Đam mê và yêu thích phim ảnh Hàn Quốc, nhưng bạn có biết “top 10” phim điện ảnh làm “khuynh đảo” các phòng vé tại quốc gia này hay không? Cùng TTHQ điểm qua 10 cái tên “bom tấn” đã “ăn nên làm ra” nhất mọi thời đại nhé!

1. 명량 (The Admiral: Roaring Currents, 2014)

Tính đến nay, sau gần 6 năm kể từ ngày “Đại thủy chiến” (tựa Việt của The Admiral: Roaring Currents) ra mắt, vẫn chưa có đối thủ nào có thể hạ bệ vị trí đứng đầu hạng mục phim điện ảnh Hàn Quốc đạt doanh thu lớn nhất mọi thời đại của “bom tấn” này.

Có nhiều lí do để dẫn đến thành công của “Đại thủy chiến”, nhưng khó ai có thể từ chối, rằng yếu tố thuyết phục nhất, chính là chủ đề muôn đời nhạy cảm đối với người dân Hàn Quốc, chiến tranh Hàn – Nhật. Phim nói về trận hải chiến Myeongnang (명량) xảy ra vào tháng 10/1597, khi đô đốc Lee Soon Shin (Choi Min Shik đóng) chỉ huy đội chiến thuyền chỉ còn lại 12 chiếc, chiến thắng trước 330 chiến thuyền từ phía Nhật Bản do tướng Kurushima Michifusa (Ryu Seung Ryong đóng) chỉ huy.

Ngoài con số khủng về mặt doanh thu phòng vé, “Đại thủy chiến” do Kim Han Min đạo diễn còn nhân về 18 hạng mục giải thưởng danh giá khác nhau.

– Kinh phí: 18.6 triệu USD
– Doanh thu phòng vé: 138.3 triệu USD

2. 극한직업 (Extreme Job, 2019)

Muốn thu hút và hấp dẫn ai đó, hãy chọc cười và làm họ phấn khích. Nguyên tắc căn bản này giải thích cho việc hài hành động thường là thể loại phim dễ “cưa đổ” khán giả. Extreme Job cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, nếu xem phim với tâm thái “mì ăn liền”, bạn sẽ có thể khó thấy “đã” ngay từ những phút đầu tiên. Cốt lõi là hãy thư giãn và chút kiên nhẫn của bạn sẽ được đền đáp. Cái hài hước đến từ những đối lập bất ngờ, từ lời thoại hay từ diễn xuất sẽ sớm tìm đến và khiến bạn sảng khoái.

Chuyện gì sẽ xảy ra đối với nhóm cảnh sát bất đắc dĩ biến thành chuyên gia rán gà, vì mục đích truy lùng tội phạm ma túy? Và liệu, cảm giác “được nếm mùi tiền” khi quán gà trở nên nổi tiếng có đủ để tổ trưởng tổ cảnh sát ấy dứt khoát bỏ nghề khi nỗi lòng lo lắng và ánh mắt khó chịu đến từ người vợ luôn “ám ảnh” anh?

Diễn viên kì cựu Ryu Seung Ryong, hoa hậu Lee Honey, Jin Seon Gyu, Lee Dong Hwi và Gong Myeong… sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

– Kinh phí: 5.8 triệu USD
– Doanh thu phòng vé: 120 triệu USD

3. 신과 함께 – 죄와 벌 (Along with the Gods: The Two Worlds, 2017)

Phát hành chính thức vào 20/12/2017 bởi Lotte Entertainment, kịch bản sáng tạo và chứa đựng yếu tố tâm linh, thần bí là điểm gây hấp dẫn đầu tiên của Along with the Gods. Thuộc thể loại giả tưởng, ngay tiêu đề quảng cáo “Mở ra thế giới chưa ai từng thấy” (아무도 본 적 없는 세계가 열린다) của phim cũng đã “khêu gợi” không ít tò mò nơi công chúng. Nhưng trên hết, thông điệp nhân văn liên quan đến sinh tử, luân lí đạo đức nơi con người, sự phán xét tốt – xấu được thể hiện qua công nghệ kĩ xảo hiện đại, mới chính là điểm cốt lõi “bom tấn” này chủ đích dùng để lay động người xem.

Bên cạnh thành tích top 3 trong danh sách phim chiếu rạp có doanh thu kỉ lục, Along with the Gods còn thu về 15 giải thưởng khác nhau, trong đó có đến 5 hạng mục thuộc quy mô Lễ trao giải Rồng Xanh (blue Dragon Film Awards) lần thứ 39. Phim đồng thời cũng giúp Joo Ji Hoon (주지훈) với vai sứ thần Haewonmaek (해원맥) lấy lại thêm danh tiếng và hảo cảm từ khán giả sau bê bối năm nào.

