Theo kết quả báo cáo “Xu hướng di cư và đô thị hoá trong 20 năm qua” của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc ngày 29/6/2020, dân số ở khu vực thủ đô lần đầu tiên vượt tổng dân số các tỉnh thành còn lại trên cả nước.

Khái niệm khu vực thủ đô (수도권) gồm các khu vực: thủ đô Seoul, thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi. Các khu vực còn lại được gọi là ngoài thủ đô (비수도권). Ngoài ra, theo đơn vị phân cấp hành chính, Hàn Quốc có thủ đô Seoul, 6 đại đô thị (thành phố trực thuộc trung ương) và 9 tỉnh.

Theo báo cáo trên, dân số tại khu vực thủ đô, tính đến ngày 1/7/2020 đạt 25.96 triệu người, lần đầu tiên vượt xa dân số ngoài khu vực thủ đô (25.82 triệu người).

Theo số liệu mới nhất từ Liên hợp quốc ngày 30/6/2020, dân số hiện tại của Hàn Quốc là 51.261.230 người, xếp thứ 28 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các quốc gia và vùng lãnh thổ. Như vậy, khu vực thủ đô chỉ bằng 11% diện tích toàn quốc nhưng lại chiếm hơn 50% dân số Hàn Quốc.

Trên thực tế, trong suốt 30 năm kể từ năm 1990, thủ đô Seoul luôn xảy ra tình trạng dân cư chuyển đi nhiều hơn dân cư chuyển đến. Ngược lại, tốc độ dân cư di chuyển tới các địa phương lân cận thủ đô, đặc biệt là tỉnh Gyeonggi có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 và 2019.

Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc dự tính tổng dân số của thủ đô Seoul, thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi sẽ tiếp tục vượt tổng dân số các tỉnh thành còn lại trong những năm tiếp theo.

Nguy cơ mất cân bằng dân số ở các khu vực ngoài thủ đô

Năm 2019, đa số người dân chuyển đến khu vực quanh thủ đô là dân di cư từ đảo Jeju và thủ đô hành chính Sejong. Người dân thành phố Sejong có xu hướng đổ về khu vực lân cận thủ đô từ sau năm 2012, người dân đảo Jeju từ sau năm 2010, trong đó năm 2015 có 10.000 người di dân, đến năm 2019 giảm còn 1.000 người.

Do người dân tiếp tục đổ về khu vực xung quanh thủ đô kết hợp với xu hướng giảm dân số tự nhiên, dự kiến vùng Honam (gồm thành phố Gwangju, tỉnh Jeonbuk và Jeonnam) và vùng Yeongnam (tỉnh Gyeongsang, thành phố Busan, thành phố Daegu, thành phố Ulsan) ​​sẽ sụt giảm dân số đáng kể trong 50 năm tới.

Theo báo cáo của Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, dân số vùng Yeongnam năm 1970 là 9,79 triệu người, dự đoán sẽ tăng lên 12,91 triệu người trong năm nay, và giảm còn 8,06 triệu người năm 2070; dân số khu vực miền Trung (khu vực tỉnh Chungcheong) năm 2020 đạt 7.2 triệu người, và giảm còn 5.92 triệu người năm 2070.

Lịch sử di dân của Hàn Quốc

Từ thời Joseon (1392-1910), Seoul đã được chọn làm thủ đô của Hàn Quốc với tên Hanyang do vị trí địa lý thuận lợi, có sông và đồi núi nhỏ. Thủ đô luôn là nơi tập trung tinh hoa của một quốc gia, là trung tâm kinh tế, chính trị, lịch sử nên đương nhiên sẽ luôn có mật độ dân cư đông đúc.

Xã hội Joseon thời đó phân biệt giai cấp rất rõ rệt, có 4 tầng lớp chính là: Yangban (quý tộc), Chungmin (tầng lớp trung lưu), Yangmin (thường dân) và Cheonmin (tiện dân).

Vì vậy, muốn được cải thiện địa vị, thân phận và nắm được nhiều đặc quyền trong xã hội thì người dân Hàn Quốc chỉ có cách chọn con đường thi cử, đỗ trạng nguyên để “bái tổ vinh quy”. Các trường thi khi đó thường được tổ chức ở kinh thành Hanyang, tiêu biểu là trường đại học lâu đời Sungkyungkwan (Thành Quân quán). Chính nhu cầu thi cử đã hình thành làn sóng di dân từ mọi vùng miền trên toàn quốc về thủ đô Hanyang (Seoul) ngày nay.

Ảnh minh hoạ trường thi thời Joseon ở thủ đô Hanyang

Ngoài ra, trong giai đoạn năm 1670 ~1671 (thời vua Hyeon-jong, Hiền Tông) xảy ra thiên tai, mất mùa gây ra nạn đói lớn nên cũng có một lượng lớn người dân Joseon di tản về kinh thành Hanyang để ăn xin hoặc tìm kế sinh nhai.

Nạn đói khủng khiếp này được gọi là 경신 대기근 (Canh Tân thái cơ cận, tức nạn đói lớn năm Canh Tân).

