Nếu như truyện tranh Nhật Bản (manga) du nhập vào thị trường Việt Nam từ rất sớm, vào khoảng giữa những năm 1990, thì truyện tranh Hàn Quốc (manhwa) lại có xuất phát chậm hơn, khi chỉ thật sự bùng nổ từ sau những năm 2000. Song, không vì thế mà truyện tranh Hàn Quốc tỏ ra yếu thế trong việc thu hút giới trẻ Việt Nam so với người bạn láng giềng.

Hàng loạt những bộ truyện “Made In Korea” như “Nhất Chi Mai” (Iljimae), “Bản Tình Ca Buồn” (Sad Love Song) và “Hoàng Cung” (Goong) ngay sau khi được xuất bản đã lập tức nhận được sự săn đón ráo riết từ các thế hệ cuối 8x và đầu 9x.

Lý do là bởi ai ai cũng tò mò muốn được tiếp cận một “làn gió mới” đến từ Hàn Quốc, sau khi đã quá quen thuộc với những nét vẽ long lanh, bắt mắt theo kiểu đặc trưng của Nhật Bản.

Chính vì nhu cầu đọc truyện ngày càng tăng cao, văn hóa thuê truyện cũng bắt đầu được hình thành. Bởi vào khoảng hơn một thập niên trước, không phải học sinh, sinh viên nào cũng có đủ tiền để tìm mua tất cả những tập truyện mới nhất được bày bán tại các quầy báo hay nhà sách. Đồng thời thời điểm đó, Internet cũng chưa thật sự phát triển để đáp ứng nhu cầu đọc truyện tranh trên mạng.

Giới trẻ ngày xưa đã tự thỏa mãn niềm vui giản dị của mình bằng cách dành dụm từng đồng tiền lẻ, để sau mỗi giờ học sẽ chạy ngay đến những cửa hàng cho thuê truyện cũ, lục tìm khắp mọi ngóc ngách, nhằm săn lùng cho bằng được cuốn truyện mà mình yêu thích.

Đọc truyện tranh lúc nào cũng mang đến một sự thú vị lạ thường, không chỉ giúp độc giả có thể hiểu rõ hơn về văn hóa của đất nước đó, mà còn tạo điều kiện cho họ (đặc biệt những người trong độ tuổi teen) được bay bổng với trí tưởng tượng phong phú, khi tự mình hóa thân vào các nhân vật hư cấu.

Lúc bấy giờ, có không ít các cuộc bình chọn được khởi xướng từ những người yêu truyện tranh, nhằm phân định bộ truyện nào xứng đáng được hiện thực hóa nhất, hay tác phẩm nào nên được chuyển thể và công chiếu trên màn ảnh nhất.

Và không để các fan truyện tranh phải chờ đợi quá lâu, nhiều nhà làm phim đã nhanh chóng nắm bắt được “tiếng lòng”, cùng sự mong mỏi chờ đợi của hội những người mê manga và manhwa, để cho ra đời những bộ phim chuyển thể thuộc thế hệ đầu tiên như “Vườn Sao Băng” (Con Nhà Giàu) và “Hoàng Cung” (Goong) – hai đại diện xuất sắc đến từ hai nền văn hóa truyện tranh Nhật Bản và Hàn Quốc.

Khỏi phải nói “Vườn Sao Băng” đã thật sự gây tiếng vang lớn đến mức nào trên màn ảnh nhỏ khắp châu Á. Trong khi đó, “Hoàng Cung” tuy được công chiếu chậm hơn, cũng không hề thua kém người anh em láng giềng trong việc chinh phục trái tim khán giả xem đài.

Vì so với “Vườn Sao Băng” được lên sóng khi truyện đã phát hành trọn bộ, “Hoàng Cung” lúc bấy giờ vẫn đang trong giai đoạn lưng chừng, thậm chí tác giả còn… trêu ngươi người đọc đến mức vài tháng mới chịu “nhỏ giọt” một tập.

Chính bởi tốc độ xuất bản còn “chậm hơn cả rùa bò”, các fan của “Hoàng Cung” không khỏi cảm thấy bất mãn và nôn nao đến sốt ruột. Do đó, ngay sau khi thông tin bộ truyện tranh này được chuyển thể thành phim, cộng đồng yêu “Hoàng Cung” đã thể hiện sự phấn khích tột cùng, vì giờ đây họ không chỉ được “miễn” việc phải chờ đợi mòn mỏi, mà còn được thỏa sức chiêm ngưỡng nhan sắc long lanh của các hoàng tử và công chúa trên màn ảnh.

