Ra mắt ngày 17/9, “Squid Game” đã tạo nên cơn sốt chưa từng có trên khắp thế giới, đứng đầu ở Netflix trên hơn 90 quốc gia. Thành công của “Squid Game” được đánh giá là chưa từng có tiền lệ trên truyền hình ở Hàn Quốc.

Khi xem “Squid Game”, khán giả hồi hộp, thất kinh vì những cảnh giết chóc, và rồi đến khi khép lại, bộ phim lại khiến người xem day dứt, chiêm nghiệm về từng nhân vật rồi giật mình phát hiện ra “Sao lại giống đời thực đến thế!”

Trò chơi chỉ là bối cảnh, là chất xúc tác để làm nổi bật diễn biến tâm lý và số phận các nhân vật. Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn Hwang Dong Hyuk cũng chia sẻ: “Điều trớ trêu là gần 500 con người trưởng thành liều mạng trong vô vọng để giành chiến thắng ở loạt trò chơi dành cho trẻ em. Các trò chơi đơn giản, luật chơi dễ hiểu giúp người xem dễ dàng theo dõi và tập trung vào các nhân vật”.

Vậy đâu là thông điệp mà đạo diễn Hwang Dong Hyuk muốn gửi gắm qua những người chơi trong đấu trường sinh tử này?

Ki Hoon – niềm tin là vũ khí chiến thắng

Đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã dành hầu như toàn bộ tập 1 để giới thiệu về nhân vật chính Ki Hoon – một ông chú thất bại, không nghề nghiệp, không địa vị xã hội, gia đình tan vỡ, như một cái bóng bên lề của xã hội.

Sau khi ly hôn, Ki Hoon ăn bám người mẹ già phải bán rau ở chợ để chắt chiu từng đồng. Bà bị tiểu đường nặng dẫn tới hoại tử cả bàn chân nhưng không dám nhập viện chỉ vì ông con quý tử đã cắt cả bảo hiểm của mẹ để lấy tiền đánh bạc.

Ki Hoon cố gắng thoát khỏi vũng lầy, nhưng mọi việc anh làm đều chỉ toát lên chữ…“Hèn”.

Thắng cược 4.560.000 won từ đua ngựa, anh “bo” cho cô nhân viên quầy giao dịch 10.000 won (khoảng 200 ngàn đồng), nhưng chưa đầy 5 phút sau đã quay ra đòi lại. Vì máu me cờ bạc, Ki Hoon tiếp tục nướng số tiền ít ỏi này vào trò gắp thú, để rồi chỉ biết mang tặng con gái một khẩu súng đồ chơi rẻ tiền.

Anh không đủ khả năng chu cấp tiền cho con, nhưng vẫn muối mặt đến vay tiền vợ cũ và rồi thậm chí còn đánh người chồng mới của vợ ngay trước mặt con gái.

Vô dụng, bất tài là thế, nhưng tại sao Ki Hoon lại được chọn là người chiến thắng cuối cùng trong cuộc chơi sinh tử trong “Squid Game”? Là bởi trong anh vẫn còn giữ được bản tính thiện và niềm tin vào con người.

Để làm nổi bật được bản tính thiện trong con người của Ki Hoon, nam diễn viên Lee Jung Jae đã phải nghiên cứu kịch bản trong nhiều ngày và lột tả qua những phân cảnh nhỏ nhất.

Ví dụ như khi Ki Hoon chạy trốn lũ siết nợ và đâm phải Sae Byeok, đáng lẽ phải chạy tiếp nhưng anh vẫn quay trở lại lấy cốc nước bị rơi, cắm ống hút vào rồi đưa lại cho cô.

Tất cả những hành động này đều là nhất thời, do tài tử Lee Jung Jae tự thực hiện trước sự bất ngờ của đoàn làm phim. Cũng trong cảnh phim đó, nhân vật Sae Byeok chỉ biết cúi đầu, người cô rung nhẹ vì đang “phì cười” trước sự tự biên tự diễn của Lee Jung Jae.

Hay phân cảnh Ki Hoon thất thểu trở về nhà trong màn đêm tăm tối, nhưng vẫn chia một khúc cá cho chú mèo hoang bên đường, đó cũng là những chi tiết khiến người xem bắt đầu chuyển từ “ghét” sang “thương” nhân vật này hơn.

