Trước đây, khái niệm về thế hệ Thiên niên kỷ (Millenial) gồm những người ở độ tuổi 19 ~ 40, sinh ra từ sau năm 1980 và được chứng kiến hai cuộc khủng hoảng tài chính lớn vào năm 1997 và 2008. Thế hệ này còn có tên là thế hệ 88 vạn won (88만원세대) hay thế hệ sampo (삼포).

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, cũng tồn tại một thế hệ “sống lâu thành lão làng”, được gọi là “Kkondae” (꼰대).

Trong văn hóa Hàn Quốc, “Kkondae” được hiểu nôm na là “sự hạ mình trước những người lớn tuổi”, tuổi ở đây vừa hiểu là tuổi đời cũng như tuổi nghề. Nếu đặt trong vị trí thứ bậc tại nơi làm việc, văn hóa này thường được biểu hiện đối với những người quản lý cấp trung hoặc cấp cao.

Câu mà các “Kkondae” hay nói là: 나 때는 말이야 (Cái thời của tôi ấy mà…)

Mặt khác, “Kkondae” thường quy cho đàn ông và hầu như được sử dụng với ý nghĩa tiêu cực. Điều này ám chỉ những người ỷ thế “ma cũ chèn ép ma mới”, luôn loại bỏ những ý kiến của người nhỏ tuổi và yêu cầu sự phục tùng tuyệt đối từ đàn em.

Giống như hầu hết các từ mới nhập vào xu hướng suy nghĩ của cộng đồng, nguồn gốc chính xác của thuật ngữ “Kkondae” là không rõ ràng.

Ban đầu, “Kkondae” là tiếng lóng xuất phát từ những học sinh gắn mác giáo viên của họ là nghiêm túc và hà khắc. Ngày nay, “Kkondae” được sử dụng rộng rãi bên ngoài lớp học để mô tả kiểu người mà “không ai muốn tiếp xúc”, đặc biệt là trong giới văn phòng.

Văn hóa “Kkondae” phát triển mạnh mẽ từ cấu trúc phân cấp tại nơi làm việc ở Hàn Quốc. Đàn em hiếm khi được phép đặt câu hỏi về thẩm quyền đối với cấp trên.

Cuộc sống ở thế giới “꼰대” sẽ ra sao?

Phần lớn nhân viên trẻ tuổi tại Hàn Quốc mong muốn đẩy lùi văn hóa “Kkondae”. Bởi mối quan hệ được thiết lập dưới hệ thống phân cấp này có thể gây cảm giác hạn chế tiếp xúc với bất cứ ai ở nơi làm việc.

Chẳng hạn như trong bất kỳ tổ chức nào, một công ty, một trường học hay một câu lạc bộ xã hội, các thành viên được xếp hạng và thứ hạng đó không chỉ quyết định việc báo cáo cho ai và trách nhiệm ra sao. Điều này còn mang ý nghĩa rằng, phải xem xét thái độ và “nhún nhường”, thậm chí cần tỏ ra “hào phóng” khi mời “sếp” dùng bữa.

“Vừa làm vừa nghỉ nhé!” – “Tôi đang nghỉ thì anh đến mà”

Được biết, “Kkondae” còn ảnh hưởng đến sự phân công vị trí làm việc. Bắt buộc ai phải ghi chú trong một cuộc họp, ai sẽ gọi để đặt chỗ cho bữa tối của nhóm và ai là người phân phát thìa, đũa khi vào nhà hàng (do thìa, đũa thường được đựng trong hộp gỗ tự phục vụ ở hầu hết các cơ sở ăn uống tại Hàn Quốc).

Trong văn hóa công sở, các đồng nghiệp chỉ được gọi nhau bằng chức danh công việc của họ. Tổ chức theo mô hình kim tự tháp như kim chỉ nam cho việc điều hướng của các công ty. Mọi người sẽ hình dung về một bức tranh phân chia “sáng – tối” rõ ràng.

Ngoài ra, giới trẻ Hàn Quốc cũng thất vọng với sự phân biệt “khoảng cách thế hệ”, trong việc xác định giá trị làm việc, xuất phát từ văn hóa “Kkondae”.

“Những người ở độ tuổi của tôi xem công việc chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống, hơn nữa cũng chỉ là công cụ để xây dựng cuộc sống”, Ahn Da Young, một nhân viên văn phòng cho biết. “Ngược lại, cấp trên của tôi xem công việc của họ như một phần quan trọng tất yếu. Tôi không hiểu vì sao chúng tôi lại không có lòng trung thành với công ty như họ vậy?”.

