Là đất nước nổi tiếng với sự sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp, người hâm mộ biết đến con người Hàn Quốc qua phim ảnh vô cùng xinh đẹp và văn minh.

Thế nhưng thực tế lại khác nhiều so với những gì khán giả nhìn thấy trên truyền hình. Hàn Quốc vẫn có những căn phòng ngập ngụa rác, và đó là những căn phòng vẫn đang có người ở.

Thậm chí còn có cả một trào lưu ở bẩn, giới trẻ Hàn năm 2019 đua nhau khoe chiến tích ở bẩn, những bức ảnh căn phòng trọ ngập ngụa rác thải, không có lối đi, không có chỗ nằm ngủ ám ảnh dân mạng suốt một thời gian dài.

Trên mạng xã hội Hàn Quốc đăng tải rất nhiều những hình ảnh bên trong ký túc xá hoặc phòng trọ của sinh viên. Khác với sự tươm tất, gọn gàng trên phim, những căn phòng này gây thất vọng toàn tập về cuộc sống Hàn Quốc trong mơ. Quần áo để chung với đồ ăn, bát đũa cả tháng không dọn rửa, là môi trường lý tưởng cho côn trùng, chuột bọ…

Đáng nói, chủ nhân của những căn phòng này lại đa số là nữ, đồ trang điểm, quần áo, phụ kiện đều là hàng hiệu vô cùng sang chảnh, lên đồ đi chơi đẹp lồng lộn thơm tho sạch sẽ, nhưng chỗ ở thì không khác gì bãi rác thành phố.

Nhìn những hình ảnh này, nhiều người cho rằng bạn trẻ cần xem lại cách sống thay vì quá quan trọng hoá vẻ bề ngoài.

Những căn nhà rác (쓰레기집) siêu bẩn giữa Seoul hiện đại

Nhà rác (쓰레기집) là tên gọi theo đúng nghĩa đen – một căn nhà chứa rác. Giữa thủ đô Seoul hiện đại tồn tại không ít những căn nhà kiểu này. Đa số là khách thuê trọ, hình ảnh những căn nhà rác mỗi khi được đăng tải trên mạng xã hội đều gây sốc cho người xem, không thể hiểu nổi vì sao một nơi dành cho người ở lại có thể bẩn và bừa bộn đến mức đó.

Người ta ở bẩn với nhiều lý do. Thứ nhất, đơn giản là vì “thích”. Những đứa trẻ từ nhỏ đã sống trong sự bao bọc của gia đình, không có thói quen dọn dẹp, khi rời bố mẹ đi học thì mặc sức bừa bộn.

Khi ở nhà có bố mẹ chăm lo cho từng bữa ăn giấc ngủ, đến khi ở riêng không có ai đi theo vun vén, hơn nữa thấy ở bẩn một chút, bừa bộn một chút cũng chẳng sao, không chết được, nên cứ tuỳ ý sống, tuỳ ý ở bẩn. Cuối cùng, nhà thành bãi rác.

Cũng có những người mang bệnh tâm lý, trầm cảm. Vì một cú sốc tinh thần nào đó như: gia đình đổ vỡ, chia tay người yêu, mất người thân… họ có thể chọn cách tự cách ly mình khỏi xã hội, sống buông thả chính bản thân. Ăn ở bừa bãi và không có khái niệm dọn dẹp vì họ nghĩ sống sao cũng được.

Cũng có cả những người vì thời gian học tập, làm việc quá bận bịu không thể dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, dù diện tích phòng rất nhỏ. Biết là mình đang ở bẩn, nhưng vẫn không quan tâm thay đổi cách sinh hoạt.

Thứ ba phải kể đến những người có bệnh tích luỹ (저장강박증). Khác với đối tượng ở bẩn vì đam mê, họ đa phần là người trẻ từ 20 – 40 tuổi, người có bệnh tích luỹ lại đa phần là người già.

Vì tuổi trẻ sống trong cảnh nghèo khó, nhiều người già có thói quen thu thập những vỏ chai, lọ, hộp hoặc các thứ đồ còn nguyên vẹn mà họ nghĩ rằng vẫn còn dùng được, để tái sử dụng khi cần. Nhưng thực tế đó là rác, rác thu về cứ nhiều lên nhưng dịp để sử dụng chúng thì mãi chẳng có. Thế nên ngôi nhà trở thành bãi rác lúc nào không hay.

Bên cạnh đó, những người già thường không vứt đồ cũ đi, kể cả những món đồ đã hỏng không còn dùng được nữa, thì họ vẫn sẽ giữ lại để làm kỷ niệm, hoặc chờ dịp sửa chữa rồi dùng tiếp.

Nhiều người già quan niệm, nhà đầy đủ và nhiều đồ đạc sẽ có cảm giác sung túc và giàu có. Không chỉ người già ở Hàn Quốc, ngay cả ở Việt Nam cũng có rất nhiều cụ già có thói quen tích luỹ này.

