Trong mắt người dân Bắc Hàn, Kim Jong Un là “thống soái”, là “lãnh tụ kính yêu”. Trong mắt quốc tế, Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo quyền lực và là người kế thừa xuất sắc phong cách chính trị của gia đình.

Kim Jong Un là thế hệ lãnh đạo thứ 3 của gia tộc thống trị họ Kim – gia tộc quyền lực nhất Bắc Hàn. Câu chuyện Kim Jong Un trở thành người kế thừa “quyền lực cha truyền con nối” của gia đình như thế nào cũng có nhiều điều thú vị, thú vị như chính con người của Kim Jong Un vậy.

Kể từ khi lập nước, Bắc Hàn đã trải qua 3 đời chủ tịch. Cả thế giới khi nhắc đến Bắc Hàn đều biết, 3 chủ tịch của Bắc Hà là người một nhà – người của gia tộc họ Kim.

Gia tộc thống trị họ Kim

Gia tộc thống trị họ Kim

Chủ tịch đầu tiên của Bắc Hàn là Kim Il Sung (김일성, 1912 – 1994) chỉ có một con trai duy nhất là Kim Jong Il (김정일). Kim Il Sung là người đứng đầu nhà nước /chính phủ (không tính các vị Vua, Hoàng gia) đương nhiệm lâu thứ hai trong thế kỷ 20, tại vị trong hơn 48 năm.

Kế thừa quyền lực của cha, Kim Jong Il (1942 – 2011) trở thành chủ tịch thứ 2 của Bắc Hàn. Năm 1994, khi cha qua đời, Kim Jong Il mới được “nối ngôi”. Khác với cha mình, Kim Jong Il có tới 4 người vợ (chính thức) và 7 người con gồm 3 trai 4 gái.

Trong đó, người con trai lớn Kim Jong Nam (김정남) là con của Kim Jong Il và vợ cả Song Hye Rim (송혜림). Người vợ thứ 2, Kim Young Suk (김영숙) chỉ sinh được 2 con gái. Kim Jong Chul (김정철), Kim Jong Un (긴정은) và Kim Yo Jong (김여정) lần lượt là 3 con của Kim Jong Il cùng với người vợ thứ 3 – Ko Yong Hee (고용희).

Năm 2011, khi Kim Jong Il qua đời, Kim Jong Un trở thành thế hệ lãnh đạo thứ 3 của gia tộc họ Kim. Người em gái Kim Yo Jong bắt đầu tham gia chính trường thường xuyên hơn từ năm 2018 và dần trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất của Bắc Hàn.

Từ trái qua: Kim Il Sung – Kim Jong Il – Kim Jong Un

Chân dung “người kế vị” – Kim Jong Un

1. Vì sao Kim Jong Un là người được chọn?

Hai người anh trai của Kim Jong Un là Kim Jong Nam và Kim Jong Chul đều đã không vượt qua được quá trình thử thách của cha mình – Kim Jong Il. Kim Jong Il đã thử thách con trai cả Kim Jong Nam trong 7 năm (1995 – 2002) và con trai thứ Kim Jong Chul trong 2 năm (2003 – 2005).

Người con trưởng Kim Jong Nam bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình với chức Ủy ban trưởng Ủy ban Máy tính Bắc Hàn từ khi ở đội tuổi thanh niên. Cuối thập niên 1980, Jong Nam làm việc trong Cơ quan An ninh Quốc gia (trực thuộc Ủy ban Quốc vụ Bắc Hàn) và Cơ quan Tuyên truyền của Đảng Lao động.

Kim Jong Nam – con trai cả của Kim Jong Il

Những vai trò quan trọng Jong Nam được cha mình giao phó như là thuốc thử năng lực chính trị đồng thời là một minh chứng cho việc ông đã được chọn làm “người kế vị”. Tuy nhiên, Jong Nam bị “thất sủng” sau sự kiện nhập cư bất hợp pháp vào Nhật Bản năm 2001.

