Hàn Quốc tuyên bố là nơi trú ẩn an toàn cho những người Bắc Hàn tìm kiếm tự do. Nơi đầu tiên tiếp nhận người tị nạn này chính là Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS – 대한민국 국가정보원, gọi tắt là 국정원).

Tại đây, thân thế và tung tích của những người tị nạn sẽ bị điều tra nhằm loại bỏ gián điệp do Bình Nhưỡng cài vào. Quá trình này thường kéo dài 3 tháng, một số trường hợp phức tạp có thể kéo dài nửa năm.

Người Bắc Hàn đào tẩu chia sẻ rằng họ đã trải qua khoảng thời gian không thể nào quên tại NIS. Bên cạnh cuộc điều tra khá căng thẳng, còn có những điều bất ngờ ngọt ngào, mát lạnh và “ớn lạnh” khác.

Năng lực thông tin siêu phàm

Trung tâm Bảo vệ Người tị nạn Bắc Hàn (북한이탈주민보호센터) của NIS là điểm đến đầu tiên cho những người tị nạn Bắc Hàn tìm kiếm tự do ở Hàn Quốc. Nơi này trước đây được gọi là Trung tâm Báo chí Kết hợp (합동신문센터).

Người tị nạn Bắc Hàn sẽ được xếp vào phòng 4 người tại đây. Sau quá trình kiểm tra sức khỏe, họ được chuyển sang phòng 1 người và tiếp nhận điều tra.

Lý do của cuộc điều tra này rất đơn giản. Hàn Quốc cần làm rõ đây thực sự là người tị nạn đang kiếm tìm tự do, hay gián điệp ngụy trang rình mò thông tin. Những người Bắc Hàn tiếp nhận điều tra cho biết họ vô cùng bất ngờ trước năng lực tình báo của NIS.

Những người Bắc Hàn tị nạn được cho xem nơi từng sinh sống ở Bắc Hàn qua bản đồ vệ tinh. Thậm chí, NIS làm họ “hoảng” khi biết cả họ tên anh bạn hàng xóm nhà bên. Chính vì NIS nắm thông tin chính xác từ những điều nhỏ nhặt nhất, những người tị nạn rất sợ và trả lời điều tra trung thực.

Kênh Youtube Istudio (아이스튜디오) đã làm một cuộc phỏng vấn với Kim Myeong (김명), một người tị nạn Bắc Hàn đã đến Hàn Quốc vào năm 2006. Kim chia sẻ những bất ngờ khi lần đầu tới Hàn Quốc: đất nước sáng điện cả ngày lẫn đêm, tòa nhà cao tầng hoa lệ…

Về NIS, Kim thú nhận rằng năng lực tình báo của họ làm anh hoảng thật sự: “Họ hỏi tôi địa chỉ nhà, nhưng ánh mắt dường như là đã biết tất cả. Họ đã biết toàn bộ về tôi từ trước đó rồi. Tôi cảm thấy họ thật “cừ”, chuyện này thần kỳ thật”.

Kim Myeong: “Họ đã sớm biết mọi chuyện về tôi rồi”

Park Yoo Seong, một người Bắc Hàn tị nạn chia sẻ với kênh Youtube Clab: “Họ sẽ nhử bạn bằng những câu như “gần nơi bạn sống có công trường đúng không?” Nếu bạn cứ trả lời theo họ “A, đúng rồi” nhưng sự thật là không, thì bạn là gián điệp”.

“Nhân viên NIS biết và liệt kê hết ra: gần nhà bạn có công trường gì, bảng khẩu hiện ở gần đó, hồ nước ở đâu… Nên không nói dối nổi đâu”.

Sinh hoạt phòng đơn – ký ức kinh hoàng

Trong suốt một tuần điều tra, những người tị nạn được chuyển đến phòng đơn. Căn phòng này chỉ có duy nhất một cái giường. Theo cảm nhận của những người tị nạn, nơi này giống như một nhà tù.

Sau quãng thời gian vất vả vượt bao hiểm nguy để đến hàn Quốc, họ bị giám sát sinh hoạt cách ngột ngạt. Một số người chia sẻ, họ đã nghi ngờ liệu quyết định tị nạn có đúng hay không.

Người Bắc Hàn trả lời điều tra, một cảnh trong bộ phim Hạ Cánh Nơi Anh (사랑의 불시착)

Trong suốt quá trình đó, tiếp nhận điều tra là cơ hội duy nhất để có thể mở miệng giao tiếp với con người. Có lúc nhân viên đặt câu hỏi, cũng có lúc họ nhận được từ 50~100 tờ giấy A4 với yêu cầu tưởng dễ ăn nhưng lại khó nhằn: viết lại quá trình sinh trưởng, sinh hoạt tại Bắc Hàn, mục tiêu bỏ trốn, quá trình bỏ trốn…

Lee Pyeong, một người tị nạn Bắc Hàn chia sẻ về sinh hoạt phòng đơn: có lẽ đó là ký ức mệt mỏi nhất. Cả ngày không nói chuyện với ai, khi trả lời điều tra thì lại phải trả lời dồn dập nhiều câu hỏi rất chi tiết.