– Kinh phí: 18.3 triệu USD
– Doanh thu phòng vé: 108.2 triệu USD

4. 국제시장 (Ode to My Father, 2014)

Nếu con người là căn nguyên bản chất của mọi cội nguồn đau khổ của nhau, thì cũng không ai khác, ngoài con người, có thể lay động trái tim con người, đến tột cùng. Lấy cảm hứng từ đề tài chiến tranh và quan hệ phụ tử, gia đình, Ode to My Father (tựa Việt: “Hứa với cha”) kể về cuộc đời và miêu tả tình cảm da diết kiêm day dứt của nhân vật Yoon Deok Soo (Hwang Jeong Min đóng) dành cho cha mình, người đã bị chia cắt khỏi ông do loạn lạc trong cuộc di tản Heungnam (흥남 철수) vào năm 1950.

Đặc biệt, Ode to My Father có yếu tố liên quan đến Việt Nam thông qua chi tiết Deok Soo rời Hàn Quốc để tham gia Chiến tranh Việt Nam vào những năm 1970.

Thành công của phim chính là việc kể lại một câu chuyện không mới nhưng vẫn khiến người xem phải thổn thức. Không ít khán giả đã rơi lệ bởi Ode to My Father, đồng thời khẳng định đây chính là một trong những phim điện ảnh Hàn Quốc hay nhất mà họ từng xem.

– Kinh phí: 30 triệu USD
– Doanh thu phòng vé: 125 triệu USD

5. 베테랑 (Veteran, 2015)

Với thành công lớn trong doanh thu phòng vé, Veteran, với tựa Việt “Chạy đâu cho thoát” của đạo diễn Ryu Seung Wan một lần nữa minh chứng cho việc, thể loại phim hành động hài với những cảnh tượng đánh đấm loạn xạ, súng bắn ì xèo luôn rất khó thất bại nếu biết đầu tư đúng cách và tử tế.

Là cuộc đối đầu giữa cảnh sát “bất chấp” Seo Do Cheol (Hwang Jeong Min đóng) thiếu gia “bệnh hoạn” Jo Tae Oh (Yoo Ah In đóng), Veteran là câu chuyện kể về cuộc chiến vì công lí vượt trên những hiểm ác và bẩn thỉu nơi thế giới tài phiệt làm chủ. Muốn biết thêm về mặt tối ẩn sau sự giàu có, thế phiệt và hào nhoáng của các tập đoàn gia đình trị Hàn Quốc, hãy lựa chọn Veteran để tăng thêm cảm giác về chính nghĩa cho bản thân, đồng thời thưởng thức những “miếng hài” giá trị mà phim mang lại.

– Kinh phí: 5.1 triệu USD
– Doanh thu phòng vé: 92 triệu USD

6. 도둑들 (The Thieves, 2012)

Xuất xưởng và ra mắt vào tháng 7/2012, The Thieves (tựa Việt: “Đội quân siêu trộm”) quy tụ cả dàn ngôi sao đình đám bao gồm: “chị đại” Kim Hye Soo, “mợ chảnh” Jeon Ji Hyun, “quý ông cực phẩm” Lee Jeong Jae, “chàng ngố” Kim Soo Hyun, và cả sự góp mặt của ngôi sao Hồng Kông, Nhậm Đạt Hoa. Chỉ nhiêu đó thôi, nếu The Thieves trên thực tế không trở thành “bom tấn” thì sẽ trở thành nỗi ấm ức lớn đến chừng nào.

Bên cạnh cốt truyện xoay quanh băng đảng “alibaba” chuyên nghiệp với những ngón nghề đỉnh cao, phim còn thêm thắt vào những chi tiết thú vị khác như những nụ hôn nửa ướt át, nửa nồng cháy, lại tinh nghịch giữa các nhân vật chính. Chưa kể, độ “nuột nà”“ngầu lòi” đến từ “chị lớn” Kim Hye Soo và Jeon Ji Hyun vốn dĩ đã bảo chứng cho việc khiến khán giả ở rạp phải nửa há hốc miệng nửa muốn nổ đom đóm mắt.

– Kinh phí: 14.1 triệu USD
– Doanh thu phòng vé: 86.7 triệu USD

7. 7번방의 선물 (Miracle in Cell No. 7, 2013)

Poster của phim điện ảnh Điều Kỳ Diệu ở Phòng Giam Số 7.

Lấy chủ đề tình cảm cha con, Miracle in Cell No.7, hay “Điều kì diệu ở phòng giam số 7”, là một phim điện ảnh khác của Hàn Quốc, vừa thành công trong doanh thu phòng vé vừa thành công trong việc lấy nước mắt khán giả. Phim kể về Lee Yong Goo (Ryu Seung Ryong đóng), người cha thiểu năng, vô tình bị hàm oan, trở thành tử tù và phải rời xa cô con gái Ye Seung (Gal So Won – lúc bé, Park Shin Hye – trưởng thành) mà anh xem như thiên thần của lòng mình.

