Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc, đỉnh điểm là đến ngày 8/4/2021, số ca nhiễm mới đã lên tới 700 ca, sau đó duy trì ở ngưỡng 500 ca mỗi ngày. Đặc biệt, số ca nhiễm mới sau một thời gian tập trung ở Seoul và các địa phương lân cận thủ đô hiện đang lan ra toàn quốc.

Các chuyên gia y tế của Hàn Quốc cho biết, người dân đã quá mệt mỏi với chính sách phòng dịch không nhất quán (lúc thắt chặt, lúc nới lỏng), nhiều người trở nên “vô cảm”, mất ý thức phòng dịch nên ngày càng xuất hiện những ca “siêu lây nhiễm âm thầm” – lây dịch COVID-19 tại các nhóm nhỏ rải rác trên toàn quốc.

Chính phủ Hàn Quốc đang kiểm soát dịch bằng các siết chặt các quy định giãn cách xã hội và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Hàn Quốc nhập vắc xin nào?

Đầu năm 2021, tổng thống Moon Jae In tuyên bố sẽ đảm bảo cho toàn dân được tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ nhập vắc xin của 5 hãng dược lớn trên thế giới là:

  • Công ty AstraZeneca (Anh): 10 triệu liều
  • Công ty Pfizer (Mỹ): 10 triệu liều
  • Công ty Janssen (Bỉ): 6 triệu liều
  • Công ty Moderna (Mỹ): 20 triệu liều
  • Hội đồng cung cấp vắc xin quốc tế (COVAX Facility): 10 triệu liều

Trong quý I năm 2021, Hàn Quốc đã chính thức nhập hai loại vắc xin là AstraZeneca (Anh) và Pfizer (Mỹ). AstraZeneca là vắc xin của hãng dược Anh sản xuất, cũng là vắc xin được cấp phép sử dụng đầu tiên ở Hàn Quốc.

Ưu điểm lớn nhất của vắc xin AstraZeneca là có thể bảo quản và phấn phối lạnh ở nhiệt độ từ 2-8ºC, không cần hệ thống bảo quản riêng. Trong khi đó, vắc xin COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) phải bảo quản ở nhiệt độ -70ºC, dẫn tới khó khăn trong việc bảo quản, phân phối.

Tốc độ tiêm chủng quá chậm?

Hàn Quốc bắt đầu triển khai tiêm phòng vắc xin COVID-19 từ ngày 26/2/2021. Tính đến ngày 6/4/2021 đã có 1.039.066 người tiêm xong mũi một, tương đương 1,99% tổng dân số (52 triệu người). Trong đó, có 887.452 người tiêm vắc-xin của hãng AstraZeneca (Anh), 151.614 người tiêm vắc-xin của hãng Pfizer (Mỹ).

Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) nhấn mạnh cần phải tiêm phòng sớm vắc xin COVID-19 cho người dân, đặt mục tiêu hoàn tất tiêm phòng vắc xin COVID-19 trước thời điểm bùng phát dịch cúm năm 2021. Trong một thông cáo báo chí, chính phủ ghi rằng thời điểm bùng phát dịch cúm trong nước là tháng 11. Có nghĩa là Seoul sẽ phải hoàn tất tiêm phòng vắc xin COVID-19 trước tháng 11/2021.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra: Liệu chính phủ Hàn Quốc có hoàn thành được kế hoạch đã đặt ra với tốc độ tiêm chủng chậm như hiện nay? Một số ý kiến trong dư luận chỉ trích chính phủ đã chậm trễ trong việc nhập vắc xin COVID-19.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun giải thích vào tháng 7/2020, chính phủ khởi động nhóm chuyên trách về đặt mua vắc xin COVID-19, số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc ở ngưỡng 100 ca/ngày, nên chính phủ đã không nghĩ tới việc sẽ phải phụ thuộc lớn vào vắc-xin COVID-19. Điều này cho thấy Chính phủ thừa nhận đã không lường trước được diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh để đối phó tích cực hơn từ sớm.