Tháng 5/2001, Kim Jong Nam cùng với 2 con trai của mình sử dụng hộ chiếu giả với quốc tịch Dominica để nhập cảnh Nhật Bản ở sân bay Narita và đã bị chính quyền nước này trục xuất.

Con trai thứ Kim Jong Chul bắt đầu được cha thử thách từ năm 2002, sau khi người anh cả đã bị mất hết tín nhiệm đối với cha. Thời điểm này Jong Chul cũng bắt đầu được thần tượng hóa như là “người kế vị”. Tuy nhiên Kim Jong Il đã sớm thất vọng vì lựa chọn này, bởi vì Jong Il không phải là một người có tư chất chính trị.

Kim Jong Chul – con trai thứ 2 của Kim Jong Il

Cần nhớ thời điểm tháng 9/2005, khi giới chức Bắc Hàn đề cập đến vấn đề tìm người kế vị xứng đáng, 2 yếu tố “khả năng lãnh đạo”“lòng trung thành” được nhấn mạnh hàng đầu.

Đã có những cảnh báo về sự phân hóa trong nội bộ giai cấp lãnh đạo chủ chốt của chính quyền Bắc Hàn đương thời. Bên cạnh đó, cũng có những chỉ trích về việc tồn tại “chủ nghĩa bè phái”, “chủ nghĩa địa phương”, “chủ nghĩa gia đình” trong quá trình lựa chọn “người kế vị” xứng đáng.

Để đập tan những ý đồ phản trắc và sự chỉ trích ngầm hướng đến con trai thứ (khi ấy đang được thử thách) của mình, Kim Jong Il đã ra chỉ thị ngưng bàn thảo về vấn đề kế vị, điều này có nghĩa là việc chuẩn bị đưa Kim Jong Chul “lên ngôi” cũng sẽ ngừng lại. Đây có thể nói là một bước đi chính trị khôn ngoan của Kim Jong Il.

Năm 2006, Kim Jong Un chính thức “loại” anh trai ruột khỏi “đường đua kế vị quyền lực” khi được cha mình đưa vào vòng thử thách.

Con đường đưa Kim Jong Un trở thành “người kế vị”

Để đưa Kim Jong Un “lên ngôi”, Kim Jong Il đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng về chính trị. Thời điểm Kim Jong Il bắt đầu nhắm Kim Jong Un vào vai trò kế thừa quyền lực của mình, giới chức Bắc Hàn bắt đầu nhận thức được những khó khăn trong việc giải bài toán về người kế vị, nếu như đột nhiên “lãnh đạo tối cao” Kim Jong Il “có mệnh hệ gì”.

Việc sửa đổi hiến pháp đã bắt đầu được chuẩn bị từ cuối năm 2008 đến tháng 4/2009, được Kim Jong Il thúc đẩy nhằm đưa ra phương hướng giải quyết tình hình lúc bấy giờ của Bắc Hàn.

Hiến pháp sửa đổi năm 2009 bổ sung thêm những điều khoản thể hiện rõ việc tăng cường quyền han cho Ủy ban Quốc phòng cũng như người đứng đầu Ủy ban này. Cụ thể, Hiến pháp sửa đổi năm 2009 bổ sung thêm 9 điều: 100, 101, 102, 103, 104, 105, 106, 109, 110. Trong đó có những điều gia tăng sức mạnh của người đứng đầu Quân đội như điều 100: “Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng là lãnh đạo tối cao của đất nước”.

Những điều khoản này được nhận định là thể hiện rõ mục đích trao quyền lực tập trung ngay từ đầu vào tay người kế vị có quyền lực chưa đủ mạnh. Và người đó chính là Kim Jong Un, chàng thanh niên trẻ đã được Kim Jong Il nhắm vào vị trí kế thừa quyền lực của mình. Khi ấy Kim Jong Un chỉ nắm giữ vị trí trung cấp trong Ủy ban Quốc phòng.

Kim Jong Un và quân đội Bắc Hàn

Ngày 28/9/2010, Kim Jong Un được phong Đại tướng Quân đội Nhân dân, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đây đều là những vị trí đòn bẩy cho những bước tiến chính trị tiếp theo của Jong Un.

