Nói đến văn hóa tiết kiệm tiền tại Hàn Quốc, có nhiều luồng ý kiến trái chiều khác nhau được đưa ra. Rốt cuộc, người Hàn Quốc có thật sự tiết kiệm hay “không biết cách hưởng thụ đời”?

Đã từng có những người lao động nước ngoài nhận xét rằng: “Ông chủ của tôi có rất nhiều tiền, nhưng quanh năm chỉ mặc một chiếc quần đã bị sờn màu. Chiếc quần đó nghe nói đã được 20 năm.”

Hay như tình huống “dở khóc dở cười” của một số cô dâu Việt: “Em cất công đi mua cho chồng chiếc áo mới vì thấy chồng chỉ mặc áo đó đến sờn chỉ. Vậy mà mua về chồng em chỉ để đó không mặc, áo cũ vẫn không nỡ bỏ.”

(Hình ảnh mang tính chất minh họa)

Thông qua các chương trình thực tế trên đài truyền hình, chúng ta có thể bắt gặp vô số nghệ sĩ cũng rất tiết kiệm trong sinh hoạt đời sống hằng ngày. Tuy không phải là xấu nhưng nó lại tạo cho người xem đặt ra câu hỏi “Tại sao họ phải tiết kiệm như thế trong xã hội phát triển này?”

Văn hóa tiết kiệm tiền của người Hàn Quốc

Người Hàn Quốc thường chọn cách gửi tiền vào ngân hàng là phương pháp bảo quản tiền an toàn nhất.

Trong một thập kỷ gần đây, lãi suất trung bình của ngân hàng nhà nước ngày càng giảm đi so với trước, do đó người Hàn Quốc chủ yếu chỉ gửi tiền vào ngân hàng vì tính chất an toàn.

Để có tiền mua nhà, xây dựng gia đình, tiền nuôi con ăn học, tiền dưỡng già… người Hàn cần phải lên kế hoạch ngay từ khi còn trẻ. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài cách rút bớt chi tiêu những khoản không cần thiết và chăm chỉ tiết kiệm.

Không chỉ riêng cô dâu gia đình đa văn hóa mà tất cả những người đang sống tại Hàn Quốc đều cần nhận ra tầm quan trọng của việc tiết kiệm trong tình hình kinh tế ngày càng khó khăn này.

Cũng có một số cô dâu Việt đang “học cách tiết kiệm” với hy vọng sau này sẽ có một số tiền nào đó để dùng khi thật sự cần thiết. Tuy nhiên, do hạn chế về kiến thức tín dụng (금융), họ cần được trang bị một số kiến thức cơ bản để có thể hiểu rõ và tận dụng phương pháp này một cách tối đa.

Phân biệt tiết kiệm định kỳ (적금) và tiết kiệm không định kỳ (예금)

Trước hết, nếu bạn đi ra ngân hàng gửi tiền tiết kiệm nhân viên ngân hàng sẽ hỏi bạn gửi theo dạng 예금 hay 적금.

1. 예금 – Tiết kiệm không định kỳ với hình thức gửi một số tiền lớn (1.000.000KRW trở lên) trong một thời gian nào đó.

– Cách tính lãi suất: Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (mức % mỗi năm) x số ngày thực gửi/360.

Ví dụ : Gửi 50.000.000KRW với mức lãi suất là 1.5%. Thời điểm rút số tiền đó là 6 tháng. Khi đó, tiền lãi = Tiền gửi x 1.5%/360 x 180 (6 tháng ~ 30 x 6 = 180 ngày) = 50.000.000 x 1.5%/360 x 180 = 375.000KRW

2. 적금 – Tiết kiệm định kỳ với hình thức hàng tháng gửi một số tiền nào đó trong thời gian nhất định.

Số tiền gửi sẽ được quy định một mức kỳ hạn đi kèm với mức lãi suất cam kết. Ngân hàng sẽ đưa ra nhiều mức kỳ hạn khác nhau để khách hàng dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu (theo tuần, tháng, quý, năm…).

Theo đó, cách tính lãi suất tiết kiệm ngân hàng cho trường hợp này như sau:

– Cách tính lãi suất: Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%năm) x số ngày gửi/360. Hoặc: Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (mức % mỗi năm)/12 x số tháng gửi.

Ví dụ: Khách hàng gửi tiết kiệm 50.000.000KRW với kỳ hạn 1 năm tại Ngân hàng có mức lãi suất là 2% mỗi năm. Đến kỳ hạn 1 năm, bạn có thể rút số tiền đã gửi ra. Cách tính lãi suất tiết kiệm trong trường hợp này như sau:

Số tiền lãi = Tiền gửi x 2% = 50.000.000 x 2% = 1.000.000 KRW.

Nếu đăng ký gói gửi kỳ hạn 6 tháng, ta có số tiền lãi: Số tiền lãi = Tiền gửi x 2%/360  x 180 = 50.000.000 x 2%/360 x 180 = 500.000 KRW.

★ Ưu điểm: 

– Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn sẽ nhận được mức lãi suất cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm không thời hạn.

