Hơn một ngàn năm trước khi các nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên đến bờ biển Hàn Quốc, đế chế Ba Tư đã viết nên câu chuyện tình yêu về những nàng công chúa ở đất nước này.

Trong đó, một sử thi Ba Tư được viết vào khoảng năm 500 sau Công nguyên về chuyện tình giữa vị hoàng tử Ba Tư và nàng công chúa của triều đại Silla ít được biết đến có thể thay đổi cách nhìn lịch sử của nhân loại.

Bức tranh Ba Tư vào thế kỷ 14 miêu tả một cảnh từ Kushnameh về lễ đính hôn của hoàng tử Abtin (quỳ) và công chúa Silla Frarang (ngồi).

Theo lịch sử ghi nhận, từ thời kỳ lập quốc đến thế kỷ 19, Hàn Quốc thực hiện chính sách đóng cửa trước các mối quan hệ đối ngoại. Như vậy, làm thế nào người Ba Tư có thể biết đến Hàn Quốc, thậm chí kết mối nhân duyên?

Từ đó, câu chuyện “bất thường” của hoàng tử Ba Tư và công chúa Silla đã tiết lộ mối liên hệ mật thiết giữa hai đất nước này, và lịch sử có thể cần được viết lại sau đó.

Kushnameh: sử thi Ba Tư 1.500 về bán đảo Hàn Quốc

Kushnameh là một trong những câu chuyện phổ biến nhất của đế chế Ba Tư, được kể lại vô số lần trong hơn 1.500 năm từ khi được viết ra.

Tác phẩm là một bài sử thi hoành tráng về một sinh vật xấu xa với chiếc ngà voi tên Kus, kẻ đã đe dọa một gia đình Ba Tư suốt nhiều thế hệ. Toàn bộ câu chuyện trải dài hàng trăm năm với hàng ngàn dòng thơ, nhưng thú vị nhất nằm ở phần giữa của tác phẩm. Ở đó, gồm 1.000 câu thơ mô tả cuộc sống của người dân trên bán đảo Hàn Quốc thời Silla (신라, Tân La).

Vua và Hoàng hậu trong trang phục truyền thống của Vương quốc Tân La (57 TCN – 935 SCN).

Silla (Tân La), vương quốc “thời Tam quốc” (삼국시대), gồm Cao Câu Ly (고구려), Bách Tế (백제) và Tân La, cũng là triều đại duy trì liên tục lâu nhất trong lịch sử châu Á.

Do đó, trong “Kushnameh” cũng thể hiện rõ sự mong chờ và mơ ước của người dân Ba Tư để được đến vùng đất Tân La xinh đẹp, một môi trường tốt nhất cho sự phát triển của con người.

Một tình yêu chớm nở ở vương quốc Tân La xa xôi

Vương quốc Tân La được nhắc đến trong sử thi Ba Tư tập trung vào một hoàng tử trẻ tuổi tên là Abtin. Cả cuộc đời Abtin buộc phải sống trong rừng sâu để trốn khỏi thế lực tàn ác của Kus. Từ bỏ cuộc sống vương giả, Abtin chỉ mang bên mình một cuốn sách ma thuật có thể biết trước tương lai để giữ an toàn cho mình.

Trong một lần đọc sách, Abtin tình cờ phát hiện ra rằng, chàng phải rời xứ sở Ba Tư để đến vương quốc Tân La, nơi chàng sẽ được chào đón nồng hậu bởi nhà vua Tân La. Ở đó, một cuộc sống xa hoa và đẹp đẽ được mô tả rằng, xứ Tân La có nhiều vàng đến nỗi ngay cả những chú chó cũng được giữ bằng dây xích vàng.

Thật khó tin, nhưng Silla có nguồn vàng phong phú đến mức vòng cổ cho động vật cũng làm từ vàng.

Tin tưởng vào lời tiên tri của cuốn sách ma thuật, Abtin tìm đến Tân La và nhanh chóng bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của đất nước này. Sau khi vào cung điện và diện kiến công chúa Frarang, chàng hoàng tử Ba Tư càng say đắm vẻ đẹp kiều diễm của nàng, khẩn thiết cầu xin nhà vua được kết hôn cùng Frarang.

Ít lâu sau đó, Frarang đã trở thành vợ Abtin và là mẹ của đứa con trai đầu lòng của chàng.

Câu chuyện về người anh hùng Tân La

Hoàng tử Ba Tư dành cả cuộc đời để ẩn náu và lưu lạc đến xứ Tân La xa xôi cuối cùng lại bị sát hại khi trở về quê hương bởi thế lực của Kus.

Cũng từ đó, một người anh hùng có sức mạnh lay chuyển mọi thứ đã xây dựng một đội quân để lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại thế lực tàn bạo ấy – chính là con trai của Abtin và Frarang.

Trong nhiều thế kỷ, Ba Tư chịu sự đàn áp của con quái vật hung tợn cuối cùng cũng giành được tự do dưới sự chỉ huy của chàng trai mang dòng máu lai Ba Tư – Tân La.

