Tháng 8/2018, chính phủ Hàn Quốc công bố tổng tỷ suất sinh (TRF – total fertility rate) mới nhất ở nước này là 0,98 người. Đây là con số thể hiện số trẻ trung bình được sinh ra trong suốt cuộc đời một người phụ nữ.

Mặc dù Hàn Quốc vẫn duy trì mức sinh dưới 1,5 trong vòng 20 năm trở lại đây nhưng đây là lần đầu tiên, tổng tỷ suất sinh rơi ở mức kỷ lục đã khiến Hàn Quốc trở thành nước duy nhất trên thế giới có tổng tỷ suất sinh nhỏ hơn 1. Để duy trì độ ổn định dân số một nước, tổng tỷ suất sinh lý tưởng là 2,1.

Kết quả này khiến nỗi lo ngại của các chuyên gia về tốc độ già hóa dân số ngày càng gia tăng cũng như những ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế và khả năng sụp đổ quỹ lương hưu trong tương lai ở Hàn Quốc trở nên lớn hơn bao giờ hết.

⇢ Xem thêm: Xu hướng thích ở một mình của giới trẻ Hàn Quốc và nền kinh tế độc thân

Một điều tra gần đây do Quỹ trẻ em Chiếc ô xanh (초록우산어린이재단) thực hiện trên 1000 đối tượng nam nữ ở độ tuổi 19 ~ 69 đã cho thấy những khác biệt rất lớn về nhận thức và giá trị quan của ba thế hệ người Hàn Quốc, được coi là tương quan với hiện tượng sụt giảm nhu cầu sinh đẻ này.

Các đối tượng tham gia khảo sát được chia thành ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất là thế hệ Thiên niên kỷ (Millenial) gồm những người ở độ tuổi 19 ~ 40, sinh ra từ sau năm 1980 và được chứng kiến hai cuộc khủng hoảng tài chính lớn vào năm 1997 và 2008. Thế hệ này còn có tên là thế hệ 88 vạn won (88만원세대) hay thế hệ sampo (삼포).

Thế hệ 88 vạn won là thế hệ có mức thu nhập thấp thiếu ổn định ở mức trung bình 880 ngàn KRW/tháng (17.5 triệu VND). Thế hệ sampo là thế hệ từ bỏ ba điều: hẹn hò, kết hôn và con cái

Nhóm thứ 2 là Thế hệ X, gồm những người sinh vào những năm 1970, hiện đang ở độ tuổi từ 41~50 (40대). Đây là thế hệ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của đất nước cả về kinh tế và văn hóa, ví dụ như sự kiện thế vận hội Olympic Seoul năm 1988 hay sự phổ biến của truyền thông đại chúng và máy vi tính.

Nhóm thứ 3 là thế hệ Bùng nổ sơ sinh (Baby Boom) gồm những người trên 51 tuổi (50 – 60대), sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1950 tới 1969. Đây là thế hệ đầu tiên tiếp nhận quá trình công nghiệp hóa và dân chủ hóa sau khi chiến tranh Hàn Quốc kết thúc.

Kết quả điều tra cho thấy những bất đồng lớn trong nhận thức của giới trẻ và hai thế hệ trước đó. So với hai nhóm còn lại, nhóm Thiên niên kỷ có xu hướng nhìn nhận tiêu cực về xã hội Hàn Quốc hơn. Họ cho điểm thấp nhất khi xét tới mức độ đáng sống của đất nước mình, đồng thời khá đồng tình với ý kiến cho rằng Hàn Quốc là đất nước có sự cạnh tranh khốc liệt và mọi người thường xuyên so sánh bản thân với người khác.

Theo họ, tầng lớp xã hội là yếu tố được định hình sẵn ngay từ khi mới sinh. Đây cũng là thế hệ có mức độ hạnh phúc chủ quan thấp nhất trong cả ba nhóm, chỉ đạt 5,82 điểm trên tổng số 10 so với 6,24 điểm ở thế hệ X và 6,16 điểm ở thế hệ Bùng nổ sơ sinh.

Trước thực trạng ngày càng nhiều người Hàn Quốc lựa chọn không kết hôn, chỉ có 22,7% thế hệ Thiên niên kỷ cho rằng nguyên nhân là do chưa gặp được đối tượng phù hợp, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ này ở hai thế hệ trước đó là 35,2% (thế hệ X) và 33,9% (thế hệ Baby Boom).

Có tới 20% người trẻ cảm thấy việc kết hôn là không cần thiết và không mang lại hạnh phúc. Nhiều người cũng cảm thấy bi quan trước khả năng tài chính trong tương lai và cho rằng gánh nặng con cái sẽ sớm trở thành gánh nặng kinh tế.

Đây cũng được cho là thế hệ đã chịu ảnh hưởng lớn từ chủ nghĩa cá nhân ở các nước phương Tây, do đó họ có xu hướng đề cao thành tựu của bản thân và các giá trị mang tính cá nhân lên trước yếu tố gia đình hơn.

Khi được hỏi về lý do có thể khiến mình hối hận trong việc nuôi dạy con cái, 1/3 thế hệ Bùng nổ sơ sinh nuối tiếc vì những gì mình không thể đem lại cho thế hệ sau trong khi phần lớn thế hệ 2030 nghĩ tới gánh nặng kinh tế và những khó khăn mệt mỏi đi kèm. 60% cặp vợ chồng cho rằng năng lực kinh tế là yếu tố quyết định trong việc lựa chọn có sinh con hay không.

Để có thể thay đổi thực trạng u ám của vấn đề tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc, cần phải có những biện pháp tích cực nhằm thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ về giá trị của gia đình, đồng thời xây dựng môi trường hỗ trợ việc sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái, giúp họ có được cái nhìn tươi sáng hơn về tương lai.

Tổng hợp từ KBS News

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).