1. Biểu tình thắp nến (촛불집회)

Biểu tình thắp nến là hình thức người dân tập chung tại các địa điểm công cộng, cầu nguyện bằng nến để thể hiện nguyện vọng, mong mỏi của đại chúng. Trong lịch sử, người dân Hàn Quốc đã từng tổ chức nhiều cuộc biểu tình thắp nến như: chống buộc tội tổng thống Roh Moo Hyun (tháng 3~4/2004); phản đối nhập khẩu bò điên của Mỹ (tháng 5/2008); yêu cầu điều tra vụ thao túng dư luận của Cục tình báo quốc gia Hàn Quốc (tháng 6/2013).

Nhưng vụ biểu tình thắp nến có quy mô lớn nhất là vụ biểu tình đòi điều tra vụ án liên quan đến nhân vật thao túng quyền lực Choi Soon Sil và yêu cầu Tổng thống Park Geun Hye từ chức. Cuộc biểu tình này đã kéo dài từ tháng 10 năm 2016 đến tháng 5 năm 2017. Trong khoảng thời gian này, cứ mỗi cuối tuần, người dân Hàn Quốc lại tổ chức nến tại quảng trường Gwanghwamun (quận Jongno, thủ đô Seoul) và các địa điểm công cộng khác tại nhiều nơi trên toàn quốc. Trong thời gian này đã có tổng cộng 17 triệu lượt người dân tham gia biểu tình, họ lập thành Liên minh 1.500 tổ chức dân sự mang tên “Hành động khẩn cấp yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức”. Kết quả của cuộc biểu tình này là bà Choi Soon Sil đã bị bắt giam và tuyên án tuyên án hai năm sáu tháng tù giam. Tổng thống Park Geun Hye cũng bị cách chức và đang bị bắt giam để hoàn thành quá trình điều tra.

Biểu tình thắp nến tại quảng trường Gwanghwamun (Seoul)
Người dân cầm biển ngữ “Hãy cách chức Tổng thống Park Geun Hye”

Hình ảnh hàng triệu người dân Hàn Quốc cầu nguyện dưới ánh nến trong đêm đã để lại ấn tượng lớn với các nhà báo nước ngoài. Rất nhiều nhà báo đã khen ngợi ý thức giữ gìn vệ sinh, trật tự và tinh thần đoàn kết của người dân Hàn Quốc và coi đây là biểu tượng của sức mạnh dân chủ thời đại mới, góp phần chống lại trật tự chính trị cũ đã cai trị Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ.

2. Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong bị bắt giam

Ngày 17/2/2017, ông Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung bị bắt giam với nghi ngờ đã chu cấp tài chính cho phía bà Choi Soon-sil để đổi lấy sự hậu thuẫn của Chính phủ trong thương vụ sáp nhập giữa công ty xây dựng Samsung và công ty công nghiệp Cheil, hai công ty thuộc tập đoàn Samsung. Thương vụ sáp nhập này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giúp ông Lee tiếp quản toàn quyền kinh doanh tập đoàn Samsung. Samsung đã hỗ trợ tài chính cho bà Choi dưới nhiều hình thức khác nhau, như thông qua quyên góp tiền cho Quỹ MirQuỹ K-Sports, hay ký hợp đồng tư vấn với công ty riêng của bà Choi Soon-sil.

Đến ngày 25/8/2017, Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đã nhận bản án năm năm tù giam trong phiên tòa xét xử sơ thẩm. Tòa án đánh giá bản chất của vụ án lần này là sự cấu kết, thông đồng chặt chẽ giữa thế lực chính trị và thế lực tư bản. Qua đây, người dân nhận ra rằng hành vi thông đồng giữa Tổng thống với các tập đoàn quy mô lớn không chỉ tồn tại trong quá khứ mà vẫn còn tiếp diễn trong xã hội ngày nay, khiến việc khôi phục lòng tin của người dân sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong trên đường về trại giam

Lee Jae-yong (48 tuổi) còn được biết đến với cái tên Jay Y Lee. Kể từ khi cha ông bị đau tim vào năm 2014, Lee Jae-yong, được coi là ông chủ của Samsung. Lee Jae-yong đã được Tạp chí Forbes xếp hạng người quyền lực thứ 40 thế giới và là người quyền lực nhất Hàn Quốc với tài sản ước tính trị giá 6 tỷ đô la Mỹ.

