“Tam quỳ cửu khấu” (삼궤구고) là lễ nghi trang trọng nhất chỉ dùng trong lúc bái lạy đấng quân vương hay là thần linh. Tam quỳ nghĩa là ba lần quỳ gối, cửu khấu nghĩa là dập đầu sát đất 9 lần. Người thực hiện “tam quỳ cửu khấu” phải bỏ mũ, quỳ gối ba lần, mỗi lần quỳ lại phải dập đầu sát đất 3 lần để thể hiện thành ý trọng vọng dành cho đấng bề trên.

Trong lịch sử Việt Nam có chép lại, vào năm Bảo Thái thứ 6 (1728) đời vua Lê Dụ Tông, triều đình nhà Thanh đã cắt cử Phó Đô ngự sử Hàng Dịch Lộc và Tả Thị lang bộ Lễ Nhậm Chi Lan mang chiếu thư sang phủ dụ nước Nam.

Khi đến Kinh thành Thăng Long các viên sứ giả nhà Thanh yêu sách triều đình Đại Việt phải thực hiện nghi thức “Tam quỳ cửu khấu” này khi lĩnh chỉ để tỏ ý trọng vọng ân điển của Thiên triều.

Để được trả lại 40 dặm đất có mỏ đồng, triều đình vua Lê Dụ Tông chỉ gượng gạo mà làm lễ 5 lạy, 3 vái chứ không theo đúng lễ “tam quỳ cửu khấu” như nhà Thanh yêu sách.

Không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của nhà Hậu Kim (sau là nhà Thanh) khi ấy, đời vua thứ 16 triều đại Joseon là Nhân Tổ (인조) đã phải cắn răng chịu nỗi nhục lớn hơn để giữ được đất đai bờ cõi và bảo toàn tính mạng.

Phim Namhansanseong (Nam Hán Sơn Thành) mô phỏng lại hình ảnh “tam quỳ cửu khấu” của vua Nhân Tổ.

Không đơn giản chỉ là “tam quỳ cửu khấu” lĩnh chỉ, Nhân Tổ thân là vua một nước mà phải thân chinh đến doanh trại địch để xin hàng. Cảnh Nhân Tổ phải cởi bỏ long bào, mặc thường phục, một thân một mình tìm đến doanh trại nhà Thanh, quỳ gối cúi đầu sát đất đủ 3 quỳ 9 lạy xưng thần dưới chân Hoàng Thái Cực (hoàng đế khai triều Đại Thanh) là một nỗi nhục đau đớn nhất trong lịch sử cả vương triều Joseon.

Một cảnh tái hiện hình ảnh vua Nhân Tổ trong phim Hwajeong (화정)

Vì đâu nên nỗi?

Joseon vốn là một nước đồng minh lâu đời với triều nhà Minh của Trung Hoa xưa. Khi xảy ra sự kiện Nhâm Thìn Oa Loạn (cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật vào Joseon 1592-1598), Joseon đã chịu ơn giúp đỡ của nhà Minh để đánh lui quân xâm lược Nhật Bản. Tổng số quân được nhà Minh đem sang chinh viện cho Joseon trong suốt 7 năm kháng Nhật lên tới 143.000 quân.

Gánh nặng tài chính của nhà Minh khi chi viện cho Joseon gây ảnh hưởng dài về sau đến mức có ý kiến cho rằng giúp đỡ Joseon là một trong những nguyên nhân khiến nhà Minh lụi bại.

Tuy vậy, cũng do mối ơn tình này và quan hệ đồng minh lâu năm, Joseon dưới thời Nhân Tổ đã chủ trương chọn đứng về phía nhà Minh trong cuộc chiến Minh – Thanh. Nhưng thế lực Hậu Kim khi ấy (nhà Thanh sau này) khi ấy cực kì áp đảo còn lực lượng nhà Minh lại đã suy tàn.

