일반 한국인 가정).

(MBS News : Cô dâu Việt dạy cách phát âm tiếng Việt cho con)

Các cô dâu Việt cũng đã và đang nắm rõ được “ưu thế song ngữ” của mình, nhưng họ còn “lúng túng” trong việc “giáo dục song ngữ” cho con.

Trước hết, để có đủ “kiên nhẫn”“kỹ năng” dạy 2 ngôn ngữ cho con, các cô dâu Việt cần biết rõ vai trò và lợi ích của việc giáo dục song ngữ.

– Dạy 2 ngôn ngữ cho con sẽ “giảm thiểu” tối đa sự bất tiện giao tiếp trong gia đình. Các cô dâu Việt cần cân nhắc việc dạy tiếng mẹ đẻ để con có thể giao tiếp với mẹ đẻ, ông bà ngoại hoặc họ hàng gia đình nhà ngoại.

– Việc nói lưu loát 2 ngôn ngữ cũng là một trong những “lợi thế” có thể giúp con em gia đình đa văn hóa nâng cao được giá trị bản thân và “tự tin” hơn để bước ra xã hội. Không chỉ thế, cơ hội việc làm sẽ nhiều và đa dạng hơn trước tình trạng “khó xin việc làm” ở Hàn Quốc.

Câu chuyện tuổi thơ buồn của ca sĩ Hari Won đã cho chúng ta hình dung rõ hơn về hiện thực “phân biệt đa văn hóa” ở Hàn Quốc.

Hari Won là một trong những đại diện tiêu biểu trong thế hệ đầu tiên của gia đình đa văn hóa. Nhưng câu chuyện tuổi thơ ngậm ngùi đó lại giúp Hari Won trở thành cô gái mạnh mẽ, tài năng và tạo cho mình màu sắc không ai có.

Một trong những điểm mạnh của Hari Won đó là việc sử dụng thông thạo 2 ngôn ngữ. Tuy năng lực tiếng Việt của cô vẫn chưa hoàn chỉnh so với người gốc Việt, nhưng không ai có thể phủ nhận khả năng tiến xa của Hari Won ở con đường phía trước.

(Hari Won làm trợ lý ngôn ngữ cho thầy Park)

Câu chuyện Hari Won đã không còn là câu chuyện xa vời đối với các gia đình đa văn hóa nói chung và các cô dâu Việt nói riêng.

Rồi đây, thế hệ con em gia đình đa văn hóa sẽ là trở thành những nhân tài về ngôn ngữ giúp ích cho nền kinh tế cũng như ngoại giao Hàn Quốc.

Cô bé Kim Hae Young

Một trong những chính sách giúp gia đình đa văn hóa có thêm hiểu biết sâu rộng về việc giáo dục song ngữ đó là các hoạt động thiết thực như mở cuộc thi hàng năm về nói hai ngôn ngữ dành cho các đối tượng đa văn hóa.

Trước đây, các cuộc thi lớn nhỏ thường tập trung vào đối tượng cô dâu đa văn hóa với các chủ đề thi nói, thi viết tiếng Hàn. Nhưng hiện nay, các cuộc thi sân chơi dành cho đối tượng con em gia đình đa văn hóa ngày một đa dạng và như làn gió mới mang tới sự kỳ vọng lớn cho tương lai.

Cô bé Kim Hae Young (김혜영) vô cùng cá tính đã tự tin thể hiện năng lực song ngữ của mình một cách xuất sắc trong cuộc thi nói song ngữ (이중언어 말하기 대회) tổ chức ở Hàn Quốc vào cuối năm ngoái.

(Kim Hae Young đạt giải nhất trong cuộc thi nói song ngữ toàn quốc lần thứ 7).

Với dáng người mảnh khảnh, gương mặt nhỏ nhưng đôi mắt luôn sáng ngời tự tin, bài phát biểu bằng tiếng Hàn – Việt với chủ đề “Giá trị của sự chia sẻ ngôn ngữ” (언어나눔의 가치) đã chạm đến tim của tất cả khán giả có mặt trong ngày hôm đó.

