Chương trình “mẹ chồng nàng dâu” (다문화고부열정) trên kênh EBS rất được nhiều người Hàn Quốc theo dõi, đặc biệt là những gia đình có cô dâu ngoại quốc. Tuy nhiên lại bị chỉ trích gay gắt vì xu hướng tập trung khai thác các nội dung tiêu cực khiến hình ảnh gia đình đa văn hoá bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặc dù vậy khán giả vẫn thường xuyên đón xem vì không có chương trình nào được phát sóng hàng tuần có nội dung liên quan đa văn hoá. Cùng đó là chờ đợi những câu chuyện hay, ý nghĩa với nội dung tích cực, sâu sắc hơn.

Câu chuyện một cô dâu Việt chăm sóc ông bà của chồng trong 8 năm ròng được phát sóng vào mùa xuân năm 2017 là một những “câu chuyện ý nghĩa” khiến cho không ít khán giả theo dõi chương trình cảm động, có nhiều cách nhìn mới về những cô dâu đa văn hoá riêng chung và những “cô dâu Việt” nói riêng.

Xuất hiện trong chương trình, câu chuyện “mẹ chồng nàng dâu” của chị (마이티녹띠엔 – Mai Thị Ngọc Tiên) lại khác rất nhiều so với những câu chuyện trước đó. Không phải vì lí do bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về văn hoá mà là nỗi khổ tâm chị trải qua trong 8 năm sinh sống ở Hàn Quốc.

Chị Tiên khi đó mới 28 tuổi nhưng đã sang Hàn được 8 năm. Cũng giống như những cô dâu Việt khác, chị sang Hàn với ước mơ xây dựng, vun đắp một gia đình hạnh phúc.

Chồng chị khi đó 44 tuổi, làm việc trong văn phòng hành chính của một trường trung học cơ sở. Vợ chồng anh chị có một bé gái khi đó mới 3 tuổi, và cùng sống chung với ông bà nội của anh. Mẹ chồng của chị đang ở nhà của em gái làm phụ giúp công việc nhà.

Không phải là “bố mẹ chồng” mà là “ông bà nội của chồng”

Do lúc mới sang, chị Tiên không biết nhiều tiếng Hàn nên không hỏi rõ được, tuy nhiên so với việc “tính toán chi li” chị rất vui vẻ chăm sóc ông bà nội của chồng trong 8 năm ròng.

Chị nói rằng: “Tuy không thể hiểu được tại sao mẹ chồng lại ra ngoài ở. Nhưng chắc có lý do sâu thẳm nào đó”. Bà nội chồng 95 tuổi, sức khoẻ yếu nên chủ yếu sinh hoạt trên giường.

Chị Tiên là người trực tiếp thay bỉm và tắm rửa cho bà. Chị cũng phải trực tiếp bón cơm, pha thuốc vì chồng chị đi làm cả ngày và ông nội cũng không thể cùng chị chăm sóc. Ở nhà, chị phải đảm đương mọi việc nhà: Chuyện bỉm sữa của con gái, cơm nước cho cả nhà, dọn dẹp, giặt quần áo… Chị hầu như luôn chân luôn tay nhưng luôn mỉm cười như “không biết mệt”.

Nếu là ai đó, họ sẽ cảm thấy tức giận “tại sao phải chăm sóc ông bà nội của chồng?”. Ngược lại, nếu ai đó đứng ở vị trí của chị, sẽ cảm nhận được chị là người con, người cháu sống hết mình vì chữ “hiếu”. Chồng chị nói chị là một thiên thần – Vì sẽ không có ai biết chịu đựng và chịu thương, chịu khó như chị.

Không giận hờn, phân thua thiệt thòi

8 năm tuổi thanh xuân của chị Tiên đi vụt qua như cơn gió. Chị đã 28 tuổi – trở thành vợ, trở thành mẹ, “tròn” trách nhiệm hiếu thảo với ông bà nội của chồng chị. Mặc dù khi đó, chị đang mang thai bé thứ 2 nhưng vẫn lo toan chuyện chăm sóc ông bà nội trước, xong xuôi việc chị mới đi đến bệnh viện để khám thai.

Nhịp thai đập của thai nhi thật nhanh và khỏe như đang thúc đẩy chị phải “gấp gáp” trước một quyết định nào đó. Mẹ chồng chị khi đó đang sống tại nhà của em gái và làm phụ công việc gia đình. Tuy sống riêng, nhưng mẹ chồng chị cũng không có cuộc sống sinh hoạt thoải mái chút nào.

