Hàn Quốc là một quốc gia mang hệ tư tưởng Á Đông đậm chất truyền thống. Do đó, người Hàn thường nhìn nhận những cá nhân có hình xăm là thành phần chống đối xã hội, băng đảng đen hay tội phạm vị thành niên.

Tuy nhiên, pháp luật Hàn Quốc chỉ cấm các cá nhân trong quân đội sở hữu hình xăm, và cho phép các bác sĩ chuyên nghiệp mở tiệm xăm, nên việc xăm mình không phải bất hợp pháp.

Với sự khác biệt này, thế hệ trẻ mong muốn tự do thể hiện bản thân theo cách sáng tạo về thời trang và nghệ thuật. Từ đó, nghệ thuật xăm mình ở Hàn Quốc là kết quả hợp nhất giữa một phong trào thay đổi xã hội theo hướng toàn cầu hóa và nguồn gốc văn hóa cổ truyền.

Lịch sử tattoo ở Hàn Quốc

Hình xăm (tattoo) được tạo ra bằng cách dùng kim xuyên qua da và bơm mực vào vị trí di chuyển của kim để tạo nên những ký hiệu, chữ viết hay hình vẽ, tùy theo sở thích của người xăm. Như vậy, hình xăm đơn giản là một vết thương ngoài da, sau khi lành sẽ để lại dấu ấn vĩnh viễn, do mực được tiêm vào lớp hạ bì không bị bong ra.

Từ “tattoo” xuất phát từ chữ “viết” trong tiếng Polynesia và cũng có nghĩa là gõ nhịp hoặc đánh trống, trùng hợp với chuyển động lên xuống của kim trong quá trình tạo hình xăm. Từ này ra đời vào thế kỷ 18, nhưng hoạt động xăm mình được cho là bắt nguồn từ việc phân tích xác ướp vào thời cổ đại.

Suốt chiều dài lịch sử, hình xăm thể hiện khía cạnh văn hóa đa dạng ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, đa phần hình xăm thường mang ý nghĩa cụ thể như: dấu ấn về địa vị và cấp bậc, biểu tượng tôn sùng tôn giáo, ký hiệu cho lòng dũng cảm, cam kết trong tình yêu, sự trừng phạt, bùa hộ mệnh, cũng như dấu hiệu của những người bị ruồng bỏ, nô lệ và bị kết án…

Biểu tượng hình xăm trên mặt ở Polynesia, được xem là “ông tổ” của nghệ thuật xăm mình (tattoo).

Văn hóa tattoo ở Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Vào thời cổ đại, ngư dân Hàn Quốc đã biết sử dụng hình xăm như một lá bùa may mắn khi đi biển. Họ tin rằng những hình xăm này sẽ bảo vệ họ khỏi những linh hồn xấu xa ẩn nấp trong vực sâu hiểm nguy.

Theo thời gian, hình xăm đã có nhiều thay đổi về ý nghĩa. Nó được sử dụng để xác định tội phạm bằng cách xăm tội danh lên cơ thể của người phạm tội như một hình phạt, đồng thời đánh dấu thân phận nô lệ vĩnh viễn để họ không thể chạy trốn.

Hình thức trừng phạt này được áp dụng ở Hàn Quốc trong triều đại Goryeo (고려) (khoảng năm 900 sau Công nguyên) và triều đại Joseon (조선왕조) (đến cuối thế kỷ 19).

Ảnh minh họa tù nhân bị xăm lên mặt như một hình phạt.

Vào đầu thế kỷ 20, hình xăm tượng trưng cho sự kỳ thị đối với tội nhân vẫn còn giữ nguyên nhưng không còn là một hình phạt như trước. Điều này được củng cố về mặt văn hóa từ các nước láng giềng, chẳng hạn như Nhật Bản trong thời kỳ chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc.

Sau cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và vào thập niên 1970, mối quan tâm với hình xăm gia tăng vì những lo ngại về sức khỏe và chi phí viện trợ. Vậy nên, luật sức khỏe ở Hàn Quốc chỉ cho phép những bác sĩ y khoa được cấp phép mới có thể tiến hành các hoạt động xăm hình. Hiện nay, luật này vẫn còn hiệu lực và các phong trào thanh thiếu niên ở Seoul ngày càng tạo nên những thay đổi lớn trong tư tưởng hiện đại.