Cô bé Kim Hae Young mới chỉ 17 tuổi, xuất thân là con em gia đình đa văn hóa với mẹ là người Việt và bố là người Hàn. Em sinh ra tại Việt Nam và bắt đầu định cư cùng bố mẹ tại thủ đô Seoul khi đã lên 7 tuổi.

Những khó khăn do bức tường ngôn ngữ mà em đã trải qua được chính em kể lại mang lại sự đồng cảm cho tất cả các thế hệ con em gia đình đa văn hóa. Và trở thành “tấm gương tiêu biểu” đáng được ghi nhận.

Em kể: “Lần đầu tiên sang Hàn là khi em lên 7 tuổi. Khi đó, dù không biết một chữ tiếng Hàn nào nhưng em vẫn phải nhập học vào lớp 1 vì đã đủ tuổi đến trường.

Em cảm thấy vô cùng khó khăn khi ngồi trong lớp mà không thể hiểu những lời cô giáo giảng, ngay cả việc nói chuyện với bạn bè cũng không dễ dàng. Em không thể thích nghi được với trường học.

(Hình ảnh rạng ngời của Kim Hae Young)

Khi được hỏi về những vấn đề liên quan đến việc nói tiếng Hàn còn ấp úng, cô bé thành thật kể lại những tình huống “dở khóc dở cười”, đôi khi lại để lại vết thương lòng trong em: “Do em nói tiếng Hàn còn ấp úng nên ai cũng có thể dễ dàng nhận ra một điều rằng em là con của gia đình đa văn hóa.”

Em đã sinh ra và lớn lên với thân phận là người gốc Hàn. Nhưng khi giới thiệu em là con của gia đình đa văn hóa thì bạn bè lại nói rằng em là người Việt Nam. Em đã vô cùng hoang mang về xuất thân của mình.

Nhưng nhờ sự mạnh mẽ vốn có trong em cũng như khả năng thích nghi môi trường, năng lực tiếng Hàn của em ngày càng được bồi đắp. Trong đó, không thể không kể đến công lao to lớn của mẹ em – người cô dâu Việt đứng vững trên đất Hàn.

(Gia đình cô bé Kim Hae Young)

Nếu mẹ em không là một điểm tựa vững chắc cũng như tạo cho em sự an tâm trong cuộc sống thì chắc hẳn em sẽ không thể tự tin bước lên bục phát biểu như vậy. Mẹ em – một cô dâu người Việt đã sang Hàn định cư được hơn 10 năm.

Cũng như em, mẹ em đã trải qua một thời gian khó khăn bởi bức tường ngôn ngữ. Tuy nhiên, thông qua việc chịu khó học tiếng Hàn để tự mình thích nghi với cuộc sống tại Hàn, mẹ của cô bé Kim Hye Young – chị Dương là một trong những tấm gương tiêu biểu có nhiều hoạt động xã hội thiết thực giúp ích cho gia đình đa văn hóa.

(Chị Dương và 2 con cùng mặc áo dài Việt Nam chụp ảnh)

Chia sẻ về cách dạy hai ngôn ngữ cho con, chị rất khiêm tốn nói: “Chị chỉ thường xuyên nói chuyện với con bằng tiếng Việt khi ở nhà, đọc truyện cổ tích Việt Nam cho con nghe. Và thường xuyên cùng con tham gia các cuộc thi nói song ngữ.”

Những cuộc thi nói song ngữ tuy có quy mô nhỏ nhưng cũng là sân chơi giúp các con cảm thấy yêu thích tiếng Việt.

Khi được nhận bằng khen, các con sẽ có động lực hơn trong việc học tiếng Việt và tự tin hơn rất nhiều. Chia sẻ rất ngắn gọn nhưng lại cho thấy sự “kiên nhẫn” cũng như phương pháp giáo dục song ngữ của chị rất hiệu quả.

Cô bé Kim Hye Young đã tiết lộ rằng: “Đã có lúc, em gần như quên hết tiếng Việt do ở Hàn Quốc ít có cơ hội sử dụng tiếng Việt. Thông qua việc tham gia qua trình đào tạo ngôn ngữ tại trường học đa văn hóa (LG와 함께하는 사랑의 다문화 학교) trong 2 năm, em có cơ hội học lại tiếng Việt một cách bài bản và có cơ hội trải nghiệm thông qua các buổi cắm trại.”