Lý do khiến mẹ chồng chị không sống cùng ông bà nội là gì? Đây là câu hỏi lớn nhất mà chị Tiên hẳn đã rất muốn hỏi nhưng vẫn chưa có cơ hội trực tiếp hỏi. Thông qua chương trình, cuối cùng mẹ chồng chị cũng đã kể về “lý do khó nói” và bà thật sự rất đáng thương.

Bố chồng chị mất sớm, mẹ chồng là người gồng gánh kinh tế gia đình để nuôi con ăn học. Chồng của chị từ nhỏ đã sống với ông bà nội. Trong gia đình thiếu vắng hình ảnh của người mẹ, người con dâu do mẹ chồng chị phải làm việc bên ngoài để kiếm sống.

Vẫn là câu chuyện mẹ chồng nàng dâu nhưng của thế hệ trước – thế hệ bà nội chồng và mẹ chồng. Quá khứ tủi nhục vì bị mẹ chồng soi mói, dèm pha khiến mẹ chồng chị bị ngạt thở khi phải sống chung cùng bố mẹ chồng dưới một mái nhà.

Bà đã vất vả, muốn sống một cuộc sống cuối đời thảnh thơi. Thanh xuân của bà đã dành cho gia đình và bà đã hy sinh gấp 10 lần vì bà là một người mẹ đơn thân, lẻ bóng. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng: Dù không hợp với bố mẹ chồng, mẹ chồng chị cũng không nên đổ trách nhiệm cho con dâu và bỏ ra ngoài ở như vậy được.

Mẹ chồng chị Tiên đang mong muốn điều gì?

Bà thực sự cảm thấy có lỗi vì đã “đùn đẩy trách nhiệm” cho chị Tiên vì lý do của bản thân. Khi chị Tiên mở lời hỏi ý kiến mẹ chồng về việc cùng chung sống và nói đến chuyện “giữ lời hứa”, mẹ chồng chị đã có phản ứng khiến chị Tiên cảm thấy buồn.

Lời hứa – nếu chị Tiên mang thai bé thứ 2, mẹ chồng chị sẽ trở về cùng chung sống để phụ giúp chị việc nhà. Chị Tiên đã mang thai, sự thật là chị Tiên không có tự tin trong việc chăm sóc ông bà nội khi mang trong mình một sinh linh bé nhỏ. Nếu có thêm bé, số lượng công việc chị phải đảm đương sẽ khiến chị bị mệt mỏi và suy mòn. Trong tình huống này, chỉ mẹ chồng chị mới có thể giúp chị.

Tuy nhiên, chị Tiên sau khi biết nguyện vọng thực sự của mẹ chồng chị muốn là “thành ý”, chị đã khéo léo thuyết phục và mẹ chồng chị đã quyết định hy sinh để giúp con trai, con dâu an tâm xây dựng gia đình ngày thêm vững chãi. Câu chuyện kết thúc với hình ảnh mẹ chồng con dâu đẹp chưa từng xuất hiện trong những tập phát sóng trước đó.

Với đức tính và bản tính suy nghĩ thấu đáo của mình, dù gặp phải khó khăn trong mối quan hệ nào, chị Tiên vẫn có thể khắc phục và tìm được hướng giải quyết tốt nhất để không bị bản thân cũng như người thân tổn thương.

Trở lại sau 3 năm, câu chuyện mẹ chồng nàng dâu kể mãi không hết

Sau 3 năm, chị Tiên xuất hiện lại trong chương trình mẹ chồng nàng dâu. Không chỉ bất ngờ, khán giả cảm thấy vui vì được gặp lại “gương mặt đẹp”, cuộc sống của chị đã thay đổi như thế nào sau 3 năm? Thiên thần trong bụng chị ngày ấy hẳn đã lớn, mẹ chồng chị đang sống cùng chị?

Tuy nhiên, khán giả truyền hình rất tò mò tại sao chị Tiên lại trở lại chương trình sau 3 năm. Lý do nào khiến chị xuất hiện trong chương trình? Không lẽ lại là vì những câu chuyện mẹ chồng nàng dâu kể mãi không hết hay sao?