Mặc dù, các nghệ sĩ xăm hình không có giấy phép y tế vẫn là bất hợp pháp, nhưng việc thực thi pháp luật ngày càng trở nên ít nghiêm ngặt hơn, cũng như xuất hiện ý tưởng xóa bỏ luật hạn chế xăm hình ở Hàn Quốc.

Quá trình hiện đại hóa tác động như thế nào đến văn hóa tattoo ở Hàn Quốc?

Trong suốt thế kỷ 20, Hàn Quốc là một quốc gia luôn đồng nhất trong tín ngưỡng văn hóa với ảnh hưởng mạnh mẽ từ tư tưởng Nho giáo. Kể từ khi lập quốc đến thế kỷ 19, Hàn Quốc đã thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa trước các mối quan hệ đối ngoại và chống lại ảnh hưởng từ Trung Quốc. Điều này kéo dài cho đến khi Điều ước Ganghwa với Nhật Bản được ký kết, chấm dứt sự cô lập với thế giới bên ngoài vào năm 1876.

“Không một quốc gia hiện đại nào từng phát triển từ một xã hội cô lập và toàn trị hơn Bắc Hàn. Không có xã hội nào chuyển hóa từ nghèo đói cùng cực sang thịnh vượng và từ độc tài sang dân chủ nhanh hơn Hàn Quốc”.

Năm 1910, đánh dấu sự khởi đầu của chế độ thực dân Nhật Bản đối với bán đảo Hàn Quốc với các quy tắc độc tài kéo dài 35 năm và chỉ kết thúc khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ 2.

Mặc dù, chế độ này ảnh hưởng đến nền kinh tế và gây nỗi oán thù sâu sắc giữa hai dân tộc, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa Hàn Quốc.

Sau Thế chiến thứ 2, đất nước bị chia cắt bởi những căng thẳng hình thành của Chiến tranh Lạnh. Lúc bấy giờ, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân chỉ 64USD/người.

Vậy điều gì dẫn đến sự trỗi dậy và thành công toàn cầu của nền kinh tế khổng lồ ở Hàn Quốc?

Thứ nhất, nhờ mối quan hệ và ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ trong những năm đầu phát triển thông qua viện trợ và các cơ hội từ nước này mang lại. Đồng thời, mở ra cánh cửa cho một triển vọng toàn cầu hóa và trao đổi văn hóa.

Bên cạnh đó, các giá trị truyền thống của người Hàn Quốc cũng góp phần tạo nên kỳ tích về kinh tế. Với ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo, các giá trị như kỷ luật, chăm chỉ, tôn trọng, nền tảng gia đình và giáo dục cũng thúc đẩy tiến bộ về kinh tế của Hàn Quốc.

Như vậy, sự pha trộn độc đáo giữa hiện đại hóa và truyền thống đã đưa Hàn Quốc đến sự thịnh vượng mạnh mẽ. Đặc biệt, yếu tố đối lập này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của văn hóa tattoo ở Hàn Quốc.

Thế giới tattoo ngầm ở Seoul

Do các tiêu chuẩn văn hóa và lập trường chính trị, khung cảnh xăm mình diễn ra dưới lòng đất ở Seoul được xem là nét độc đáo và táo bạo hiện nay. Theo luật Hàn Quốc, xăm mình là một thủ tục y tế và cần có chứng nhận y tế, nghĩa là chỉ có bác sĩ y khoa mới được hợp pháp hóa để tiến hành xăm hình.

Từ đó, một vấn đề được đặt ra là, các nghệ sĩ xăm hình kiếm được ít tiền hơn so với các bác sĩ có trình độ tương tự. Mặc dù, những bác sĩ đủ điều kiện hợp pháp để hành nghề bên ngoài bệnh viện, nhưng họ có thể không sở hữu kỹ năng và sự tự tin để tạo ra tác phẩm nghệ thuật lý tưởng như những nghệ sĩ thực thụ.

