D.P. (tựa Việt: Truy Bắt Lính Đào Ngũ) là bộ phim theo chân những quân cảnh truy bắt lính đào ngũ, lột trần những vấn nạn đang tồn tại trong quân đội Hàn Quốc như ma cũ bắt nạt ma mới, quấy rối, bệnh thành tích, đùn đẩy trách nhiệm…

“D.P.” là viết tắt của “Deserter Pursuit”, trong tiếng Hàn là 헌병 군무이탈체포조 – Đội quân truy bắt lính đào ngũ. Đây là bộ phim 6 tập, khởi chiếu trên Netflix từ ngày 27/8/2021.

Bộ phim do đạo diễn Han Jun Hee (phim 차이나타운, 뺑반) thực hiện, dựa trên kịch bản webtoon “D.P Dog day” của nhà văn Kim Bo Tong (김보통), với sự tham gia của các diễn viên Jung Hae In, Koo Kyo Hwan, Kim Sung Kyun…

Hành trình trở thành một lính D.P

Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, phải học đấm bốc để phòng thân với chính người bố hay nát rượu và đánh đập mẹ, cũng không có điều kiện học hành đầy đủ nên chàng thanh niên Ahn Joon Ho (do Jung Hae In thủ vai) luôn chán nản và hoài nghi về tương lai.

Joon Ho lặng lẽ nhập ngũ, thường xuyên bị đàn anh bắt nạt nhưng do có kỹ năng quan sát và tính kiên nhẫn nên được trung sĩ Park Beom Gu (Kim Sung Kyun) tuyển làm D.P.

Joon Ho cùng hạ sĩ Han Ho Yul (Koo Kyo Hwan) trở thành một đội, cải trang giống người bình thường, được để tóc dài, dùng điện thoại di động khi tìm đồng đội bỏ trốn bên ngoài.

Joon Ho và Ho Yeol hoạt động như cảnh sát hình sự, phải đặt mình vào tâm lý của một lính đào ngũ để truy tìm đồng đội: Tại sao bỏ trốn? Sẽ gặp gỡ ai? Trú ẩn ở đâu?

Khác hẳn với Joon Ho trầm tĩnh, Ho Yeol lại có chút “tưng tửng”, ngang tàn, thích làm trò, tạo nên những tiếng cười giúp cân bằng không khí phim.

Mỗi tập phim, mỗi một màn bắt lính đều lật mở những câu chuyện, giúp khán giả hiểu rõ hơn về số phận của các quân nhân trước và sau khi đào ngũ. Có người bỏ trốn vì bị bắt nạt, có người vì ham chơi, có người vì hoàn cảnh gia đình. Những tập đầu mang hơi hướng trinh thám, nhưng càng về sau kịch tính càng được đẩy lên cao, dồn nén rồi vỡ oà vào tập cuối.

Quân ngũ và những ký ức đau thương

Từ sau khi ký kết Hiệp định Đình chiến ngày 27/7/1953, bán đảo Hàn Quốc vẫn trong tình trạng chia rẽ hai miền Nam – Bắc và vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.

Để luôn sẵn sàng cho tình trạng xấu nhất, ngoài liên kết chặt chẽ với các nước đồng minh, Hàn Quốc còn duy trì đội quân thường trực 550.000 người với 2.7 triệu quân dự bị. Hầu như tất cả nam giới Hàn Quốc phải đi nghĩa vụ quân sự với thời gian tới 21 tháng, tùy vào quân chủng.

Đi nghĩa vụ tuy gian khổ, nhưng là để thực hiện nghĩa vụ cao cả với quốc gia và là môi trường để nam giới Hàn Quốc rèn luyện thể chất, cuộc sống ngăn nắp, có tổ chức và kỷ luật.

Trước khi được xếp vào đơn vị, các thanh niên mới nhập ngũ phải trải qua 5 tuần huấn luyện gian khổ. Họ làm quen lối sống kỷ luật từ những điều nhỏ nhất như hô đúng khẩu hiệu, ăn ngủ đúng giờ, gấp chăn phải vuông thành sắc cạnh. Hàng ngày, các tân binh rèn thể lực như đang thực chiến, tập hít khí độc, hành quân từ giữa đêm đến rạng sáng.

Tuy nhiên, tất cả những gian khổ về thể chất trong quá trình tập luyện trên không thấm gì so với việc bị đồng đội bắt nạt.

Dưới danh nghĩa thiết lập kỷ luật quân đội, đàn em phải nghe lời và phục tùng đàn anh bằng mọi giá. Trong phòng có một chỗ đứng dành cho những kẻ chịu phạt, các lính mới bị cấp trên đẩy về phía bức tường, nơi có chiếc đinh dài đợi sẵn.