Song, cũng chẳng cần đợi đến ngày này, ngay từ khi bộ phim được phát sóng ở Hàn Quốc vào tháng 1 cùng năm, giới học trò Việt Nam đã nôn nao đến mức đọc lại truyện từ tập đầu tiên, nhằm “giết thời gian” chờ đến ngày phim được ra mắt, cũng như không ngừng truyền tay nhau những tấm poster hiếm hoi săn lùng được từ các trang báo giải trí cho “bà con” cùng chiêm ngưỡng.

Và vì thế, từ khi còn chưa chính thức lên sóng, “Hoàng Cung” đã sớm đạt được thành công trong việc thu hút sự quan tâm, chú ý của giới trẻ Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, khi trở thành hiện tượng gây “sốt” từ ngoài ngõ đến trên mạng, làm ngay cả những người ít quan tâm đến phim ảnh và truyện tranh Hàn Quốc cũng không thể rời mắt.

Một poster của phim Hoàng Cung (Goong)

“Hoàng Cung” (hay còn được biết đến với cái tên “Được Làm Hoàng Hậu”) chính thức công chiếu trên đài truyền hình HTV7 vào lúc 12 giờ trưa ngày 08/8/2006.

Vậy, điều gì đã khiến “Hoàng Cung” gây tiếng vang lớn đến mức thậm chí hơn một thập kỷ sau vẫn luôn được nhắc đến trong danh sách những bộ phim chuyển thể thành công nhất qua mọi thời đại?

Bìa của cuốn truyện tranh Hoàng Cung (Goong) được lấy cảm hứng chuyển thể thành phim.

1. Bối cảnh mới lạ, hấp dẫn của Hoàng Cung

Đầu tiên, ngoài việc được hiện thực hóa từ bộ truyện đã sớm nổi tiếng trong cộng đồng yêu manga/manhwa, “Hoàng Cung” còn đặc biệt gây ấn tượng ngay từ khâu quảng bá hình ảnh, khi đặt ra câu hỏi cho độc giả và khán giả truyền hình rằng: “Bạn nghĩ thế nào nếu Hàn Quốc vẫn còn tồn tại Hoàng thất?”.

Vốn dĩ, đề tài Hoàng gia luôn ẩn chứa một sức hút mạnh mẽ với những người có sự tò mò không giới hạn về các bậc vương tôn, quý tộc. Hiện nay, trên thế giới vẫn hiện diện một số gia đình Hoàng gia nổi tiếng như Hoàng gia Anh, Thái Lan và Nhật Bản. Tuy nhiên, ai có thể nghĩ đến việc một Hàn Quốc trong thế kỷ 21 sẽ như thế nào nếu được cai trị bởi chế độ quân chủ lập hiến?

Chính vì thế, ngay từ nền tảng cơ bản nhất về mặt nội dung, “Hoàng Cung” đã đạt được thành công như mong muốn, khi mạnh dạn “bịa” những điều không có thật, nhưng lại đánh trúng tâm lý và thị hiếu người xem, đặc biệt là lứa tuổi teen.

Những hình ảnh trong bộ phim Hoàng Cung (Goong).

Do sở hữu nội dung giả tưởng về một xã hội Hàn Quốc trong chế độ quân chủ lập hiến, những địa điểm được lựa chọn làm bối cảnh cho bộ phim cũng đặc biệt thu hút khán giả quốc tế, vì chủ yếu được quay tại các cung điện lộng lẫy như Gyeonghuigung (경희궁), Unhyeongung (운현궁) và một tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển phương Tây tọa lạc trong khuôn viên trường Đại học Nữ Duksung (덕성여대 평생교육원).

Trong khi cung Gyeonghuigung và cung Unhyeongung được lựa chọn làm bối cảnh chính của gia đình Hoàng gia (gồm Hoàng thái hậu, Đức vua và Hoàng hậu) nhằm thể hiện trọn vẹn dáng vẻ uy nghi và quyền lực của vương triều, vợ chồng Thái tử và Thái tử phi lại được sử dụng toàn bộ tòa nhà trực thuộc trường Đại học Nữ Duksung cho các cảnh quay cuộc sống sinh hoạt hoặc tiếp đón đoàn đại sứ từ các nước.

