Ra đời trong bối cảnh sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc ngày càng lớn và nạn lạm dụng quyền lực cũng ngày một nhiều hơn, tác phẩm điện ảnh “Điều Kỳ diệu Ở Phòng Giam Số 7” (7 번방 의 선물) đã tạo nên cơn sốt lớn ở Hàn Quốc khi công chiếu vào đầu năm 2013.

Số lượt người đến rạp xem phim vượt quá 12.3 triệu người (chiếm 1/5 dân số Hàn Quốc). Tác phẩm được xếp vào hàng những phim dẫn đầu Hàn Quốc về lượt người xem và doanh thu phòng vé.

Bộ phim được vinh danh ở hạng mục “Bộ phim được yêu thích nhất” tại giải thưởng Điện ảnh Rồng Xanh lần thứ 34. Đoàn làm phim và các diễn viên cũng mang về nhiều giải thưởng danh giá, đặc biệt đạo diễn Lee Hwan Kyung đạt đỉnh cao sự nghiệp sau thành công của tác phẩm này.

“Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7” như một quả bóng bay chứa nhiều ước mơ về cuộc sống đơn giản, bình yên. Không chỉ đối với hai cha con người cha bị thiểu năng, mà với cả những tù nhân từng một thời lầm lỡ; với cả người trưởng trại tù luôn chất chứa trong lòng nỗi đau và sự căm hận.

Trên tất cả, bộ phim tôn vinh tình cảm gia đình thiêng liêng, tình bạn giữa những người cùng cảnh ngộ và khát vọng sống, khát vọng tự do, công lý của con người.

Poster của phim điện ảnh Điều Kỳ diệu ở Phòng giam số 7

Cốt truyện dựa vào một sự kiện có thật của Hàn Quốc năm 1972 – Ông Jeong Kwon Seob đã bị bắt giam trong tù tội suốt 15 năm vì cáo buộc sai trái của cảnh sát. Khi sự thật được phơi bày, ông không những không nhận được lời xin lỗi thích đáng từ phía cảnh sát mà còn không được bồi thường về mặt vật chất cho sự hy sinh của mình vào thời điểm đó. Sự kiện này đã gây phẫn nộ và nhận rất nhiều chỉ trích từ công chúng Hàn Quốc.

Chính vì vậy, bộ phim “Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7” đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả ngay khi vừa công chiếu. Xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo, nội dung hấp dẫn cùng với sự phân tích diễn biến tâm lí sâu sắc, lối kể chuyện logic.

Tác phẩm điện ảnh rất thành công khi truyền tải thông điệp “tình phụ tử thiêng liêng”“tính công lý” đến với độc giả Hàn Quốc. Những ai từng xem bộ phim này đều thốt lên rằng không thể nào cầm được nước mắt khi xem phim.

Truyện cổ tích buồn lấy nước mắt khán giả

Yong Goo là một người cha bị thiểu năng về trí tuệ độ 2, nhưng luôn hết lòng yêu thương con gái của mình. Ye Seung khi ấy 8 tuổi, là một đứa trẻ ngoan, và sẽ luôn như vậy trong mắt người cha tội nghiệp này. Một vụ cháy nhà đã cướp đi từ Yong Goo và Ye Seung một người vợ, người mẹ, gia đình nhỏ chỉ còn hai người nương tựa nhau mà sống.

Một cảnh trong phim Điều Kỳ diệu ở Phòng giam số 7

Cha vì con mà ngây dại, con vì cha mà trưởng thành. Họ yêu thương, chăm sóc nhau từng giây từng phút, mặc cho những ánh mắt kỳ thị của những người xung quanh, như thể người kia là cả thế giới của mình. Nhưng cuộc đời bất công đã cướp đi cả thế giới ấy của Ye Seung.

Yong Goo vì muốn mua bằng được chiếc cặp Thủy Thủ Mặt Trăng mà con yêu thích, đã bị vướng vào một vụ giết người và bị kết tội tử hình oan trái. Nạn nhân lại là con gái của Cục trưởng Cục cảnh sát.

Dù bị đổ oan, bỏ tù, nhục mạ, hành hạ thế nào, tâm trí và cả trái tim của người cha chỉ luôn hướng về Ye Seung bé bỏng. Và Ye Seung, dù chỉ là đứa trẻ ngây ngô, vẫn biết suy nghĩ cho cha và luôn hành xử trưởng thành để cha không phải bận tâm về mình.

Một cảnh trong phim Điều Kỳ diệu ở Phòng giam số 7: Yong Goo viết tên con trên cát.