Thời gian 3 năm kéo thanh xuân chị Tiên đến với tuổi 31. Ở tuổi này, chị “giàu” hơn những cô dâu Việt khác về tình cảm và sự hiện diện của người thân. Dưới một mái nhà, bà nội của chồng chị đã mất cách đây 2 năm, ông nội giờ đây đã 102 tuổi – sức khỏe yếu dần. Thiên thần bé nhỏ 3 tuổi dường như là nguồn năng lượng của gia đình. Mẹ chồng chị đã giữ lời hứa và chuyển về nhà cùng chung sống trong 3 năm qua.

Chồng chị vẫn tiếp tục với công việc hành chính trong trường học. Điều đặc biệt hơn, giờ đây bên cạnh chị Tiên còn có bố mẹ ruột và em trai ruột của chị, tổng cộng có 9 người đang cùng chung sống dưới một mái nhà.

Mẹ chồng chị đang đảm nhận công việc nhà, chăm 2 cháu và bố chồng. Nhờ đó, chị Tiên được “giải phóng” và đang tích cực công việc bán hàng ăn của mình. Số vốn gom được từ tiền của ông nội và mẹ chồng, Quán phở Việt Nam là tài sản lớn nhất của chị và chị phải nỗ lực để duy trì việc buôn bán.

Lý do thực sự khiến chị Tiên quay trở lại chương trình sau 3 năm là những xích mích nhỏ giữa chị và mẹ chồng. Quan điểm, suy nghĩ, phong cách sinh hoạt khác nhau khiến chị và mẹ chồng đôi khi cảm thấy bất lực.

Không chỉ gia đình đa văn hóa, mẹ chồng – nàng dâu là vấn đề của tất cả các gia đình

Khi mẹ chồng và cô dâu đa văn hóa xảy ra xung đột, thường chỉ có 2 luồng ý kiến: Vì cô dâu đa văn hóa không giỏi tiếng Hàn hoặc vì văn hóa Hàn – Việt khác nhau.

Tuy nhiên, nếu theo dõi câu chuyện của chị Tiên, khán giả sẽ cảm nhận được vấn đề trong quan hệ mẹ chồng – nàng dâu của chị Tiên cũng đơn thuần như những gia đình khác – không phải là vấn đề dành riêng cho gia đình đa văn hóa.

Việc dọn tủ lạnh không nói lên văn hóa Hàn – Việt khác nhau. Ngay cả việc mẹ chồng chị Tiên liên tục nấu cà ri (카레) trong nhiều ngày cũng không thể đánh giá do “văn hóa ẩm thực Hàn – Việt” khác nhau. Khi gặp tình huống này, người trong cuộc cần khéo léo, cảm thông và có suy nghĩ tích cực trong việc giản hòa, hóa giải hiểu lầm.

Không những chị Tiên, mẹ chồng chị Tiên cũng được khán giả khen vì bà là người có tấm lòng nhân hậu. Tuy bị tiểu đường (당뇨) nhưng bà vẫn hết mình vì con cái, có thể giặt quần áo cho 9 người trong gia đình, một ngày chuẩn bị 3 bữa cơm cho bố chồng và chăm sóc 2 đứa trẻ. Khi chị Tiên tỏ vẻ khó chịu bà đã buồn. Cảm giác buồn vì bà như bị điều khiển, không có thời gian tự do, và chị Tiên dường như không hề biết sự hi sinh của bà.

Chị Tiên liên tục bày tỏ suy nghĩ muốn làm thực đơn của các con đa dạng hơn để con có thể tiếp nhận đầy đủ dưỡng chất, mẹ chồng chị đã rất khó chịu vì bà đã suy nghĩ cho sức khỏe gia đình nên mới làm món cà ri. Suy nghĩ, hi sinh cho gia đình nhưng dường như bị “bơ” – bà cảm thấy buồn và như người thừa trong gia đình. Không những thế bà còn cảm thấy như là người thừa vì chị Tiên chỉ nói chuyện với mẹ ruột, ít nói chuyện tâm sự với bà.

Bất kỳ ai đứng ở vị trí của mẹ chồng chị Tiên đều có thể hiểu được cảm giác này. Tuy giận, nhưng mẹ chồng chị đã thông cảm, suy nghĩ lại và quyết định làm theo ý của con dâu – vì suy nghĩ của chị Tiên không sai. Bà đã đến chợ, mua nguyên liệu để làm những món ăn mới cho đa dạng, bà đã mua thêm 2 hộp dâu tây – loại hoa quả chị Tiên thích ăn nhất.

