Khó để tự nhận mình là người theo chủ nghĩa nữ quyền nếu ở Hàn Quốc. Tại đất nước này, vẫn có những khuôn mẫu và sự kỳ thị nhất định khiến phụ nữ ngại ngần mang mác “nữ quyền”.

Sira Park, 29 tuổi, là chủ một quán cà phê tại Seoul. Cô rất quan tâm tới quyền phụ nữ nhưng không tự nhận mình là người theo chủ nghĩa nữ quyền, đặc biệt là ở Hàn Quốc. Thay vào đó, cô gọi mình là một người ủng hộ bình đẳng giới.

Sira không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Ở Hàn Quốc, những người phụ nữ thành công, độc lập và ủng hộ quyền của phụ nữ, sẽ hiếm khi nói về nữ quyền một cách công khai. Đã có rất nhiều bài đăng trên Instagram với các hashtag như #empoweringwomen, #womenpower, #girlsrule, nhưng hiếm khi có ai dùng từ #feminism hoặc #feminist.

Ở Mỹ, thường sẽ không có ai bị phản ứng khi thêm các hashtag như #feminism hoặc #feminist ủng hộ nữ quyền.

Nhưng ở Hàn Quốc, nếu nhận mình là người ủng hộ nữ quyền, bạn có thể sẽ bị xem là người chống đối nam giới. Khái niệm về nữ quyền có thể khác nhau tùy thuộc vào nơi sống và cách tiếp nhận.

Ngày nay, nhiều phụ nữ Hàn Quốc đã đấu tranh vì nữ quyền bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên sự phẫn nộ và phản đối gay gắt từ nam giới cũng không ít, khiến phụ nữ vẫn ngại ngần khi mang mác “nữ quyền”.

Phong trào Bốn không và tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới

Ngày nay, nhiều phụ nữ Hàn Quốc sẵn sàng từ chối làm theo các quy tắc gia trưởng. Họ sẽ hướng tới việc không kết hôn, không có con, không hẹn hò, thậm chí không quan hệ tình dục.

“Đối với người phụ nữ, tôi luôn cảm thấy rằng kết hôn không mang lại nhiều lợi ích, mà là nhiều bất lợi.” – Cô Lee, chuyên gia 40 tuổi sống cùng chú chó của mình tại Seoul nói.

Cô đã nhìn thấy xung quanh mình những người phụ nữ có học thức, giỏi giang và đạt được nhiều thành tựu trong công việc, nhưng lại gặp khó khăn sau khi kết hôn và sinh con.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm không phanh xuống mức thấp nhất thế giới. Phụ nữ Hàn Quốc phải làm việc, nuôi con, chăm sóc gia đình và thậm chí nhận được ít sự giúp đỡ từ người chồng. Những người vợ thường phải dành thời gian làm việc nhà nhiều hơn bốn lần so với người chồng.

Ngày càng có nhiều phụ nữ phản đối những kỳ vọng truyền thống của xã hội do nam giới thống trị ở Hàn Quốc. Một thập kỷ trước, có đến 47% phụ nữ độc thân nghĩ rằng kết hôn là cần thiết. Tuy nhiên vào năm ngoái, con số đã giảm xuống chỉ còn 22.4%.

Ngoài phong trào Bốn không, ở Hàn Quốc còn có những phong trào nữ quyền nổi bật khác như “Escape the Corset” – phong trào chống lại các tiêu chuẩn sắc đẹp nghiêm khắc và #Metoo – phong trào tố cáo nạn quay lén và tấn công tình dục.

Yoon Ji Hye đưa ra một tấm hình cũ của mình.

Yoon Ji Hye – youtuber 24 , cảm thấy phụ nữ Hàn Quốc thường được định hướng là người “thụ động, dễ thương và vui vẻ” nhưng phải vẫn hấp dẫn và đáng chinh phục.

Yoon đã ủng hộ phong trào bằng cách cắt tóc ngắn và để mặt mộc. Yoon cũng muốn không hẹn hò cho rằng có nhiều lựa chọn và cách khác để làm hài lòng chính mình.

Nam giới Hàn Quốc bất mãn với phong trào nữ quyền

Những cuộc đấu tranh vì nữ quyền tại Hàn Quốc luôn vấp phải làn sóng phản đối từ nam thanh niên, những người cho rằng họ là nạn nhân của phong trào này.

Ở một đất nước mang nặng tính gia trưởng như Hàn Quốc, khi vấn đề về nữ quyền được nổi lên, là lúc những người đàn ông bất mãn vì cảm thấy bị bỏ lại phía sau.

“Chủ nghĩa nữ quyền không phải là đấu tranh để bình đẳng giới. Phong trào này là một sự phân biệt giới tính.” – Moon, nam thanh niên 29 tuổi nói khi biểu tình chống nữ quyền tại Seoul.

Một cuộc biểu tình chống nữ quyền tại Seoul vào tháng 11/2018.

Bộ phim “Kim Ji Young 1982 được phát hành dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên vào năm ngoái cũng đã dẫn đến những tranh cãi.

Bộ phim ủng hộ nữ quyền, nói về một người phụ nữ Hàn Quốc kết hôn, từ bỏ công việc của mình và cố gắng nuôi con với rất ít sự trợ giúp.