(Cô bé Kim Hae Young đứng thứ 2 từ trái sang)

Chắc đây cũng là nguồn động lực để em tự tin rời khỏi vòng tay chăm sóc của mẹ quyết định nhập học tại trường trung học phổ thông ngoại ngữ Chungnam (충남외국어고등학교), chuyên ngành tiếng Việt. Cô bé mạnh mẽ tự lập với quyết định ở ký túc xá trong trường và chỉ về thăm gia đình vào những ngày không có tiết học.

Em đã chia sẻ về ước mơ của mình một cách đầy cá tính:“Em đã được các thầy cô truyền dạy ngôn ngữ và em cũng muốn mang ngôn ngữ để chia sẻ cho ai đó. Và đó là lý do em muốn trở thành cô giáo.”

Qua bài diễn thuyết của em, người ta còn thấy sự trưởng thành trước tuổi và những suy nghĩ bao dung xuất phát từ sự đồng cảm trong em: “Gia đình đa văn hóa không phải tồn tại để hứng chịu những phân biệt. Gia đình văn hóa tồn tại khi có sự đồng lòng. Vậy nên, nếu xung quanh bạn có những bạn là gia đình đa văn hóa, dù có đôi chút thiếu sót đi chăng nữa hãy cùng nhau làm nên một thế giới tốt đẹp hơn.”

Cô bé Kim Hye Young sẽ trở thành một nhân tài ngôn ngữ trong tương lai. Qua đây, chúng ta có thể cảm nhận được sức mạnh tiềm ẩn của việc giáo dục song ngữ.

Tuy nhiên, việc giáo dục song ngữ lại không hề “dễ dàng” chút nào.

Giáo dục song ngữ – Nên bắt đầu khi nào?

Đây là câu hỏi không dễ trả lời chút nào do phần lớn các cô dâu Việt không có đủ kỹ năng để có thể phán đoán nên bắt đầu dạy song ngữ cho con từ khi nào để hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, dù là chuyên gia cũng khó có thể trả lời vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: môi trường, tính cách của trẻ, trình độ năng lực tiếng Hàn của mẹ…

Tại sao lại nói yếu tố “môi trường” là yếu tố quan trọng trong việc giáo dục ngôn ngữ? Sau đây là những trường hợp liên quan đến yếu tố môi trường giáo dục mà các cô dâu Việt cần nhận định rõ 4 điều sau:

1. Trong gia đình cần có sự xuất hiện song song của hai ngôn ngữ. Trường hợp mẹ chỉ nói tiếng Việt, trẻ không có sự giao tiếp tiếng Hàn với bố hoặc với người thân khác thì việc giáo dục song ngữ sẽ hoàn toàn bị phản tác dụng.

Hoặc ngược lại, có rất nhiều người chồng Hàn Quốc phản đối sự hiện diện của tiếng Việt trong gia đình bằng việc không cho vợ nói tiếng Việt. Đó cũng sẽ là bức tường rào cản việc phát triển hai ngôn ngữ một cách tự nhiên.

(MBS News : Chị Lee Ji Woo cho rằng “suy nghĩ nếu con học tiếng Việt, sau này lớn lên sẽ chỉ nói tiếng Việt là không đúng).

2. Thông thường, các cô dâu Việt thường tự trông con ở nhà đến khi trẻ lên 3 ~ 4 tuổi. Đây là đặc trưng của nền giáo dục Việt Nam, nhưng lại là lựa chọn thiếu đúng đắn khi chỉ để bé ở nhà cùng mẹ với 4 bức tường.

Tình thương con nên đặt đúng chỗ, các cô dâu Việt nên so sánh việc gửi con đi học để con có thể học tiếng Hàn từ các cô giáo hay để con học tiếng Hàn từ vốn tiếng Hàn ít ỏi của mình.

Theo tâm sự của một cô dâu Việt, chúng ta sẽ có một góc nhìn mới trong cách giáo dục con: “Tôi đã gửi con đi học khi nó mới tròn 10 tháng tuổi. Mẹ tôi ở Việt Nam đã mắng tôi rất thậm tệ. Đứa trẻ vẫn còn đỏ hỏn tại sao lại cho nó đi học sớm như vậy? Nếu nó ốm thì sao?