Sở dĩ Kim Jong Il phải chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy là vì không muốn hệ thống quyền lực gia tộc họ Kim bị phá vỡ và rơi vào tay người khác, cụ thể là rơi vào tay Jang Sung Taek. Sung Take là em rể của Kim Jong Il, Ủy viên bộ chính trị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc gia – một vị trí được coi là chỉ đứng thứ hai trong nhóm Lãnh tụ tối cao.

Sau nhiều bước đi, cuối cùng vào ngày 26/12/2011, Kim Jong Un chính thức trở thành Chủ tịch Quân ủy Trung Ương, trở thành lãnh đạo tối cao của đất nước.

Có thể thấy, quá trình chuyển giao quyền lực của Bắc Hàn qua ba thế hệ lãnh đạo (đặc biệt là cuộc chuyển giao quyền lực của Kim Jong Il sang Kim Jong Un) thể hiện rõ đặc trưng của một thể chế chính trị độc tài: quyền lập pháp và hành pháp nằm trong tay cùng một nhóm người, lựa chọn lãnh đạo quốc gia bằng hình thức “cha truyền con nối”, quyền lực tập trung quá nhiều trong tay một cá nhân.

Tiểu sử Kim Jong Un

– Sinh nhật bí ẩn

Kim Jong Un là con trai thứ 2 của Kim Jong Il và người vợ thứ 3 – bà Ko Yong Hee. Anh trai của Kim Jong Un là Kim Jong Chul, và em gái là Kim Yo Jong. Có nhiều thông tin khác nhau về năm sinh của Kim Jong Un.

Ko Yong Hee (mẹ của Kim Jong Un) và Kim Jong Il

Trong các tài liệu được công bố chính thức, Kim Jong Un sinh năm 1984. Tuy nhiên có rất nhiều giả thuyết cho rằng Jong Un sinh ngày 8/1/1982. Lý do Bắc Hàn đã đổi năm sinh của Jong Un thành 1984 được cho là vì năm 1982 cũng là kỉ niệm tròn 70 năm Kim Il Sung (1912 – 1994) – ông nội Jong Un ra đời và 40 năm Kim Jong Il (1942 – 2011) – cha Jong Un được sinh ra.

– Thời niên thiếu

Khi Jong Un còn là một thiếu niên, Bắc Hàn được cai trị bởi “lãnh tụ vĩ đại” Kim Il Sung. Khi đó, cha của Jong Un – Kim Jong Il là một người kế vị chắc chắn. Tuy nhiên Jong Un không có một tương lai chính trị rõ nét như cha mình vì cậu bé Jong Un ngày đó còn có 2 người anh trai khác.

Thời niên thiếu, Jong Un là một cậu bé nhút nhát. Các bạn cùng học với Jong Un cho biết cậu ta rất ngại ngùng khi trả lời các câu hỏi trong lớp và hay bị bạn bè chế giễu mỗi khi nói tiếng Đức một cách chật vât. Cuộc sống xa nhà của Jong Un ở một nền văn hóa quá xa lạ đã khiến cậu sống khá nội tâm, khép kín.

Cậu bé Jong Un thuở thiếu niên

– Thời sinh viên

Một số bạn học cũ miêu tả Kim Jong Un là người có tính cách thầm lặng, người chỉ dành phần lớn thời gian ở nhà ngoài giờ học trên giảng đường; nhưng là một thanh niên có khiếu hài hước.

Marco Imhof – bạn học cũ của Jong Un nói với tờ “The Mirror” năm 2011: “Anh ấy rất vui tính, luôn tạo ra tiếng cười, khá hòa đồng với moi người, ngay cả với những bạn học đến từ các quốc gia là kẻ thù với Bắc Hàn”. Một bạn học khác thì cho biết: “Chính trị là chủ đề cấm kỵ ở trường. Thường thì chúng tôi sẽ tranh luận về bóng đá, chứ không phải chính trị”.