Hoá ra Ki Hoon từng là một nhân viên trong xưởng sản xuất ôtô hơn 10 năm, nhưng sau đó bị đuổi việc đầy oan ức. Anh bị ám ảnh bởi cái chết của người đồng nghiệp khi tham gia đình công để rồi bị cảnh sát đánh chết.

Chi tiết này của phim dựa trên một sự kiện có thật, do tình hình tài chính khó khăn, hãng xe hơi Ssangyong Motor đã sa thải hơn 2.600 công nhân. Từ ngày 21/5/2009, phía Công đoàn Lao động của nhà máy đã chiếm đóng nhà xưởng ở thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi trong vòng 77 ngày. Trong quá trình này, cảnh sát đã dùng trực thăng phun hơi cay và huy động đội đặc công đàn áp người tham gia đình công.

“Hoá ra vẫn có ai đó còn nhớ đến chúng tôi!”. Những người công nhân tham gia đình công năm đó đã khóc vì xúc động khi xem phân cảnh này trong “Squid Game”.

Sự lương thiện của Ki Hoon còn được thể hiện rõ qua các vòng chơi. Anh là người duy nhất hỏi han, lo lắng cho ông cụ Il Nam, anh mời Sae Byeok vào đội của mình mặc dù trước đó bị cô lấy trộm tiền.

Tuy nhiên, sự lương thiện này cũng có lúc bị lung lay khi đứng trước ranh giới sống – chết. Ở vòng chơi số 5, Ki Hoon vừa nước mắt lưng tròng, vừa cố lừa ông cụ đãng trí để chiếm đoạt số bi.

Thực ra trước đó, ông cụ Il Nam đã cố ý ngồi tách ra lúc người chơi tìm cặp vì người bị lẻ ra sẽ nghiễm nhiên được vào vòng trong (về sau Han Mi Nyeo hưởng may mắn này). Nhưng vì không cầm lòng khi thấy cụ già ngồi co ro tội nghiệp nên Ki Hoon đã mời cụ làm bạn chơi. Ở trò bắn bi, không phải là Ki Hoon lừa cụ, mà bị ông cụ “vờn” lại để bắt anh phải bộc lộ hết cả phần “người” lẫn phần “con” khi phải đối mặt với sống chết.

Cuối cùng, cụ Il Nam đã nhường cho Ki Hoon viên bi cuối cùng, vì theo lời cụ nói “Chơi với anh, tôi thấy vui lắm, quên hết cả thời gian”. Sự ngây thơ và bốc đồng của Ki Hoon không ngờ đã lay động được ông trùm của trò game, giúp ông thoả ước nguyện được đắm chìm trong những trò chơi thơ ấu.

Nhưng Ki Hoon khác cụ Il Nam ở chỗ, anh luôn giữ cho mình niềm tin vào con người đến tận phút cuối. Còn cụ Il Nam thì đến tận giây phút trút hơi thở cuối cùng cũng không thấy được người đàn ông vô gia cư bên đường được cứu giúp.

Có ý kiến cho rằng số áo 456 của nhân vật chính Ki Hoon cũng phản ánh hành trình xây dựng tâm lý nhân vật. Theo phiên âm Hán tự, số 4 tượng trưng cho cái chết, số 5 tượng trưng cho những điều tốt đẹp như tiền bạc và số 6 tượng trưng cho sự may mắn.

Ki Hoon vừa là nhân vật để đạo diễn Hwang Dong Hyuk gửi gắm niềm tin vào con người, vừa là hình tượng về một con người trong xã hội hiện đại đổ vỡ và cô độc. Sống chết vì tiền đấy, nhưng có tiền rồi liệu có hạnh phúc hay chăng?

Hình ảnh Ki Hoon chiến thắng trở về, đặt tay lên ngực người mẹ đã chết lạnh trong phòng là một dấu lặng đầy ám ảnh trong phim. Vừa trở về từ đấu trường chém giết kinh hoàng, Ki Hoon giờ chỉ như một cái xác không hồn, đâu còn nước mắt để khóc nữa. Anh chỉ thầm thì vào tai mẹ “Con mang tiền về rồi đây!”