Trong tù, Yong Goo không giây phút nào không nhớ con gái Ye Seung

Sự xuất hiện của Ye Seung trong phòng giam số 7 đưa tác phẩm điện ảnh trở thành bộ phim cổ tích buồn, vì thực tế, không cách nào có thể đưa trẻ em vào phòng giam tội phạm nguy hiểm. Sự hiện diện của Ye Sung chính là món quà đánh thức phần “thiện” đẹp đẽ bên trong những tù nhân từng lầm lỡ.

Phim là cổ tích buồn, vì cuối cùng, Yong Goo vẫn bị kết án tử. Ngày thi hành án, người cha ngây ngô vẫn ráng gồng mình mỉm cười tạm biệt con gái. Anh hy vọng cô bé có thể lưu giữ hình ảnh trưởng thành, đẹp đẽ nhất của cha nó.

Cô bé Ye Seung được đội trưởng Min Hwan nhận nuôi. 15 năm sau đó, cô tự mình giải oan cho cha. Khoảnh khắc tòa tuyên bố Yong Goo vô tội, là khoảnh khắc mà Ye Seung đã mong đợi suốt 15 năm.

Ye Seung trong phiên tòa giải oan cho cha sau 15 năm. Người cha ngồi ở ghế bị cáo đã không còn, chỉ tồn tại trong trí nhớ của Ye Seung.

Những tình tiết dở khóc dở cười, những nút thắt, những nhân vật xuất hiện, tất cả, đều hướng phim về hai chữ “tình người” . Tác phẩm điện ảnh phản ánh xã hội bất công, những thế lực xấu xa giựt dây cả công lý. Bên cạnh đó vẽ nên bức tranh về tình phụ tử, tình người, và ước vọng đẹp đẽ của con người.

Tình phụ tử thiêng liêng trong phim Điều Kỳ diệu ở Phòng giam số 7

Tình phụ tử là giá trị nhân văn nổi bật nhất trong “Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7”. Cha của cô bé Ye Seung chẳng phải là bác sĩ, kỹ sư… hay một trong những nghề nghiệp được xã hội Hàn Quốc xem trọng. Thậm chí, Yong Goo là một người cha không bình thường: một đứa trẻ 6 tuổi trong thân xác 36 tuổi. Nhưng vượt lên trên tất cả những điều đó, Yong Goo luôn hướng về con gái của mình như một bản năng.

Một cảnh trong phim Điều Kỳ diệu ở Phòng giam số 7: Hai bố con Gong Yoo gặp nhau trong nhà tù.

Yong Goo vừa làm cha, vừa làm mẹ với suy nghĩ của một đứa trẻ lên 6. Có lẽ chính vì điều đó, mà tình yêu của anh dành cho con gái mình to lớn hơn bất cứ điều gì. Anh làm việc cực khổ trong cái lạnh thấu xương để dành tiền mua cho con gái chiếc cặp Thủy Thủ Mặt Trăng. Anh không giỏi ghi nhớ, nhưng chỉ cần nhắc tới Ye Seung yêu quý, anh sẽ bật ra ngay: “Ye Seung nhà chúng tôi…sinh ngày 24 tháng 12 năm 1990…lúc 14 giờ 28 phút…”

Sau khi cứu Đại Ca của phòng giam, Yong Goo nhận được phần thưởng là bất cứ gì anh muốn ở ngoài tù. Người cha ngây ngô lại một mực đòi gặp con gái, khiến cho Đại Ca khó xử. Anh suốt ngày theo chân Đại Ca kể về Ye Seung: “Ye Seung nhà tôi… mỗi khi ngủ…” , “Ye Seung nhà tôi …mỗi khi thức dậy…”

Có lẽ chính tình yêu thuần khiết nhưng vô cùng lớn lao ấy đã lay động những tù nhân nguy hiểm nhất. Họ giúp Yong Goo đạt được ước nguyện gặp lại con gái ngay trong phòng giam lạnh lẽo.

Về phần Ye Seung, cô bé ý thức được cha mình bị bệnh, nhưng không vì vậy mà cảm thấy tủi thân. Bù lại, cô bé còn biết chăm sóc, bảo vệ Yong Goo.

Áp lực hoàn cảnh và sự coi thường từ những người xung quanh đối với hai cha con khiến cho một đứa bé trưởng thành trước tuổi và có suy nghĩ chững chạc hơn. Cô bé lo lắng khi cha mình lâu ngày không trở về nhà; nhanh chóng quyết định đi theo những người lạ mặt chỉ vì họ nói sẽ dẫn cô đến gặp cha.

