Ngày 4/6/2020, Kim Yo Jong, em gái của Chủ tịch Kim Jong Eun, đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động miền Bắc đã đưa một công văn cảnh cáo hành vi rải truyền đơn ở khu vực biên giới Nam – Bắc Hàn.

Kim Yo Jong cảnh cáo nếu Chính phủ Hàn Quốc không có biện pháp xử lý thích đáng thì Bắc Hàn sẽ giải tỏa khu công nghiệp Gaesung, đóng cửa Văn phòng liên lạc chung và hủy hiệu lực thỏa thuận quân sự liên Triều.

Là người thúc đẩy quan hệ Nam – Bắc từ sau Thế vận hội PyeongChang 2018, nhưng Kim Yo Jong lại liên tiếp có những lời chỉ trích gay gắt Hàn Quốc từ đầu năm 2020.

Trước đó, vào ngày 2/3/2020, cô phát ngôn: Hàn Quốc không có tư cách chỉ trích Bắc Hàn khi chính họ đã tiến hành các cuộc tập trận riêng hay chung với Mỹ. Cô cho rằng việc Seoul lên án Bình Nhưỡng là một “hành động thực sự vô nghĩa”“hoàn toàn ngu ngốc”, so sánh động thái này như “con chó sủa trong sợ hãi”.

Những quả bóng bay chứa ChocoPie

Việc rải truyền đơn là một hoạt động không còn mới mẻ, đã được các tổ chức dân sự thực hiện từ đầu những năm 2000. Thành viên của tổ chức dân sự này chủ yếu là những người đào tẩu từ Bắc Hàn sang, họ muốn giúp những người dân ở Bắc Hàn cảm nhận thực tế hơn về một “Đại Hàn dân Quốc theo chủ nghĩa dân chủ tự do” và và vận động người dân “nổi dậy xóa bỏ chế độ độc tài”.

Các nhà hoạt động Hàn Quốc thả bóng bay mang truyền đơn chống Bắc Hàn tại một công viên gần biên giới liên Triều ở Paju, phía bắc Seoul, ngày 10/10/2014.

Hàng năm, những người này thường tổ chức nhiều đợt rải truyền đơn. Họ thả những quả bóng bay khí helium cỡ lớn, trong đó chứa các tờ truyền đơn, những túi gạo, những tờ đô la Mỹ và thậm chí cả bánh ChocoPie.

Chiếc bánh ChocoPie với phần nhân xốp dẻo và bề ngoài phủ sôcôla ngon lành là một trong những đồ ăn được ưa chuộng nhất ở Bắc Hàn. Thậm chí, những người lao động trong khu công nghiệp chung Gaeseong còn sẵn sàng nhận bánh này thay tiền lương và đây cũng được coi là một dạng tiền tệ không chính thức tại Bắc hàn.

Tổ chức dân sự này thường chọn điểm thả bóng bay ở các vùng giáp ranh biên giới Nam – Bắc như thành phố Paju, Gimpo (thuộc địa phận tỉnh Gyeonggi).

Phía Bắc Hàn nhiều lần lên tiếng phản đối và chỉ trích mạnh mẽ hoạt động rải truyền đơn ở vùng biên giới và xem đây là hành động khiêu khích nghiêm trọng nhằm hạ uy tín của chính quyền Bình Nhưỡng.

Năm 2014, lính Bắc Hàn tìm cách bắn rơi bóng bay – dẫn đến cuộc đọ súng ở biên giới. Bắc Hàn cũng từng gửi tờ rơi bằng bóng bay helium qua biên giới, và yêu cầu Hàn Quốc chấm dứt “sự thù địch hay các hành động ngu xuẩn”.

Lần gần đây nhất, vào ngày 31/5/2020, tổ chức dân sự của người tị nạn miền Bắc tại Hàn Quốc, đã thả quả bóng bay cỡ lớn từ thành phố Gimpo, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc đến Bắc Hàn. Trong quả bóng có 500.000 tờ truyền đơn, 50 cuốn sách, 2.000 tờ 1 USD và 1.000 thẻ nhớ USB. Nội dung truyền đơn có ghi: Kim Jong Un là kẻ đạo đức giả.

Có vẻ như hành động này đã là “giọt nước làm tràn ly”, khiến bà Kim Yo Jong tức giận và đã có những phát ngôn gay gắt: “Tôi tự hỏi thế giới có biết những kẻ đào tẩu ngu xuẩn này là loại người đê tiện thế nào không? Những kẻ cặn bã – chẳng khác gì dã thú phản bội chính đất nước của mình – mải mê có những hành động xấu xa như vậy… Họ đáng bị gọi là chó hoang sủa càn ở những nơi họ không nên sủa.”