Phải chứng kiến cái chết đau đớn của người em Sang Woo và giờ thì mất mẹ, số tiền 45.6 tỷ won đối với Ki Hoon trở nên vô nghĩa. Anh sống lang thang, ẩn giật như một kẻ vô gia cư, không hề động đến một đồng nào trong số tiền thưởng khổng lồ kia.

Sau cuộc nói chuyện với ông trùm Oh Il Nam và phát hiện ra mình và gần 500 người chơi bị đem ra làm trò tiêu khiển cho những kẻ giàu có, Ki Hoon đã trở nên tức giận. Anh nhuộm tóc đỏ và quyết định không lên máy bay hội ngộ với con gái. “Tôi không phải là ngựa!” Đó dường như là một lời tuyên bố sẽ đối đầu với tổ chức quái ác, muốn xoá sổ những kẻ tìm kiếm niềm vui từ xương máu người nghèo khổ.

Sang Woo – cuộc chơi không dành cho người ích kỷ

Sang Woo là người em thân thiết, cùng lớn lên trong con ngõ nhỏ với Ki Hoon. Nhưng khi trưởng thành, hai người có số phận, tính cách hoàn toàn trái ngược nhau.

Đạo diễn Hwang Dong Hyuk chia sẻ, Ki Hoon và Sang Woo là hai nhân vật đại diện cho hai khía cạnh của chính ông: “Giống như Ki Hun, tôi được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ đơn thân trong một khu nghèo ở Ssangmun-dong. Nhưng giống như Sang Woo, tôi theo học Đại học Quốc gia Seoul và được hàng xóm ca ngợi, trọng vọng”.

Trong “Squid Game”, Sang Woo đại diện cho tầng lớp tri thức, thông minh, giàu tham vọng nhưng ích kỷ.

Anh ta vay mượn, thậm chí cầm cố cả gian hàng của mẹ ở chợ để đầu tư chứng khoán và kết cục bị thua lỗ tới hơn 6 tỷ won, phải bỏ trốn sự điều tra của cảnh sát.

Vì không muốn làm mẹ thất vọng và đánh mất hình tượng “niềm tự hào của Ssangmun-dong”, Sang Woo phải nói dối mình đang công tác ở Mỹ.

Sự “tự tôn” trong con người Sang Woo rất lớn, nó thể hiện qua những chi tiết như trong lúc tuyệt vọng muốn tìm đến cái chết trong nhà trọ, anh ta vẫn phải mặc áo vest cho chỉnh tề. Sang Woo cho Ali tiền mua vé xe bus cũng chỉ vì muốn thể hiện “Tuy đường cùng, nhưng tôi vẫn là đẳng cấp khác.”

Diễn viên Park Hae Soo quả đã lột tả thành công diễn biến tâm lý của Sang Woo qua nét mặt, khi anh ta ngập ngừng gọi với Ki Hoon trong trò chơi tách kẹo đường. “Anh Ki Hoon… Thôi, không có gì đâu!” Rõ ràng đã biết trước nội dung của trò chơi, nhưng trong phút chốc, Sang Woo lại bắt đầu toan tính “Người này liệu có ích gì cho mình trong cuộc chơi này không?”

Càng vào những vòng sau, lòng tham của Sang Woo càng lớn và nó biến anh ta trở thành người máu lạnh. Anh sẵn sàng lợi dụng sự cả tin, ngây thơ của Ali để lừa chiếm đoạt hết số bi của bạn chơi và không ghê tay khi cầm dao đâm chết Sae Byeok.

Cuộc đấu khẩu giữa Sang Woo và Ki Hoon đã làm toát lên sự khác biệt giữa tính cách của hai người. Nếu như Ki Hoon cho rằng sở dĩ anh được vào đến vòng trong là nhờ bao con người đã hy sinh mạng sống, còn Sang Woo thì coi đây là kết quả từ nỗ lực của bản thân. Ở mặt này, bộ phim cho khán giả thấy rõ những kẻ vị kỷ không thể tồn tại quá lâu.

Nam diễn viên Park Hae Soo khi phân tích vai diễn của mình đã chia sẻ rằng, nhân vật của anh có thể thông minh, học giỏi, đỗ đại học danh tiếng, nhưng bản chất con người và tính cách không thiện lương được như Ki Hoon. Do đó, mặc dù là “niềm tự hào của Ssangmun-dong”, nhưng Sang Woo luôn ghen tỵ với người bạn luôn hiện lên vẻ bần cùng và thất bại của mình.

