“Mời bị cáo Kim Do Yoon đứng dậy!”

Vào tháng 12/2019, anh Kim Do Yoon (41 tuổi) đã bị Toà án phạt 5 triệu KRW trong phiên xử thứ nhất với tội danh hành nghề xăm hình bất hợp pháp, không có bằng chứng nhận chuyên viên y tế.

Tại sao nghề xăm lại là bất hợp pháp ở Hàn Quốc?

Cho đến nay đó vẫn là câu hỏi trăn trở với anh Kim và nhiều nghệ sĩ xăm hình khác.

Thị trường xăm ở Hàn Quốc đã phát triển đến mức số lượng người sử dụng ước tính lên tới 13 triệu người. Không chỉ thế, các thợ xăm Hàn Quốc cũng nhận được đánh giá rất tốt từ các tín đồ xăm hình nước ngoài. Họ dành nhiều giải trong các cuộc thi, được mời đi làm giám khảo tại nhiều cuộc thi lớn nhỏ khác nhau. Mặc dù được gọi là “nghệ sĩ” ở nước ngoài, nhưng tại quê hương Hàn Quốc thì họ lại là người vi phạm pháp luật.

Trường hợp của anh Kim Do Yoon là ví dụ điển hình. Anh đã có 15 kinh nghiệm làm nghề và trong giới xăm quốc tế, anh được đánh giá là một trong những nghệ sĩ hàng đầu với những tác phẩm xăm sống động từ ảnh của thú cưng, ảnh gia đình, cho tới nét chữ viết bằng màu sáp. Nhiều nhân vật nổi tiếng người nước ngoài, như nam tài tử Brad Pitt hay Steven Yeun cũng là khách hàng của anh.

Do bị một người thứ ba tố giác, Kim Do Yoon hiện đang bị đưa ra xét xử với cáo buộc vi phạm Luật Y tế của Hàn Quốc. Anh đang kháng cáo để không chỉ đòi quyền lợi cho mình, mà còn tạo môi trường làm việc tốt hơn cho những nghệ nhân xăm khác ở Hàn Quốc.

Kể từ năm 1992, luật pháp Hàn Quốc quy định chỉ có chuyên gia y tế mới được hành nghề xăm, những ai không có chứng chỉ y tế đều được quy là làm việc bất hợp pháp.

Trong khi đó ở nước ngoài, chỉ nhận được giấy phép hành nghề xăm từ chính phủ hoặc chính quyền địa phương thì nghệ sĩ xăm có thể làm việc tự do với điều kiện tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe và vệ sinh.

Ngay cả Tòa án Tối cao Nhật Bản, vốn có quan điểm bảo thủ về hình xăm, đã đưa ra phán quyết vào mùa thu năm 2020 rằng “xăm hình không phải là hành vi phạm pháp”. Trên thực tế, hiện nay chỉ có Hàn Quốc là đất nước áp đặt luật lệ khó hiểu này.

Phong cách xăm hình Hàn Quốc

Những người yêu thích xăm hình ở nước ngoài bắt đầu chú ý đến nghệ thuật xăm Hàn Quốc từ cuối năm 2010 nhờ các tác phẩm được chia sẻ trên Instagram. Kể từ đó, các khách hàng ở châu Á như Hồng Kông và Singapore, hay các cửa hàng xăm phương Tây bắt đầu nhắn tin gửi đơn đặt hàng, có người sang tận Hàn Quốc để xăm hình.

Từ năm 2017, nghệ nhân xăm hình Kim Do Yoon đề nghị đổi tên gọi “Korean style” thành “Fineline Tattoo”, đây là phong cách xăm hình hiện đại dựa trên các đường nét mỏng, thanh mảnh, các chi tiết tạo họa tiết tự nhiên và mềm mại. Các hình xăm “Fineline” tạo ấn tượng cho người xem nhờ sự cẩn thận, sự chăm chút từng đường nét mỏng tanh nhưng vô cùng sắc sảo.

Ngày nay, bạn có thể tìm thấy các cửa hàng xăm theo phong cách “Fineline” ở bất cứ đâu tại các thành phố yêu nghệ thuật như New York, Paris hay Hong Kong.

Seong So Min (29 tuổi) cũng là một trong những nghệ nhân theo đuổi trường phái “Fineline”, Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cô có 70% khách hàng ở nước ngoài, liên tục được các tiệm xăm ở Mỹ, Anh, Thụy Điển, Đức mời sang làm việc. Tại Mỹ, cô được trả từ 1.000 đến 1.500 USD mỗi giờ làm việc.

Những hình xăm của nghệ nhân Seong So Min mang vẻ đẹp quyến rũ thấm vào da thịt, đem lại cảm giác cổ điển và nguyên bản như nhìn những bông hoa ép trong một cuốn sách cũ.