Mặt khác, những bác sĩ có niềm đam mê với hình xăm cũng không thể bám trụ lâu dài với thu nhập ít hơn nhiều, so với những gì họ được đào tạo và mong muốn trở thành sau khi tốt nghiệp.

Không chỉ vậy, hình xăm vẫn còn gây tranh cãi trong xã hội Hàn Quốc, cũng khiến những bác sĩ chuyên nghiệp không được công chúng tôn trọng nếu hoạt động trong lĩnh vực xăm trổ này.

Ở Hàn Quốc, rất hiếm khi tìm thấy một xưởng xăm hợp pháp được điều hành bởi một bác sĩ y khoa. Đây là lý do tại sao nhiều nghệ sĩ xăm hình có cảm hứng hoạt động “ngầm” dưới các tầng hầm để lách luật. Sở dĩ, họ chọn hoạt động ẩn dưới lòng đất bởi không muốn bị tẩy chay khỏi cộng đồng nếu bị phát hiện và xử phạt vì hành vi xăm hình bất hợp pháp.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều cá nhân bước ra ngoài chuẩn mực xã hội và chấp nhận rủi ro để theo đuổi đam mê nghề nghiệp. Xu hướng này phổ biến ở các khu vực giao thoa văn hóa ở Seoul như Hongdae, Itaewon, Gangnam… Các studio được tìm thấy trong các tầng hầm và vị trí của chúng được lan truyền qua MXH và truyền miệng.

Ước tính có hơn 20.000 nghệ sĩ xăm hình làm việc trong các xưởng xăm bất hợp pháp ở Seoul. Tuy nhiên, họ sẽ phải đối mặt với các cuộc đột kích và đàn áp thường xuyên. Nếu bị bắt, các nghệ sĩ và chủ xưởng sẽ chịu mức phạt khoảng 3.6 triệu KRW (khoảng 3.000USD) và có thể phải ngồi tù vì vi phạm các quy tắc y tế công cộng.

Lối vào tầng hầm của một xưởng xăm bất hợp pháp ở khu phố Hongdae (bên trái).

Trải nghiệm xăm hình dưới lòng đất ở Hàn Quốc khá thú vị qua lời kể của một khách hàng thân thiết như sau:

Quá trình sở hữu một hình xăm bắt đầu từ Instagram và blog với hashtag #seoultemme. Sau đó, tìm kiếm các quảng cáo về nghệ sĩ xăm mình yêu thích dựa trên những đánh giá tốt từ khách hàng trước đó.

Khi đã thu thập đầy đủ thông tin, việc tiếp theo là kết nối thông qua Facebook để nhận được một tài khoản Kakao, và nhắn tin đến nghệ sĩ cho một cuộc hẹn. Mọi việc diễn ra tương tự như khách tìm đến thuê trọ, chủ yếu liên lạc qua điện thoại để biết được địa chỉ chính xác.

Mâu thuẫn dai dẳng giữa các thế hệ

Hệ thống tư tưởng Nho giáo thể hiện sự hòa hợp và thịnh vượng của các giá trị khác nhau như kỷ luật, chăm chỉ, tôn trọng, phân cấp, gia đình và giáo dục. Cách sống này coi gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội. Đây từng là di sản truyền thống của Hàn Quốc trong nhiều thế kỷ, khi bị cô lập mà không muốn mở cửa ra ngoài lãnh thổ.

Trái ngược với sự cô lập trong quá khứ, Hàn Quốc đã phát triển thành một trung tâm thương mại và lãnh đạo nền kinh tế tự do toàn cầu trong nhiều ngành công nghiệp như tập đoàn Samsung, Hyundai…

Tuy nhiên, do sự chuyển đổi nhanh chóng này, một cuộc xung đột thế hệ giữa các giá trị truyền thống của Nho giáo và ảnh hưởng của phương Tây đối với toàn cầu hóa đã xảy ra. Điều này gây căng thẳng trong tư tưởng của những thế hệ người già và thanh thiếu niên ở Hàn Quốc. Trong đó, xăm mình cũng bị coi là một hình thức nổi loạn và kháng cự với các giá trị đạo đức quy củ.

