Từ lâu, an toàn vệ sinh luôn là một trong những vấn đề được quan tâm nhất ở Hàn Quốc. Do đó, trong hoàn cảnh dịch bệnh vẫn đang bùng phát và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt như hiện nay, vấn đề này lại càng được đẩy mạnh hơn hết, đặc biệt tại các khu vực sử dụng chung.

Đó là lý do vì sao hàng ngày, các cơ quan chức năng vẫn luôn miệt mài thực hiện công tác khử trùng trên các phương tiện giao thông công cộng, tay nắm cửa tại các tòa nhà, hay nút bấm số tầng trong các thang máy.

Tuy nhiên, với tần suất và nhu cầu sử dụng liên tục của người dân, hình thức khử trùng này chỉ mang tính tương đối. Vì không thể loại trừ khả năng dù đã được lau chùi sạch sẽ, những vật dụng nói trên sẽ tiếp tục bị nhiễm bẩn bởi bàn tay đang chứa mầm bệnh của một ai đó.

Chính vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này, một số cơ quan quản lý công cộng đã bắt đầu gắn cố định những miếng dán (film) kháng khuẩn lên các tay nắm cửa, hoặc trên hệ thống chọn tầng trong các thang máy.

Tương tự như tại Việt Nam, một số chung cư ở thủ đô Hà Nội đã bắt đầu vận hành thang máy bằng tăm, nhằm giúp người dân có thể hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các bề mặt không đảm bảo vệ sinh như trong thang máy và hành lang.

Theo Ban quản lý chung cư, việc làm này tuy không đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, nhưng phần nào có hiệu quả trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tuy nhiên, khác với tăm – một vật dụng đã quá quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, miếng dán kháng khuẩn hẳn còn xa lạ với nhiều người, do không có cơ hội tiếp xúc từ trước. Vì thế trong bài viết sau đây, hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc và nguyên lý hoạt động của miếng dán tuyệt vời này.

Thế nào là miếng dán kháng khuẩn?

Chỉ cần đến bất cứ khu vực công cộng nào giữa lòng thủ đô Seoul, có thể dễ dàng nhìn thấy sự hiện diện của những miếng dán kháng khuẩn Anti Virus trên các tay cầm hoặc nút bấm thang máy ở một số chung cư và bệnh viện.

Giải đáp thắc mắc của người dân, các cơ quan quản lý môi trường cho biết: “Miếng dán này có tác dụng trong việc hạn chế sự tiếp xúc giữa tay người với các loại vi khuẩn gây bệnh bám trên bề mặt các vật dụng công cộng”.

Tuy nhiên, dù được nhấn mạnh như vậy, không ít người vẫn tỏ ra hoài nghi về hiệu quả thật sự của những miếng dán kháng khuẩn “thần thánh” luôn được đề cao trong thời gian gần đây.

Song trên thực tế, đây là một sản phẩm an toàn đã được thử nghiệm và kiểm duyệt bởi các nhà nghiên cứu FITI (Testing & Research Institute) – tổ chức chuyên xác thực và kiểm nghiệm tích hợp trên toàn cầu về chất lượng và an toàn sản phẩm.

Qua thử nghiệm, các nhà nghiên cứu xác nhận: “Nhờ chứa hàm lượng đồng cao, miếng dán này thật sự có tác dụng trong việc kháng được tối đa 99.99% các loại vi khuẩn khác nhau trong vòng 24 giờ”.

Ngày nay, miếng dán kháng khuẩn được sản xuất theo nhiều kiểu dáng khác nhau, từ kích thước nhỏ như tem dán (sticker), cho đến kích thước lớn như những miếng dán chuyên dụng được dùng cho các thiết bị có bề mặt rộng như tay nắm cửa, hệ thống chọn tầng trong thang máy và màn hình cảm ứng tại các quầy bán hàng tự động.

Đồng – cốt lõi của miếng dán kháng khuẩn

Thành phần cốt lõi của một miếng dán kháng khuẩn đạt tiêu chuẩn chính là đồng (CU). Đây là kim loại kháng khuẩn đầu tiên được Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (United States Environmental Protection Agency) công nhận vào năm 2008.

Cũng trong thời điểm này, một bệnh viện tại Mỹ đã đồng loạt thay đổi toàn bộ những dụng cụ dùng chung có khả năng tiếp xúc nhiều với con người sang các sản phẩm được chế tạo bằng đồng. Kết quả cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn, tỷ lệ nhiễm trùng tại bệnh viện đã giảm đến 58%.