Trong lịch sử gần 80 năm của Samsung từ khi thành lập vào năm 1938 tới nay, tập đoàn này từng nhiều lần bị Viện Kiểm sát điều tra, nhưng đây là lần đầu tiên người đứng đầu tập đoàn bị bắt giam. Bản án là một đòn đau vô cùng bất lợi cho hình ảnh của Samsung với vai trò là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới. Mặc dù tập đoàn vẫn đang hoạt động bình thường trong thời gian thiếu vắng người lãnh đạo cao nhất, tất cả các hoạt động về đầu tư, nghiên cứu và phát triển, mua bán và sáp nhập (M&A) đang bị chững lại.

3. Tổng thống Park Geun-hye bị cách chức và bắt giam

Vào ngày 10/3/2017, toàn bộ Tám thẩm phán của Toà án đã đồng loạt nhất trí thông qua quyết định luận tội Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Tội lớn nhất của bà Park là che giấu việc để bà Choi Soon-sil thâu tóm quyền điều hành quốc gia. Bên cạnh đó, cựu Tổng thống Park cũng đã từ chối hợp tác điều tra với Viện kiểm sát và Nhóm Công tố viên đặc biệt điều tra vụ bê bối Choi Soon-sil, khước từ để Công tố viên đặc biệt lục soát Phủ tổng thống.

Cựu Tổng thống Park Geun Hye đang trải qua những ngày lạnh lẽo trong trại giam

Phiên toà luận tội cựu Tổng thống Park là phiên tòa xét xử luận tội Tổng thống thứ hai trong lịch sử Hàn Quốc, sau phiên tòa xét xử cố Tổng thống Roh Moo-hyun vào năm 2004. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Tòa án thông qua bản đề nghị luận tội Tổng thống đương nhiệm của Quốc hội. Tính đến thời điểm hiện tại tháng 2/2018, bà Park vẫn đang bị bắt giam. Bà thường xuyên từ chối trình diện tại toà, viện cớ lý do sức khoẻ hoặc chuẩn bị cho việc biện hộ để vắng mặt nên công tác điều tra và luận tội liên tục bị kéo dài.

4. Trục vớt tàu Sewol

Vào ngày 23/3/2017, tàu khách Sewol đã bắt đầu được kéo lên khỏi mặt biển sau ba năm chìm sâu dưới đáy. Tàu Sewol là một tàu chở khách có trọng tải 6.825 tấn, gặp nạn vào ngày 16/4/2014 khi đang trên đường đi từ Incheon tới đảo Jeju. Vào ngày hôm đó, khi đi tới vùng biển huyện Jindo, tỉnh Nam Jeolla, tàu bị mất cân bằng, bị lật và rồi chìm hoàn toàn. Trong tổng số 476 hành khách có 172 người còn lại đã được cứu hộ thành công trong ngày xảy ra tai nạn, 295 người đã bị thiệt mạng, và 9 người vẫn còn mất tích. Phần lớn nạn nhân mất tích là giáo viên và học sinh trường trung học phổ thông Danwon, thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi, vốn đang trong chuyến du lịch ngoại khóa tới đảo Jeju. Sau khi trục vớt, người ta tìm kiếm thêm được 4 thi thể trong tàu Sewol và gia đình của 5 nạn nhân cuối cùng đã đồng ý dừng công tác tìm kiếm vào ngày 11/11/2017.

Tàu Sewol được trục vớt

Vụ chìm tàu gây ra thiệt hại lớn về người là bởi thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đã không đưa ra các biện pháp cứu hộ thích hợp vào đúng thời điểm xảy ra tai nạn, thậm chí còn bỏ chạy, để mặc hành khách. Theo kết quả điều tra của Viện Kiểm sát, nguyên nhân dẫn tới thảm họa này là do việc cải tạo thân tàu quá mức và chở quá tải, cố định hàng hóa không chặt, cộng thêm sai sót khi lái tàu. Vụ tai nạn này cũng là một trong những căn cứ luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye mà Quốc hội trình lên Tòa án Hiến pháp. Quốc hội quy kết bà Park đã không ra chỉ thị đối phó một cách hiệu quả, bị nghi ngờ đã vắng mặt trong vòng bảy tiếng đồng hồ khi xảy ra tai nạn.