Buổi sáng mấy giờ đến trường, mấy giờ học xong, học xong rồi làm gì… thậm chí họ còn hỏi gặp bạn bè rồi làm gì, tên bố mẹ của bạn đó là gì, bố mẹ bạn đó làm nghề gì… trước những câu hỏi dồn dập như trên, Lee cảm thấy “khi ra khỏi đây có lẽ sẽ bị tâm thần mất”.

Lee Pyeong đến NIS khi anh 11 tuổi, chia sẻ về việc tiếp nhận điều tra.

Đối với những người tị nạn, đây là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Họ phải lục lại từng trang trong ký ức để miêu tả, trả lời chi tiết. Nếu chẳng may có sai sót, họ sẽ bị nghi ngờ là gián điệp và phải quay lại Bắc Hàn.

Do đó, người tị nạn chuyển từ “bất ngờ” sang “sợ hãi”. Tuy nhiên, cũng có vài điểm khiến họ ngạc nhiên: nhân viên điều tra đều thân thiện, sử dụng kính ngữ, không hề bạo hành hay uy hiếp người tị nạn.

Hiện nay “căn phòng đơn” đã biến mất khỏi cuộc điều tra của NIS do có sự kiện đáng tiếc trong cuộc điều tra này. Chịu áp lực về mặt tinh thần, đồng thời bị xâm hại nhân quyền, có người tị nạn đã lựa chọn tự giải thoát.

Từ sự kiện đó, phòng điều tra được vận hành theo dạng mở. Các chế độ bảo vệ nhân quyền cũng được áp dụng.

Visual của nhân viên NIS

Nhân viên NIS (một cảnh trong bộ phim Hạ cánh nơi anh)

Theo lời tường thuật của người tị nạn: “Tất cả nhân viên của NIS đều cao như nhau”. Có nhiều ý kiến khen ngợi nhân viên NIS đẹp trai. Nhiều người còn cho biết: họ phải lòng ngay khi nhìn thấy người nhân viên mặc âu phục, đeo kính đen. Thậm chí đến người bảo vệ cũng cao ráo và điển trai.

Huh Joon, một người tị nạn Bắc Hàn cảm thán: “Những vị ấy đều giống như người mẫu vậy”.

Bữa cơm thịt ngập mặt

Một điều bất ngờ khác tại NIS chính là “bữa ăn thịt ngập mặt”. Theo lời của những người tị nạn Bắc Hàn, bữa ăn nào tại NIS cũng có thịt, mỗi ngày một loại, banchan cũng đa dạng. Hơn nữa, họ có thể ăn bao nhiêu tùy thích, sau khi ăn xong rồi vẫn có thể lấy thêm.

Có người chia sẻ: ngày nào cũng được ăn ngon thế này, thậm chí còn chẳng muốn ra khỏi NIS. Không chỉ có thế, NIS còn đều đặn gửi đồ ăn vặt, bánh kẹo cho người tị nạn 2 lần/tuần. Điều này khiến họ không khỏi cảm động.

Chương trình giáo dục tại Viện thống nhất Hanawon

Người Bắc Hàn tị nạn sau quá trình điều tra sẽ được gửi đến Viện thống nhất Hanawon (하나원) nếu không có gì đáng nghi. Tại đây, họ sẽ được giáo dục những điều cơ bản để có thể nhanh chóng thích ứng với xã hội Hàn Quốc.

Do có nhiều sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ giữa Hàn Quốc – Bắc Hàn, người tị nạn sẽ được chuẩn bị kỹ càng trước khi gia nhập xã hội. Ngoài ra, chương trình còn được thiết kế giúp người tị nạn ổn định về mặt tâm lý, thanh lọc cảm xúc. Bên cạnh đó, các bài học về lịch sử, văn hóa, kinh tế, sức khỏe, cả chương trình dạy nghề cũng được lồng ghép.

Trong quá trình học tập tại Viện thống nhất, nội dung về chiến tranh Triều Tiên (6.25 한국 전쟁) làm cho người tị nạn “sốc nặng”. Những người này chia sẻ: từ thuở bé tẹo, họ đã được dạy như đinh đóng cột về sự kiện Hàn Quốc xâm lấn Bắc Hàn. Sau phút hỗn loạn ban đầu, họ tiếp nhận bài giảng của Viện thống nhất, và bị sốc vì sự biến dạng lịch sử tại Bắc Hàn.

Park Yoo Seong chia sẻ: ban đầu những người tị nạn không tin điều này. Nhưng nhìn nhận từ góc độ khác, đúng là mọi cuộc chiến phải có sự chuẩn bị từ trước. Bắc Hàn đã chủ động, trong khi Hàn Quốc bị đánh chiếm, rơi vào thế bị động, và thất thủ một thời gian.

Họ (người tị nạn) được tiếp cận với chứng cứ đầy đủ, những lập luận chặt chẽ và đã bị thuyết phục. Park nói đây chính là điều làm những người tị nạn sốc nặng nhất.

Park Yoo Seong: “Vì có chứng cứ lịch sử rõ ràng…”

Tư liệu tham khảo

Tổng hợp từ Naver

author-avatar

About Mai Huyên

Mình không biết tại sao lại thích Hàn Quốc. Có lẽ do ly kem mát lạnh và ngọt ngào đó; hay là buổi nắng rực rỡ nơi hòn đảo xinh đẹp; cũng có thể do cơn mưa hè, ngày mọi người nói 안녕 lần cuối.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).