Như một lẽ tất yếu, quân chi viện Joseon cho nhà Minh đại bại trước quân Kim, tướng nhà Minh phải chạy về Joseon xin che chở. Chính động thái che chở cho quân Minh và cương quyết không thần phục của Joseon đã khiến quan hệ của Joseon với nhà Hậu Kim đi ngay lập tức và nổ ra hai cuộc chiến tranh giữa hai nước.

Đảo Giang Hoa (đảo Ganghwa ở Incheon ngày nay)

Lần thứ nhất là cuộc chiến Đinh Mùi Hồ Loạn (1627), quân Kim dưới sự chỉ đạo của Thiên Mệnh Hãn Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã nhanh chóng tràn vào Joseon và giành lợi thế dễ dàng. Nhân Tổ phải bỏ thành chạy về đảo Giang Hoa (강화도). Lấy lí do tiến công là đòi phục vị cho Quang Hải Quân là người bị phái Tây nhân (phe quí tộc mạnh nhất thời Nhân Tổ) phế truất để đưa Nhân Tổ lên làm vua, nhưng đang đánh giữa chừng thì quân Kim rút lui vì phải lo chiến sự với nhà Minh.

Thoát nạn được dưới thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích nhưng phe Tây nhân và nhà vua tiếp tục giữ quan niệm giúp nhà Minh, không kí hiệp ước hoà hoãn với nhà Thanh. Con trai của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Hoàng Thái Cực nổi giận với thái độ của Joseon nên ngay khi lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Đại Thanh, Hoàng Thái Cực đã một lần nữa đem quân thẳng sang tấn công Hán thành (thủ đô Seoul ngày nay). Khiếp sợ trước khí thế quân Thanh, Nhân Tổ rời hoàng cung, một lần nữa bỏ chạy về phía đảo Giang Hoa (강화도 -Ganghwa-do, thuộc địa phận Incheon ngày nay).

Hành động vội vàng rời bỏ kinh thành mặc cho người dân ở lại bị chém giết, cướp bóc của nhà vua đã gây ra bao tiếng oán than. Cuốn “Nhân Tổ Thực Lục”, vào ngày 31 tháng 1 năm Nhân Tổ thứ 15 có chép lại, sau khi Nhân Tổ bỏ chạy, dọc theo bên đường vua đi phải có đến 10.000 người khóc than thế này:

“Ôi vua của chúng con. Nhà vua của chúng con. Ngài nỡ bỏ rơi chúng con mà đi sao”

Nam Hán Sơn Thành

Vẫn chọn chạy về phía đảo Giang Hoa nhưng lần này Nhân Tổ đã không còn may mắn như lần thứ nhất. Ông cùng quan quân bị chặn đường rút và vây bắt tại Nam Hán Sơn Thành (남한산성), thành quách quân sự cách kinh đô chỉ tầm 25km. Hoàng Thái Cực cũng cho quân đón đầu sẵn ở đảo Giang Hoa để vây bắt con cái và hậu cung của Nhân Tổ.

Sau nhiều ngày kiệt quệ do chiến đấu và thiếu lương thực ở Nam Hán Sơn Thành vua Nhân Tổ buộc phải ra đầu hàng. Nhân Tổ phải cởi bỏ long bào, mặc thường phục, một mình đi bộ theo áp giải của quân Thanh sang gặp Hoàng Thái Cực để chiêu hàng.

“Khi vua đến nơi, một người Mãn tiến ra từ doanh trại, lớn tiếng truyền lời ra lệnh cho vua mau chóng hành lễ ba quỳ chín lạy với Hoàng Thái Cực”. – Trích “Nhân Tổ Thực Lục” năm Nhân Tổ thứ 15

Một cảnh hàng phục đầy bi thương khác được tái hiện trong phim truyền hình “Cuộc chiến hậu cung” (꽃들의 전쟁).