5. Tổng thống Moon Jae-in đắc cử

Vào ngày 10/05/2017, ứng cử viên Moon Jae-in của Đảng Dân chủ đồng hành thuộc phe đối lập đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc lần thứ XIX. Như vậy là trong đợt bầu cử Tổng thống lần này, ông Moon Jae-in đã đắc cử thành công sau khi thất bại trước bà Park Geun-hye trong đợt bầu cử Tổng thống lần thứ XVIII diễn ra vào năm 2012. Sau khi bà Park bị bãi nhiễm vào ngày 10/3, Hàn Quốc đã gấp rút chọn người kế nhiệm trong vòng 60 ngày và cuộc bầu cử lần này có tới 5 ứng cử viên tranh cử. Đây cũng là cuộc tranh cử chiếm được nhiều sự quan tâm của người dân Hàn Quốc nhất, cuộc bầu cử có tỉ lệ bỏ phiếu cao nhất và các ứng cử viên phải tranh luận trên truyền hình trực tiếp nhiều nhất (tổng cộng 6 lần).

Tổng thống Moon Jae-in và Phu nhân

Chiến thắng của ông Moon Jae-in được phân tích là bởi người dân Hàn Quốc đang bức xúc cao độ về bộ máy chính quyền cũ trong quá trình luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye, khát khao thay đổi chính quyền mạnh mẽ. Trong cuộc khảo sát đầu năm 2018 của đài KBS, có 76% số người tham gia trả lời khảo sát cho rằng ông Moon Jae-in đang làm tốt nhiệm vụ của một Tổng thống.

6. Trứng và băng vệ sinh làm điêu đứng thị trường tiêu dùng Hàn Quốc

Vào ngày 14/08/2017, Bộ Nông lâm, công nghiệp chăn nuôi và lương thực Hàn Quốc công bố đã phát hiện ra chất diệt côn trùng “fipronil” khi tiến hành kiểm tra một trang trại nuôi gà trứng quy mô 80.000 con ở thành phố Namyangju (tỉnh Gyeonggi). Tiếp đó, nhiều nông trại nuôi gà khác cũng phát hiện trứng không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, một vấn đề lớn là phần lớn trứng gà bị phát hiện vượt quá thành phần chất diệt côn trùng đều là từ các trang trại được chứng nhận thân thiện môi trường. Người nông dân có xu hướng tăng lượng chất diệt côn trùng để trừ các loại ve rận phát sinh trong mùa hè, dẫn đến vượt quá liều lượng cho phép. Vụ việc đã khiến nhiều nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, những đơn vị tiêu thụ nhiều trứng gà, rơi vào hỗn loạn.

Hàng chục ngàn quả trứng bị tiêu huỷ vì nhiễm chất diệt côn trùng

Cũng trong tháng 8/2017, băng vệ sinh được bày bán trên thị trường Hàn Quốc cũng bị phát hiện chứa hợp chất gây rối loạn nội tiết tố nữ. Hơn 3.000 phụ nữ Hàn Quốc đã khiếu nại sau khi gặp tác dụng phụ do sử dụng sản phẩm băng vệ sinh Lilian và công ty này ngay sau đó phải thu hồi toàn bộ sản phẩm, hoàn tiền cho người tiêu dùng. Trong năm 2016, thị trường Hàn Quốc cũng đã điêu đứng bởi chất diệt khuẩn sử dụng trong máy tạo ẩm đã khiến gần 140 thiệt mạng vì mắc các bệnh về đường hô hấp, xơ cứng phổi.

7. Động đất ở thành phố Pohang, hoãn lịch thi Đại học 1 tuần

Vào ngày 17/11 đã xảy ra động đất mạnh 5,4 độ richter xảy ra vào chiều hôm 15/11 tại thành phố Pohang (tỉnh Bắc Gyeongsang). Trận động đất đã gây ra tình trạng rung lắc ở khắp khu vực thành phố Pohang, khiến nhiều đồ đạc của người dân bị rơi vỡ. Người dân sống ở một số chung cư đã sơ tán khẩn cấp ra ngoài. Cục khí tượng và thủy văn Hàn Quốc phân tích rằng trận động đất lần này có nhiều điểm tương đồng với trận động đất Gyeongju năm 2016, và nguồn cơn của trận động đất Gyeongju là chịu ảnh hưởng từ động đất xảy ra ở Đông Nhật Bản.

