Ngày 12/10/2021, dựa theo khảo sát 792 doanh nghiệp sản xuất có lao động người nước ngoài về “Thực trạng nhân lực và nhu cầu lao động người nước ngoài ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2021”, 92% công ty cho biết đang thiếu nhân lực sản xuất.

Cũng theo một khảo sát với 2.713 sinh viên năm thứ 3 và 4 ở các trường đại học hệ 4 năm trên toàn quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc ngày 12/10/2021 cũng cho biết cứ 10 sinh viên thì có 7 sinh viên từ bỏ cơ hội kiếm việc làm trong năm nay.

Số người có việc làm bắt đầu giảm kể từ tháng 3/2020 khi nền kinh tế Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Theo báo cáo số liệu tuyển dụng của Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, số người có việc làm ở Hàn Quốc tháng 12/2020 đạt 26.520.000 người, giảm gần 220.000 người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 4.1%, mức giảm kỷ lục kể từ tháng 2/1999.

Doanh nghiệp kêu thiếu lao động nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ vẫn tăng? Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Giới trẻ Hàn Quốc quá kén chọn?

Từ những năm 1990, người Hàn Quốc bắt đầu không thiết tha những công việc thuộc dạng 3D, tức là những việc khó khăn, nguy hiểm và điều kiện làm việc kém vệ sinh.

Để lấp đầy khoảng trống này, chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu áp dụng chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (EPS). Theo đó, các công ty trong nước không có đủ nguồn nhân lực sẽ được phép tuyển dụng người nước ngoài một cách hợp pháp để làm việc.

Do dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc không thể nhập khẩu bổ sung lao động nước ngoài.

Trong khi đó, giới trẻ Hàn Quốc vẫn không mặn mà với những công việc vất vả, thu nhập thấp. Trong thời gian chờ tìm việc, họ thà đi làm thêm hoặc học thêm để lấy thêm các chứng chỉ làm đẹp hồ sơ xin việc khi nộp vào các doanh nghiệp lớn.

Tất nhiên, khi quá trình đầu tư cho bản thân càng nhiều thì hy vọng kiếm được một công việc lương cao, có tương lai phát triển lại càng lớn.

Theo khảo sát “Top 10 doanh nghiệp sinh viên Hàn Quốc muốn xin việc”, chỉ thấy toàn những doanh nghiệp lớn như: Kakao, Samsung Electronics, Hyundai Motor, Naver, CJ, Korea Electric Power Corporation, Korean Air, Amorepacific, SK Hynix, Hotel Shilla…

Vậy lý do giới trẻ Hàn Quốc nói không với các công ty nhỏ là gì?

Ở Hàn Quốc, doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp có doanh thu từ 8 ~ 150 tỉ won. Mặc dù lĩnh vực sản xuất tạo ra 20% khối lượng việc làm, nhưng đây cũng là lĩnh vực đang mất nhiều việc làm nhất và phải chuyển nhà máy ra nước ngoài do thiếu nhân lực và chi phí lao động tăng cao.

Ngoài các nguyên nhân nổi bật như lương thấp, công việc nặng nhọc, vất vả, cơ hội thăng tiến và tích luỹ kinh nghiệm ít; giới trẻ Hàn Quốc còn bất mãn với văn hoá doanh nghiệp lạc hậu của các công ty vừa và nhỏ.

Những người quản lý của các công ty vừa và nhỏ thường giữ nguyên tư duy của các thế hệ từ 20 ~ 30 năm trước nên khó có thể hiểu được suy nghĩ của thế hệ trẻ. Không chỉ thế, doanh nghiệp nhỏ thường không chấp hành quy định nghỉ phép, giờ giấc làm việc cho nhân viên, không coi trọng quyền riêng tư cá nhân, hay đưa ra những câu hỏi hay lời nhận xét mang tính chủ quan, “dạy đời”.

Mặc dù những bất cập này có thể phát sinh ở mọi môi trường làm việc, nhưng các công ty lớn luôn cố gắng cải thiện thông qua công đoàn, trong khi công ty nhỏ thậm chí không quan tâm đến điều này.