Do đó, tỷ lệ tiêm chủng hiện nay của Hàn Quốc đang thuộc nhóm thấp nhất trong các nước OECD. Theo dữ liệu tiêm chủng Our world in data, tính đến ngày 7/4/2021, Hàn Quốc xếp thứ 35 sau Colombia ở Nam Mỹ trong số 37 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Chỉ có hai quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng chậm hơn Hàn Quốc là New Zealand và Nhật Bản. Nhìn vào tỷ lệ tiêm chủng trên 100 người, Hàn Quốc hiện là 2.03%. Quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất là Israel, với 61.18%, tiếp theo là Anh với 55.08%, Chile với 37.37% và Hoa Kỳ với 32.89%. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tương tự như Hàn Quốc là Ghana ở châu Phi (1.93%), Peru ở Nam Mỹ (2.75%) và Malaysia (2.56%).

Vắc xin AstraZeneca gây nhiều ý kiến trái chiều

Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai tiêm phòng ngày 26/2/2021, ó tổng cộng 10.698 trường hợp báo cáo có phản ứng bất thường sau khi tiêm, tương đương 1.2% tổng số người tiêm cả hai mũi. Trong đó, 28 trường hợp báo cáo tử vong, hiện vẫn chưa xác định được có liên quan với việc tiêm chủng hay không.

Vào thời điểm mới nhập vắc xin AstraZeneca, Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc kết luận vắc xin AstraZeneca về tổng thể là an toàn nhưng đã loại người trên 65 tuổi khỏi đối tượng tiêm vắc xin này vì tỷ lệ người cao tuổi tham gia thử nghiệm lâm sàng chỉ ở mức 7,4%, chưa đủ để chắc chắn hoàn toàn. Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc cũng yêu cầu AstraZeneca ghi chú nội dung là “Phải quyết định thận trọng khi sử dụng cho người trên 65 tuổi”.

Tuy nhiên, vào ngày 23/3/2021, Hàn Quốc lại quyết định mở rộng tiêm chủng vắc xin cho người trên 65 tuổi ở Hàn Quốc bằng vắc xin AstraZeneca, tiếp đó mở rộng tiêm chủng người trên 75 tuổi bằng vắc xin của hãng dược Pfizer (Mỹ) vào ngày 1/4/2021.

Tổng thống Moon Jae In năm nay 68 tuổi cũng đã tiêm vắc xin AstraZeneca ngày 23/3/2021 để nhấn mạnh vắc xin AstraZeneca hoàn toàn an toàn và hiệu quả, việc tiêm chủng là đảm bảo cho sự an toàn của mỗi người cũng như cả cộng đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 7/4/2021, Hàn Quốc quyết định hoãn tiêm vắc xin AstraZeneca vì có một số trường hợp đông máu sau khi tiêm loại vắc xin này. Tiếp đó, chính phủ nối lại việc tiêm vắc xin AstraZeneca từ ngày 12/4 nhưng loại nhóm dưới 30 tuổi ra khỏi đối tượng tiêm chủng vắc xin này.

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 7/4/2021 nhận định cần tiếp tục tiêm vắc xin của hãng dược AstraZeneca bởi so với rủi ro thì lợi ích mà vắc-xin AstraZeneca mang lại vẫn lớn hơn. Trong khi đó, Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm y tế Anh (MHRA) khuyến nghị tiêm vắc xin khác cho người dưới 30 tuổi không mắc các bệnh lý nền.

