Hộ chiếu vắc xin (Vaccine Passport) là hệ thống chứng nhận khả năng miễn dịch sau khi đã tiêm vắc xin COVID-19. Thông tin về các xét nghiệm y tế, loại vắc xin đã tiêm sẽ được tích hợp với thông tin cá nhân như họ tên, số hộ chiếu, quốc tịch của người dùng, khi xuất trình Hộ chiếu vắc xin này thì người dùng sẽ được xét nhập cảnh.

Cả thế giới không thể cứ mãi “bế quan toà cảng” cho tới khi loại trừ hoàn toàn COVID-19. Vì vậy nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Châu Âu đang xúc tiến Hộ chiếu vắc xin để trao quyền xuất nhập cảnh tự do cho những người được chứng nhận sẽ không bị lây nhiễm do đã được tiêm vắc xin COVID-19.

Vào tháng 12/2020, tờ CNN của Mỹ cũng cho biết: “Nhiều người dân muốn được du lịch, mua sắm bình thường trở lại sau khi vắc xin COIVD-19 đã được tiêm chủng ở Mỹ và nhiều quốc gia khác. Vì vậy Mỹ đang phát triển một ứng dụng để có thể đăng tải thông tin xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin COVID-19.”

Theo CNN, “Dự án Commons” và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), một tổ chức phi lợi nhuận ở Geneva, Thụy Sĩ, đang thực hiện một dự án hộ chiếu vắc xin có tên “Mạng lưới Niềm tin chung”. Nếu người dùng đăng nhập nội dung tiêm chủng COVID-19 trên ứng dụng “Common Pass” thì sẽ được công nhận như một Giấy chứng nhận hoặc Thẻ y tế để xuất trình cho cơ quan y tế bằng mã QR. Nói cách khác, đây sẽ là tấm vé thông hành không chỉ giúp bạn đi từ nước này qua nước khác mà còn tham gia các hoạt động kinh tế, văn hoá thường ngày như đi ăn hàng, đến rạp chiếu phim, công viên giải trí…

Trong khi Mỹ và các quốc gia châu Âu còn đang ở giai đoạn cân nhắc thì Trung Quốc từ ngày 8/3/2021 đã chính thức triển khai Hộ chiếu vắc xin cho hành khách đi lại trong nước trên nền tảng mạng xã hội WeChat.

Trước đó, một quốc gia khác ở châu Á cũng công bố kế hoạch cấp Hộ chiếu vắc xin là Thái Lan. Thái Lan cũng có kế hoạch giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người đã tiêm chủng từ 14 ngày xuống 7 ngày. Đề xuất dự kiến được một ủy ban quốc gia thông qua vào cuối tháng này.

Tuy nhiên, việc phát hành Hộ chiếu vắc xin cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đơn cử như nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân kỹ thuật số. Hộ chiếu y tế này cũng sẽ làm rõ hơn vấn đề khoảng cách giàu nghèo, phát sinh các vấn đề về đạo đức và hậu cần đáng lo ngại.

Trong thế giới mà có đến hơn một tỷ người không thể chứng minh danh tính của mình vì thiếu hộ chiếu, giấy khai sinh, bằng lái xe hay thẻ căn cước, các tài liệu kỹ thuật số hiển thị tình trạng vắc xin có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng và rủi ro, khiến nhiều người bị tụt hậu.

Tổ chức y tế Thế giới WHO cũng đã chính thức phản đối việc cấp Hộ chiếu vắc xin vì cho rằng rất khó để tin tưởng hoàn toàn vào xét nghiệm kháng thể và không chắc về khả năng tái nhiễm sau khi tiêm vắc xin COVID-19, đặc biệt là trong bối cảnh đang phát tán nhiều biến thể của COVID-19.

Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét phương án cho khách du lịch nước ngoài nhập cảnh sau khi đã tiêm vắc xin COVID-19 từ tháng 7/2021 để dần khôi phục ngành du lịch trong nước.

Ở Hàn Quốc, chính phủ muốn đặt mục tiêu phổ cập tiêm chủng trong nước trước khi phát hành Hộ chiếu vắc xin. Seoul cho rằng Hộ chiếu vắc xin là vấn đề liên quan tới tiêu chuẩn quốc tế nên cần có sự thảo luận giữa các nước để lập ra tiêu chuẩn chung trên toàn thế giới.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).