⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Hơn 6 tháng trôi qua kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và thay đổi nhịp sống của toàn thế giới.

COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019, sau đó, dịch đã lan ra nhiều tỉnh thành của Trung Quốc và đến nay đã có 215 quốc gia ghi nhận có trường hợp nhiễm virus này.

Rất nhiều quốc gia ở châu Mỹ và châu Âu vẫn đang phải gồng mình chống dịch, những bệnh nhân đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Nhưng ngược lại, ở nhiều nước đã phần nào chống dịch thành công như châu Á, người dân quay trở lại nhịp sống cũ và có phần đã “thờ ơ” trước tin tức về COVID-19.

Nhưng kịch bản xoá bỏ hoàn toàn dịch COVID-19 xem ra vẫn rất xa vời vì nghiên cứu vắc xin còn kéo dài nhiều tháng nữa. Vì vậy, ngay cả những quốc gia được xem là an toàn với COVID-19 ở thời điểm hiện tại cũng cần duy trì một số biên pháp bảo vệ và cảnh giác tối thiểu trong nhiều tháng tới.

Mỹ hiện đã vượt qua con số 2 triệu ca mắc COVID-19 tính đến ngày 11/6, trong khi số ca tử vong là hơn 116.000. Nhà Trắng dự đoán số ca tử vong hằng ngày dự kiến ​​sẽ giảm trong suốt tháng 6 và tháng 7, sau đó duy trì tương đối ổn định đến tháng 8 trước khi tăng mạnh vào tháng 9.

Trên toàn cầu, đã có 424.042 trường hợp tử vong do COVID-19, 7.609.284 ca nhiễm và 3.848.554 người hồi phục tính đến ngày 12/6/2020.

Vậy tình hình COVID-19 ở Hàn Quốc những ngày đầu tháng 6 ra sao?

Tính đến 0 giờ ngày 12/6, Hàn Quốc ghi nhận thêm 56 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm từ khi bùng dịch đến nay lên 12.003 người.

Mặc dù đã chuyển từ “giãn cách xã hội” sang “sinh hoạt phòng dịch” với hy vọng có thể quay trở về nhịp sống hàng ngày, nhưng các ca nhiễm mới từ đầu tháng 6 lại đặt ra mỗi lo ngại về một đợt bùng phát dịch lần thứ 2 ở Hàn Quốc.

Số ca nhiễm mới đã có chiều hướng giảm từ ngày 28/5 tới 31/5, từ 79 ca xuống 58, 39 và 27 ca. Nhưng bước sang tháng 6, số ca nhiễm lại tăng trở lại: Số ca nhiễm ngày 1/6 là 35 ca, 2/6 là 38 ca, 3/6 là 49 ca, 4/6 là 39 ca, 5/6 là 39 ca, duy trì ngưỡng 30-40 người.

Đến ngày 6/6, số ca nhiễm tăng lên 51 ca, 7/6 lên tới 57 ca. Sau khi giảm còn 38 ca theo số liệu công bố ngày 8 và 9/6, số ca nhiễm mới lại quay về mốc 50 ca vào ngày 10/6.

Như vậy, tính đến ngày 12/6, Hàn Quốc đã có 5 ngày mà số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50 ca. Đa số các ca nhiễm mới đều tập trung ở khu vực thủ đô Seoul và các vùng lân cận thuộc tỉnh Gyeonggi. Tính riêng ngày 12/6, thủ đô Seoul có 25 ca, tỉnh Gyeonggi 19 ca, thành phố Incheon và Daegu mỗi nơi 1 ca. 10 ca còn lại là các trường hợp phát hiện trong quá trình kiểm dịch nhập cảnh.

Sau khi mở cửa lại trường học, các tụ điểm giải trí, văn hoá… Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện nhiều các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ổ dịch Itaewon nổi cộm trong tháng 5 còn có các ổ dịch vừa và nhỏ khác ở kho chứa hàng Coupang, nhà thờ, bệnh viện, trung tâm học thêm, quán net (PC bang).

Trong số các ca nhiễm mới cuối tháng 5, đầu tháng 6, có ít nhất 146 ca liên quan tới những công nhân làm việc cho hãng thương mại điện tử khổng lồ Coupang, đơn vị bị cáo buộc không thực hiện biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và có cả nhân viên bị bệnh đi làm. 200 ca khác liên quan đến các hộp đêm và địa điểm giải trí, cùng hơn 90 ca được phát hiện tụ họp ở nhà thờ. Ít nhất 116 ca liên quan đến hoạt động giao hàng tận nhà của hãng cung cấp sản phẩm y tế Richway và đáng lo ngại là hầu hết đều từ 60-70 tuổi.

Một điều đáng lo ngại là các ca nhiễm trong nước dần khó xác định được nguồn lây (chưa hề ra nước ngoài hay tiếp xúc với người nhiễm bệnh trước đó). Các ca nhiễm này do vô tình hay cố ý (cố che giấu thân phận, lộ trình khi bị điều tra dịch tễ) đã lây nhiễm cho những người xung quanh.