Để bày tỏ lòng tôn kính cũng như thần phục với nhà Thanh, Nhân Tổ lúc này đã phải cung kính quỳ xuống 3 lần, dập đầu đủ 9 lần dưới chân của Hoàng Thái Cực. Chưa dừng lại ở việc xác nhận thân phận vua – tôi với Hoàng Thái Cực, Nhân Tổ còn phải mau chóng đáp ứng rất nhiều yêu sách từ phía nhà Thanh đưa ra như sau:

– Một, Joseon phải trở thành nước phiên (thuộc địa) của nhà Thanh.
– Hai, Joseon phải chấp dứt hoàn toàn mối quan hệ với nhà Minh.
– Ba, Joseon phải đem viện quân qua giúp khi nhà Thanh cần.
– Bốn, hai vương tử của Nhân Tổ là Chiêu Hiển Thế Tử (소현세자) Lý Vương và Phượng Lâm Đại Quân Lý Hạo phải qua kinh đô của nhà Thanh ở làm con tin.
– Năm, Joseon phải cống nạp sản vật cho nhà Thanh tương tự như trước đây đã làm với nhà Minh
– Sáu, Joseon không được pháp tu bổ thành trì khi chưa được sự cho phép của nhà Thanh.

Di tích Tam điền độ (삼전도)

Sau khi kí kết hoà ước, Nhân Tổ còn phải cho dựng bia Tam điền độ (삼전도) tưởng niệm công đức hoàng đế Đại Thanh bằng cả ba thứ tiếng Mãn, Mông và Hán. Hiện tại di tích này vẫn đang được lưu giữ tại Seoul sau nhiều biến cố lịch sử.

Hậu thế đánh giá vua Nhân Tổ là một vị quân vương không có tiếng nói, để triều thần lấn áp dẫn đất nước đến cảnh chiến tranh tàn khốc, bản thân thì chịu cảnh nhục nhã. Ông bị so sánh với người tiền nhiệm là Quang Hải Quân (조선 광해군), con trai của Tuyên Tổ, vị vua có đầu óc chính trị hơn hẳn Nhân Tổ nhưng lại bị phe Tây Nhân lập mưu phế truất. Quang Hải Quân khi còn tại vị (1608-1623) đã khéo léo chu toàn mối quan hệ giữa Joseon với cả hai nhà Minh – Thanh và Nhật Bản.

Quang Hải Quân đã sớm nhìn ra được nếu Joseon cứ một mực theo nhà Minh mà đối đầu với Mãn Châu (Thanh) thì chỉ như trứng chọi với đá. Vì vậy, dù vẫn gửi 1 vạn quân sang chi viện cho nhà Minh nhưng Quang Hải Quân lại chủ động gửi thư xin hàng cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích, cha của Hoàng Thái Cực, khi đó còn là Hãn của Hậu Kim. Đồng thời, ông còn thiết lập lại mối quan hệ với kẻ thù từng không đội trời chung trước đó là Nhật Bản để giảm bớt tình thế bị đe doạ bởi nhiều thế lực cho Joseon.

Quang Hải Quân (1574-1641)

Nhân Tổ, xét theo vai vế chỉ là anh em họ với Quang Hải Quân, không phải là người thừa kế vương vị chân chính. Ông được lập lên làm vua chỉ vì là người “phù hợp” mà phe Tây nhân đã chọn. Vì thế hầu hết quyết định của Nhân Tổ đều bị chủ trương của phe Tây nhân ảnh hưởng, bản thân ông không có tiếng nói gì lớn.

Bên cạnh việc tự dẫn bản thân vào con đường chịu nỗi nhục lớn nhất lịch sử, Nhân Tổ còn để lại nhiều hiềm nghi với hậu thế khi ông lại giải quyết rất qua loa vụ việc Thế Tử Chiêu Hiển (소현세자) qua đời không rõ lý do khi vừa trở về quê hương sau thời gian đi làm con tin.