– Từng theo học trường Quân sự Kim Il Sung

Sau khi du học Thụy Sĩ và trở về Bắc Hàn, Kim Jong Un theo học tại trường Đại học Quân sự Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) cùng với anh trai Jong Chul. Một số thông tin cho rằng cả hai cùng phải tham gia các cuộc kiểm tra quân sự của cha mình.

Khi Kim Jong Il có những dấu hiệu sức khỏe tồi tệ báo trước về sự ra đi không sớm thì muộn, sự nghiệp chính trị lẫn quân sự của Kim Jong Un đã được thúc đẩy nhanh chóng, dù khi ấy Jong Un có rất ít kinh nghiệm. Tất cả nhằm dọn sẵn một kịch bản “lên ngôi” cho Jong Un.

Phong cách chính trị Kim Jong Un

Kim Jong Un được xem là một trong những chính trị gia có phong cách cai trị đàn áp và bạo lực nhất thế giới, dù “phong cách độc tài Kim Jong Un” đã có những biến hóa khác biệt so với hai người tiền nhiệm.

Không thể phủ nhận Bắc Hàn dưới thời Kim Jong Un đã có những sự kiện vô tiền khoáng hậu như cuộc gặp lịch sử của Kim Jong Un với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2018 ở Seoul, hay việc Kim Jong Un đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump hai lần…

Tuy cuộc gặp giữa Nam Bắc Hàn đã phá vỡ tảng băng giá lạnh trong quan hệ hai miền nhưng các cuộc Hội nghị Thượng đỉnh với phía Mỹ lại không dẫn đến một động thái trực tiếp nào nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Tháng 4/2020, khi dư luận thế giới dấy lên tin đồn về tình trạng sức khỏe bất ổn của Kim Jong Un và khả năng nhà độc tài này đã “nối gót cha ông”, một nhân vật quyền lực khác nổi lên là em gái của Jong Un – Kim Yo Jong. Có thể nói Kim Yo Jong đóng một vai trò khá đặc biệt trong chiến thuật chính trị “vừa đấm vừa xoa” của Kim Jong Un.

Kim Jong Un trong cuộc gặp lịch sử với tổng thống Mỹ Donald Trump

Kim Yo Jong tháp tùng Kim Jong Un dự Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2018 ở Seoul

Ngày 9/6/2020, đáp trả việc Hàn Quốc không ngăn chặn những người đào thoát khỏi Bắc Hàn thả bóng bay truyền đơn ở khu vực biên giới hai miền, Bắc Hàn đã có những động thái cứng rắn, thậm chí đe dọa sẽ cắt đứt tất cả đường dây liên lạc liên Triều, gồm các đường dây nóng giữa các văn phòng của hai nhà lãnh đạo và quân đội hai nước.

Người đưa ra những phát ngôn mạnh mẽ này chính là Kim Yo Jong, được xem là đóng vai “đấm”. Còn Kim Jong Un chính là người nhận vai “xoa” khi luôn gửi những lời chúc tốt đẹp đến các “kẻ thù” của mình là Mỹ và Hàn Quốc.

Tuy đã có những linh hoạt khéo léo hơn các thế hệ lãnh đạo đi trước, nhưng phong cách chính trị của Kim Jong Un (tiếp tục lấy lá bài hạt nhân để làm lá chắn phòng thủ quốc gia) có thể nói là vẫn tiếp nối “truyền thống gia đình” và tiếp tục là mối lo ngại đối với hòa bình ổn định trên bán đảo Hàn Quốc, khu vực Đông Bắc Á lẫn trên toàn thế giới.

Người biểu tình ở Seoul phản đối chính sách quân sự của Bắc Hàn, ngày 1/3/2009 với ảnh chân dung của Kim Jong Il (trái) và người con trai út – Kim Jong Un

Những điều thú vị về Kim Jong Un

– Từng đi du học Thụy Sĩ dưới một cái tên khác

Trong một ngôi trường quốc tế nói tiếng Anh gần Bern, Thụy Sĩ, có một chàng thanh niên Bắc Hàn theo học từ 1998 – 2000. Những gì mọi người được biết về chàng trai là: tên gọi “Park Un”, con trai của một nhân viên Đại sứ quán Bắc Hàn ở Thụy Sĩ.