Dù kết thúc có hậu được mong chờ không phải là điều xảy ra trong phim, song các tình tiết diễn biến xuyên suốt “Điều kì diệu ở phòng giam số 6” làm khơi dậy trong người ta cả “kho tàng cảm xúc” thấm buồn mà đẹp đẽ. Ngoài tình phụ tử thiêng liêng, tình bạn, lòng tốt, sự tế giữa những người xa lạ rơi vào hoàn cảnh trớ trêu chính là nét đẹp nhân văn nổi bật của phim.

– Kinh phí: 4.5 triệu USD
– Doanh thu phòng vé: 80.3 triệu USD

8. 암살 (Assassination, 2015)

Poster của phim điện ảnh Assassination, 2015

Là phim hành động lấy bối cảnh Hàn Quốc thời thuộc Nhật, “Sứ mệnh truy sát” (tựa tiếng Việt của Assassination), có lẽ không gây quá nhiều bất ngờ khi lọt danh sách phim bom tấn, khi tiếp tục là sản phẩm của đạo diễn Choi Dong Hoon, người có tiếng là “hitmaker” của điện ảnh Hàn Quốc.

Sao phải bàn thêm nữa khi kịch bản gây cấn được hô ứng bởi diễn xuất của dàn diễn viên quá đỗi “chất lượng cao”? Đạo diễn Choi Dong Hoon nhấn mạnh, chính Jeon Ji Hyun là lựa chọn hoàn hảo cho vai diễn xạ thủ bắn tỉa Ahn Ok Yoon mà không phải là ai khác. Bên cạnh đó, Lee Jung Jae (đóng cùng Jeon Ji Hyun trong The Thieves) và Ha Jung Woo (đóng cặp với Jeon Ji Hyun trong The Berlin File), cũng là lựa chọn dù đã quá quen mặt nhưng khán giả khó lòng nào “biết chán”.

– Kinh phí: 16 triệu USD
– Doanh thu phòng vé: 90.9 triệu USD

9. 광해, 왕이 된 남자 (Masquerade, 2012)

Poster của phim Masquerade, 2012

Quyền lực là thứ không ít người khao khát, nhưng trở thành lãnh đạo thực thụ lại không phải điều dễ dàng mà ai đó có thể đạt tới chỉ bằng một bước chân. Thông qua nhân vật vua Gwang Hae (광해) có thật trong lịch sử Hàn Quốc, Masquerade (tựa việt: “Hoàng đế giả mạo”) đã tinh tế cài cắm yếu tố chính trị để truyền tải thông điệp, rằng, không phải chỉ “tốt” hay mang trong mình “thiện chí” là có thể làm người đứng đầu một đất nước.

Với vai diễn kép vua Gwang Hae (광해군) tàn bạo và anh hề thường dân Ha Seon (하선), Lee Byung Hun (이병헌) đã kiếm về cho mình khoảng 11 tỉ VND, chưa kể 8 tỉ VND được thưởng thêm sau thành công bất ngờ của phim.

– Kinh phí: 7.8 triệu USD
– Doanh thu phòng vé: 94.3 triệu USD

10. 왕의 남자 (The King and the Clown, 2005)

Poster phim điện ảnh The King and the Clown.

Là bộ phim “cũ” nhất trong top 10, được sản xuất và ra mắt cách đây những 15 năm, The King and the Clown thường được khán giả Việt biết đến với tựa “Chàng hề của nhà vua”, xứng đáng được xem là “làn gió lạ” vào thời điểm phim ra mắt. Bởi, phim “dám” đề cập đến chủ đề nhạy cảm mang tên “đồng tính luyến ái”, vốn là thứ khá “kì quặc” và cực khó chấp nhận trong tư tưởng của phần đông xã hội châu Á nói chung, và đặc biệt là người Hàn Quốc nói riêng vào thời kì đó.

Dù kinh phí sản xuất ít ỏi, và thấp nhất trong top 10, nhưng doanh thu phòng vé đạt gấp hơn 20 lần cho thấy, The King and the Clown của đạo diễn Lee Joon Ik rõ ràng chẳng phải “dạng vừa”.

Điều đáng nói đến từ thông điệp mà phim muốn truyền tải, rằng trong sự tàn bạo (do nhân vật vua Yeon San đại diện) gần như luôn có lí do chính đáng nào đó để nó hình thành. Cũng chính nhờ vai Gong Gil với nét đẹp … mong manh, thanh mảnh, nam diễn viên Lee Joon Ki gây thêm ấn tượng với khán giả, trong đó có không ít các cô gái Việt Nam vốn say mê chàng trai có vẻ đẹp “như hoa”.

– Kinh phí: 3.5 triệu USD
– Doanh thu phòng vé: 74.5 triệu USD

author-avatar

About Eileen

Bằng một cách nào đấy, duyên phận là có thật. Tôi với Hàn Quốc, đơn giản chính là như vậy.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).