Khoảnh khắc Ye Seung chui ra từ chiếc thùng chính là món quà, là điều kỳ diệu của phòng giam số 7 (tên phim tiếng Hàn là “7 번방 의 선물” – món quà của phòng giam số 7). Tình cha con mang đến tiếng cười cho căn ngục tối, làm cho mọi người tiến lại gần nhau hơn.

Yong Goo gặp lại con gái sau bao ngày xa cách

Nhưng rồi, những con người nhỏ bé nhưng giàu tình cảm đó vẫn không thể thắng được sự bất công của xã hội. Yong Goo bị tử hình vào trước ngày sinh nhật của Ye Seung. Món quà sinh nhật cuối cùng anh tặng con vẫn là chiếc cặp sách Thủy Thủ Mặt Trăng mà cô bé luôn thích nhất.

Tiệc sinh nhật cuối cùng của Ye Seung cùng cha. “Cảm ơn ba vì đã sinh ra con” – “Cảm ơn con… vì đã… sinh ra… làm con của ba”.

Chiếc cặp Thủy Thủ Mặt Trăng mà Ye Seung ao ước, cũng là món quà sinh nhật cuối cùng cô bé nhận được từ cha.

Cho đến tận cùng, người cha khờ khạo vẫn luôn hy sinh và làm tất cả cho con mình. Điều kỳ diệu của một tác phẩm thật sự không còn nằm ở cái kết có hậu, mà chính là ý nghĩa nhân văn trong tác phẩm. Tình cha con tuy giản dị mà thiêng liêng, chân thành vượt lên trên những cái tầm thường của xã hội.

“Cảm ơn con, vì đã sinh ra làm con của ba” – Yong Goo.

Tình yêu thương con người trong phim Điều Kỳ diệu ở Phòng giam số 7

Tính nhân văn của bộ phim không dừng lại ở tình phụ tử thiêng liêng, nhưng còn hiện rõ ở tình cảm tốt đẹp con người dành cho nhau. Bao nhiêu nhân vật xuất hiện trong tác phẩm, là bấy nhiêu mối quan hệ cũng được hình thành. Qua đó, tình yêu thương con người được bộc lộ, thể hiện thông qua các nhân vật bạn tù, đội trưởng Min Hwan, Ba Park…

Những ngày đầu gặp gỡ, ai nấy cũng đều tức giận và căm ghét Yong Goo vì tội trạng mà họ biết được về anh. Nhưng bằng sự ngây ngô, chân thành, Yong Goo đã cảm hóa được trái tim của những người tù tội trong trại giam lạnh lẽo tình người. Đặc biệt là cảm hóa được cả trái tim lạnh lùng vì bị phản bội của Min Hwan.

Yong Goo đã một mình xông vào đám lửa dữ dội để cứu cho bằng được Min Hwan và Ba Park. Tình người ngây ngô vô vị lợi của anh đã làm hai người họ cảm động. Sau đó, hai người vốn căm ghét anh cay đắng, lại là những người giúp đỡ anh rất nhiệt tình trong mọi chuyện: đưa Ye Seung vào trại giam gặp cha, giúp hai cha con trốn thoát khỏi nhà giam.

Min Hwan bất lực khi Yong Goo tự nguyện nhận tội

Ngay cả những người bạn tù trong phòng giam số 7 cũng chan chứa tình người. Tuy trong mắt xã hội, họ là hiện thân của tội lỗi, nhưng ẩn sâu trong họ vẫn tồn tại bản tính lương thiện. Chính những con người “nguy hiểm” ấy đã đưa Ye Seung vào gặp cha, đã rơi lệ trước tình cha con sâu đậm của họ, liều mình giúp hai cha con vượt ngục.

Đại Ca – tên tù nhân “trùm” phòng giam mang số hiệu 1004 (천사 – thiên thần) cũng là ẩn ý của cái thiện trong tâm nhân vật.

Tình người không mất đi, nó chỉ chuyển hóa và lan tỏa. Để cảm ơn các chú đã giúp đỡ mình được gặp cha, Ye Seung dạy cho Đại Ca biết chữ, mỗi ngày đều gửi đến các chú những món quà nho nhỏ. Tình thương người không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội. Dù là ở trại giam lạnh lẽo vẫn tồn tại những tình cảm đẹp đẽ lạ thường.

Một cảnh trong phim Điều Kỳ diệu ở Phòng giam số 7: Ye Seung dạy chữ cho Đại Ca trong phòng giam.

Ye Seung dạy cho Đại Ca biết chữ. Người trong trại giam sát lại gần nhau hơn sau sự xuất hiện của Ye Seung.