Bà Kim sau đó nói “chủ của những con chó hoang” – tức chính phủ Hàn Quốc – phải chịu trách nhiệm cho hành động trên.

Chính phủ Hàn Quốc liệu có quá “sốt sắng”?

Ngay sau đó 3 tiếng đồng hồ, chính phủ Hàn Quốc đã lập tức mở cuộc họp báo và cho biết đang cân nhắc ban luật hạn chế rải truyền đơn nhằm ngăn chặn tất cả các hành vi thù địch giữa hai miền Nam-Bắc, thực thi thỏa thuận liên Triều về việc biến Khu quân sự liên Triều (DMZ) thành khu vực hòa bình, đồng thời bảo vệ người dân và xây dựng hòa bình ở khu vực biên giới.

Một số chính trị gia cho rằng chính phủ không nhất thiết phải đáp ứng các đòi hỏi của Kim Yo Jong nhanh chóng như vậy. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc lại cho rằng việc gìn giữ hòa bình và kinh tế ổn định cho người dân khu vực biên giới là vô cùng quan trọng.

Nếu việc rải truyền đơn ảnh hưởng tới tài sản, tính mạng của người dân Hàn Quốc khu vực biên giới thì phải nhanh chóng được kiểm soát và xử lý.

Bộ trưởng Bộ thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon Chul phát biểu: “Đa số truyền đơn nằm lại trên lãnh thổ Hàn Quốc, gây ô nhiễm môi trường, khiến dân chúng địa phương phải vất vả dọn dẹp.”

Vào ngày 5/6/2020, đích thân thị trưởng thành phố Gimpo và quận trưởng của 10 địa phương vùng biên giới giáp Bắc Hàn đã tới Bộ Thống nhất để trình đơn yêu cầu chấm dứt hành vi rải truyền đơn.

Thị trưởng thành phố Gimpo cho biết người dân khu vực đã hết sức lo lắng về công văn cảnh cáo của Bắc Hàn và đều mong muốn quan hệ hai miền Nam – Bắc nhanh chóng được cải thiện.

Những người rải truyền đơn nói gì?

Đối lập lại với thái độ “sốt sắng” của chính phủ Hàn Quốc, những người rải truyền đơn lại kiên quyết bảo vệ cho việc làm của mình. Họ cho rằng Bắc Hàn rõ ràng đã không thể hiện sự tôn trọng với chính phủ Hàn Quốc, nhưng chính phủ lại chỉ vội vàng hứa hẹn về việc ngăn chặn hành động rải truyền đơn.

Park Sang Hak, chủ tịch của tổ chức Những người đầu tranh cho Bắc Hàn Tự do, nói họ không nản lòng – và vừa đặt một triệu tờ rơi khác.

Ông phát biểu: “Tôi Park Sang Hak, không sống ở Bắc Hàn và tôi cũng không phải là nô lệ cho gia đình Kim độc tài. Tôi là một công dân Hàn Quốc. Chúng tôi ở Hàn Quốc có chủ quyền, và ở đất nước dân chủ này người dân có ba quyền cơ bàn – và một trong những quyền đó là tự do ngôn luận”.

Ông cũng cho biết: “Bộ Thống nhất đã tìm cách ra luật này suốt 15 năm qua. Cứ tiếp tục đi. Chúng tôi không sao. Chúng tôi sống trong thế giới 5G rồi. Nếu việc thả tờ rơi bị chặn, chúng tôi sẽ dùng drone. Họ không thể ngăn được chúng tôi. Sự thật không thể nào được ngăn chặn. Tiếng nói của 45.000 người đào tẩu tìm kiếm sự thật sẽ tiếp tục”.

Ngày 15/6 tới sẽ là dịp kỷ niệm 20 năm Tuyên bố chung liên Triều (15/6/2000). Đúng trong bối cảnh này, quan hệ giữa hai miền lại xảy ra căng thẳng. Chính quyền của Tổng thống Moon Jae In rõ ràng không muốn những thành tựu gây dựng mối quan hệ hai miền trong thời gian qua sẽ tan thành bọt biển.

Một trong những thành tựu này là văn phòng liên lạc hai miền Nam – Bắc. Văn phòng liên lạc này là một trong nhiều dự án liên Triều được triển khai trong giai đoạn giảm căng thẳng giữa hai miền năm 2018.

Rất có thể trong thời gian tới, chính phủ Hàn Quốc sẽ ban hành quy chế về rải truyền đơn, trong đó sẽ có những biện pháp rắn để kiểm soát và xử phạt hành vi thả bóng bay của các tổ chức dân sự đào tẩu Bắc Hàn.

XEM THÊM: Người Bắc Hàn lần đầu đặt chân đến NIS – “Hết hồn” với trung tâm hỗ trợ người vượt biên

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).