Mặc dù báo giới Hàn Quốc vẫn còn thận trọng, nhưng truyền thông Hoa Kỳ từ trung tuần tháng 4 trở lại đây đã đưa tin sức khỏe của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đang trong tình trạng nguy kịch sau một cuộc phẫu thuật.

Các đồn đoán về sức khoẻ của ông Kim lần đầu tiên rộ lên khi ông vắng mặt khỏi lễ kỷ niệm sinh nhật người cha lập quốc của Bắc Hàn, cũng là ông nội của ông Kim Jong Un là ông Kim Nhật Thành, hôm 15/4.

Là thế hệ thứ ba lên nắm quyền, sau ông nội là Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) và cha là Kim Jong Il (Kim Chính Nhất), ông Kim Jong Un (Kim Chính Ân) chưa có chỉ định cụ thể về người thừa kế hoặc kế vị mình.

Trong bối cảnh này, Kim Yo Jong (김여정, Kim Dư Chinh), em gái Kim Jong Un, đang nổi lên như một nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng trong chế độ Cộng sản Bắc Hàn.

Tuổi trẻ tài cao giống hệt anh trai

Một cuốn sách giáo khoa của Bắc Hàn viết rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un biết lái xe từ lúc 3 tuổi và đã chiến thắng trong một cuộc đua thuyền khi mới 9 tuổi.

Còn em gái ông, Kim Yo Jung sinh năm 1987, từng là một cô gái mũm mĩm má phính, yêu nhảy múa và được cha mình (cố lãnh đạo Kim Jong Il) gọi là “công chúa Yo Jong”. Yo Jong thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Đầu năm 2002, Chủ tịch Kim Jong Il tự hào khoe với khách nước ngoài rằng con gái ông rất thích chính trị và muốn theo đuổi sự nghiệp trong chính quyền.

Cô đã cùng anh trai theo học tại một trường ở Bern, Thụy Sĩ, cho đến khoảng năm 2000, trước khi về học ở Bắc Hàn. Họ sống trong một khu biệt thự được các vệ sĩ giám sát ngày đêm.

Về đời tư, có tin Yo Jong lấy con trai của ông Choe Ryong Hae, Phó chủ tịch Đảng Lao động Bắc Hàn, người vừa được bầu vào Ủy ban Quân sự Trung ương. Tuy nhiên, hồi tháng 3, hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn một nguồn tin khẳng định chồng cô là một nhà khoa học xuất thân bình thường.

Nhanh chóng tiến thân trong sự nghiệp

Yo Jong nhanh chóng thăng tiến trên nấc thang sự nghiệp sau khi Kim Jong Un lên lãnh đạo đất nước, và trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất ở Bắc Hàn. Cô được cho là người duy nhất trong chế độ dám nói chuyện thẳng thắn, thậm chí chia sẻ với nhà lãnh đạo Kim Jong Un những sự thật khó nghe.

Kim Yo Jong đã đảm nhiệm nhiều công việc hậu trường cho bố và anh trai. Sau khi người cha qua đời, cô đã góp sức vào chiến dịch xây dựng và giữ gìn hình ảnh của anh trai. Có tin người phụ nữ này còn tạm nắm quyền lãnh đạo đất nước khi Kim Jong Un bị ốm vào cuối năm 2014.

Kim Yo Jung trở thành thành viên Hội đồng Nhân dân tối cao miền Bắc ở tuổi 25, thành viên Ủy ban trung ương đảng Lao động ở tuổi 27, và là ứng cử viên của Bộ Chính trị đảng Lao động năm 28 tuổi. Ngày 1/1/2020, cô đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động – giữ vai trò bảo vệ hình ảnh cho anh trai.

Trong Lễ tưởng niệm 25 năm ngày mất cố Chủ tịch Kim Il Sung được tổ chức vào ngày 8/7/2019 tại nhà thi đấu Bình Nhưỡng, Kim Yo Jong đã có mặt trên hàng ghế chủ tịch cùng với các quan chức cấp cao chính phủ Bắc Hàn.

Trên hàng ghế chủ tịch, Kim Jong Un ngồi ở vị trí trung tâm và cấp bậc các quan chức cấp cao được xếp theo thứ tự từ phải qua trái, tức càng ngồi gần Chủ tịch Kim Jong Un, quyền lực của người đó càng cao.

Xuất hiện trong những sự kiện quốc tế quan trọng

Hình ảnh của Kim Yo Jong được cả thế giới biết đến khi cô trở thành cầu nối giữa hai miền Nam – Bắc trong Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018, trở thành thành viên đầu tiên của gia đình Kim cầm quyền đến thăm miền Nam kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên.

Cô đã thu hút dư luận Hàn Quốc khi ngồi đối mặt với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và chuyển tới ông lá thư tay của anh trai mình.