Những khán giả nữ đã chấm bộ phim 9.5/10 điểm, trong khi nam giới đánh giá bộ phim ở mức 1.7 điểm. Cho thấy sự phản đối gay gắt từ phía nam giới tại đất nước này. Họ cho rằng bộ phim quá phiến diện và tiêu cực, cố tình chống đối lại nam giới.

“Tôi không ủng hộ phong trào #Metoo”

Phong trào #Metoo nổi lên mạnh mẽ sau vụ giết hại dã man một phụ nữ trẻ ga điện ngầm gần Gangnam vào năm 2016. Thủ phạm đã chủ đích nhắm vào một nạn nhân là nữ.

Cái chết của nạn nhân đã làm nổi lên các hoạt động xem xét lại thái độ đối với phụ nữ ở đất nước này. Các phong trào #Metoo chống quấy rối tình dục và #mylifeisnotyourporn (cuộc đời tôi không phải phim sex của anh) chống nạn quay lén đã nổi lên và ngày càng lan rộng.

Kể từ đó, những người đàn ông trẻ tuổi – từ chính trị gia đến những thần tượng K-Pop – bị truy tố tội lạm dụng tình dục ngày một tăng.

Người biểu tình cầm biểu ngữ #Metoo tại Seoul vào ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03/2018.

Tuy nhiên, có nhiều nam thanh niên đã đứng lên phản đối kịch liệt quan điểm cho rằng phụ nữ trẻ ngày nay bị đối xử thiệt thòi trong xã hội.

Họ đồng ý rằng những người phụ nữ 40, 50 tuổi đã phải trải qua sự chịu đựng. Nhưng họ không tin rằng những người phụ nữ 20, 30 tuổi lại đang bị phân biệt đối xử ở xã hội hiện tại.

“Tôi không ủng hộ phong trào #Metoo” – anh Park, một sinh viên 20 tuổi nói. Anh từng ủng hộ nữ quyền, nhưng bây giờ anh cho rằng phong trào giành quyền lực cho phụ nữ là để hạ bệ đàn ông.

Phản đối lệnh nhập ngũ

Từ thời chiến tranh cho đến nay, đàn ông luôn bị bắt buộc nhập ngũ. Hiện tại có một bộ phận nam thanh niên không tin vào bổn phận truyền thống này nữa.

“Tại sao chỉ có một giới tính phải nhập ngũ trong độ tuổi 20 trở đi, điều đó thật không công bằng. Ở độ tuổi đó, chúng ta nên theo đuổi ước mơ của mình.” – một nam thanh niên nói.

Đa phần nam thanh niên cho rằng việc nhập ngũ là một sự lãng phí thời gian. Họ lo lắng về việc bỏ lỡ cơ hội việc làm và cho rằng thời gian trong quân ngũ cũng có thể khiến họ tụt hậu so với phụ nữ trong thị trường việc làm.

Các chính sách của chính phủ cũng khuyến khích các tập đoàn lớn và công ty tư nhân tuyển thêm phụ nữ và thay đổi văn hoá doanh nghiệp chỉ tập trung vào nam giới. Điều này dẫn đến những ý kiến cho rằng biện pháp của chính phủ đã mang lại cho phụ nữ một lợi thế không công bằng.

Nữ giới luôn bị áp lực khi ủng hộ nữ quyền

Khi Naeun – thành viên nhóm nhạc K-Pop Apink – đã đăng tải một bức ảnh của mình trên Instagram với cụm từ “Phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì”. Bức ảnh này đã gây sốt cộng đồng mạng và mang lại phản ứng dữ dội với nhiều người gán cho cô là nữ quyền.

Cuối cùng, cô đã xóa bức ảnh khỏi tài khoản của mình vì quá áp lực.

Irene của nhóm nhạc Red Velvet đã đề cập đến cuốn sách “Kim Ji Young 1982” khi trò chuyện cùng fan hâm mộ. Sau đó, người hâm mộ là nam giới đã phản ứng sự phẫn nộ một cách mạnh mẽ khi đốt ảnh của Irene và tuyên bố rời khỏi fandom.

Su Yong của SNSD cũng đã vấp phải những phản ứng tiêu cực từ khán giả khi nhắc đến cuốn sách nổi tiếng và vấn đề bất bình đẳng giới trong một show truyền hình thực tế.

Lời kết

Không thể phủ nhận nữ quyền ở Hàn Quốc đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng nếu tình trạng hiện tại vẫn tiếp diễn, điều này sẽ chỉ góp phần vào xung đột giới tính và làm tổn thương nữ quyền trong thời gian dài.

Chưa thể tìm thấy một cộng đồng nào có cả nam và nữ kết hợp với nhau để hỗ trợ các phong trào nữ quyền.

Và vẫn còn một chặng đường rất dài, trước khi chủ nghĩa nữ quyền có thể được thảo luận thoải mái ở Hàn Quốc, mà không liên quan đến xung đột giới tính, ghét bỏ phụ nữ hay chống lại đàn ông.

Tổng hợp từ ViceCNN

author-avatar

About Quý Vy

Từ niềm đam mê nghe nhạc K-Pop và du lịch Hàn Quốc, đã dẫn lối tâm hồn mình vào mê cung của văn hóa, ngôn ngữ, con người, thắng cảnh... và tất cả mọi thứ về đất nước Hàn Quốc

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).