Ở Bắc Hàn lúc này đang diễn ra một số cuộc “cạnh tranh khốc liệt” tại những khu chợ đen lớn nhất nước.

Nghe có vẻ to tát và nghiêm trọng, song điều này hoàn toàn có thật khi người dân tại vùng đất bí ẩn nhất thế giới vẫn đang cạnh tranh nhau từng phút để được sở hữu một số món hàng từ Hàn Quốc bằng cách nào đó đã được nhập khẩu “trót lọt” sang.

Thậm chí, việc mua bán này còn được miêu tả bằng cụm từ “khó như hái sao trên trời”, không phải vì dân chúng lo sợ tai mắt chính quyền, mà vì hàng hóa khan hiếm và khó tìm đến mức, kể cả khi có trong tay 100 triệu KRW (~1.9 tỉ VND), cũng chưa chắc “rinh” được những chiến lợi phẩm này về nhà.

1. Mỳ gói thương hiệu Hàn Quốc

Không khó để bắt gặp những gói mỳ ăn liền được nhập khẩu từ Trung Quốc trên bất cứ siêu thị hoặc khu chợ nào tại Bắc Hàn. Tuy nhiên, điều này cũng không thể ngăn lại sự tò mò và hứng thú của người dân nơi đây về các mặt hàng mỳ gói mang thương hiệu “chính gốc” Hàn Quốc.

Cho đến 10 năm trước, người Bắc Hàn có lẽ vẫn chưa biết nhiều đến mỳ gói Hàn Quốc. Song, chính những người lao động tại Trung Quốc, Nga và cả những người đang làm việc tại Khu công nghiệp liên Triều Kaesong đã truyền bá sản phẩm gốc Hàn này đến người dân nước mình.

Bên cạnh đó, tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang diễn ra vào tháng 2/2018, nước chủ nhà Hàn Quốc đã dành tặng cho đoàn vận động viên và cổ vũ đến từ Bắc Hàn những phần quà kỷ niệm ý nghĩa, trong đó bao gồm mỳ gói, một trong những sản phẩm trứ danh của xứ kim chi. Từ đó, món mỳ “thần thánh” này bắt đầu trở nên nổi tiếng tại thị trường chợ đen Bắc Hàn.

Tại đây, mỳ gói được gọi là “꼬부랑국수” (mỳ cong), hoặc “즉석국수” (mỳ ăn liền). Trong khi đó, người Hàn Quốc lại gọi mỳ gói là “라면” (ra-myun).

Nhận biết thị hiếu của người dân nước nhà, một số cơ sở sản xuất thực phẩm đã tung ra thị trường nhiều loại mỳ gói có hương vị đa dạng như mỳ thịt bò, mỳ tiêu đen và mỳ gà cay. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn còn thua xa mỳ gói Hàn Quốc trên con đường chinh phục trái tim của những khách hàng khó tính.

Thậm chí, mỳ gói Hàn Quốc còn nổi tiếng đến mức một số công ty Trung Quốc đã “mượn” thương hiệu Shin Ramyun (신라면) của người dân xứ kim chi để chế biến phiên bản “ăn theo” mang tên “Shin Raemyun” (신래면) và nhập khẩu sang Bắc Hàn với mục đích đánh lừa thị giác những khách hàng nhẹ dạ cả tin.

2. Điện thoại di động – sản phẩm tượng trưng cho thời đại công nghệ mới

Lịch sử ngành công nghiệp chế tạo điện thoại di động tại Bắc Hàn không lâu đời và phát triển như Hàn Quốc. Thậm chí, số lượng người sử dụng điện thoại di động tại Bắc Hàn trong thời gian gần đây cũng chỉ chiếm khoảng 41% dân số.

Song, con số nói trên lại được đánh giá là một tỷ lệ khá cao, bởi không phải ai cũng dễ dàng mua và sở hữu một chiếc điện thoại cầm tay tại đất nước luôn làm khó người dân với những luật lệ hà khắc.

Tuy nhiên, điều này cũng không hề làm ảnh hưởng đến người Bắc Hàn trong việc mong muốn chinh phục một chiếc điện thoại Hàn Quốc.

Hiện nay, một số điện thoại cũ mang thương hiệu Samsung và LG đã qua tay người Trung Quốc hiện đang được bán với giá khá cao tại các chợ đen Bắc Hàn. Ngoài việc cạnh tranh mua bán khốc liệt, người tiêu dùng cũng cần lưu ý rằng, nhất định phải che đi logo của những thương hiệu này, mới có thể sử dụng tự do và… an toàn trên đường phố.

Trong tiếng Bắc Hàn, điện thoại di động được gọi là “손전화기” (điện thoại cầm tay). Đây được xem là một trong những vật phẩm bắt buộc cần có đối với một “đấng nam nhi”, cùng với xe máy (오토바이) và dấu hiệu đảng viên đảng cộng sản (공산당원).