Khi tôi nghe những lời trách móc đó, tôi cảm giác hình như tôi không đáng là một người mẹ. Nhưng suy nghĩ tự trách móc bản thân trong tôi biến mất khi nghĩ đến việc nếu tôi không gửi con đi học, tôi sẽ phải trông con cả ngày.

Tuy vốn tiếng Hàn của tôi là TOPIK 5 – thuộc mức độ khá giỏi trong đám bạn. Nhưng tôi vẫn thấy tôi không đủ khả năng dạy tiếng Hàn cho con bằng người bản địa.

Tôi lo lắng rằng, việc con bị chậm nói hoặc nói tiếng Hàn không sõi sẽ là một bước cản trở lớn cho tương lai con sau này… Tôi đã từng bày tỏ sự lo lắng với cô giáo phụ trách chăm sóc con tôi tại trường mầm non. Cô ấy cũng đã rất ái ngại.

(Lớp học mẫu giáo quy mô nhỏ ở Hàn Quốc)

6 tháng sau đó, trong buổi gặp mặt giữa cô giáo và phụ huynh tại nhà trẻ. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên trước sự nhận xét của cô giáo phụ trách. Cô ấy nói rằng quyết định gửi con đi học sớm của tôi vô cùng đúng đắn. Thằng bé không những nói tiếng Hàn chuẩn mà còn nói được những câu dài hơn, ngữ pháp khó hơn so với các bạn trong lớp.

Giờ đây, tôi không hề lo lắng về việc con mình bị chậm nói tiếng Hàn. Đôi khi, con còn dùng những từ ngữ có độ khó cao làm chồng tôi ngạc nhiên.”

Qua tâm sự trên, chúng ta có thể thấy rõ một điều rằng việc bao bọc con vì con còn quá nhỏ không hề phù hợp trong môi trường gia đình đa văn hóa. Việc để con tiếp xúc với những môi trường đa dạng cũng giúp hình thành tính tự lập cao trong trẻ em.

3. Hãy quan sát tính cách và suy nghĩ của con để biết được khi nào là thời điểm vàng có thể bắt đầu giáo dục song ngữ.

Trước hết, các cô dâu cần chịu khó gieo rắc sự thú vị và khiến cho bé tò mò về ngôn ngữ. Đối với một số trẻ, việc tiếp nhận một ngôn ngữ mới “dễ như ăn kẹo” nhưng đối với một số trẻ lại cần một thời gian nhất định. Trước khi bắt đầu, chúng ta cần phải thăm dò xem con có ý hướng tiếp nhận thêm một ngôn ngữ không.

Nếu trẻ liên tục thể hiện sự khó chịu thì tốt nhất nên dừng lại và đợi cơ hội khác để bắt đầu. Việc cố tình bắt ép trẻ làm một việc gì đó không mong muốn cũng khiến trẻ bị căng thẳng, stress.

4. Hãy học tiếng Hàn để dạy tiếng Việt cho con.

Một số cô dâu nghĩ rằng, việc dạy tiếng Việt cho con không hề liên quan đến việc học tiếng Hàn của bản thân. Đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm cần phải nhận định lại. Hiện nay, các lớp tiếng Việt mở ra dành cho con em gia đình đa văn hóa vẫn còn rất ít với học trình còn sơ sài. Các cô dâu Việt phải tự lực cánh sinh trong việc dạy tiếng Việt cho con.

Sẽ rất khó để con hiểu tiếng Việt khi mẹ không trang bị một lượng kiến thức tiếng Hàn vừa đủ để truyền đạt cho con hiểu. Nếu mẹ chỉ nói tiếng Việt thì trẻ sẽ không biết cách kết nối nghĩa giữa tiếng Việt và tiếng Hàn.

Ví dụ như nghe tiếng Việt hiểu nhưng không biết dịch sang tiếng Hàn là gì. Một số cô dâu Việt nói rằng: “Tôi không biết nói tiếng Hàn nhưng con tôi nói tiếng Hàn rất tốt và tôi nói tiếng Việt con đều hiểu.”

