Dự án “Khuyến khích thanh niên nông thôn Hàn Quốc gặp mặt du học sinh Việt Nam” của thành phố Mungyeong (tỉnh Gyeongbuk) đang làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong các tổ chức nhân quyền nói chung và cộng đồng du học sinh Việt Nam nói riêng.

Dưới đây là nội dung công văn “đề nghị hợp tác” mà thành phố Mungyeong gửi cho một văn phòng hành chính chuyên nhận các đơn khiếu nại của người nước ngoài về xuất nhập cảnh trong tháng 4/2021 vừa qua.

Công văn đề nghị hợp tác triển khai dự án “Giúp thanh niên nông thôn lấy vợ” nhằm cải thiện dân số nông thôn.

“최근 지속적인 농촌 인구의 감소와 고령화로 젊은 세대와 여성의 농촌 이탈이 심화되는 가운데 농촌 인구증가와 활기를 불어넣기 위해 혼인 연령을 놓친 농촌 총각과 베트남 유학생의 자연스런 만남을 통한 농촌총각 장가보내기를 추진하고자 하오니 많은 협조 바랍니다.”

Xét tình trạng nông thôn Hàn Quốc đang bị già hoá và giảm dân số, cũng như tỷ lệ thanh niên và phụ nữ rời nông thôn lên thành phố ngày càng tăng, thành phố Mungyeong quyết định thực hiện dự án Giới thiệu những cuộc gặp mặt tự nhiên giữa thanh niên nông thôn đã quá tuổi kết hôn và du học sinh Việt Nam, qua đó góp phần tăng dân số và cải thiện bầu không khí nông thôn.

Ngoài ra, chúng tôi còn áp dụng các biện pháp khuyến khích sinh đẻ khác như: Tiền hỗ trợ sinh con, Tiền hỗ trợ sản phụ và trẻ em, Tiền hỗ trợ chăm sóc và nuôi dạy trẻ…

Thành phố Mungyeong với phần lớn diện tích là đất nông nghiệp với hơn 71.000 dân. Ngành khai thác than tại đây từng rất phát triển. Tuy nhiên, khi ngành kinh doanh này bị ngừng hoạt động, nhiều gia đình, đặc biệt là người trẻ tuổi, đã chuyển đến sống tại các khu vực đô thị. Hiện nay, nền kinh tế của Mungyeong chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, do đó nông dân là lực lượng lao động vô cùng quan trọng tại thành phố này.

Mục đích thành phố Mungyeong gửi công văn cho các cơ quan có liên quan là để các cơ quan này hỗ trợ tìm người có quan tâm tới dự án giới thiệu “gặp mặt tự nhiên” với các thanh niên nông thôn trong vùng. (저희 시에서 추진하고 있는 인구증가 시책을 안내하오니 희망자 모집에 적극 활용해 주시기 바랍니다”면서 출산지원 정책들을 자세하게 안내했습니다.)

Dự án “Giúp thanh niên nông thôn lấy vợ”

Chuyện dựng vợ gả chồng là vấn đề của mỗi cá nhân, hà cớ gì thành phố lại vào cuộc? Có thể nhiều bạn sẽ đặt câu hỏi này.

Nhưng thực ra, dự án “Giúp thanh niên nông thôn lấy vợ” (농촌총각 장가보내기) đã được nhiều chính quyền địa phương Hàn Quốc triển khai kể từ những năm 1990. Ban đầu, dự án này do các tổ chức cá nhân điều hành, nhưng dần dần nó đã được mở rộng và được chính quyền địa phương trực tiếp đầu tư, xúc tiến.

Vào năm 2007, đã có 60 chính quyền địa phương triển khai dự án này, với khoản đầu tư lên tới 2.85 tỉ KRW. Tuy nhiên, quy mô các dự án này ngày càng hẹp dần do phát sinh một số “tác dụng phụ” như vi phạm nhân quyền, lo ngại môi giới hôn nhân quốc tế bất hợp pháp… Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn có khoảng 40 địa phương cho phép đầu tư và trong đó có 30 nơi đang trực tiếp xúc tiến các dự án này.

Tỉnh Gyeongnam là nơi đã ban hành “Chính sách hỗ trợ hôn nhân quốc tế” từ năm 2009 với nội dung: “Tỉnh Gyeongnam hỗ trợ giới thiệu hôn nhân quốc tế cho thanh niên nông thôn ế vợ trên địa bàn tỉnh. Thành phố sẽ trợ cấp một phần chi phí xúc tiến hôn nhân cũng như các chi phí sinh đẻ, chăm sóc con cái để người dân có thể an cư lạc nghiệp”.

Ở đây, 농촌총각 – “thanh niên nông thôn” là nam giới Hàn Quốc trên 35 tuổi, có nghề chính là làm nông và chưa lấy vợ. Còn 국제결혼 – “hôn nhân quốc tế” dùng để chỉ cuộc hôn nhân với một phụ nữ nước ngoài theo “Luật quốc tịch” của Hàn Quốc. Chính quyền các địa phương khác của Hàn Quốc cũng vận động dự án này với mục đích và nội dung tương tự như trên.

Các chính quyền địa phương triển khai dự án này với kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của người nông dân, từ đó giải quyết các vấn đề về giảm dân số, già hóa, tỷ lệ sinh thấp… Tuy nhiên không thể phủ nhận, văn hoá ở vùng nông thôn, làng chài của Hàn Quốc còn tương đối gia trưởng, điều khiện cơ sở vật chất còn chưa được đồng đều nên việc thanh niên không muốn sống ở nông thôn là điều tất nhiên.