Trong tháng 5, một giảng viên ở trung tâm học thêm tại thành phố Incheon đã nhiễm bệnh sau khi lui tới club Itaewon. Tuy nhiên người này sau đó đã không khai báo về nghề nghiệp thực của mình, và đã lây dịch tới cấp độ F7 cho hơn 80 người xung quanh, trong đó có cả các học sinh tiểu học và trung học của trung tâm này.

Để ngăn chặn tình trạng trên, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ khởi kiện và xử phạt hình sự với trường hợp người nhiễm COVID-19 cố tình che giấu, khai gian thân phận, lộ trình trong quá trình khai báo điều tra dịch tễ. Ngoài ra, những người này còn phải chịu mọi chi phí phát sinh trong quá trình điều trị bệnh của mình và những bệnh nhân bị nhiễm bệnh do mình lây lan.

Các ca nhiễm từ đầu tháng 6 ở Hàn Quốc tập trung ở khu vực Seoul và các tỉnh thành lân cận là nơi có mật độ tập trung dân số đông nên rất khó kiểm soát. Ngoài ra, tỷ lệ các bệnh nhân cao tuổi (trên 65) nhiễm COVID-19 ở ngày càng tăng. Đây là nhóm bệnh nhân mất nhiều thời gian điều trị, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn so với các độ tuổi khác nên càng cần phải quản lý chặt chẽ hơn.

Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) còn lo ngại sẽ khó duy trì được “giãn cách xã hội” khi tình hình thời tiết ngày càng nóng, người dân bắt đầu có xu hướng tìm đến các tụ điểm giải trí, vui chơi như các bãi biển, công viên giải trí.

Vào ngày 7/6 vừa qua, tin một học sinh phổ thông trung học nhiễm COVID-19 đã lui tới công viên Lotte World (Seoul) và tiếp xúc với gần 500 người tại đó đã khiến nhiều người “thất kinh”. Nhưng thật may mắn là chỉ 1 ngày sau đó, học sinh này cho kết quả âm tính với COVID-19 và được cơ quan y tế khẳng định là trường hợp dương tính giả.

Tuy nhiên, đây không phải là lúc lạc quan hay phó mặc công tác phòng dịch cho cơ quan y tế. Trong cuộc họp báo ngày 9/6, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trung ương (질병관리본부장) Jeong Eun Gyeong đã khẩn thiết kêu gọi người dân hãy tiếp tục cảnh giác.

Bà Jung nhấn mạnh thời gian từ nay tới cuối tuần sau sẽ là “bước ngoặt quan trọng”, quyết định dịch COVID-19 có lây lan rộng trở lại trên phạm vi toàn quốc hay không. Nếu từ nay tới lúc đó không ngăn chặn được xu hướng lây lan ở thủ đô Seoul và các địa phương lân cận, có thể Hàn Quốc sẽ phải quay lại thực hiện “giãn cách xã hội”.

Hiện tại, các cơ sở công cộng như viện bảo tàng ở thủ đô Seoul và các địa phương lân cận tạm dừng hoạt động, những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao như tụ điểm vui chơi giải trí, trung tâm dạy thêm, quán internet ở khu vực thủ đô sẽ phải hạn chế hoạt động từ 29/5-14/6.

Chính phủ cũng sẽ cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa, đề nghị người dân hoãn các buổi tụ tập, tuân thủ quy tắc phòng dịch như rửa tay, đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách 2m với người khác.

Tuy nhiên, việc phải ở nhà trong suốt mùa đông (từ tháng 1 đến tháng 4) vừa qua có lẽ đã khiến nhiều người dân Hàn Quốc cảm thấy bức bối. Thời tiết nóng nực cũng là nguyên nhân khiến nhiều người dân có xu hướng ra ngoài nhiều hơn.

Bất chấp dịch bệnh, bãi biển Haeundae (Busan) vẫn mở cửa đón khách đến nghỉ mát từ ngày 7/6/2020.

Người dân Seoul cắm trại trong công viên sông Hàn (Hangang)

Trong những ngày vừa qua, người dân Hàn Quốc chia sẻ những tấm ảnh về các y bác sĩ vẫn đang phải túc trực ngày đêm, chăm sóc hơn 12.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Thông điệp được gửi đến trên các diễn đàn là: “Chúng ta nóng nực, bức bối đấy. Nhưng hãy nhìn họ đi, họ phải mặc bộ quần áo bảo hộ này trong suốt 24 giờ và đang khao khát một giấc ngủ ngon chứ chưa nói là một kỳ nghỉ yên bình”.

Cực khổ nhất trong mùa hè này có lẽ là các y tá phải chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở lứa tuổi cao, nhiều bệnh nhân phải phụ thuộc vào máy thở và không thể tự ăn uống hay vệ sinh cá nhân.

Ngoài ra, còn có gần 500 nhân viên y tế phải trực trong các lều khám bệnh dã chiến, các trạm xét nghiệp di động “drive-thru”. Những nơi này không thể lắp đặt điều hoà nên họ vừa phải mặc áo bảo hộ, vừa ngồi “phơi mình” trong cái nóng hầm hập hơn 30 độ C những ngày đầu hè.

Hàn Quốc đang được coi là một trong những nước kiểm soát dịch COVID-19 thành công nhất mà không cần đóng cửa biên giới. Nhưng câu chuyện thành công này đang bị đe doạ nếu giới chức y tế và người dân không đồng lòng hành động để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).