(Lớp học tiếng Hàn dành cho các cô dâu tại trung tâm đa văn hóa)

Mức độ năng lực tiếng Hàn của con thực sự là bao nhiêu, bản thân cô dâu Việt không đủ trình độ để đánh giá mà hãy để các cô phụ trách dịch vụ phát triển ngôn ngữ tại các trung tâm gia đình đa văn hóa kiểm định. Đây mới là đánh giá khách quan, chuẩn xác nhất về năng lực tiếng Hàn thực sự của con em.

Việc mẹ nói tiếng Việt con hiểu là hiện tượng tự nhiên khi hàng ngày mẹ dùng tiếng Việt để giao tiếp với con. Nhưng việc thông thạo tiếng Việt không dừng ở kỹ năng nghe nói tiếng Việt mà quan trọng là kỹ năng viết tiếng Việt. Để trẻ có thể nghe, nói, viết thông thạo tiếng Việt các cô dâu Việt phải kiên trì và nỗ lực rất nhiều.

(Các cô dâu gia đình đa văn hóa đọc truyện bằng tiếng mẹ đẻ cho con)

Ngoài ra, thông qua việc đọc truyện hãy tạo cho con cơ hội tiếp xúc với mặt chữ tiếng Việt. Dần dần con sẽ cảm thấy thân thuộc và muốn tìm hiểu tiếng Việt.

Câu chuyện song ngữ nghe thì dễ nhưng thực hiện rất khó. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc đang rất nỗ lực trong việc tạo điều kiện để các con em gia đình đa văn hóa có thể phát triển tiềm năng của mình một cách toàn diện nhất.

Thông qua dịch vụ phát triển ngôn ngữ (언어발달서비스), các cô dâu Việt có thể an tâm khi con có biểu hiện chậm nói hoặc không biết phải thế nào để dạy con nói.

Hơn nữa, con em gia đình đa văn hóa còn có cơ hội được theo dõi kiểm tra định kỳ năng lực tiếng Hàn, dựa trên kết quả cô dâu Việt có thể biết khi nào có thể bắt đầu việc giáo dục song ngữ cũng như một số kỹ năng khi bắt đầu dạy 2 ngôn ngữ cho trẻ.

(Dịch vụ hỗ trợ phát triển ngôn ngữ tại trung tâm đa văn hóa)

Bên cạnh đó, dịch vụ hỗ trợ giáo dục song ngữ (이중언어서비스) sẽ trở thành sự trợ giúp đắc lực trong quá trình giáo dục song ngữ. Dịch vụ này sẽ giúp các cô dâu đa văn hóa bớt bỡ ngỡ trong việc dạy tiếng mẹ đẻ cho con. Các cô dâu sẽ được hướng dẫn cách chuẩn bị cũng như sử dụng tài liệu giáo dục song ngữ.

(Lớp học song ngữ “이중언어교육”)

Trong gia đình, hãy tạo điều kiện cho trẻ nói chuyện thường xuyên với những người thân khác như ông ngoại, bà ngoại. Những chuyến về thăm quê mẹ cũng sẽ giúp trẻ thích ứng nhanh với ngôn ngữ mẹ đẻ một cách tự nhiên nhất. Kiên trì đọc sách, đọc truyện và kể những mẩu chuyện nhỏ cho con nghe sẽ giúp con hình dung phần vào về đất nước, con người, phong tục tập quán của Việt Nam.

Việc mạnh dạn tạo điều kiện cho con tham gia các lớp học văn hóa – lớp học tiếng Việt cũng sẽ giúp con tự tin hơn trong việc giao tiếp bằng tiếng Việt.

XEM THÊM:

author-avatar

About Nguyễn Vân

Hàn Quốc sẽ thật đẹp khi biết trân trọng vùng đất này. Sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá sẽ cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

One thought on “Cô dâu Việt: Đây là cách dạy con học song ngữ hiệu quả để ươm mầm nhân tài ngôn ngữ!

  1. Minh Khanh viết:

    hay thật, các cô dâu Việt cố lên

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).