Ghé qua quán ăn của chị Tiên, bà đã muốn ngỏ lời trước. Trước đây, mẹ chồng chị đã rất lo lắng quán ăn không đông khách. Nhưng hôm đó, quán ăn của chị có nhiều khách tìm đến khiến bà cảm thấy có “hy vọng” và vui hơn. Bà đưa cho chị Tiên hộp dâu tây rồi ra về. Hành động quan tâm nhưng nhỏ nhoi đó khiến chị Tiên rất cảm động.

Đối đáp lại tấm lòng của bà, chị Tiên đã đưa bà ra bắt taxi để về và không quên cảm ơn bà. Chị không phải vui mừng vì được mẹ chồng mua dâu tây cho, chị đã cảm nhận được bà đang rất chân thành và thông cảm cho chị.

Không thể cân đo đong đếm sự vất vả

Mẹ chồng chị Tiên thật vất vả. Đúng như lời bà nói, ở tuổi này là tuổi hưởng thụ, được đi du lịch, nghỉ ngơi… Còn bà phải trông cháu, chăm sóc gia đình – một sự hy sinh cao cả.

Nhưng chị Tiên cũng vất vả không kém. Gánh nặng 9 người trên vai chồng chị quá nặng, chị muốn làm gì đó để trong tương lại, gia đình chị sẽ có một chỗ đứng vững trãi. Quán ăn là tài sản được gây dựng từ số vốn của ông nội và mẹ chồng chị. Chị cần phải duy trì bán 700.000KRW/ngày mới đủ trả tiền thuê quán và công lao động.

Quán mở chưa lâu nên vẫn chưa đi vào quỹ đạo an toàn. Mẹ chồng chị hiểu rõ chị đang rất lao tâm khổ tứ vì quán ăn.

Chị Tiên và mẹ chồng chưa từng kể lể vất vả, nhưng họ lại tự thấu hiểu được vất vả của đối phương. Ai làm việc nhiều hơn ai – Đó là phép cân đo đong đếm “quê mùa”. Đừng sử dụng phép tính toán quê mùa đó mà hãy sử dụng tấm lòng của mình để an ủi sự vất vả của họ

Khởi nghiệp, nỗ lực vì các con

Chị Tiên nói tiếng Hàn rất thành thạo, chị có thể tìm được công việc nhàn hạ và thu nhập cao hơn cho dù không bán hàng ăn. Tuy nhiên, chị đã chọn công việc bán hàng ăn để khởi nghiệp. Lý do nào khiến chị có quyết tâm cao như vậy?

Chị nói người Hàn Quốc thường truyền nhau câu nói rằng: Để nuôi một đứa trẻ đến khi trưởng thành, bố mẹ sẽ phải tiêu tốn 300 triệu KRW (6 tỉ VND). Tuy bây giờ chồng chị đang làm việc với số lương đó, gia đình chị đủ sinh sống nhưng một ngày nào đó, chồng chị Tiên sẽ không thể tiếp tục công việc này. Nếu nhìn xa trông rộng, chị Tiên cần một công việc, nguồn thu nhập khá khẩm để có thể nuôi gia đình và 2 con ăn học. Chị không hề hối hận vì đã mở quán ăn.

Suy nghĩ nhìn xa trông rộng của chị Tiên thật đáng khâm phục. Đây là suy nghĩ tích cực mà cô dâu Việt cần nhận thức để chuẩn bị cho bản thân những con đường đúng đắn. Quyết định nghề nghiệp của bản thân sẽ có những ảnh hưởng lớn tới gia đình. Hãy luôn chuẩn bị tinh thần để trở thành trụ cột gia đình, vững bước trong tất cả các tình huống bất ngờ ập tới.

Chị Tiên khiến khán giả bất ngờ vì khách tới quán ăn đều khen quán nấu ăn rất ngon, hình ảnh “đẹp” của chị 3 năm về trước vẫn được nhiều người lưu giữ và nhận ra chị. “Người con dâu xinh đẹp”, “Người con hiếu thảo”, “Người vợ khéo léo” – Đây là những lời khen không hề nói quá dành cho chị.