Bức thư cuối cùng dành cho người tử tù

Khát vọng sống và khát vọng tự do, công lý là những nét họa trong bức tranh nhân văn “Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7” mà ít ai để ý. Nhưng đây chính là điểm họa không thể thiếu, đẩy thước phim lên đến cao trào.

Khát vọng sống luôn trực trào, kể cả nơi những người thấp kém nhất

Yong Goo đã nhận tội, không phải vì anh muốn chết, nhưng vì muốn tốt cho con. Bị thiểu năng trí tuệ, nhưng anh vẫn nhận thức được bản thân vô tội, mặt khác nhận thức rằng sự hy sinh của mình sẽ giúp con gái có một tương lai tốt hơn. Đấy là điều lý trí, bản năng làm cha của anh mách bảo.

Thế nhưng trong thời khắc chia tay con gái trước khi lãnh án tử, ý chí sinh tồn và bản năng sống của Yong Goo trỗi dậy mạnh mẽ. Biết rằng mình sắp chết, người cha ngây ngô gồng mình nói những lời dặn dò trưởng thành, ấm áp dành cho đứa con gái bé bỏng: “Không có ba con vẫn sống tốt được mà đúng không Ye Seung?”

Một cảnh trong phim Điều Kỳ diệu ở Phòng giam số 7: Hai bố con Gong Yoo gặp nhau qua song sắt nhà tù.

Nhưng dù là người thường hay Yong Goo, cũng không ai có thể dễ dàng chấp nhận một cái chết oan ức như vậy, không một ai. Yong Goo không làm sai, anh không giết người, không cưỡng hiếp con gái Cục trưởng. Anh chỉ là một người cha với trái tim yêu thương con thuần khiết, trọn vẹn, ngây ngô đến mức bị lợi dụng.

Yong Goo không muốn phải ra đi với danh nghĩa một tên tội phạm giết người, cưỡng hiếp trẻ em. Anh hoàn toàn nhận thức được mình vô tội. Yong Goo muốn sống.

Nhận tội là sự lựa chọn do chính anh đưa ra, và anh không hối hận vì lựa chọn đó. Nhưng đã là con người, là một người cha yêu con hết mực, Yong Goo không hề muốn để Ye Seung phải bước đi một mình. Khát vọng sống của Yong Goo cũng bắt nguồn từ chính tình phụ tử thuần khiết của một kẻ khờ. Có lẽ anh chẳng màng cái chết đau đớn, chỉ sợ con gái bé bỏng phải sống không cha mẹ, sợ con gái lớn lên với cái danh con của tội phạm.

Yong Goo đã quỳ gối, ghì đầu vào thanh sắt lạnh căm của trại giam, lạnh như chính sự bất công của xã hội, với tay ôm con gái. Anh hét lên: “Tôi sai rồi! Tôi xin lỗi! Xin hãy cứu tôi với… Tôi đã sai rồi, xin cứu với! Tôi xin lỗi…Tôi xin lỗi… Tôi sai rồi…”

Đó chính là sự oan ức, bất lực, và khao khát được cứu rỗi, khao khát được sống.

Khát vọng tự do của con người

Quyền tự do là một trong những quyền cơ bản của con người. Cả người tù tội như Bong Sik cũng khao khát được tự do trở về đoàn tụ với vợ con của mình. Lẽ nào một người vô tội, ngây ngô, chân thành như Yong Goo lại không có trong mình sự khao khát tự do ấy? Khát vọng tự do được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm điện ảnh thông qua hình tượng khinh khí cầu dần bay lên bầu trời nhà giam.

Một cảnh trong phim Điều Kỳ diệu ở Phòng giam số 7: 2 bố con Gong Yoo bay trên kinh khí cầu

Đó là công sức của tất cả những người bạn cùng phòng giam với Yong Goo, cả đội trưởng Min Hwan. Họ đều biết rõ đây là việc vô cùng nguy hiểm và họ sẽ không thể thoát được hình phạt nếu bại lộ. Nhưng hơn hết, họ muốn hai cha con được giải thoát, được trốn chạy khỏi nơi bất công này.

Sâu thẳm trong tim những người tù tội, họ cũng hiểu được lỹ lẽ, sự công bằng, và có tràn đầy những khao khát lương thiện của con người.

Trên chiếc khinh khí cầu ấy, cha con Yong Goo có lẽ đã có được khoảng thời gian đẹp nhất đời họ. Con bên cha, cha cạnh bên con, yên tĩnh, ấm áp, không bất công nào chạm đến, chẳng thế lực nào dòm ngó được. Họ cùng ngắm nhìn lũ người nhốn nháo hỗn loạn bên dưới nhà giam, nhưng tất cả trở nên thật đẹp đẽ.