Những số phận bên rìa xã hội

Ngoài hai nam chính Ki Hoon và Sang Woo, “Squid Game” cũng dành thời lượng vừa đủ để khắc hoạ hoàn cảnh, tâm lý những nhân vật phụ khác.

Sự xuất hiện của anh chàng Ali người Pakistan đã mang lại một yếu tố lạ nhưng vô cùng thật cho phim. Ali đã cứu mạng Ki Hoon trong trò chơi đầu tiên, anh ngây thơ đến tội nghiệp khi gọi Sang Woo hay bất kỳ ai đối xử tốt với mình là “Ông chủ”.

Là người nước ngoài nên Ali không được coi trọng và phải chăm chỉ làm việc để kiếm tiền, trang trải cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng trong một lần tranh cãi gay gắt với chủ xưởng để đòi tiền lương, Ali đã vô tình gây tai nạn khiến người này bị máy cắt trúng tay. Anh mang hết số tiền mà người chủ đang cầm trên tay đưa cho vợ con và sau đó quyết tâm trở lại tham gia trò chơi sinh tử để lấy tiền lo cho gia đình.

Cũng là phận “đường cùng”, nhưng những người lao động nhập cư, làm công việc chân tay nặng nhọc như Ali còn phải chịu thêm nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại trong xã hội Hàn Quốc.

Trong “Squid Game” còn có ba nhân vật nữ có số phận vô cùng đáng thương, cũng sống chênh vênh bên rìa xã hội.

Đó là Kang Sae Byeok (Jung Ho Yeon), cô gái người Bắc Hàn luôn phải gồng mình kiếm tiền để đưa mẹ vượt biên và cứu em trai khỏi trại trẻ mồ côi.

Đó là Ji Yeong (Lee Yoo Mi) – chứng kiến người bố là linh mục giết mẹ, bị bố xâm hại tình dục, cuối cùng phải vào tù vì giết bố.

Đó là một Han Mi Nyeo (Kim Joo Ryung) – càng “bầm dập” với cuộc đời thì càng “mặt dày” để bấu víu lấy chỗ đứng cho mình.

Sự thật về xã hội hiện đại Hàn Quốc

Phân hoá giàu nghèo nghiêm trọng

Mỗi một nhân vật trong “Squid Game” đều đại diện cho một cảnh đời và làm nổi bật sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc.

Có những người làm nghề cho vay lãi và nhanh chóng trở nên giàu có như ông trùm Oh Il Nam. Những kẻ giàu có, thừa thãi đến mức dù mua gì, ăn gì, uống gì thì đến cuối cùng cũng sẽ thấy chán, nên đã nghĩ ra “Trò chơi con mực”, dùng chính mạng sống của đồng loại để tiêu khiển.

Nhưng giới nhà giàu quái đản này cũng rất… công bằng khi cho người chơi chủ động quyết định quyền có tiếp tục tham gia hay không. Thật chua chát, vì người ta phẫn nộ, kinh sợ trước trò chơi quái đản này nhưng cuối cùng vẫn phải nhắm mắt đưa chân vì phát hiện ra cuộc sống hiện thực mới là địa ngục trần ai.

Ngoài ra, đạo diễn còn đưa vào “Squid Game” những phân cảnh đề cập thẳng thừng vấn đề “bán thân thể lấy tiền”, theo đúng nghĩa đen, của người nghèo. Ki Hoon không trả được nợ liền bị ép ký vào giấy hiến nội tạng, hay mỗi người chơi tham gia “Squid Game” đều được định giá 100 triệu won, mỗi mạng người mất đi đều được quy đổi ra “tiền tươi thóc thật”.

Ở Hàn Quốc, top 20% người có thu nhập cao nhất trong nước có tổng giá trị tài sản gấp 166 lần so với top 20% dân số có thu nhập thấp nhất, mức chênh lệch này đã tăng gấp rưỡi kể từ năm 2017.

Ngoài ra, trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc hiện đứng thứ 11/38 quốc gia thành viên về hệ số Gini, thước đo mức độ bất bình đẳng thu nhập giữa các tầng lớp cư dân.