Nhờ những tác dụng kháng khuẩn tuyệt vời nói trên, một số bệnh viện ở các nước phát triển như Đan Mạch và Vương quốc Anh cũng đã nhanh chóng chuyển sang sử dụng các thiết bị được sản xuất bằng đồng tại những khu vực dùng chung. Thậm chí Nhật Bản còn gây chú ý hơn khi có hẳn một bệnh viện được xây dựng hoàn toàn bằng đồng.

Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Southampton (Anh) đã đồng thời tiến hành thí nghiệm sự duy trì lây nhiễm virus Corona trên bề mặt chứa 60% đồng, cùng một số vật chất khác như thủy tinh, gạch men và gốm sứ.

Kết quả cho thấy, virus Corona (HCoV-229E) có thể tồn tại ít nhất 5 ngày trên thủy tinh, gạch men và gốm sứ. Tuy nhiên, trên bề mặt chứa đồng và hợp kim đồng, loại virus nguy hiểm này lại bị tiêu hủy hoàn toàn chỉ trong vòng 30 phút.

Các nhà khoa học giải thích, đồng có khả năng chống khuẩn tương đối cao là nhờ tác dụng của hiệu ứng “oligodynamic” (thể hiện tính độc với các tế bào sống như tảo, nấm mốc, bào tử, vi sinh vật, virus…).

Vì thế chỉ cần một hàm lượng nhỏ, ion kim loại đồng cũng có khả năng làm xáo trộn quá trình trao đổi chất của các loại vi sinh vật và virus. Từ đó khiến protein của chúng bị biến tính, kết tủa và ngừng hoạt động, đồng thời dẫn đến hiện tượng tự phá hủy.

Với lý do này, các nhà nghiên cứu trường Đại học Southampton (Anh) đã lên tiếng khẳng định: “Chúng ta có thể hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm từ các đồ dùng công cộng bằng những vật chất được làm từ đồng hoặc hợp kim đồng và kẽm, mà không cần dùng đến thuốc kháng virus (antiviral drug)”.

Thực tế, miếng dán kháng khuẩn đầu tiên được đưa vào sử dụng từ năm 2011

Dưới sự ảnh hưởng nghiêm trọng của virus COVID-19, miếng dán kháng khuẩn mới được biết đến rộng rãi trên toàn cầu. Tuy nhiên trên thực tế, sản phẩm này đã được phát triển sau đại dịch cúm năm 2009 và chính thức được sử dụng thành công từ năm 2011.

Chia sẻ về sự ra đời của những miếng dán kháng khuẩn, một nhà sản xuất cho biết: “Từ lâu, đồng đã được công nhận bởi tác dụng tuyệt vời trong việc kháng khuẩn. Tuy nhiên, kim loại này lại có giá thành khá cao và dễ bị oxy hóa, do đó khó có thể ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Vì thế, một sản phẩm tiết kiệm hơn, nhưng vẫn đảm bảo đủ hàm lượng đồng cần thiết cho việc ngăn chặn sự lây lan của virus và dễ sử dụng trong sinh hoạt như miếng dán kháng khuẩn đã được ra đời”.

Trong thời kỳ bùng phát dịch MERS vào năm 2012, miếng dán kháng khuẩn đã không có nhiều cơ hội được phát huy hết khả năng của mình, bởi mức độ lây lan của MERS không dài và nguy hiểm như virus COVID-19 hiện nay.

Vì thế, đây chính là lúc miếng dán kháng khuẩn được tận dụng nhất không chỉ tại Hàn Quốc, mà còn trên toàn thế giới. Dù khả năng khử trùng không thể đạt đến con số tuyệt đối như kim loại đồng nguyên chất, song miếng dán kháng khuẩn chắc chắn sẽ là một nguyên tố không thể thiếu trong công tác phòng chống sự lây lan dịch bệnh, đồng thời giúp con người có thể an tâm hơn phần nào khi phải thường xuyên tiếp xúc với các sản phẩm dùng chung tại những nơi công cộng.

XEM THÊM: Hàn Quốc hoàn thành bản đồ gen COVID-19 đầu tiên trên thế giới, mở đường chế tạo vắc-xin

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).