Nhìn từ phía ngoài, tòa lâu đài có mặt tiền trang nhã với gam chủ đạo trắng, xám, được tô điểm xung quanh bằng những cổng vòm cổ điển và cột trụ sang trọng. Bên trong tòa nhà được chia làm hai khu vực chính, gồm căn phòng tiếp khách và một không gian rộng lớn dùng để làm nơi sinh hoạt của Thái tử và Thái tử phi. Mỗi khu vực lại được thiết kế theo phong cách hoàn toàn riêng biệt.

Hình ảnh đời thực của tòa lâu đài xuất hiện trong phim Hoàng Cung (Goong).

Khu vực tiếp khách là những căn phòng mang kiểu dáng sang trọng và lộng lẫy với những gam màu nóng vương giả như nâu cánh gián, nâu trầm, vàng đồng, đỏ đun, da cam, đồng thời được tô điểm thêm bằng những bức tranh thủy mặt, góp phần tôn lên vẻ oai phong và uy nghiêm của hoàng cung.

Trong khi đó, không gian sống của Thái tử và Thái tử phi lại có kiến trúc độc đáo, trẻ trung với nhiều màu sắc tươi sáng hơn. Đặc biệt, phòng riêng của Thái tử phi còn được sử dụng gam màu chủ đạo gồm trắng, tím, hồng phấn, đỏ hoa đào nhằm tôn lên vẻ lãng mạn, bay bổng, phù hợp với độ tuổi teen vừa đáng yêu, lại vừa hoạt bát và mơ mộng của chủ nhân.

Với lối thiết kế độc đáo, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Á – Âu, các tòa nhà được trưng dụng cho bộ phim đã thật sự thành công trong việc lôi kéo sự quan tâm, chú ý của khán giả cả trong lẫn ngoài nước.

Đặc biệt, với cộng đồng yêu mến “Hoàng Cung” ở nước ngoài, việc được chứng kiến toàn bộ khung cảnh cung điện nguy nga của Hàn Quốc theo một phong cách hiện đại của thế kỷ 21 lại càng tạo nên cảm giác phấn khích và hào hứng hơn hết. Bởi giờ đây, họ đã có thể được thỏa sức chiêm ngưỡng hoàng gia Hàn Quốc một cách rõ rệt qua màn ảnh, thay vì những trang giấy trắng mực đen nhàm chán như trong truyện.

2. Cốt truyện trẻ trung & dễ thương phù hợp với tuổi teen

Bối cảnh phim đã gây tiếng vang đến vậy, do đó cũng không khó hiểu khi kịch bản “Hoàng Cung” từ trên trang giấy cho đến màn ảnh cũng dễ dàng thu hút được sự quan tâm và kỳ vọng của công chúng.

“Hoàng Cung” là câu chuyện xoay quanh cuộc sống của gia đình Hoàng tộc Hàn Quốc trong thế kỷ 21. Lúc bấy giờ, Hoàng đế đương triều lâm trọng bệnh, cả Hoàng tộc cần phải chuẩn bị đề phòng cho sự băng hà đột ngột của ông.

Vì thế, để ngăn chặn trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, Hoàng thái hậu đã nghĩ đến việc lập gia thất cho Thái tử Lee Shin (Joo Ji Hoon, 주지훈) bằng một cuộc hôn nhân chính trị đã được sắp đặt giữa Thái tử và một nữ sinh trung học có tên Shin Chae Kyung (Yoon Eun Hye, 윤은혜) – cháu gái người bạn thân nhất của Tiên hoàng.

Ngay khi biết tin, Shin không chấp nhận hôn sự miễn cưỡng này, mà ngỏ lời cầu hôn cô bạn thân Min Hyo Rin (Song Ji Hyo, 송지효), đồng thời cũng là người anh thầm thương trộm nhớ, nhưng cuối cùng lại bị từ chối. Trớ trêu thay, Chae Kyung chứng kiến toàn bộ sự việc. Tuy nhiên lúc này, cả hai vẫn chưa biết rõ về đối phương, cũng như hôn sự đã được định sẵn bởi các bậc trưởng bối. Đã vậy trước đó, giữa Shin và Chae Kyung lại có ấn tượng không mấy tốt đẹp về nhau.