Thế hệ Bùng nổ sơ sinh (Baby Boom) gồm những người trên 51 tuổi (50 – 60대), sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1950 tới 1969. Đây là thế hệ đầu tiên tiếp nhận quá trình công nghiệp hóa và dân chủ hóa sau khi chiến tranh Hàn Quốc kết thúc.

Những người được sinh ra trong giai đoạn “bùng nổ sơ sinh” này đã phải xây dựng sự nghiệp của họ theo một định nghĩa hẹp, về ý nghĩa của một công dân tốt, cống hiến để xây dựng đất nước. Theo đó, việc làm ổn định là nền tảng của quyền công dân tốt. Chủ nghĩa tuyệt đối này có thể lý giải tại sao một số người lớn tuổi sẽ gặp khó khăn để thích nghi với thiên niên kỷ của sự tự do mà họ chưa từng trải qua.

Như Lee Byoung Hoon, giáo sư xã hội học tại Đại học ChungAng giải thích, đối với những người thuộc thế hệ “bùng nổ sơ sinh”, các mục tiêu trong công việc của họ được ưu tiên hơn các mục tiêu cá nhân.

“Họ đã được nuôi dưỡng dưới chủ nghĩa dân tộc, trong đó sự tăng trưởng kinh tế quốc gia là ưu tiên hàng đầu”, ông Lee nói. “Rất nhiều người đã bị thúc đẩy bởi điều đó và thế hệ này vẫn khá trung thành với công việc của họ”.

Tuy nhiên, vì quá coi trọng công việc nên những người thuộc thế hệ cha chú này lại áp dụng những tư tưởng có phần “quân phiệt” trong cung cách điều hành nhân sự trong công ty.

Giới trẻ Hàn Quốc đang hy vọng được cân bằng cuộc sống công việc nhiều hơn và nới lỏng các cấu trúc tổ chức truyền thống trong công ty.

Phản ứng trước văn hóa “꼰대” – Niềm hy vọng mới cho người trẻ Hàn

Văn hóa sẽ không thể thay đổi sau một đêm và những hành động nổi loạn, công khai chống lại thứ bậc vẫn không được khuyến khích. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi Hàn Quốc đang ngày càng thiếu kiên nhẫn khi đối mặt với “Kkondae”, đã dẫn đến một vài thay đổi.

Đối với người ngoài cuộc, cách ứng xử “kính lão đắc thọ” này có vẻ rất tinh tế. Họ thấy rằng, những nhân viên được nghỉ phép có lương, mà ngay cả người mới cũng có thể yêu cầu trong bất kỳ tháng nào trong năm.

“Vào thời của tôi, không thể xin nghỉ bất cứ lúc nào tôi muốn”, Kim Jae Eui, một người đã nghỉ hưu chia sẻ. “Nhưng giờ đây, chế độ xã hội đã linh hoạt hơn. Theo trật tự xã hội cũ, tự do nghỉ ngơi là một điều xa xỉ không thể tưởng tượng được”.

Ngày nay, chế độ làm việc 8 giờ/ngày/5 ngày làm việc có sự tương phản lớn với thế hệ trước đây, những người được yêu cầu phải làm việc nửa ngày vào thứ Bảy cho đến năm 1994, khi Luật thi hành chế độ làm việc 5 ngày/tuần được thông qua lần đầu tiên.

Tuy nhiên, văn hóa “Kkondae” đã trở thành một “thói quen” khó có thể xóa bỏ hoàn toàn trong xã hội Hàn Quốc.

Hiện nay, nhiều người trẻ Hàn Quốc mong muốn tìm thấy sự cân bằng trong môi trường làm việc và cuộc sống. Thậm chí, có một từ tiếng Hàn mới đã trở nên phổ biến là “worabel” (워라밸), viết tắt của cụm từ “work-life-balance”, tức cân bằng cuộc sống công việc.

Nhìn chung, cả hai thuật ngữ “worabel” và “kkondae” đều là biểu tượng cho sự thay đổi giá trị và kỳ vọng của những người lao động trẻ, trong ứng xử với “người bề trên”. Ngày nay, các công ty Hàn Quốc cũng đã cố gắng thay đổi chính sách và nới lỏng thứ bậc làm việc ít nhiều. Trong đó, nhân viên có thể gọi nhau bằng tên hoặc có thể từ chối các bữa ăn tối.

XEM THÊM: TOP 20 điều cần biết về văn hóa sinh hoạt của người Hàn Quốc

Tổng hợp từ BBC

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).