Các trò bắt nạt lính mới không chỉ dừng ở việc đánh đập, hành xác mà còn là những trò làm tổn thương tinh thần: cấp trên thản nhiên lấy thư của lính mới ra đọc bằng giọng chế giễu “mẹ mày được tăng lương tận 50.000 won cơ đấy, mày là ăn mày hả?”

Cho Suk Bong (Park Soo Chil) vốn là một thầy giáo dạy vẽ hiền lành, hiền đến nỗi các học sinh gọi anh là “thầy Bongdih”, lấy từ tên Mahatma Gandhi, người anh hùng của Ấn Độ. Nhưng chỉ vì sở thích vẽ tranh mà anh bị cả đám người trong quân đội chế giễu, bắt nạt.

Trong ca trực đêm, anh phải tụt quần làm trò “pháo nổ” trước mặt đàn anh để hắn mua vui, giết thời gian; bị cả nhóm người kéo vào hầm tối để đánh đập, lấy bật lửa châm cháy lông mày… Kẻ cầm đầu bắt nạt anh khi xuất ngũ chỉ cười khẩy “Xin lỗi nhé! Hãy quên hết mọi ký ức vui buồn trong đây đi!”.

Không biết bấu víu vào đâu, Suk Bong dần bị trầm cảm, những uất ức bùng nổ thành cơn giận và chuỗi hành vi không kiểm soát. Suk Bong đào ngũ chỉ để muốn nghe một lời xin lỗi từ tên đàn anh xấu tính Hang Soo nhưng vẫn bị hắn cười nhạo, doạ nạt. Tuyệt vọng đến phát điên, phân cảnh anh vừa chạy vừa cười ngây dại ở cầu thang chung cư khiến khán giả nghẹt tim vì lo lắng.

Cuối cùng, thay vì giết Hang Soo, Suk Bong tự hướng súng về phía mình và tự tử trước sự kinh hoàng của tất cả mọi người. Đây là một cảnh chưa từng có tiền lệ trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc và để lại dư âm đầy xót xa, trăn trở.

“Giờ tôi không còn làm thầy Bongdih được nữa rồi nhỉ?” Câu nói cuối cùng của Suk Bong khiến người xem nghẹn ngào trong nước mắt.

Thế nhưng đây cũng chưa phải là cái kết duy nhất của “D.P.”. Trong phần post-credit, anh lính bị gọi là “thằng mập chết tiệt” và cũng là bạn thân của Suk Bong cũng tức nước vỡ bờ, quay ra xả súng liên tiếp vào đám lính đang chế giễu anh trong phòng. Câu nói cuối cùng trước khi kết thúc phim cũng thật ám ảnh: “나라도 뭔가 해야지” – “Tôi cũng phải làm gì đó chứ!”

Đó cũng là một lời cảnh tỉnh cho quân đội Hàn Quốc: Chà đạp lên thể xác, tâm hồn người khác là tội ác; bàng quan, thờ ơ, che giấu cũng là tội ác. Nếu dồn đẩy những nạn nhân đến mức “con giun xéo lắm cũng quằn” thì họ sẽ vùng lên đấu tranh, cho dù phải trả giá bằng mạng sống.

Những sự kiện có thật

Quân đội vốn là bộ mặt, rường cột của một quốc gia nên những mảng xấu, góc khuất rất dễ bị che chắn sau hàng rào thép gai.

Theo số liệu từ năm 2005 đến năm 2010, số lượng binh sĩ Hàn Quốc tự sát đã tăng lên đáng kể: 64 người (năm 2005), 77 người (năm 2006), 80 người (năm 2007), 75 người (năm 2008), 81 người (năm 2009) và 82 người (năm 2010).

Dữ liệu từ năm 2006 đến tháng 6/2011 cho thấy có tổng cộng 552 quân nhân tử vong, trong đó tự sát chiếm 63%.

Theo kết quả điều tra, 89 trường hợp tử vong (25.6%) do không thích nghi được với cuộc sống công vụ, 61 trường hợp (17.5%) do gia đình, 58 trường hợp (16.7%) vì công việc nặng nhọc, 55 trường hợp (15.8%) vì mệt mỏi và bi quan, và 34 trường hợp (9.8%) do bị quấy rối và lạm dụng tình dục.

Theo thống kê trong năm 2020, trong số 55 binh sĩ hy sinh trong quân đội Hàn Quốc, có tới 44 trường hợp do tự sát.

Tuy nhiên, những số liệu trên cũng chỉ là phần nổi của tấm băng chìm, bởi có rất nhiều những nạn nhân khác đã và đang phải im lặng vì nhiều sức ép trong quân đội.

2014 là năm diễn ra nhiều bê bối kinh khủng nhất trong quân đội Hàn Quốc. Có 2 vụ án nghiêm trọng trong quân đội, đến nỗi người dân Hàn Quốc có câu “참으면 윤일병, 못참으면 임병장” (Nếu nín nhịn thì thành binh sĩ Yoon, nếu chống đối thì thành binh nhất Lim).