Đó chính là vì Yong Goo đang được tận hưởng cảm giác của sự tự do. Một thời gian dài trong ngục tù, anh hứng chịu bao lời chửi rủa, tội danh. Nhưng giờ đây, trước mắt anh là bầu trời nắng hồng, yên bình, và cô con gái kế bên. Tự do, với Yong Goo, chỉ cần có vậy.

Khoảnh khắc bình yên của hai cha con: “Ye Seung à, đừng quên nhé. Ngày hôm nay, và cả ba nữa”.

Nhưng “sự tự do” ấy lại một lần nữa bị kẹt lại bởi hàng rào gai của nhà tù

Khát vọng công lý giữa xã hội bất công

Khát vọng công lý được gửi gắm vào bộ phim qua một chi tiết ít ai ngờ tới, cũng là nút thắt của toàn bộ sự việc: chiếc cặp Thủy Thủ Mặt Trăng. Thủy Thủ Mặt Trăng là nhân vật hoạt hình nổi tiếng đại diện cho công lý, chính nghĩa với câu nói nổi tiếng: “Nhân danh công lý, ta sẽ không tha thứ ngươi” .

Chi tiết Thủy Thủ Mặt Trăng được đưa vào từ đầu bộ phim

Ye Seung rất thần tượng Thủy Thủ Mặt Trăng, em còn thuộc lòng bài hát nhạc phim. Em bắt chước động tác của Thủy Thủ Mặt Trăng khi nói câu slogan nổi tiếng. Chi tiết này tượng trưng cho khát vọng công lý của Ye Seung, kể cả khi em chỉ là một bé gái.

Trong phiên tòa minh oan cho cha, Ye Seung đã thực sự trở thành Thủy Thủ Mặt Trăng, đòi lại công lý cho cha mình. Cố nén tiếng khóc nghẹn ngào, Ye Seung vượt lên trên sự cho phép của pháp luật: “Nhân danh công lý… tôi sẽ… tha thứ cho cha tôi” (정의 이름으로… 아빠를… 용서하겠습니다). Đây cũng chính là khát vọng công lý và bình đẳng được gửi gắm trong bộ phim.

“Nhân danh công lý, tôi tha thứ cho cha tôi” – Ye Seung nói trước khi tòa tuyên án.

Xuyên suốt bộ phim “Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7” chính là những điều kỳ diệu. Sự xuất hiện của Ye Seung giữa nhà giam lạnh lẽo là điều kỳ diệu được gửi đến nơi u tối. Tình phụ tử của cha con Yong Goo – Ye Seung là điều kỳ diệu vì đã cảm hóa những trái tim chai lỳ nơi ngục tù. Khao khát sống, khao khát tự do, công lý, yêu thương của từng con người là điều kỳ diệu, vì đã đánh thức phần “con” ngủ sâu trong họ.

Hơn hết, điều kỳ diệu nhất trong toàn bộ tác phẩm điện ảnh chính là tình người: tình người cảm hóa tất cả, tha thứ tất cả.

Thông tin về phim Điều Kỳ diệu ở Phòng giam số 7
Tên tiếng Hàn 7 번방 의 선물 (Miracle in Cell No. 7)
Ngày phát hành 23/1/2013 (Hàn Quốc)
Thời lượng 127 phút
Đạo diễn Lee Hwan Kyung
Diễn viên Ryu Seung Ryong, Kal So Won, Park Shin Hye, Oh Dal Su, Park Won Sang, Jeong Ji Yeong, Kim Jung Tae, Jung Man Sik, Jung Han Bi, Kim Gi Cheon
Thể loại hình sự, rùng rợn
Giải thưởng Giải Chuông vàng của Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc (대종상 영화제)

XEM THÊM: Khi Hoa Trà Nở – Phim nhân văn nhất lịch sử điện ảnh, xóa bỏ mọi định kiến xã hội Hàn Quốc

author-avatar

About Mai Huyên

Mình không biết tại sao lại thích Hàn Quốc. Có lẽ do ly kem mát lạnh và ngọt ngào đó; hay là buổi nắng rực rỡ nơi hòn đảo xinh đẹp; cũng có thể do cơn mưa hè, ngày mọi người nói 안녕 lần cuối.

One thought on “Điều Kỳ diệu ở Phòng giam số 7 – Giá trị nhân văn từ nơi tối tăm nhất

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).