Ngay khi biết mình sẽ “bị” gả cho Thái tử Shin, Chae Kyung đã kịch liệt phản đối. Song, nhận thấy gia đình đang lâm vào cảnh khó khăn, đến mức có nguy cơ mất cả căn nhà vì món nợ vay nặng lãi của bố, Chae Kyung quyết định đồng ý nhập cung và chuẩn bị cho hôn sự.

Một cảnh trong bộ phim thần tượng Hoàng Cung (Goong) của Hàn Quốc.

Với tính cách nghịch ngợm, nhí nhảnh, lại quen lối sống vô tư, hồn nhiên của một “thường dân”, Chae Kyung gây ra không biết bao nhiêu rắc rối trong cung, nhưng ngược lại, cô nàng cũng nhận được nhiều sự quan tâm và yêu mến từ các thành viên gia đình Hoàng gia bởi sự thật thà và đáng yêu của mình.

Kể cả Shin, từ cảm giác khó chịu, căm ghét ban đầu, chàng Thái tử lạnh lùng cũng dần nảy sinh tình cảm với nàng Thái tử phi có xuất thân thấp kém.

Đúng lúc này, anh họ của Shin – Hoàng tử Lee Yul (Kim Jung Hoon, 김정훈) cùng mẹ từ Anh trở về Hàn Quốc với mục đích đòi lại vị trí đã bị tước đoạt từ 14 năm trước. Yul được xếp học cùng lớp với Chae Kyung và đem lòng yêu cô, người mà lẽ ra sẽ trở thành vợ Yul nếu cha anh không đột ngột qua đời, khiến Yul bị phế truất khỏi ngôi Thái tử.

Thêm vào đó, Min Hyo Rin cũng nhận ra tình cảm với Shin. Cô quyết tâm từ bỏ học bổng của trường múa danh tiếng để trở về Hàn Quốc giành lại tình yêu của mình.

Vẫn là mô-típ tình yêu tay ba, tay tư cực thịnh hành lúc bấy giờ, song “Hoàng Cung” lại tạo được một hướng đi riêng nhờ những tình tiết hài hước, dí dỏm đậm chất học trò, được lồng ghép khéo léo vào khung cảnh lãng mạn, cùng những cao trào thích hợp, khiến khán giả một khi đã theo dõi sẽ khó lòng dứt ra được.

Đồng thời, với cách thể hiện cuộc sống hoàng gia giả tưởng thời hiện đại đầy mới mẻ, “Hoàng Cung” hoàn toàn khác so với các phim Hàn lên sóng cùng thời điểm, đặc biệt những bộ phim gia đình dài lê thê với những tình tiết bi lụy, ghen tuông, trả thù… hay những bộ phim lịch sử cổ trang đầy rẫy những âm mưu, toan tính tranh giành quyền lực đến đổ máu.

Không còn những cảnh “ung thư giai đoạn cuối” kinh điển, hay những số phận bị chèn ép khổ sở đến đau lòng, “Hoàng Cung” thế kỷ 21 vẫn đủ sức trở thành một món ăn vừa lạ, vừa ngon, lại tràn đầy sắc thái trẻ trung, tươi mới, khiến ai cũng muốn “nếm thử”.

Thậm chí, những phân đoạn về sau dù có sự chen ngang của cặp đôi “kỳ đà cản mũi” Hoàng tử Yul và cô nàng kiêu kỳ Min Hyo Rin, “Hoàng Cung” cũng không trở nên quá nặng nề, khiến khán giả… sôi máu vì những cuộc chiến giành giật tình cảm đến vô lý như các mô-típ tình yêu tay ba, tay tư quen thuộc của điện ảnh Hàn Quốc.

“Hoàng Cung” đã cho thấy sự đột phá của mình khi vẽ nên một câu chuyện tình yêu tuổi học trò thật nên thơ và nhẹ nhàng. Ở đó có những người biết dừng lại đúng lúc trước khi đẩy trận chiến tranh giành tình cảm đi quá giới hạn, có người lại đồng ý buông tay và thôi chấp niệm về những thứ vốn dĩ không thuộc về bản thân.