Số phận của thế tử bị bắt làm con tin

Sau khi cha Nhân Tổ phải hàng phục nhục nhã, Chiêu Hiển Thế Tử bị bắt sang Trung Quốc làm con tin ùng với em trai là Phượng Lâm Đại Quân Lý Hạo. Trong thời gian ở đây, Chiêu Hiển đã ra sức học tiếng Mông Cổ, tìm hiểu kiến thức du nhập từ phương Tây (lúc này người Tây Phương đã tìm đến Trung Hoa cổ đại). Bên cạnh đó, ông cùng với vợ luôn ra sức bảo vệ cho những người đồng bào bị lưu lạc nơi đất khách như mình.

Có tài liệu chép rằng Chiêu Hiển Thế Tử và vợ thậm chí đã bỏ qua thân phận cao quí mà chấp nhận đi làm ruộng kiếm tiền để mua lại những người Joseon bị bán làm nô lệ ở Trung Quốc rồi thả tự do cho họ.

Trong suốt khoảng thời gian sống ở Trung Quốc, nhờ khả năng ngoại giao và ham học, Thế tử đã trở thành cầu nối cho Joseon và nhà Thanh. Một năm trước khi được cho phép trở về quê hương, Chiêu Hiển Thế Tử đã đến Bắc Kinh nhằm nghị sự với triều đình nhà Thanh về việc điều binh dẹp quân tàn dư của nhà Minh.

Chân dung Chiêu Hiển Thế Tử (소현세자)

Tại đây, Thế tử gặp gỡ và tiếp xúc nhiều hơn với tri thức phương Tây và hiểu biết về Thiên Chúa giáo thông qua các giáo sĩ truyền đạo người Đức. Sự hứng thú với kiến thức và đạo Thiên Chúa được thể hiện rõ qua bức thư bằng tiếng La Tinh mà ông gửi cho Adam Shal – một tu sĩ đạo Thiên Chúa. Trong thư, Thế tử tâm sự khát khao cháy bỏng muốn đem ánh sáng của tri thức mới đến cho dân tộc mình.

Chân dung Adam Shal – tu sĩ người Đức

Tuy vậy, hi vọng cải cách của Thế tử bị dập tắt ngay khi vừa về đến Tổ quốc. Cha của ông, Nhân Tổ, vẫn ôm nguyên nỗi phẫn hận với Đại Thanh kể từ khi chịu nỗi nhục quỳ dưới chân Hoàng Thái Cực. Vì vậy, sau khi thấy Thế tử “sống tốt” ở đất nhà Thanh, liên tục nói về kiến thức mới học tập được từ khi đi làm con tin cho nhà Thanh, ông đâm ra giận dữ và ghét bỏ luôn con trai ruột của mình.

Cũng có ý kiến cho rằng Nhân Tổ bắt đầu lạnh nhạt con trai khi Thế Tử tỏ ra quá quan tâm tới đạo Thiên Chúa và muốn cho phép Thiên Chúa giáo được truyền bá vào Joseon. Tuy vậy, dù có mối quan tâm đến Thiên Chúa giáo, khát khao phát triển đất nước theo đường lối mới của Chiêu Hiển Thế Tử vẫn rõ ràng và trọng yếu hơn cả. Đáng tiếc, khi chí lớn chưa thành, Thế tử lại qua đời không rõ nguyên nhân vào đêm ngày 21 tháng 5 năm 1645, khi về lại quê nhà chưa được tròn 2 tháng.

Cho đến hiện tại, nguyên nhân cái chết của Thế tử vẫn là một bí ẩn. Các nhà phân tích khi tra xét các tài liệu lịch sử còn lại đã đưa ra 2 kết luận đối lập:

Một, Thế tử qua đời do bệnh viêm phổi trở nặng. Ghi chép thời điểm đó có đề cập Chiêu Hiển Thế Tử đã mắc bệnh viêm phổi khi đi từ Đại Thanh về Joseon bằng đường bộ trong tiết trời đông lạnh giá. Những ngày trước khi qua đời, Thế tử bắt đầu xuất hiện triệu chứng ho kèm sốt, khó thở và tức ngực, đây đều là những biểu hiện của chứng viêm phổi.