– Nếu rút tiền theo đúng thời hạn cam kết, bạn sẽ được nhận toàn bộ mức lãi suất mà bạn lựa chọn.

– Chính vì mang lại giá trị cao mà đại đa số mọi người đều chọn hình thức này để gửi tiết kiệm.

Việc tính lãi suất sẽ đơn giản hơn khi nhờ tới công cụ tính lãi suất tiết kiệm (예금적금 이자계산기) trên trang mạng Naver. Cách tìm như sau:

– Bước 1 : Các bạn vào naver gõ “예금이자계산기” hoặc “적금이자계산기“.

– Bước 2 : Sau đó nhập số tiền muốn gửi (예치금액), thời gian muốn gửi (예금기간), lãi suất 1 năm (연이자율) và đánh dấu vào 일반과세 (đóng thuế = 15.4% lãi suất), 비과세(không phải đóng thuế), 세금우대 (đối tượng ưu tiên thuế). Nhấn nút 계산하기 để biết lãi suất thực sự bạn được nhận là bao nhiêu.

(Tính tiền lãi suất tự động qua cổng thông tin Naver).

Thông tin các gói tiết kiệm lãi suất cao dành cho đối tượng gia đình đa văn hóa

Hiện nay, vẫn chưa có ngân hàng nào ưu tiên lãi suất cao dành cho dạng tiết kiệm không định kỳ đối với đối tượng gia đình đa văn hóa. Theo đó, mức lãi suất mà các cô dâu Việt có thể nhận được tương đương với người Hàn Quốc.

Một số ngân hàng thuộc dạng 제2금융 như 신협은행, 수협은행, 새마을금고… tuy mức độ an toàn không cao nhưng lại có lãi suất cao hơn 제1금융 như 국민은행, 우리은행… là khoảng 2.25% mỗi năm. Ngược lại, các cô dâu Việt lại có thể “thả sức lựa chọn” cho mình gói tiết kiệm định kỳ phù hợp với năng lực kinh tế gia đình.

(Thống kê mới nhất về các gói tiết kiệm lãi suất cao dành cho gia đình đa văn hoá).

Ngoài ra, cô dâu Việt có thể tham khảo bản thống kê dưới đây được thống kê vào tháng 5 năm 2019. Một số số liệu thông tin đã thay đổi, cô dâu Việt cần linh hoạt kiểm định thông tin trước khi đến ngân hàng để đăng ký. 

Ví dụ: Tháng 2 năm 2020, người đăng ký gói sản phẩm tiết kiệm “KB 국민행복적금” của ngân hàng Kookmin có thể thụ hưởng lãi suất tối đa là 6.45%.

Tuy nhiên do biến động về lãi suất bình quân của Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc mới đây, mức lãi suất tối đa mà gia đình đa văn hoá có thể thụ hưởng tối đa giảm xuống còn 5.65%

(Thống kê các gói tiết kiệm dành cho gia đình đa văn hoá năm 2019).

★ Khi đăng ký cần chú ý:

– Tại Hàn Quốc có 2 dạng tiết kiệm định kỳ đó là tiết kiệm khoản tiền cố định (정액적립) và tiết kiệm khoản tiền tự do (자유적립).

Tiết kiệm khoản tiền cố định là hàng tháng chúng ta phải đóng một khoản tiền nhất định hàng tháng như khi đăng ký. Tiết kiệm tự do là dạng tiết kiệm tùy theo khả năng kinh tế, giúp chúng ta linh hoạt hơn trong việc quản lý tiền.

– Đăng ký trực tiếp tại ngân hàng, không thể đăng ký trên mạng.
– Đăng ký bằng tên của cô dâu Việt dù đã có quốc tịch hay chưa có quốc tịch Hàn.

– Trường hợp chưa có quốc tịch, phần lớn đều phải mang theo 혼인관계증명서 (giấy chứng nhận hôn nhân) và 가족관계증명서 (giấy chứng nhận quan hệ gia đình) để ở dạng chi tiết (상세) rút tại ủy ban, phường (주민센터).

– Trường hợp đã có quốc tịch cần mang theo giấy 초본 để ở dạng chi tiết (상세).
– Trước khi đi đăng ký cần xác nhận thông tin mới nhất về lãi suất và những thông tin về gói sản phẩm tiết kiệm.

(Sổ tiết kiệm lãi suất cao dành cho đối tượng đa văn hoá).

Trên đây là thông tin cơ bản có thể giúp các cô dâu Việt tại Hàn “quản lý kinh tế gia đình” một cách thông minh hữu dụng nhất.

Những ưu đãi lãi suất tiết kiệm cũng là cơ hội cho cô dâu Việt hình thành thói quen tiết kiệm cũng như là bàn đạp để có những bước đi vững chắc trong tương lai.

XEM THÊM: Cách dạy con học song ngữ hiệu quả để ươm mầm nhân tài ngôn ngữ!

author-avatar

About Nguyễn Vân

Hàn Quốc sẽ thật đẹp khi biết trân trọng vùng đất này. Sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá sẽ cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).