Ngày 7/4/2014, tân binh Yoon Seung Ju (윤승주, 20 tuổi) thuộc Tiểu đoàn Pháo binh 977 thuộc Sư đoàn Bộ binh 28 bị 4 tiền bối và cán bộ bạo hành tập thể trong nhiều ngày và cuối cùng đã tử mạng do chết não. Trong quá trình điều tra, người ta mới phát hiện ra những sự thực tàn khốc như Yoon Seung Ju đã bị đánh đập mỗi ngày, bị bắt ăn kem đánh răng, thậm chí là bôi thuốc kích thích vào cơ quan sinh dục.

Ngày 21/6/2021, binh nhất Lim Do Bin (임도빈) thuộc Trung đoàn 55 thuộc Sư đoàn bộ binh 22 Goseong, tỉnh Gangwon, khi chỉ còn 3 tháng nữa là xuất ngũ, đã bất ngờ nổ súng giết 5 đồng đội, làm 7 người khác bị thương. Lim Do Bin trốn thoát cùng với một khẩu súng K-2 và 60 viên đạn thật, quân đội Hàn Quốc đã ban bố tình trạng “Cảnh báo chó Jindo”, yêu cầu người dân các khu vực lân cận phải sơ tán để đảm bảo an toàn.

Lim Do Bin bị đồng đội cô lập, bắt nạt chỉ vì anh được thăng từ lính hạng A lên hạng B và họ coi đó là việc không chính đáng. Cũng giống như Suk Bong trong “D.P.”, những uất ức bị dồn nén lâu ngày đã khiếm Lim quẫn trí, nổ súng bắn chết những kẻ ức hiếp mình. Lim đã viết một bức thư tuyệt mệnh, tự bắn vào ngực mình nhưng cuối cùng đã được cứu sống.

Sau đó, Lim bị toà tuyên án tử hình, là tử tù thứ 61 của Hàn Quốc và là tử tù quân đội thứ 4. Những đồng đội đánh đập binh sĩ Yoon đến chết bị kết án tù từ 10 đến 35 năm, những cán bộ bàng quan, thiếu trách nhiệm cũng bị kỉ luật.

Nhưng cho đến nay, ngôn luận Hàn Quốc vẫn luôn cho rằng những bản án trong quân đội không bao giờ thoả đáng.

Năm 2021 cũng lại là năm bê bối của quân đội Hàn Quốc khi đã có hai nữ quân sĩ tự tử sau khi bị quấy rối tình dục. Tuy nhiên, người ta đã thống kê được từ năm 2015 đến tháng 6/2020, trong số 1.700 phiên toà xét xử tội phạm tình dục, chỉ có 175 trường hợp bị xét xử và tuyên án, nhiều thủ phạm tìm cách chuyển từ toà án quân sự sang dân dự để được nhận hình phạt thấp hơn.

Mở đầu phim “D.P.”, đạo diễn có lồng một đoạn phát biểu của tổng thống khi đó (2014) là bà Park Geun Hye, “Kỷ luật quân sự thực sự bắt đầu từ việc xây dựng một doanh trại tôn trọng nhân cách của đồng đội và đảm bảo quyền con người”. Tuy nhiên, khi xem phim, khán giả sẽ nhận ra quân đội chính là mô hình thu nhỏ của xã hội và tồn tại nhiều mâu thuẫn đầy nhức nhối.

Nhiều khán giả nước ngoài xem phim đã ngỡ ngàng: “Không ngờ quân đội Hàn Quốc lại dã mãn đến vậy.”

Cũng có khán giả thán phục: “Ở nước tôi, những phim như thế này sẽ không bao giờ được khởi quay chứ chưa nói là trình chiếu. Dù sao chính phủ Hàn Quốc cũng không sợ ‘vạch áo cho người xem lưng’ mà công khai những thước phim chân thực như phim tài liệu như thế này. Dũng cảm đối diện với hiện thực là một tín hiệu khẳng định ý thức ‘tri giác’, khai mở để hướng tới sự thay đổi tích cực hơn.”

Có lẽ chính sự nhức nhối này đã khơi dậy được mối đồng cảm nơi khán giả trong và ngoài nước khi xem “D.P.”.

Đạo diễn Han Jun Hee cũng chia sẻ, ông đã trăn trở để tìm kể một câu chuyện nhân văn về nguyên do khiến những kẻ đào ngũ vừa là nạn nhân vừa là tội phạm. “D.P. xoay quanh việc truy tìm kẻ đào ngũ nhưng đồng thời cũng là câu chuyện nghịch lý về việc tìm kiếm con trai, anh trai hoặc người yêu bất hạnh của một ai đó.”

“D.P.” – Truy Bắt Lính Đào Ngũ đã ra mắt đủ 6 tập trên Netflix.

Trailer của D.P.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).