Giáo sư văn học hiện đại tại Đại học Chungnam Yun Suk Jin phân tích: “Người Hàn Quốc từng có tinh thần cộng đồng và vì tập thể. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 đã khiến mọi người chỉ còn biết đấu tranh vì chính mình”.

Sau chiến tranh Nam – Bắc Hàn, Hàn Quốc phát triển vượt bậc và trở thành một trong những nước giàu nhất châu Á, được các nhà kinh tế học ca ngợi là “Kỳ tích sông Hàn”. Tuy nhiên, song song với sự lớn mạnh của nền kinh tế là tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng trầm trọng.

“Squid Game” không phải là tác phẩm duy nhất của Hàn Quốc gây được tiếng vang bằng cách khai thác về sự bất bình đẳng trong xã hội Hàn Quốc. Trước đó, bộ phim “Ký Sinh Trùng”(Parasite, 2019) của đạo diễn Bong Joon Ho giành tới 4 tượng vàng Oscar danh giá, cũng miêu tả hai thái cực của xã hội Hàn Quốc, một bên phải chạy ăn từng bữa cơm, một bên lại sống thoải mái trong khu nhà giàu ở trung tâm thành phố.

Có lẽ, áp lực sinh tồn trong xã hội bất bình đẳng và khát vọng đổi đời của những con người khốn khổ được khắc họa qua “Parasite”hay “Squid Game” đều tương đồng với những gì đang diễn ra ở Hàn Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến loạt phim này thu hút khán giả quốc tế nhiều đến vậy.

Sự bế tắc của thế hệ thìa đất

Ban đầu, khán giả Hàn Quốc phản ứng tiêu cực với “Squid Game” vì cho rằng phim khuôn sáo, thiếu thuyết phục và bạo lực vô cớ. Nhưng dần dà, họ ngày càng đồng cảm với phim vì nhận ra mình có nhiều điểm chung với các nhân vật, đặc biệt là nam chính Ki Hoon.

Các nhân vật trong phim đã nhận được sự đồng cảm từ giới trẻ Hàn Quốc – những người không thể nào thấy được cơ hội thăng tiến trong xã hội.

Giới trẻ thường dân ở Hàn Quốc thường được ví von là “thế hệ thìa đất” (nhà nghèo), đối lập với “thìa vàng” (nhà giàu).

Rõ ràng khi sống ở một đất nước có nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới, một cường quốc CNTT thì dù là “thìa đất” hay “thìa nhôm” thì chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ phải lo chết đói nếu biết lao động chăm chỉ. Bằng chứng là hàng ngàn người lao động nước ngoài vẫn đang có thu nhập ổn định tại các công ty Hàn Quốc.

Như vậy, người nước ngoài cũng có thể sống tốt, vậy tại sao người Hàn Quốc lại than thở? Có người sẽ đặt câu hỏi “Tại sao không biết đến chữ ‘đủ’ để học cách sống hạnh phúc với cuộc sống hiện tại?”

Vấn đề ở đây là những người trẻ luôn phải đối mặt với áp lực xã hội về việc phải thành công, cơ hội để “tiến thân” cho một người bình thường ngày càng chật vật.

Nếu không cam chịu một cuộc sống “làng nhàng” thì bắt buộc bạn phải đặt mình trong sự đối chiếu với các tiêu chuẩn hữu hình hay vô hình trong xã hội. Ví dụ như để an cư lạc nghiệp, bạn phải mua một ngôi nhà; để con cái học tập tốt, bạn phải gửi con đến những ngôi trường tốt nhất; để có môi trường giáo dục tốt, bạn phải sống trong các khu phố tốt nhất…

Những tiêu chuẩn của đời sống ngày càng nâng cao, trong khi cơ hội phát triển lại có hạn, điều này dần khiến giới trẻ Hàn Quốc ngày càng bất mãn. Nhiều người thừa nhận “Tôi đã từ bỏ ước mơ mua nhà!”. Giá nhà ở Seoul tăng gần gấp đôi kể từ khi Tổng thống Moon Jae In lên nắm quyền vào năm 2017, mặc dù có ít nhất 20 sáng kiến ​​và quy định chính sách mới nhằm kiềm chế sự tăng giá.