Tuy nhiên, giả thuyết vấp phải một số tranh cãi như Thế tử vốn đã rèn luyện thân thể trong quân đội, đã có kinh nghiệm trận mạc, làm sao có thể yếu đi nhanh như vậy. Hơn nữa, kể từ lúc từ Đại Thanh về đến lúc chết chỉ có 2 tháng, quá nhanh để một căn bệnh như viêm phổi trở nặng.

Hai, Thế tử qua đời do bị ái thiếp của Nhân Tổ – Triệu Quý Nhân hãm hại. Bản thân Triệu Quý Nhân vốn là một nữ nhân diễm lệ nhưng đầy tham vọng. Bà từ một cung nữ thân phận thấp kém, được vua phát hiện và sủng ái bậc nhất hậu cung và nâng dần lên chức vị Quý nhân (Tòng nhất phẩm).

Triệu Quý Nhân xinh đẹp nhưng tham vọng (Ảnh minh họa)

Triệu Quý Nhân sinh được 2 vương tử nên rất khát khao vương vị sẽ thuộc về tay con của mình. Bà cực kì ganh ghét với Mẫn Hoài tần cung Khương thị, vợ của Chiêu Hiển Thế tử, do tần cung đã sinh ra con trai trưởng cho Thế tử, nghĩa là cơ hội nối ngôi của con bà ngày càng xa. Sử có chép lại, Triệu Quý Nhân luôn không ngừng nói xấu Mẫn Hoài tần cung và Thế tử cho Nhân Tổ nghe.

Bà được cho là đã sai vị Y quan châm cứu làm hại Thế tử. Vị y quan này về sau tuy bị đưa vào danh sách tình nghi nhưng đã được Nhân Tổ tha bổng do Nhân Tổ “tin vào người này”.

Nhân Tổ cũng không ráo riết truy tìm nguyên nhân để báo thù cho con mà chỉ ra lệnh mai táng Chiêu Hiển Thế tử thật nhanh rồi chỉ định lập con thứ là Phượng Lâm Đại Quân vào ngôi Thế Tử.

Không lâu sau, Nhân Tổ buộc tội chính Mẫn Hoài Tần Cung, là người vợ của Thế tử đã hãm hại chồng mình. Hậu thế cho rằng đây là một hành động khó hiểu khi không hề có ghi chép gì về việc vợ chồng Thế tử bất hoà hay Mẫn Hoài Tần Cung có liên hệ riêng với đại thần nào trong triều.

Một mặt, Tần Cung là người đã đồng hành cùng Thế tử suốt thời gian làm con tin ở Đại Thanh, tình cảm sâu nặng. Mặt khác, Tần Cung cũng đã sinh con trai, cả chồng và con đều là người có khả năng lên làm vua cao nhất, tại sao bà phải tạo phản?

Những bí ẩn này đã và luôn là những chủ đề thu hút trong giới nghiên cứu lịch sử tại Hàn Quốc. Liệu Nhân Tổ có bao che cho kẻ hại chính con mình hay không? Liệu rằng, chỉ vì nỗi nhục nhã phải hàng phục năm nào đã khiến ông từ bỏ chính máu mủ của mình hay không?

Đây đều là những câu hỏi lớn mà có lẽ Nhân Tổ mới tỏ tường. 4 năm sau khi Thế tử qua đời, vào năm 1649, Nhân Tổ đại vương băng hà, mang theo bí mật về Thế tử và nỗi nhục quỳ dưới chân vua nhà Thanh năm nào.

Một đoạn phim khắc hoạ cảnh vua Nhân Tổ đau khổ, hối hận khi biết tin mất con trai.

XEM THÊM: Tại sao vua Yeongjo bức tử con trai bằng cách nhốt trong thùng gạo?

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).