Nhưng vì phụ nữ Hàn Quốc không chịu được khổ, không thích lao động chân tay nên thay thế bằng phụ nữ nước ngoài? Như vậy, vô hình chung phụ nữ nước ngoài đã trở thành công cụ sinh đẻ và nguồn nhân lực bổ sung cho nông thôn Hàn Quốc?

Rất nhiều nhà hoạt động xã hội cũng như các tổ chức nhân quyền đã phê phán dự án có phần phiến diện này, vì nó không giải quyết được vấn đề cốt lõi của nông thôn Hàn Quốc. Thay vì tập trung tìm vợ nước ngoài cho thanh niên nông thôn, chính quyền cần đầu tư toàn diện các mặt y tế, văn hoá, giáo dục để biến nông thôn Hàn Quốc thành nơi cả phụ nữ Hàn Quốc lẫn phụ nữ nước ngoài đều muốn sống.

Nếu không giải quyết các vấn đề mang tính hạ tầng này mà chỉ chăm chăm “tìm vợ nước ngoài”, từ những quốc gia kém phát triển hơn sẽ reo rắc suy nghĩ phiến diện: “chỉ cần tiền là có thể kiếm được vợ”.

Tại sao lại là DHS Việt Nam?

Việt Nam hiện đang đứng đầu về số phụ nữ kết hôn với nam giới Hàn Quốc với khoảng 6.000 người mỗi năm. Theo báo cáo năm 2018 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc, cứ 10 cô dâu nhập cư thì có 4 người bị người chồng bản địa bạo hành. Ít nhất 19 người đã bị sát hại trong 10 năm qua.

Ở Hàn Quốc, không khó khi tìm kiếm các cơ sở môi giới kết hôn quốc tế. Khoảng 10 năm trước đây, có nhiều nơi treo băng rôn lộ liễu như: “Hãy kết hôn với phụ nữ Việt Nam chỉ với 3 triệu KRW”, “Phụ nữ Việt Nam nghe lời, không bỏ trốn”.

Tuy nhiên, cùng với sự tiế bộ về nhân quyền, chính phủ Hàn Quốc đã và đang siết chặt và loại bỏ hình thức quảng cáo kết hôn quốc tế vi phạm nhân quyền với hình ảnh phụ nữ Việt Nam mặc nội y, đính kèm thông tin về chiều cao, tuổi tác và cân nặng.

Từ tháng 12/2020, Bộ Phụ nữ và gia đình Hàn Quốc ngày 8/12 đã quyết định bổ sung thêm hạng mục “các yếu tố vi phạm nhân quyền” trong Thông tư thi hành Luật về quản lý ngành môi giới hôn nhân. Theo đó, việc đăng quảng cáo hình ảnh của đối tượng được môi giới kết hôn sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Công ty môi giới hôn nhân đăng quảng cáo có nội dung khoa trương hoặc giả mạo sẽ bị đình chỉ kinh doanh tới 03 năm, đồng thời bị phạt hành chính tới 30 triệu KRW (27.668 USD).

Ngày 28/5/2021, giám đốc Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc Huh Yeong Suk đã tổ chức họp báo trước trụ sở Uỷ ban nhân quyền quốc gia Hàn Quốc và lên án: “Trong việc triển khai dự án “Giúp thanh niên nông thôn lấy vợ”, thành phố Mungyeong đã liên kết với các cơ sở môi giới hôn nhân quốc tế. Đây là hành vi phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc.”

Bà Huh Yeong Suk cho biết thêm: “63 tổ chức dân sự, bao gồm Đường dây nóng cho Phụ nữ Hàn Quốc, cùng 144 cá nhân đã tham gia đệ đơn kiện. Chúng tôi tin rằng chiến dịch khuyến khích kết hôn của thành phố Mungyeong đã vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ nhập cư cũng như quyền mưu cầu hạnh phúc của họ ở Hàn Quốc.”

Các dụ học sinh Việt Nam có mặt trong buổi họp báo này cũng bày tỏ ý kiến phản đối: “Chúng tôi, những sinh viên có visa du học đàng hoàng, tới Hàn Quốc để hưởng nền giáo dục chất lượng cao và theo đuổi ước mơ của mình. Tôi đề nghị chính quyền Mungyeong rút lại chiến dịch kết hôn của mình. Hôn nhân nên xuất phát từ sự tự nguyện của cả hai bên, chính quyền địa phương không nên coi một nhóm người cụ thể nào đó như một phương thức để tăng dân số”.

Một sinh viên khác bày tỏ: “Công văn của thành phố Mungyeong sẽ hình thành nên những định kiến tiêu cực, rằng du học sinh Việt Nam đến Hàn Quốc chỉ để kết hôn. Chúng tôi muốn giáo dục, chứ không phải kết hôn.”

Trong buổi học báo này, các du học sinh Việt Nam cũng đã yêu cầu thị trưởng thành phố Mungyeong phải xin lỗi, điều tra về tiến độ của dự án và tổ chức các lớp học về chống phân biệt chủng tộc cho các quan chức thành phố Mungyeong.

Rất nhiều tờ báo lớn của Hàn Quốc như Yonhap, Jungang cũng đưa tin về sự việc này, trong đó tờ Ohmynews còn cho rằng, đây là một hành vi làm xấu mặt quốc gia.

Trước làn sóng phản đối ngày càng dâng cao, thành phố Mungyeong đã phải tuyên bố: “Chúng tôi sẽ dừng dự án này và và chuẩn bị các thủ tục phản hồi theo yêu cầu của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc.”

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).