Liệu bao nhiêu người sẽ chơi Squid Game nếu nó diễn ra ngoài đời thực?

Trên thực tế, rất nhiều người Hàn Quốc ngày nay đang bị ám ảnh bởi cách làm giàu nhanh chóng như tiền ảo hoặc xổ số. Bằng chứng là trong một vài năm trở lại đây, Hàn Quốc đã trở thành một trong những thị trường tiền ảo lớn nhất thế giới.

Nợ hộ gia đình tăng mạnh

“Squid Game” đã tiếp thêm một nét bút phê phán sâu sắc sự bất bình đẳng kinh tế xã hội đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người ở Hàn Quốc.

Nguyên nhân đẩy những người chơi đến bước đường cùng trong phim chính là các “khoản nợ”.

Đạo diễn Hwang Dong Hyuk cũng chia sẻ, nguồn cảm hứng cho “Squid Game” của ông đến từ tuổi thơ nghèo khó “Tôi bắt đầu sáng tác bộ phim từ năm 2008. Khi ấy, gia đình tôi rất nghèo khó, chúng tôi nợ rất nhiều tiền.” 

Để trốn thoát khỏi thực tại, đạo diễn Hwang đắm mình vào thế giới của truyện tranh như Liar Games hay Battle Royale.

“Tôi đã nghĩ rằng mình cũng sẵn sàng tham gia một trò chơi như thế này để thắng tiền. ‘Nếu ở Hàn Quốc cũng có trò này thì nó sẽ khác biệt như thế nào?’. Và đó cũng là lúc tôi bắt đầu sáng tác Squid Game.”

Tiêu chuẩn thịnh vượng tăng lên, các hộ gia đình ở Hàn Quốc cố gắng bắt kịp và khiến các khoản nợ ngày một tăng, ảnh hưởng đến tầng lớp thấp và trung lưu.

Nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây, lên tới hơn 100% tổng sản phẩm quốc nội, mức cao nhất ở châu Á.

Nợ hộ gia đình đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua, lên mức kỷ lục 1.540 tỷ USD trong quý II/2021. Thu nhập của nhiều chủ hộ kinh doanh – chiếm gần một phần ba lực lượng lao động – đã bị cắt giảm sau khi các hạn chế về COVID-19 kéo dài nhiều tháng.

Lo lắng về tốc độ tăng nhanh của nợ chính phủ càng trở nên trầm trọng hơn do dân số già nhanh và tỷ lệ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới, điều này có nguy cơ làm tăng gánh nặng tài chính của Hàn Quốc.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc cho biết, nếu nợ quốc gia tiếp tục tăng với tốc độ này, mỗi em bé sơ sinh Hàn Quốc sẽ nợ hơn 100 triệu won (hơn 83.720 USD) khi trở thành học sinh trung học.

Vào tháng 8/2021, chính phủ Hàn Quốc đã công bố các biện pháp hạn chế cho vay mới nhằm mục đích giảm nợ ở những người trẻ tuổi. Nhưng những nỗ lực hạn chế vay nợ này đã khiến một số người chuyển sang vay nặng lãi với rủi ro cao hơn.

Lời kết

Trong trò game của trẻ con, chúng ta thường quen hô “Chết này!, Sống rồi!”, nhưng tất nhiên nó chỉ ẩn dụ cho sự thắng thua thường tình. Nhưng trong “Squid Game”, chết là cái chết theo nghĩa đen, cái chết của người này có thể là món quà và niềm vui cho người kia.

Tất nhiên, đây không phải là một câu chuyện dành riêng cho Hàn Quốc. Bất công xã hội, chênh lệch giàu nghèo, những phiền muộn, bất an trước nhiều ngã rẽ cuộc đời, những đấu tranh nội tâm của các nhân vật trong “Squid Game” đã tìm được tiếng nói cộng hưởng của nhiều xã hội khác trên toàn cầu.

Có thể nói, “Trò Chơi Con Mực” đã khiến khán giả quốc tế cảm nhận được sự nhạy cảm, độc đáo của người Hàn Quốc trong việc truyền đạt cảm xúc, cũng như cùng trăn trở để tìm ra những hướng đi mới cho xã hội hiện đại.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).