Nỗ lực để quán ăn có thể hoạt động trong quỹ đạo an toàn còn được thể hiện qua hình ảnh chị làm việc rất chăm chỉ. Ngoài việc bán đồ ăn ở quán, chị còn nhận đơn đặt hàng thông qua việc kinh doanh online. Chồng chị nếu có thời gian lại giúp chị chuyển đồ ăn cho khách. Đây là những bí quyết kinh doanh khiến chị ngày nào cũng bận rộn chạy đi chạy lại. Hẳn chị Tiên đang làm rất tốt việc quảng bá tên tuổi của quán ăn cũng như mang hương vị Việt Nam đi lan tỏa mọi nơi.

Tấm lòng của người làm con đối với 2 mẹ, tấm lòng của người làm mẹ đối với 2 con

Chị Tiên tan làm rất muộn, thông thường hơn 11 giờ đêm chị mới về đến nhà. Cuối tuần, quán ăn bận rộn hơn và chị chỉ có ngày thứ 2 để ở nhà. Tuy ở nhà, nhưng 2 con của chị lại mừng rỡ và tỏ ra cần mẹ hơn bất kỳ lúc nào. Cuộc sống bận rộn khiến người làm mẹ như chị cảm thấy có lỗi với 2 con.

Không những thế, chị cảm thấy có lỗi với mẹ chồng vì đã đẩy trách nhiệm làm mẹ cho mẹ chồng. Chị Tiên cảm thấy bất lực khi nghe tin nhà ở Việt Nam đã quá cũ kĩ cần phải xây lại mà chị không thể để mẹ ruột – đầu bếp quán ăn trở về Việt Nam để củng cố nhà.

Dưới một mái nhà, chị cảm thấy có lỗi với 2 mẹ và 2 con. Nhưng trong tình huống này, chỉ chị mới có thể hóa giải được nỗi niềm sâu thẳm đó. Chị biết 2 người mẹ quan trọng nhất trong cuộc đời chị cũng đang rất tủi và buồn, chị muốn tìm cách vỗ về tinh thần cho họ.

Bức thư viết tay của chị Tiên gửi cho 2 mẹ khiến cho ai đó “sống chậm lại”. Cuộc sống bận rộn khiến cho người ta bỏ qua những điều hạnh phúc nhỏ nhoi. Chị hạnh phúc vì có mẹ chồng tốt, chị hạnh phúc vì có mẹ ruột luôn bên cạnh – Chị đã quá vồn vã sống mà quên điều này, nhưng những dòng chữ trong bức thư khiến chị “sống chậm lại” để biết ơn vì hạnh phúc mà chị đang có.

Nhờ bức thư, chị và 2 mẹ đã bớt tủi thân. Có thêm bao dung độ lượng để có thể tiếp tục cuộc sống tương lai phía trước. Chuyến du lịch hiếm hoi của 9 người trong gia đình chị là chuyến du lịch bình dị nhưng hạnh phúc nhất mà chương trình mẹ chồng nàng dâu ghi lại. Đây là hình ảnh khiến khán giả cảm thấy cảm động và khâm phục chị – người mẹ, người con có trái tim nhân hậu.

Thông điệp gửi tới cô dâu Việt

세상의 모든 자식은 어머니께 빚을 지고 산다는 말이 있습니다.
Người ta có câu nói, tất cả những người làm phận con trên thế gian này đều gây ra những “món nợ nần” cho bố mẹ họ.

그 마음의 빚은 곧 사랑이 었습니다.
Những “món nợ” đó rồi sẽ trở thành “tình yêu:

“어머니’라는 이름으로 영원히 행복하시기 바랍니다.
Cầu mong những người mang tên “mẹ” sẽ mãi mãi hạnh phúc.

Cô dâu Việt là phận con sẽ có lúc cảm thấy có lỗi với bố mẹ. Bố mẹ đau ốm, thiếu thốn nhưng kẻ làm phận con không thể lo kinh tế cho bố mẹ. Đừng buồn! Món nợ ân tình mà bố mẹ gieo cho cô dâu Việt đó là “tình yêu”.

Hãy sống tốt để họ – những người bố, người mẹ cảm thấy hạnh phúc. Hãy nghĩ tới việc an ủi họ bằng tình cảm chân thành hơn là những đồng tiền tiêu mãi cũng sẽ hết.

author-avatar

About Nguyễn Vân

Hàn Quốc sẽ thật đẹp khi biết trân trọng vùng đất này. Sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá sẽ cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).