Thậm chí, trong quá khứ, những ai có hình xăm trên người đều không được xã hội Hàn Quốc chấp nhận.

Dù rất nhiều điều đã thay đổi trong văn hóa tattoo vào những năm gần đây, nhưng các thế hệ cũ vẫn không tán thành xu hướng đang phát triển này.

Có thể thấy, giới trẻ Hàn Quốc cởi mở hơn trong việc chấp nhận ảnh hưởng của các nền văn hóa phương Tây, không giống như thế hệ lớn tuổi đã sống trong điều kiện áp bức và nghèo nàn, dưới chế độ quân sự độc tài trước đó. Điều này tạo nên những mâu thuẫn trong lối tư duy vẫn còn tồn tại ít nhiều ngày nay.

Chẳng hạn như, trong tiếng Hàn còn có một từ bản địa cho hình xăm phát âm là “munshin” (문신), theo đó, các munshin được xem là một hình thức trừng phạt tội phạm trong triều đại Joseon, mang ý nghĩa tiêu cực. Vào thế kỷ 18 và 19, một băng đảng có tổ chức ở Nhật Bản tên là Yakuza cũng liên quan đến việc sử dụng munshin làm tiêu chuẩn tuyển chọn thành viên.

Xu hướng xã hội hiện nay ở Hàn Quốc

Văn hóa Hàn Quốc duy trì tính tập thể trong xã hội, bất chấp những thay đổi mạnh mẽ từ hiện đại hóa. Theo thang đo Chủ nghĩa cá nhân – tập thể, chủ nghĩa cá nhân được mô tả là tập trung vào khái niệm bản thân và ưu tiên nhu cầu phát triển cá nhân. Trái lại, chủ nghĩa tập thể tập trung nhiều hơn vào việc nhóm và sự đồng nhất các chuẩn mực, nghĩa vụ xã hội.

Một ví dụ điển hình trong xu hướng hội nhập chủ nghĩa cá nhân ở Hàn Quốc là phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này được chấp nhận rộng rãi trong xã hội, đến mức các bậc cha mẹ còn khuyến khích và trả tiền cho những đứa trẻ làm việc này.

Câu hỏi được đặt ra là: tại sao Hàn Quốc có vẻ bảo thủ và dựa trên đạo đức lại dễ dàng chấp nhận việc thay đổi ngoại hình bằng dao kéo, mà không phải bằng hình xăm?

Điều này do tiêu chuẩn văn hóa được đánh giá cao ở Hàn Quốc chính là vẻ đẹp. Từ đó, phẫu thuật thẩm mỹ là một xu hướng phổ biến, không phải để trông độc đáo, cá tính hơn như sở hữu một vài hình xăm, mà để phù hợp với tiêu chuẩn sắc đẹp chung.

Tuy nhiên, hình xăm đang có bước tiến mới trong xu hướng của giới trẻ Hàn Quốc hiện nay.

Dẫn đầu là những ngôi sao K-Pop đã lăng xê trào lưu xăm hình ấn tượng, mang một diện mạo mới hiện đại và sắc sảo hơn. Phổ biến cho thế hệ thần tượng mới là phong cách táo bạo và độc đáo, có thể khác với chuẩn mực xã hội.

Họ thường mặc trang phục lòe loẹt, có mái tóc nhuộm và tạo kiểu, cũng như khoe những hình xăm nổi loạn. Nhờ đó, nhiều thần tượng đang làm giảm ý nghĩa tiêu cực của hình xăm trong thế hệ thanh niên hiện nay. Dần dần, người hâm mộ cũng muốn có phong cách “chất” như thần tượng của mình.

Nghệ sĩ xăm hình Hàn Quốc Nando trong studio của mình gần ga Hannam ở Seoul.

Tuy nhiên, một số khác vẫn còn trăn trở về xu hướng xăm hình hiện nay. Liệu đây là một bước tiến sáng tạo hơn, hay chỉ đơn thuần chạy theo trào lưu mới được dẫn dắt bởi các idol?

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).