Em gái của Chủ tịch Kim Jong Un là bóng hồng duy nhất trong 6 quan chức cấp cao nhất của Bắc Hàn có mặt tại cuộc đàm phán lịch sử tháng 4/2019 giữa Bắc Hàn và Hàn Quốc ở khu vực phi quân sự hóa chia cắt giữa hai nước.

Các nhà báo kể lại, trước khi vào bàn hội nghị, Tổng thống Moon Jae In đã hài hước nói với Kim Yo Jong rằng: “Ở Hàn Quốc bây giờ cô đã là một ngôi sao rồi đấy!”. Câu nói của ông chủ Nhà Xanh khiến em gái ông Kim ngại ngùng đỏ mặt, còn hội trường lại vang tiếng cười tán dương.

Cô cũng đã cùng anh trai tới Singapore vào năm 2018 và sau đó tới Việt Nam vào năm 2019 cho hai hội nghị thượng đỉnh của Kim Jong Un với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy không tham gia đàm phán trực tiếp nhưng Kim Yo Jung luôn có mặt trong các chuyến công du để tháp tùng anh trai. Cô âm thầm đứng phía sau, khi mang cây bút ghi, đứng cầm gạt tàn cho anh trai hút thuốc… Những hành động này đã ngầm khẳng định cho cả thế giới thấy cô là nhân vật đặc biệt quyền lực tại Bắc Hàn.

Vào đầu năm 2020, Kim Yo Jong cũng đã trực tiếp thể hiện tiếng nói của mình qua các phương tiện truyền thông. Cụ thể, vào tháng 3/2020, cô ca ngợi Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông gửi tới nhà lãnh đạo Kim Jong Un một lá thư đề nghị giúp đỡ Bắc Hàn trong việc đối phó với đại dịch COVID-19.

Sau đó, cô tiếp tục lên tiếng công khai chỉ trích Seoul vì đã phản đối việc Bắc Hàn diễn tập bắn đạn thật. Là người thúc đẩy quan hệ liên Triều từ năm 2018, cô gây bất ngờ khi tuyên bố nói rằng Hàn Quốc không có tư cách chỉ trích Bắc Hàn khi chính họ đã tiến hành các cuộc tập trận riêng hay chung với Mỹ.

Cô cho rằng việc Seoul lên án Bình Nhưỡng là một “hành động thực sự vô nghĩa” và “hoàn toàn ngu ngốc”, so sánh động thái này như “con chó sủa trong sợ hãi”.

Khả năng cầm quyền đến đâu?

Giữa những đồn đoán về sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, cô em gái Kim Yo Jong đang nổi lên như một nhân vật được chú ý, và tình báo Mỹ đang tăng cường thu thập thông tin tình báo về cô.

Triều đại Kim có được tính hợp pháp từ huyết thống Baekdu (Bạch Đầu) của người sáng lập quốc gia Kim Nhật Thành. Nếu Kim Jong Un không thể lãnh đạo, các chuyên gia tin rằng kịch bản rất có thể là sự chuyển đổi sang hệ thống lãnh đạo tập thể tập trung vào Kim Yo Jong, nhân vật thực quyền số 2.

Trước đây, khá nhiều quan chức được coi là nhân vật quyền lực thứ hai trong quân đội hoặc chính trị Bắc Hàn. Nhưng Kim Yo Jong là người duy nhất được thăng cấp quyền lực chính thức để thực hiện hiệu quả các hoạt động công khai.

Tuy nhiên, nền chính trị của Bắc Hàn còn tương đối bảo thủ vì vậy, việc một phụ nữ lên nắm quyền lãnh đạo tối cao sẽ khó có khả năng xảy ra, dù cho người đó có năng lực tốt hay quyền lực tới đâu.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc Kim Jong Un “ẩn mình” trong thời điểm hiện tại chỉ là một đòn “tung hoả mù” để gây sự chú ý của Bắc Hàn.

Giáo sư Lee Seong Hyon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đối với bán đảo Hàn Quốc tại Viện Sejong, cho rằng nhiều khả năng tin đồn về cái chết của ông Kim Jong Un chỉ là… tin đồn. Theo ông, Kim Jong Un có thể đã trải qua một số quy trình điều trị y tế và đang hồi phục, hoặc có thể dè dặt trong việc tham gia các sự kiện vì đề phòng COVID-19.

Hồi tháng 3 năm nay, báo chí phương Tây cũng phân tích lý do Bắc Hàn phóng “vật thể” liên tiếp. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật từng phân tích rằng động cơ của Bắc Hàn rất có thể nhằm thu hút sự chú ý của Mỹ trở lại, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây giảm bớt quan tâm đối với Bắc Hàn vì dịch bệnh do virus corona gây ra.

Trong diễn biến mới nhất, vào ngày 16/6, Bắc Hàn đã cho đánh sập văn phòng liên lạc hai miền Nam – Bắc và từ chối đề xuất cử đặc phái viên của Hàn Quốc sang nước này. 

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).