Nhờ vậy, bộ phim đã dễ dàng chạm đến trái tim người xem, khiến họ cảm thấy thật sự thỏa mãn, đồng thời có thêm hy vọng vào một cái kết: “Người tốt ắt sẽ gặp lành. Những người yêu nhau, nhất định sẽ đến được với nhau”.

Trên thực tế, trong thời điểm “Hoàng Cung” gần đi đến kết thúc ở tập 24, bộ truyện tranh nguyên gốc vẫn đang trong giai đoạn lưng chừng khi chỉ mới ra đến tập 12. Điều này khiến các fan hâm mộ manhwa không khỏi phật lòng.

Bên cạnh đó, đài MBC cũng không thể đợi tác giả viết xong rồi mới quay tiếp. Vì vậy, đạo diễn đã quyết định đánh liều, tự biên soạn một cái kết theo ý mình. May mắn thay, kết cục có hậu của đôi Thái tử và Thái tử phi đã thật sự thỏa mãn các fan của “Hoàng Cung” từ manhwa đến màn ảnh nhỏ.

Theo đó, ở đoạn kết của phim, Thái tử phi Chae Kyung chọn Ma Cao làm nơi tránh thị phi, đồng thời kết hợp du lịch và học nghiên cứu sâu về thiết kế. Thái tử Shin sau khi nhường ngôi cho chị gái đã bất ngờ tìm đến Ma Cao và ngỏ lời cầu hôn Chae Kyung. Họ chính thức nên duyên vợ chồng ở một nhà thờ nhỏ, dựa trên một tình yêu thật sự, chứ không phải vì lời hứa hôn năm xưa.

Ở đoạn kết phim, Chae Kyung có dấu hiệu ốm nghén. Trên tay cô lúc này là một chú gấu nhồi bông xinh xắn, báo hiệu cho sự ra đời của hoàng tử nhỏ đáng yêu trong tương lai.

Với sự đột phá về kịch bản khi hoàn toàn thoát ly khỏi diễn biến vẫn còn dang dở của truyện tranh, “Hoàng Cung” phiên bản drama không chỉ tạo được hướng đi riêng làm hài lòng mọi khán giả truyền hình, mà còn trở thành tác phẩm thành công rực rỡ trong thời kỳ đầu của dòng phim thần tượng Hàn Quốc, đồng thời đủ sức cạnh tranh và soán ngôi dẫn đầu của phim thần tượng Đài Loan trên thị trường phim ảnh châu Á vào những năm 2000.

Trong khi đó, tại nước nhà, “Hoàng Cung” cũng lập nên một cú hít lớn khi xuất sắc đạt rating ấn tượng lên đến gần 29% ở tập cuối cùng, góp phần mở ra một trang mới, tạo đà phát triển cho 4 diễn viên chính Song Ji Hyo, Joo Ji Hoon, Kim Jung Hoon và đặc biệt là Yoon Eun Hye, với hàng loạt vai diễn ấn tượng sau này.

3. Dàn diễn viên trẻ và đầy tài năng

Vì là phim thần tượng, lại sở hữu nội dung mới mẻ, bay bổng, hướng đến đối tượng tuổi teen, đạo diễn và nhà sản xuất “Hoàng Cung” buộc phải tuyển chọn những gương mặt trẻ, sáng giá cho bộ phim của mình.

Lúc bấy giờ, sau khi dàn diễn viên chính với 4 cái tên Yoon Eun Hye, Joo Ji Hoon, Song Ji Hyo và Kim Jung Hoon được công bố trên khắp các mặt báo, giới truyền thông và công chúng Hàn Quốc đã không khỏi nghi ngờ về khả năng thành công của bộ phim.

Đặc biệt, với các fan hâm mộ “Hoàng Cung” ngay từ trên trang giấy, làn sóng phản đối lại càng gay gắt hơn hết, bởi họ không muốn bộ truyện tranh mà mình yêu thích “bị hủy hoại” trong tay 4 gương mặt non nớt này.

Sở dĩ có sự phản đối và chỉ trích kịch liệt đến vậy là bởi trong những năm 2000, Yoon Eun Hye, Joo Ji Hoon, Song Ji Hyo và Kim Jung Hoon vẫn chỉ là những tân binh không mấy tên tuổi, cũng chẳng có kinh nghiệm diễn xuất, khi người là ca sĩ (Yoon Eun Hye, Kim Jung Hoon), người lại khởi nghiệp với vai trò người mẫu (Joo Ji Hoon, Song Ji Hyo).