Động đất xảy ra ở Pohang

Chính phủ đã tuyên bố Pohang là “Khu vực thảm họa đặc biệt” và trợ cấp 4 tỷ won (3,6 triệu USD) để giúp giúp chính quyền thành phố khắc phục thiệt hại động đất. Cũng sau trận động đất này, Hàn Quốc đã phát hiện ra nhiều sơ hở khi những toà nhà chưa được thiết kế có cấu trúc chống động đất, thiếu các địa điểm cư trú tạm thời cho người dân trong những tình huống khẩn cấp.

Cũng do trận động đất này mà Bộ giáo dục Hàn Quốc đã hoãn kỳ thi tuyển sinh đại học dự diễn diễn ra vào ngày 16/11, dời lại vào ngày 23/11, tức một tuần sau đó nhằm tạo điều kiện công bằng cho các thí sinh ở khu vực Pohang.

8. Nhân viên hai đài MBC và KBS đình công, đòi sa thải giám đốc.

Từ đầu tháng 9 năm 2017, các nhân viên của hai đài truyền hình lớn đã bắt đầu cuộc đình công quy mô lớn nhằm yêu cầu sa thải chủ tịch Go Dae Young của đài KBS và chủ tịch Kim Jang Gyum của đài MBC.

Lý do đình công là hai chủ tịch này đã dùng quyền hạn của mình cố ý ngăn chặn các nhân viên thành lập tổ chức công đoàn, can thiệp vào quá trình làm việc và tạo nên một môi trường làm việc thù địch. Ngoài ra, ban lãnh đạo hai đài còn can thiệp vào tin tức các bài báo có lợi cho cựu Tổng thống Park Geun -hye và không tăng lương cho nhân viên trong một thời gian dài.

Nhân viên đài KBS đình công và biểu tình

Cuộc đấu tranh giữa quan chức hai đài với đội ngũ nhân viên đã kéo dài dai dẳng từ tháng 9 cho tới tận tháng 12. Các nhân viên của đài MBC may mắn hơn vì họ đã dành chiến thắng sau 72 ngày đình công. Vào ngày 13/11, Tòa án Tối cao Seoul đã ra lệnh bắt giữ ông Kim Jang Gyum, Chủ tịch đương nhiệm của đài MBC. Trong khi đó, các nhân viên của đài KBS đã phải chiến đấu trong 141 ngày mới nhận được quyết định cách chức chủ tịch Go Dae Young vào ngày 23/1/2018. Bên cạnh việc phải làm việc trong bầu không khí thiếu dân chủ, tự do, đài KBS vốn là đài quốc gia nhưng mức lương mà các nhận được kém xa so với nhân viên các đài còn lại.

9. Trung Quốc trả đũa sau quyết định triển khai THAAD

Vào tháng 9/2017, Hàn Quốc và Mỹ chính thức thống nhất triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) ở huyện Seongju (tỉnh Bắc Gyeongsang). Trong bối cảnh Bắc Hàn đang có dấu hiệu tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thì hệ thống tên lửa đánh chặn của THAAD sẽ là tấm màn, giúp Hàn Quốc đánh chặn được tên lửa của Bắc Hàn trong mọi tình huống.

Các sản phẩm của Lotte bị đem ra nghiền nát ngay trước cửa hàng

Trung Quốc là nước kịch liệt phản đối quyết định này bởi nước ngày e ngại Radar của hệ thống THAAD có thể “xoi mói” các hoạt động quân sự từ sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Bởi thế Trung Quốc đã phát động phong trào “tẩy chay” hàng hóa của Hàn Quốc, đặc biệt là các sản phẩm và dịch vụ của tập đoàn Lotte, nhằm trả đũa vụ tập đoàn này giao khu đất cho quân đội để triển khai THAAD. Ngoài việc tẩy chay tập đoàn Lotte, Trung Quốc còn cấm bán tour du lịch sang Hàn Quốc, hay hủy các sự kiện văn hóa, biểu diễn liên quan tới Hàn Quốc. Vào cuối năm 2017, Lotte đã phải chọn Goldman Sachs để nhờ đơn vị này quản lý việc bán các cơ sở bị tẩy chay và cấm đoán tại Trung Quốc.