Bước vào giai đoạn Nhật trị (1910 ~1945), do nhu cầu bóc lột và chuyên chở lương thực, tài nguyên của nước thuộc địa nên thực dân Nhật cho xây một loạt các cảng lớn ở khu vực tỉnh Jeolla và Gyeongsang, quá trình này cũng thu hút một số lượng dân cư đông đảo đổ về khu vực phía Nam của bán đảo Hàn Quốc.

Những bao gạo chất chồng bên bến cảng để chờ chất lên tàu và được chở về Nhật Bản.

Vào thời kỳ nội chiến Nam – Bắc Hàn (1950 ~1953), có thời điểm quân Bắc Hàn thắng thế, vượt qua vĩ tuyến 38 sau đó chiếm đóng cả thủ đô Seoul, thành phố cảng phía Nam bán đảo Hàn Quốc là Busan (Phủ Sơn) đã trở thành thủ đô tạm thời của Hàn Quốc trong suốt 1.023 ngày. Đây cũng là quãng thời gian người dân phía Bắc Hàn Quốc di tản và định cư ở miền Nam nhiều nhất trong lịch sử.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, do chính sách tập trung đầu tư phát triển kinh tế ở một số vùng công nghiệp trọng điểm như Seoul, Busan, Ulsan nên xu hướng di dân bắt đầu tập trung về các đầu mối kinh tế này. Vùng Jeolla từ thời Joseon đến nay vẫn được goi là “vựa lúa” của quốc gia nên thường chỉ được tập trung duy trì phát triển nông nghiệp và nhận ít dự án công nghiệp hoá hơn các tỉnh thành khác. Vì lý do này mà trong khoảng thời gian từ 1960 ~1980, dân số vùng Jeolla giảm đi rõ rệt so với xu hướng tăng dân số toàn quốc.

Mặc dù trong những năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã tích cực phát triển mạng lưới giao thông trên toàn quốc để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền nhưng hiện tượng dân số tập trung đông ở các vùng phát triển công nghiệp là quy luật tất yếu đối với mọi quốc gia.

Vào thời kỳ khủng hoảng tài chính (IMF) 1997, Hàn Quốc buộc phải ký vào bản xin “Cứu trợ tài chính” của Quỹ tiền tệ quốc tế kèm theo các điều kiện tái cơ cấu kinh tế khắc nghiệt. Có rất nhiều các doanh nghiệp phá sản, người dân bị mất việc làm, toàn xã hội bước vào cuộc khủng hoảng lớn cả về tinh thần lẫn vật chất. Lúc này, cũng giống như nạn đói Canh Tân 1670, người dân Hàn Quốc trên khắp mọi miền lại đổ về thủ đô Seoul.

Theo số liệu mới nhất, dân số năm 2019 của Seoul là 9.72 triệu người, tỉnh Gyeonggi là 13.24 triệu người và Incheon là 2.95 triệu người.

Trong bối cảnh hiện tại, lý do lớn nhất khiến người Hàn Quốc di cư về khu vực quanh thủ đô là công việc và mong muốn có môi trường giáo dục tốt nhất cho con em mình. Ngược lại, đa số người dân rời khỏi khu vực lân cận thủ đô là do gia đình và môi trường tự nhiên.

Trong những người di dân từ các tỉnh thành khác vào khu vực quanh thủ đô, đa số đều chọn điểm đến là thủ đô Seoul. Tuy nhiên sau năm 2000, do giá nhà ở Seoul quá cao nên người dân lại có xu hướng di chuyển về nhiều về tỉnh Gyeonggi.

Một vài số liệu thống kê thú vị về dân số Seoul và các khu vực

Dân số của các tỉnh trên toàn quốc: Tỉnh Gyeonggi (12.873.895 người), tỉnh Gyeongsan (6.072.110 người), tỉnh Jeolla (3.751.031 người), tỉnh Chungcheong (3.711.202 người), tỉnh Gangwon (1.550.142 người).

Ba quận có dân số nhiều nhất Seoul là quận Songpa (664.496 người), quận Gangnam (555.164 người) và quận Nowon (554.403 người). Ngược lại, hai quận có dân số thấp nhất Seoul là quận Jung (125.709 người), quận Jongno (154.770 người).

Trong 6 thành phố trực thuộc trung ương, Busan là nơi có dân số cao nhất với 3.470.653 người, lần lượt tiếp theo là Incheon, Daegu, Daejeon, Gwangju và Ulsan.

Tính trên toàn quốc, nơi có dân số thấp nhất là đảo Ulleung với 9.975 người, huyện Yeongyang, tỉnh Gyeongbuk với 17.479 người.

Những thành phố có lượng dân nhập cư lớn nhất trong những năm gần đây là: Gimpo, Namyangju, Incheon, Hanam và Hwaseong.

Ngược lại, có tới 20 thành phố đang bị “thu hẹp” vì lượng dân di cư ngày càng tăng, điển hình như Samcheok, Taebaek, Kimcheon, Boryeong, Iksan, Namwon, Naju, Millyang, Yeosu…

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).