Hôn lễ giữa hoàng tử Abtin và công chúa Frarang.

Câu chuyện Ba Tư bị một con quái vật với ngà voi đe dọa suốt 1.500 năm và bất cứ vị hoàng tử đầu lòng nào cũng sở hữu cuốn sách ma thuật tiên đoán tương lai, có thể chỉ là thần thoại như những truyện đặc sắc trong bộ “Nghìn Lẻ Một Đêm”.

Tuy nhiên, những biểu tượng cho việc có một hoàng tử Ba Tư lánh nạn ở Tân La và yêu một công chúa Hàn Quốc là không thể phủ nhận. Đây là bằng chứng cho thấy người Ba Tư không chỉ biết về Hàn Quốc cách đây nhiều thế kỷ trước, mà còn dành sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với quốc gia này.

Những bằng chứng điển hình chứng tỏ chỉ khi có người Ba Tư từng đặt chân đến Silla mới có thể xuất hiện ở Hàn Quốc sau này như: bình nước thủy tinh có thiết kế kiểu Ba Tư, thảm Ba Tư, các hoa văn và đồ trang sức. Ngoài ra, những ghi chép bằng tiếng Ả Rập cũng tồn tại từ triều đại Silla cho thấy sự có mặt của họ trên đất nước này.

Quốc bảo số 193 – bình đựng nước Ba Tư.

Bí mật được cất giấu sau thiên tình ca Abtin & Frarang?

Suốt một thời gian dài, sử thi Kushnameh được lặp đi lặp lại nhưng bí mật về nguồn gốc của đất nước mà hoàng tử Abtin dừng chân có thực sự là Tân La hay nói về Trung Hoa, vẫn còn nhiều tranh cãi.

Trong câu chuyện, vương quốc Tân La của Hàn Quốc được gọi là “Chin”, một cái tên có thể ám chỉ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Lúc đầu, Abtin đã đọc sai tên Chin trong cuốn sách nói về tương lai kỳ diệu của mình và nghĩ rằng nên đến Trung Quốc. Giống như các nhà sử học hiện đại, phải mất nhiều năm để nhận ra rằng, nó có thực sự nói về Trung Quốc hay không.

Theo đó, các nhà sử học đã xem xét lại những mô tả được nhắc đến trong sử thi để kết luận Hàn Quốc phù hợp hơn.

Những mô tả sống động này tái hiện cuộc sống ở Hàn Quốc vào thế kỷ thứ 6. Một ghi chép có viết, “신라에는 금이 너무 흔하다. 개의 사슬이나 원숭이의 목테도 금으로 만든다”, tức vàng rất phổ biến ở Tân La, đến nỗi vòng cổ cho chó và khỉ cũng làm bằng vàng nguyên chất.

Basilla – Lịch sử được viết lại

Chuyện tình vượt ra ngoài văn hóa, ngôn ngữ và khoảng cách địa lý của Abtin và Frarang có thể thay đổi cách nhìn của nhân loại về lịch sử. Bởi trong một thời gian dài, Hàn Quốc dường như là nơi cô lập và xa cách với thế giới phương Tây. Chính câu chuyện này đã cho thấy rằng, phía Đông và phía Tây có thể không tách biệt như vậy.

Trên thực tế, Ba Tư vốn có liên hệ với Hàn Quốc thời cổ đại thông qua “Con đường tơ lụa” và hàng hóa Ba Tư cũng đã du nhập vào đất nước Hàn Quốc từ lâu.

Vở nhạc kịch tái hiện câu chuyện tình yêu của Abtin và Frarang – “Basilla”, ngụ ý “vẻ đẹp của Silla”, được công diễn vào năm 2017 ở Hàn Quốc.

Trong câu chuyện của Kushnameh, vương quốc Tân La không phải là đối tác thương mại đơn thuần, mà còn là đồng minh đáng tin cậy và rất quan trọng đối với người Ba Tư. Bằng chứng là người Ba Tư đã vượt qua thế lực tàn ác khi tin tưởng vào sự lãnh đạo của một hoàng tử mang hai dòng máu Ba Tư và Tân La.

Cuộc hôn nhân tượng trưng của các nền văn hóa này còn đưa các di tích khác phơi bày dưới một góc độ mới. Trong một ngôi mộ cổ ở Gyeongju có một bức tượng chiến binh Tân La, trông rất giống một người lính Ba Tư.

Người ta tự hỏi liệu đây có thực sự là bức tượng của một người lính Ba Tư bị lãng quên đã chiến đấu cho Tân La không?

Câu chuyện của Abtin và Frarang có thể đã bị lãng quên từ lâu, song đây không chỉ là chuyện tình giữa hai người, mà còn là một câu chuyện tình yêu giữa hai quốc gia có nền văn hóa Đông – Tây khác biệt.

Tổng hợp từ Naver, KhanMK

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).