10. Tiền lương tối thiểu và tiền ảo Bitcoin

Trong năm 2017, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định mức lương tối thiểu năm 2018 là 7.530 won/giờ (tương đương 6,68 USD/giờ), tăng 1.060 won Đây là lần đầu tiên tỷ lệ tăng lương tối thiểu đạt ở mức hai con số, tăng gấp đôi so với mức tăng bình quân chung là 7,4% trong vòng năm năm qua. Mức lương tối thiểu theo tháng (xét theo số giờ làm việc là 40 tiếng/tuần) là 1.573.770 won, cao hơn mức lương năm 2016 là 220.000 won (195,1 USD). Mức lương này đã phần nào phản ánh nỗ lực thực hiện các cam kết tranh củ của Tổng thống Moon Jae-in. Ông Moon từng cam kết sẽ tăng lương tối thiểu lên 10.000 won/giờ cho tới năm 2020. Khi đó, lương tối thiểu theo tháng sẽ đạt 2.090.000 won, gần bằng mức sinh hoạt phí tiêu chuẩn trên đầu người.

Mỗi khi lương tối thiểu tăng thì người lao động luôn là những người vui mừng, nhưng những hộ gia đình, tiểu thương, cửa hàng nhỏ, doanh nghiệp nhỏ lại bị “shock” với mức lương tối thiểu năm 2018 bởi chi phí trả lương cho nhân công chiếm một phần lớn trong tổng chi phí hoạt động của những cơ sở này.

Theo các nhà phân tích kinh tế thì nếu chính phủ không kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ thì sẽ dẫn tới các hậu quả như: chi phí, giá cả sinh hoạt tăng; chủ lao động cắt giờ làm thêm hoặc tiền thưởng khiến số tiền thực sự mà người lao động được nhận không đáng là bao.

Trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, tiền ảo Bitcoin đã trở thành cơn sốt ở Hàn Quốc. Đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên là Bitcoin do lập trình viên Satoshi Nakamoto tạo ra năm 2008 dựa trên công nghệ “blockchain” (chuỗi khối). Cứ sau 10 phút, một lượng Bitcoin nhất định sẽ được sinh ra khi một câu đố toán học của lập trình viên được giải. Quá trình này còn được gọi là “đào” tiền. Số tiền ảo thu được trong quá trình “đào” có thể được giao dịch mà không cần thông qua ngân hàng hay thẻ tín dụng. Do đó, người dùng có thể sử dụng tiền ảo để mua hàng hóa hay thanh toán dịch vụ. Lợi ích của phương thức này là giao dịch đơn giản và không mất phí.

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong nước, giới trẻ Hàn Quốc tìm thấy ở tiền ảo hy vọng làm giàu. Thậm chí có nhiều sinh viên mang laptop tới lớp học để theo dõi các khoản đầu tư của mình và thực diện giao dịch kể cả khi giáo sư đang giảng bài ngay trước mặt. Những lo ngại về an ninh và trộm cắp tiền ảo cũng ngày càng lớn hơn. Theo như một chuyên gia kinh tế nhận xét, tiền ảo thực chất là một mô hình đa cấp vì các nhà đầu tư đều hy vọng những người mua sau trả giá cao hơn. Vào ngày 19/12, sàn giao dịch tiền ảo Youbit của Hàn Quốc đã phải tuyên bố đóng cửa sau khi bị tin tặc đánh cắp 17% giá trị tài sản.

Máy rút tiền ảo Bitcoin đầu tiên đặt tại Myeongdong (Seoul)

Chính phủ Hàn Quốc đã công bố các biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch trong giao dịch các loại tiền điện tử. Bắt đầu từ ngày 30/1, những nhà đầu tư tiền ảo tại Hàn Quốc có nghĩa vụ phải thực hiện xác minh tên thật khi giao dịch tiền ảo. Dịch vụ chuyển, rút tiền xác minh tên thật là một dịch vụ chỉ cho phép chuyển, rút tiền giữa tài khoản của người giao dịch đã xác minh danh tính bản thân và tài khoản cùng ngân hàng của đơn vị kinh doanh tiền ảo. Người nước ngoài và người dưới tuổi vị thành niên sẽ không thể sử dụng tài khoản chuyển, rút tiền xác minh tên thật. Sau khi hoàn tất khâu xác minh tên thật nghiêm ngặt như vậy, người sử dụng sẽ có thể thực hiện giao dịch tiền ảo mới.

XEM THÊM: 10 sự kiện nổi bật trong năm 2016 ở Hàn Quốc

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).