Chính vì thế mới có câu nói: “남자는 손오공”, thể hiện ý nghĩa: “Là đàn ông Bắc Hàn, nhất định phải có 3 thứ: điện thoại cầm tay (손), xe máy (오) và đảng viên đảng cộng sản (공)”.

3. Đồng tiền 50.000 KRW – tượng trưng cho sự may mắn

Thời gian gần đây, người dân Bắc Hàn dần hình thành một xu hướng mới. Chính là sưu tập đồng tiền mệnh giá 50.000 KRW (~950.000 VND). Điều này bắt nguồn từ văn hóa của Bắc Hàn.

Nếu như người Hàn Quốc đặc biệt yêu thích con số 3, người dân Bắc Hàn lại cho rằng số 5 mới là con số mang đến may mắn. Do đó mới có quan niệm, chỉ cần sở hữu tờ tiền 50.000 KRW, tương lai sẽ trở thành triệu phú.

Đó cũng chính là lý do vì sao, người Bắc Hàn sẵn sàng chi một số tiền lớn tại các khu chợ đen để sở hữu 50.000 KRW của Hàn Quốc. Đây đồng thời cũng là một điều đáng “khoe khoang”, vì không phải ai cũng đủ điều kiện để chi ra một số tiền lớn như thế. Đó là còn chưa kể đến việc, không phải ai cũng đủ may mắn để có thể “giành giật” biểu tượng giàu sang này về cho mình.

Trước khi có sự xuất hiện của đồng tiền 50.000 KRW, tờ 5.000 KRW (~95.000 VND) đã có một thời gian dài thực hiện nhiệm vụ mang đến may mắn và vinh quang cho người Bắc Hàn. Đặc biệt những đồng tiền có số sê-ri bắt đầu bằng chữ “ㅂ” (P) và “ㅈ” (J) lại càng được ưu chuộng hơn hết vì đây chính là hai phụ âm đầu của từ “부자” (giàu có).

4. Bánh Choco Pie

Kể từ khi Khu công nghiệp liên Triều Kaesong bắt đầu đi vào hoạt động, những người lao động Bắc Hàn tại đây đã được cung cấp những chiếc bánh Choco Pie của Hàn Quốc cho bữa ăn nhẹ.

Tuy nhiên thay vì ăn, họ đã giữ lại và mang ra chợ bán với giá tương đương 1kg gạo. Thế mới thấy, Choco Pie quý hiếm và khó mua đến nhường nào tại Bắc Hàn.

Cuối cùng, để đáp ứng nhu cầu của người dân, một số nhà máy tại Bắc Hàn đã bắt tay vào việc sản xuất loại bánh được ưu chuộng này. Tuy nhiên, Choco Pie của Bắc Hàn lại không thể nào vượt mặt được sản phẩm “đỉnh cao” của Hàn Quốc, bởi không chỉ thiếu hụt trầm trọng lớp sô-cô-la bên ngoài, mà ngay cả lớp kem xốp làm nên thương hiệu chiếc bánh cũng gần như mất hút.

5. Nồi cơm điện Hàn Quốc

Không chỉ tầng lớp thường dân đam mê vật phẩm Hàn Quốc, mà ngay cả các cấp lãnh đạo ở Bắc Hàn cũng không đứng ngoài cuộc chiến tranh giành sản phẩm đến từ vùng đất phía nam. Một trong những món đồ hiện đang được chú ý nhất hiện nay chính là nồi cơm điện thông minh của Hàn Quốc.

Thậm chí, so với sản phẩm nội địa Trung Quốc, chiếc nồi cơm điện từ miền Nam được đưa vào Bắc Hàn qua con đường… buôn lậu lại nổi tiếng hơn, dù giá thị trường cực kỳ cao mà không phải ai cũng mua được.

Thêm vào đó, do lệnh cấm nghiêm ngặt của chính phủ về việc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ Hàn Quốc, một số chủ cửa hàng tại các khu chợ đen đã phải che đi nhãn mác “Made in Korea” trên nồi cơm điện. Trong khi đó, người tiêu dùng khi mua hàng chỉ cần nói “thần chú” đã được quy định từ trước: “Cho tôi cái mà tốt hơn của Trung Quốc”, lập tức chủ cửa hàng sẽ hiểu và trưng bày ngay những chiếc nồi cơm điện uy tín đến từ Hàn Quốc. Tất nhiên, hình thức mua bán này hoàn toàn diễn ra trong bí mật và chỉ được bán cho những người mà chủ cửa hàng cảm thấy đáng tin cậy.

Đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy, bất chấp những lệnh cấm khắc khe của chính phủ, người dân Bắc Hàn vẫn không ngừng thể hiện lòng tin và sự yêu mến với các sản phẩm Hàn Quốc. Thậm chí họ sẵn sàng tìm mua với bất cứ hình thức nào, dù phải cạnh tranh đến khốc liệt hay bằng con đường buôn lậu.

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).