Thậm chí, vào khoảng mùa thu năm 2005, ngay sau khi thông tin manhwa “Hoàng Cung” sẽ được chuyển thể thành phim truyền hình được công bố, cộng đồng cư dân mạng đã lập tức mở ra nhiều cuộc khảo sát gắt gao nhằm chọn ra gương mặt phù hợp nhất với vai Thái tử phi Shin Chae Kyung.

Cuối cùng, phần thắng đã thuộc về hai ngọc nữ lúc bấy giờ là Goo Hye Sun (구혜선) và Lee Yoo Ri (이유리). Kết quả này cũng đồng thời được gửi đến đài truyền hình MBC, cùng lời nhấn mạnh: “Nếu không phải Goo Hye Sun hoặc Lee Yoo Ri, không ai đủ xứng đáng để trở thành nàng Thái tử phi trong lòng công chúng”.

Tuy nhiên, bất chấp kiến nghị của cộng đồng cư dân mạng, MBC vẫn kiên quyết giao số phận bộ phim cho 4 diễn viên chính, hiện đang đứng trước làn sóng chỉ trích vì bị nghi ngờ về thực lực. Quả nhiên, không làm đạo diễn “Hoàng Cung” phải thất vọng khi trao niềm tin vào mình, Yoon Eun Hye, Joo Ji Hoon, Song Ji Hyo và Kim Jung Hoon thật sự đã tỏa sáng, trở thành những linh hồn không thể thiếu của bộ phim, đồng thời dần nhận được sự tán thưởng và hoan nghênh từ khán giả.

Đặc biệt, với nữ chính Yoon Eun Hye, sau thời gian liên tục bị so sánh với hai cái tên Goo Hye Sun và Lee Yoo Ri, cô nàng đã thành công trong việc tạo được chỗ đứng của mình nhờ thể hiện xuất sắc vai Chae Kyung hồn nhiên và hậu đậu, nhưng cũng không kém phần sâu sắc và nội tâm khi đột ngột trở thành Thái tử phi ở độ tuổi còn quá trẻ và bị cuốn vào cuộc tình tay ba giữa người chồng mới cưới, cùng tiểu thư xinh đẹp Min Hyo Rin.

Nhờ màn nhập vai quá tròn trĩnh, với đôi mắt tròn xoe biết nói, Yoon Eun Hye lập tức được nâng tầm lên hàng sao chỉ sau một đêm. Thậm chí, dù sau này đã trở thành diễn viên thực thụ, được công nhận qua nhiều vai diễn đa dạng khác nhau, song cứ nhắc đến Yoon Eun Hye, khán giả vẫn sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh Thái tử phi tinh nghịch, đáng yêu của một thời vang dội cùng “Hoàng Cung”.

Trong khi đó, Joo Ji Hoon với vai Thái tử Lee Shin cũng tạo được dấu ấn không kém trong lòng khán giả. Nhờ cách thể hiện trong nóng ngoài lạnh, Joo Ji Hoon đã tạo nên hình ảnh mới về khái niệm “mỹ nam” ở Hàn Quốc, giúp anh nhanh chóng trở nên nổi tiếng không chỉ tại nước nhà, mà tên tuổi còn vang xa khắp châu Á.

Trái ngược với vẻ lạnh lùng, xa cách của Thái tử Shin, Kim Jung Hoon với vai Hoàng tử Lee Yul lại làm biết bao cô gái say đắm bởi nụ cười tỏa nắng, cùng tính cách dịu dàng, ấm áp và hết lòng vì Chae Kyung, dù biết rằng cô sẽ chẳng bao giờ thuộc về mình.

Ngay cả nữ thứ Song Ji Hyo tuy trở thành kẻ thứ ba đáng ghét xen vào chuyện tình giữa Lee Shin và Chae Kyung, nhưng cũng chẳng làm ai ghét nổi, bởi nội tâm quá phức tạp, cùng cuộc sống không hề hạnh phúc.