Dịch vụ dọn nhà hàng triệu KRW sẵn sàng phục vụ các “thánh lười”

Chính vì những “nhà rác” ngày càng nhiều, ở Hàn Quốc nở rộ dịch vụ dọn nhà rác (쓰레기집 청소) dành cho người lười. Đó là những công ty vệ sinh với đội ngũ nhân viên hùng hậu ở mọi lứa tuổi. Tư vấn hấp dẫn, dọn nhà nhanh gọn, phục hồi nguyên hiện trạng, và tất nhiên giá thành cũng không hề rẻ.

Theo một công ty chuyên dọn những căn nhà rác ở Seoul, nhu cầu dọn dẹp nhà bừa bộn tăng nhanh trong những năm gần đây. Có cầu ắt có cung, ngày càng có nhiều người tìm đến dịch vụ dọn nhà, bất chấp việc phải bỏ ra không dưới 1 triệu KRW (khoảng 20 triệu VND) cho một lần dọn dẹp.

Tuỳ vào diện tích và tình trạng bừa bộn, sẽ có từng nhóm 5-7 người dọn dẹp. Quy trình dọn dẹp và phục hồi nguyên trạng khép kín trong vòng 1 ngày. Sự thay đổi trước và sau khi “lột xác” cho căn nhà được các công ty dọn dẹp ghi lại và phát hành trên Youtube nhận được hàng trăm nghìn lượt xem.

Sau khi nhận được yêu cầu từ khách hàng, bộ phận tư vấn sẽ hỏi lại khách những đồ vật muốn giữ lại, những món đồ quan trọng không được vứt bỏ. Sau đó sẽ tiến hành lau dọn. Rác được phân loại theo các loại tái chế và hữu cơ. Việc lau chùi nhà bếp và phòng vệ sinh thường được thực hiện cuối cùng, đây cũng là nơi “ác mộng” nhất, mất nhiều thời gian dọn dẹp nhất trong mỗi căn “nhà rác”.

Thức ăn, dầu mỡ trong nhà bếp, chất thải trong nhà vệ sinh bám lâu ngày không phải chỉ lau dọn trong 1-2 giờ là xong, công việc yêu cầu sử dụng chất khử trùng và nhiều hoá chất độc hại khác mới có thể tẩy rửa sạch sẽ, xem video đến công đoạn dọn dẹp khu vực này, nhiều người đã không thể chịu nổi mà tắt ngay lập tức.

Đối với nhân viên thực hiện nhiệm vụ này, mỗi căn nhà rác giống như một cuộc phiêu lưu. Trước khi mở cửa bước vào, không ai có thể tưởng tượng độ khủng khiếp bên trong. Có rất nhiều ca “khó đỡ” cũng như tai nạn nghề nghiệp khiến chính người xem cũng phải hoảng hồn. Những nhân viên dọn vệ sinh cho “nhà rác” thật sự là những siêu anh hùng và có tinh thần thép.

Nhờ những dịch vụ dọn dẹp nhanh chóng gọn lẹ này, những người quá bận rộn không có thời gian vun vén nơi ăn chốn ở như được cứu rỗi. Chỉ cần một cuộc gọi và chuẩn bị “ngân khố”, mọi vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng.

Cô gái trẻ bật khóc xin lỗi các nhân viên dọn dẹp khi công khai căn nhà rác 1 năm không dọn của mình

Kết

Một vị tướng hải quân người Mỹ đã từng phát biểu: “Nếu bạn không thể làm đúng từ những điều nhỏ bé, bạn sẽ không bao giờ làm được những điều to lớn. Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng việc gấp chăn trên giường của bạn!” (세상을 바꾸고 싶다면, 이불 정리부터 시작해).

Dọn dẹp nhà cửa không phải chỉ đơn giản là thể hiện tính cách, thói quen của một người. Nó còn thể hiện tư duy và chính con người của chủ sở hữu.

Nếu không muốn trở thành phế nhân thì hãy bắt tay vào dọn dẹp chính nơi ở của mình, điều đó không chỉ cải thiện cuộc sống của chính mình mà còn rèn luyện đức tính kiên nhẫn, tư duy sắp xếp, đồng thời tự hình thành ý thức không bày bừa, từ đó chất lượng cuộc sống tự khắc được nâng lên.

Đoạn video được giới trẻ Hàn Quốc truyền tay nhau nhiều năm trước

XEM THÊM: Seoul thay đổi quy định phân loại rác mới, áp dụng toàn quốc từ tháng 1/2021, đừng để bị phạt tới 6 triệu VND

author-avatar

About 수하

“Chúng ta không cần phải học giỏi Văn để có thể viết truyện, chúng ta chỉ cần sống ý nghĩa cuộc đời của mình. Và Hạnh Phúc chính là một hành trình!”

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).