Kí ức của những bạn bè thời đó về “Park Un” là cậu quan tâm đến thể thao hơn chính trị.

– Yêu bóng rổ, thần tượng Michael Jordan và là bạn của Dennis Rodman

Bạn bè cùng học kể lại rằng Jong Un rất thích bóng rổ và từng vẽ chân dung ngôi sao Michael Jordan. Năm 2013 anh đã gặp Dennis Rodman. Dù cả hai có nhiều sự khác biệt lớn, họ đã trở thành bạn bè của nhau. Dennis từng nói: “Có thể anh ta là một kẻ tâm thần, nhưng tôi không quan tâm điều đó”.

Chàng trai trẻ đến từ Bắc Hàn dán poster của Jordan trên khắp các bức tường của phòng mình trong những ngày đi học ở Thụy Sĩ. Mặc dù từ thời thanh niên Jong Un cũng đã thừa cân và chiều cao chỉ khoảng 1m7, Jong Un lại chơi bóng rổ khá ra trò.

Ngôi sao bóng rổ Michael Jordan

Kim Jong Un gặp gỡ Dennis Rodman, ngôi sao bóng rổ người Mỹ

Nikola – bạn học cũ của Jong Un, nói với tờ Mirror: “Anh ấy chơi bóng rất bùng nổ, cạnh tranh cũng rất quyết liệt, đồng thời cũng biết làm chủ cuộc chơi”. Một người bạn học khác – Macro Imhof thì nhận xét: “Anh ấy ghét bị thua cuộc. Chiến thắng đối với anh ấy rất quan trọng”.

Bạn bè vẫn còn nhớ rằng Jong Un sở hữu bộ sưu tập giày Nike đáng ghen tị.

– Sở hữu mái tóc in đậm “thương hiệu” cá nhân

Báo chí phương Tây gọi mái tóc của Kim Jong Un là mái tóc hipster. “Hipster” là một thuật ngữ chỉ những người có lối sống tự do, ít chịu ảnh hưởng bởi số đông. Họ có khả năng cảm thụ nghệ thuật nên họ thường là những người đầu tiên nhận ra và đồng điệu với những nghệ sĩ Indie (nghệ sĩ hoạt động underground). Chính những đặc điểm này tạo ra vẻ ngoài khá đặc biệt của các hipster.

Thật ra, mái tóc của Kim Jong Un lại là một kiểu tóc quân đội đơn giản thường thấy trong quân đội Bắc Hàn. Nếu kiểu tóc này gắn trên gương mặt của một hipster giữa hàng triệu hipster trên thế giới thì điều ấy quá bình thường. Nhưng một kiểu tóc bình thường ở Bắc Hàn, trên gương mặt đại diện cho nam giới Bắc Hàn trong mắt thế giới trở nên thật ngộ nghĩnh, và vì vậy cũng trở thành mái tóc mang “thương hiệu” Kim Jong Un.

Ngộ là bởi thật khó tin việc người đứng đầu của một trong số ít những thể chế chính trị độc tài còn sót lại trong nền văn minh nhân loại, lại có một mái tóc hipster cá tính. Mái tóc nhìn càng ngày càng kì ngộ khi khuôn mặt của Jong Un ngày một to ra tỷ lệ thuận với cân nặng. Có một số tin đồn còn cho rằng Kim Jong Un thậm chí còn không tin tưởng thợ cắt tóc và hay tự cắt tóc cho mình.

Nhìn mái tóc của hipster, rất nhiều người đặt câu hỏi: Kim Jong Un sẽ là ai, nếu không là chủ tịch Bắc Hàn?

XEM THÊM: Lãnh đạo Bắc hàn là fan của Apple và hay đọc bình luận trên mạng về chính mình

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).