Ở một khía cạnh nào đó, văn hóa của các công ty nhỏ có thể thay đổi khi CEO thay đổi, nhưng trớ trêu thay tính cách, quan điểm của một cá nhân lại không dễ dàng thay đổi ngày một ngày hai.

Bài toán tạo việc làm

Một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền tổng thống Moon Jae In là tạo công ăn việc làm cho người dân.

Năm 2020, chính phủ đã chi 25.500 tỉ won (23,2 tỉ USD) tiền ngân sách cho thị trường việc làm, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc tiếp tục thực hiện các dự án tạo ra việc làm từ tiền thuế của dân trong một thời gian dài là không thể và không phù hợp.

Ngoài ra, các công việc chính phủ kiến tạo lại chủ yếu ở khu vực công, thuộc nhóm dịch vụ tiếp xúc trực tiếp, khó trụ vững trong bối cảnh dịch COVID-19.

Thêm nữa, việc mở rộng việc làm ở khối hành chính công, vốn hoạt động kém hiệu quả hơn khu vực tư nhân lại vô hình chung làm sai lệch việc phân bổ lao động, giảm năng suất của nền kinh tế nói chung.

Trên thực tế, chính các ngành công nghiệp là nhân tố chủ yếu tạo ra việc làm, vì vậy, chính phủ cần đưa ra các biện pháp thích hợp để thúc đẩy tuyển dụng ở khối tư nhân, giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm có chất lượng.

Lo ngại về “thế hệ đánh mất” giống Nhật Bản

Từ sau khi chính phủ Hàn Quốc công bố chính sách làm việc tối đa 52 giờ/tuần và tăng mạnh lương tối thiểu, có nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm.

Trong khoảng 10 ~ 15 năm tới, số việc làm dự kiến sẽ nhiều hơn số người tìm việc, do số người trong độ tuổi lao động giảm, gây ra sự xáo trộn lớn trên thị trường lao động.

Dân số cao tuổi có xu hướng tiêu dùng ít hơn do thu nhập giảm đi. Việc giảm số người trong độ tuổi lao động, những người sẵn sàng móc hầu bao chi tiêu, sẽ dẫn tới sự sụt giảm trong tiêu dùng nói chung.

Điều này sẽ dẫn đến các doanh nghiệp co hẹp sản xuất, cắt giảm dịch vụ, khiến nền kinh tế mất đi động lực tăng trưởng và lại càng khiến những người trẻ tuổi cảm thấy khó khăn trong quá trình tìm việc.

Tại Nhật Bản, vào thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài trong những năm 1990 và 2000, nhiều người trẻ tuổi đã không kiếm được việc làm, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài chính tích lũy từ thế hệ trước, hiện tượng còn được biết tới như “hai thập kỷ mất mát”.

Nếu người trẻ tuổi không tìm được việc làm, họ sẽ không được kế thừa, chuyển giao những kiến thức công nghiệp và công nghệ tại hiện trường hoạt động kinh tế, làm gia tăng cách biệt giữa các thế hệ và vô hình chung tạo ra một “vòng tuần hoàn tiêu cực”.

Sự thay đổi của thị trường lao động sau đại dịch

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các dịch vụ không tiếp xúc, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khiến thị trường việc làm thay đổi.

Ở Hàn Quốc, có nhiều ngành may mắn được hưởng lợi, nhưng cũng có ngành bị lao đao trước đợt “thanh lọc” COVID-19.

Các ngành cung cấp dịch vụ không tiếp xúc, pin xe ôtô điện, sản phẩm sinh học và nhóm ngành liên quan đến nghiên cứu và phát triển (R&D) đã hoạt động tốt, thậm chí tạo thêm nhiều việc làm.

Ngược lại, các ngành công nghiệp như thép, vận tải, các dịch vụ tiếp xúc trực tiếp như nhà hàng, khách sạn hầu như bị đóng băng, cắt giảm việc làm.

Theo phân tích của BBC, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải nắm bắt nhu cầu, tâm lý của người dùng trong đại dịch để có bước chuyển hướng phù hợp. Đồng thời, người tìm việc cũng cần linh hoạt nghiên cứu những bước chuyển này để chọn cho mình một cơ hội xin việc chất lượng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).