Thứ tự ưu tiên tiêm vắc xin

Những đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin trước ở Hàn Quốc bao gồm:

  • Người cao tuổi sống tập trung trong các bệnh viện, trung tâm dưỡng lão
  • Nhân viên làm trong cơ quan y tế, trung tâm điều dưỡng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao
  • Nhân viên tiếp xúc trực tiếp với người dân, phụ trách kiểm tra xét nghiệm COVID-19 ở các trung tâm y tế
  • Người cao tuổi trên 65 tuổi trở lên
  • Nhân viên làm trong các cơ quan y tế khác
  • Người có bệnh nền, bệnh nguy kịch từ 19 đến 64 tuổi
  • Người có bệnh nền, bệnh nặng từ 19 đến 64 tuổi
  • Người có độ tuổi từ 50 đến 64 tuổi
  • Cảnh sát, nhân viên phòng cháy chữa cháy, quân đội
  • Những nhân viên đảm nhiệm các vai trò quan trọng trong xã hội (điện, nước, gas); người sinh sống cùng người cao tuổi, bệnh nhân; người đang sinh hoạt tập thể; người làm việc trong các trung tâm giáo dục, nuôi dưỡng thanh thiếu niên; tù nhân và nhân viên ở các trại giam

Người dân sẽ được tiêm vắc xin như nhau và không được quyền lựa chọn chủng loại vắc xin. Chính phủ sẽ xem xét về tính an toàn, hiệu quả, tác dụng phụ của vắc xin để chỉ định đối tượng tiêm và cơ quan tiến hành tiêm chủng.

Cho tới cuối tháng 3/2021, Hàn Quốc đã tiêm cho đối tượng ưu tiên là người sống và làm việc tại các viện dưỡng lão, đội ngũ nhân viên y tế tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, nhân viên phòng dịch tuyến đầu, người làm việc tại các cơ quan y tế có rủi ro lây nhiễm cao.

Trong tháng 4/2021, Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng. Trong tuần thứ hai của tháng 4, Chính phủ sẽ tiến hành tiêm cho đối tượng sống và làm việc tại các cơ sở người khuyết tật, trại giam; tuần thứ ba của tháng 4 tiêm cho các cơ sở cư trú của người bị bệnh lao, bệnh phong, cơ sở chăm sóc người cao tuổi quy mô nhỏ; tuần thứ tư tiêm cho các cơ sở dành cho người vô gia cư.

Người nước ngoài có được tiêm chủng?

Người nước ngoài cư trú dài hạn (có thẻ cư trú người nước ngoài) và đóng bảo hiểm y tế sẽ được tiêm vắc xin miễn phí. Thứ tự tiêm phòng cho người nước ngoài cũng áp dụng tương tự như thứ tự tiêm phòng cho người dân Hàn Quốc. Trước tiên là đội ngũ nhân viên y tế và người cư trú tại các viện dưỡng lão, tiếp theo là người mắc bệnh lý nền, người cao tuổi.

Nhóm xúc tiến tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Hàn Quốc trong buổi họp báo thường kỳ ngày 16/3 cho biết người nước ngoài cư trú trên ba tháng tại Hàn Quốc sẽ có thể được tiêm phòng vắc xin COVID-19, tiêu chuẩn tương tự như công dân Hàn Quốc.

Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền của người nhập cư và giới học giả nêu ý kiến rằng những người nước ngoài nhập cư trái phép được coi là nhóm đối tượng khó quản lý phòng dịch tiêu biểu. Vì vậy, đến ngày 6/4/2021, chính phủ Hàn Quốc tiếp tục thông báo: Người nước ngoài cư trú bất hợp pháp cũng có thể được tiêm chủng COVID-19 miễn phí.

Một quan chức Bộ Tư pháp cho biết tương tự như việc xét nghiệm, khi tiêm phòng vắc xin COVID-19, người nước ngoài sẽ không bị gặp bất lợi nào, như bị tra cứu hồ sơ có cư trú trái phép hay không, hoặc bị thông báo cho chủ sử dụng lao động.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính tới tháng 2 năm nay, tại Hàn Quốc có 2.011.259 người nước ngoài đang cư trú, trong đó có khoảng 20% (391.858 người) là cư trú bất hợp pháp.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).