Trước khi bắt đầu công việc, Seong So Min luôn xem xét màu da, đường cong cơ thể, kết cấu da của mỗi khách hàng để tìm phương pháp khiến hình xăm “thấm vào cơ thể”, thành một tác phẩm nghệ thuật có sự tham gia của chủ nhân tấm hình.

Nỗi bất an và trăn trở của các nghệ sĩ xăm hình

Bàn tay cầu nguyện, bông hoa hồng nhỏ xíu, lời yêu thương gửi đến cho người thân trong gia đình… Có nhiều người khi nhắc đến hình xăm vẫn liên tưởng tới “xã hội đen”, nhưng chỉ cần gõ chữ 타투 (Tattoo) trên mạng xã hội là có thể thấy ngay, hình xăm từ lâu đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật trên cơ thể đối với những ai muốn lưu giữ lại những kỷ niệm quý giá.

Khách hàng tìm đến với nghệ sĩ xăm khi mới chia tay người yêu, kỷ niệm ngày đứa con đầu lòng chào đời hoặc khi muốn tự khích lệ mình trước một bước ngoặt mới của cuộc đời. Mỗi một câu chuyện của khách hàng đôi khi cũng là một nguồn cảm hứng khác kích thích những người thợ xăm.

Nếu như trước kia, nghệ sĩ xăm mình khi xuất hiện trên truyền hình thì sẽ bị xử lý làm mờ vết xăm, nhưng ngày nay đã có nhiều kênh truyền hình cởi mở với việc này hơn.

Cách đây không lâu, trong một số chương trình truyền hình thực tế như “Hangout with Yoo” (놀면 뭐하니?), “I Live Alone” (나 혼자 산다), hình xăm của Lee Hyori và Son Dam Bi cũng được để nguyên. Đây chắc chắn là một sự thay đổi đáng hoan nghênh nhưng vẫn chưa có quy tắc và tiêu chuẩn rõ ràng.

Bởi vậy, các nghệ sĩ muốn đấu tranh để được làm việc một cách hợp pháp và thay đổi nhận thức của công chúng Hàn Quốc về bộ môn nghệ thuật xăm hình.

Trong suốt 30 năm qua, các nghệ sĩ xăm hình ở Hàn Quốc như anh Kim Do Yoon đã phải hoạt động lén lút. Kim Do Yoon chia sẻ nếu như ở nước ngoài anh được đối xử như một nghệ nhân, thì ngay khi vừa về tới sân bay Incheon, anh sẽ rơi vào tâm trạng lo sợ rằng những vật dụng xăm trong túi xách của mình có thể bị phát hiện.

Thông thường các phòng xăm đang hoạt động không khai báo nên khi có ai đó tố giác thì chắc chắn nghệ sĩ đó sẽ phải đóng tiền phạt. Mặc dù có những nghệ sĩ điều hành phòng xăm theo tiêu chuẩn khắt khe nhất của quốc tế, có nhân viên chuyên quản lý vấn đề vệ sinh, nhưng nếu bị cảnh sát kiểm tra bất chợt thì vẫn sẽ phải chịu phạt, thậm chí bị đình chỉ kinh doanh vĩnh viễn.

Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của các nghệ sĩ xăm hình không phải là tiền phạt mà là một môi trường làm việc công khai, minh bạch trên chính quê hương mình. Năm 2020, Kim Do Yoon và các nghệ sĩ Hàn Quốc đã thành lập liên minh các nghệ sĩ xăm hình Tattoo Union và gửi đơn kiến nghị yêu cầu hợp pháp hoá nghề xăm hình lên Quốc hội.

Trong thời gian qua, các dự luật về hình xăm được đưa ra trong Quốc hội khóa 17 và 20 đã bị loại bỏ do sự phản đối của các nhóm y tế, và Tòa án Hiến pháp đã 7 bác bỏ kiến nghị này vì cho rằng xăm hình là “hành nghề y tế”.

Ông Hwang Ji Hwan, một bác sĩ chuyên khoa da liễu thuộc Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc giải thích xăm là kỹ thuật đưa hóa chất vào dưới da, tồn tại trong hàng chục năm. Do vậy, không thể coi xăm đơn giản như thời trang được.

Chính giới Hàn Quốc hiện cũng đang tích cực thảo luận liên quan như đề xuất dự luật nhằm hợp pháp hóa dịch vụ xăm. Trong thời gian qua, có nhiều dự luật tương tự đã được đề xuất nhưng đều không vượt qua được cửa ải Quốc hội do vấp phải sự phản đối của giới y tế.

Mới đây, vào tháng 6/2021, nghị sĩ trẻ nhất trong quốc hội Hàn Quốc – cô Ryu Ho Jeong (류호정), sinh năm 1992 đã mở cuộc họp báo và khoe những hình xăm trên lưng trước cửa toà nhà quốc hội để thúc đẩy ngành công nghiệp tattoo và bảo vệ quyền lao động của nghệ sĩ xăm hình ở Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).