4 diễn viên chính dù ban đầu không ngừng bị dè bỉu và nghi ngờ về thực lực, nhưng bằng bản lĩnh, cùng sự cố gắng không ngừng nghỉ của mình, họ đã thật sự trở thành một phần không thể thiếu của bộ phim, khiến ngay cả những khán giả khó tính nhất cũng phải thừa nhận: “Nếu không phải 4 gương mặt trẻ tuổi này, không ai có thể làm nên dấu ấn cho Hoàng Cung”.

Một cảnh trong bộ phim thần tượng Hoàng Cung (Goong) của Hàn Quốc.

4. Những hiệu ứng bùng nổ sau bộ phim

“Hoàng Cung” đạt được thành công vang dội không chỉ về nội dung, mà còn bởi dàn cast trẻ trung và tài năng, do đó không khó hiểu khi những hiệu ứng ăn theo bộ phim từ kiểu tóc, trang phục, nhạc nền, cho đến những chú gấu bông đáng yêu gắn liền với mỗi nhân vật cũng lập tức trở thành cơn sốt nóng hổi trên khắp châu Á, được các fan săn lùng ráo riết.

Một cảnh trong bộ phim thần tượng Hoàng Cung (Goong) của Hàn Quốc.

Trong khi nhiều tiệm cắt tóc đổ xô trưng bày hình ảnh của Min Hyo Rin và Shin Chae Kyung với chiếc mái xéo thần thánh, một số nhà sách lại thu hút các fan của “Hoàng Cung” bằng những chú gấu nhồi bông, cùng các tấm poster đủ kích cỡ và kiểu dáng.

Bên cạnh đó, các chủ cửa hàng băng đĩa cũng đồng thời cho thấy khả năng bắt kịp xu hướng của mình khi bày bán hàng loạt những chiếc đĩa tổng hợp các ca khúc xuất hiện trong phim, khiến ai cũng bồi hồi nhớ về một thời từng mất ăn mất ngủ vì “Hoàng Cung”.

Suốt một thời gian dài, cơn sốt “Hoàng Cung” vẫn không ngừng sôi sục trong lòng những người yêu mến phim truyền hình Hàn Quốc. Thậm chí, sức ảnh hưởng của bộ phim còn lớn đến mức tất cả những tình tiết gây xúc động, những câu nói hay trong phim và hình ảnh đẹp giữa Lee Shin và Chae Kyung đều được người xem nhớ mãi cho đến ngày nay.

Vì sao một bộ phim với bối cảnh hoang đường, được “bịa” đến 100%, cũng chẳng mang thông điệp cao siêu nào lại có khả năng thu hút khán giả trẻ đến vậy?

Câu trả lời chỉ có thể nằm ở cốt truyện mới lạ, hấp dẫn, được thể hiện bởi dàn diễn viên tài năng. Chính điều này đã đánh trúng vào tâm lý tuổi teen. Cái tuổi mà ai cũng có những kỷ niệm đẹp, những lúc bay bổng vào giấc mơ cổ tích về một nàng lọ lem thời hiện đại được sánh đôi cùng chàng hoàng tử của đời mình.

Bởi thế, có thể nói dù đã gần 14 năm kể từ ngày lên sóng, “Hoàng Cung” vẫn sẽ mãi xứng đáng là tác phẩm chuyển thể thành công rực rỡ nhất trong thời kỳ đầu của dòng phim thần tượng Hàn Quốc, đồng thời cũng là nền tảng vững chắc, mở đường cho những bộ phim mang chủ đề hoàng gia thời hiện đại của thế hệ sau như “Công Chúa Của Tôi” (My Princess, MBC 2011), “The King 2 Hearts” (MBC 2012) và “Hoàng Hậu Cuối Cùng” (황후의 품격, SBS 2018) cũng đạt được thành công vang dội và nhận được sự yêu mến từ đông đảo công chúng ở mọi lứa tuổi.

Tổng hợp từ Naver

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

3 thoughts on ““Hoàng Cung” (Goong) – Cả một bầu trời kỷ niệm của thế hệ 8x đời cuối và 9x đời đầu

  1. Khách viết:

    0.5

  2. TL viết:

    Mình muốn xem goong vietsub thì phải xem ở đâu ạ??

  3. No name viết:

    Cho mình hỏi xem hoàng cung vietsub ở đâu vậy ạ

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).