Ngày 8 tháng 10 năm 1895, hoàng hậu Minh Thành (명성황후) của vua Cao Tông (조선 고종, còn gọi là Triều Tiên Cao Tông, vị vua cuối cùng của triều đại Joseon và là hoàng đế đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc), lúc này vẫn còn gọi là Vương phi Mẫn thị, đã bị sát hại bởi thích khách Nhật ngay tại Cảnh Phúc Cung (경북궁).

Tương truyền, hoàng hậu Minh Thành vốn là người trí tuệ, ngoại giao khéo léo và rất quyết liệt trong việc chủ trương thân Nga nhằm thể hiện ý chí chống lại đế quốc Nhật.

Minh Thành Hoàng Hậu

Nhận thấy Minh Thành Hoàng Hậu là một vật cản lớn cho mưu đồ xâm chiếm toàn bộ bán đảo Hàn lúc bấy giờ, phía Nhật đã cho người sát hại bà nhằm trừ mối hậu hoạ.

Chứng kiến vợ mình bị hại ngay tại cung điện của vương thất, nơi vốn dĩ phải là chốn an toàn nhất, vua Cao Tông gần như mất ăn mất ngủ. Là người đứng đầu đất nước, nhưng tính mạng bản thân hiện tại còn khó bảo toàn trước bọn ngoại xâm, áp lực lại chồng thêm áp lực khi ở ngoài vẫn còn nhiều mầm mống tai hoạ ôm mộng đảo chính.

Nhờ mối quan hệ thân thiết đã xây dựng từ trước, phía nước Nga đã đồng ý giúp đỡ và ngỏ ý mời quốc vương và thế tử đến lánh nạn tại Công sứ quán Nga tại Seoul. Vua Cao Tông đã tạm lánh và điều hành đất nước tại đây trong khoảng thời gian hơn một năm. Thời kì này được gọi là Nga Quán Bá Thiên (아관파천), nghĩa là quốc vương chạy nạn, dời đến công sứ quán Nga.

Công sứ quán Nga – nơi vua Cao Tông đến trú ẩn

Trong thời gian ở tại công sứ quán Nga, vua Cao Tông đã nỗ lực hết mình để đất nước thoát khỏi sự ảnh hưởng của đế quốc Nhật thời kì đó. Tuy nhiên, những bước đi của vương tộc trong thời kì này lại bất đắc dĩ trao cho Nga một sự ảnh hưởng lớn, dẫn đến việc Nga nổi lên như một đối thủ mạnh của Nhật. Tuy vậy, tham vọng của cả hai bên Nga, Nhật đều chỉ xoay quanh một điều duy nhất, cướp lấy Triều Tiên.

Đứng giữa thế tứ bề là địch, cộng thêm lời thỉnh cầu hồi cung từ phía bách tánh và Độc Lập Hiệp hội, vua Cao Tông quyết định rời khỏi công sứ quán Nga và trở về cung. Tuy nhiên, lần này, ông không quay lại Cảnh Phúc Cung (경북궁) mà chọn Cung Khánh Vận (경운궁 – ngày nay gọi là Đức Thọ Cung 덕수궁).

Chính vua Cao Tông đã đưa ra lí do cho quyết định dời cung này, ông nói “Gần cung này có công sứ quán của các nước Nga, Mĩ, Pháp. Vì vậy, Nhật có muốn thì cũng sẽ không làm gì được ta”.

Hiểu rõ mưu đồ xâm lược, nắm giữ quyền chi phối kinh tế Triều Tiên của tất cả các đế quốc Mĩ, Đức, Pháp, Nhật vua Cao Tông cũng không nhượng bộ. Sau khi hồi cung không lâu, Cao Tông tự xưng là Hoàng đế, chính thức thành lập Đại Hàn Đế Quốc, đặt niên hiệu là Quang Vũ.

Điều này thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và quyết tâm thoát li khỏi sự ảnh hưởng của Hoàng triều Trung Hoa (vốn từ trước Triều Tiên chỉ được xem như một nước chư hầu, chỉ được xưng vương, phục sức cũng chỉ được dùng màu đỏ).

Quang Vũ Hoàng Đế (vua Cao Tông) sau khi xưng đế, thành lập Đại Hàn Đế Quốc

Sau khi trở thành Hoàng đế, Cao Tông quyết định thi hành cải tổ lề lối cũ, từ từ thực hiện những cải cách mới, được gọi là Quang Vũ Duy Tân.

Ông định ra luật pháp, xây dựng quân đội, cố gắng thu vào toàn bộ quyền hành cai quản vốn đã bị chia năm xẻ bảy trên cả nước. Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản, xây dựng đường sắt, hoạch định tài chính cũng được nhà vua đặc biệt chú trọng trong chính sách cải cách.

Tuy nhiên chính sách cải cách của hoàng đế lại không đạt được thành công như kì vọng. Sự can thiệp ngày càng lớn từ các nước đế quốc khác vào nội bộ Triều Tiên cũng là một phần lí do thất bại. Nguyên nhân chính vẫn là do nỗ lực cải cách, thay đổi vẫn chỉ đơn độc từ phía hoàng đế, lòng dân không hăng hái ủng hộ theo.

Ảnh hoàng đế cắt tóc, vận trang phục nhà binh theo kiểu Tây Âu sau cải cách

Bách tính Triều Tiên lúc này cho rằng, cải cách là một nước đi tốt nhưng nếu chỉ mình nhà vua thực hiện thì không hay.

Với tình thế hiện tại, các đại diện của người dân cả nước phải được tham dự vào chính sự, cùng thảo luận đối sách, ấy mới có hiệu quả. Sở dĩ có suy nghĩ này, là vì người dân trước đây đã từng được có những lần dùng tiếng nói của mình thông qua những tổ chức như Vạn Dân Cộng Đồng Hội mà thay đổi vận mệnh đất nước.

Quân chủ đã có chí giành độc lập nhưng lòng dân chưa theo khiến cho mọi nỗ lực bị lãng phí. Phía Nhật Bản ngày càng tỏ rõ mưu đồ muốn xâm lược và giành quyền kiểm soát hoàn toàn Triều Tiên, sẵn sàng đối đầu với Mĩ, Anh… Chúng một tay che trời, ép cả hoàng đế là Cao Tông thoái vị, đưa con trai ông là Thái tử Lý Chước lên làm hoàng đế bù nhìn.

Ảnh kỉ niệm phong trào độc lập Tam Nhất Tiết tại Hàn Quốc ngày nay

Cuối cùng, vị vua khai lập Đại Hàn Đế Quốc băng hà trong lúc bị giam lỏng ở tuổi 66. Tuy mọi nỗ lực kêu gọi lòng dân lúc sinh thời không được hiệu quả nhưng khi ông nhắm mắt xuôi tay thì lại là cú hích tinh thần cho người dân dứt khoát đấu tranh.

Đó chính là phong trào 삼일절, tức Tam Nhật Tiết, diễn ra vào ngày 01/03/1919, khi những người Hàn đầu tiên đứng lên đòi độc lập ở Seoul đã châm ngòi cho biểu tình trên cả nước cũng như xúc tiến cho quá trình thành lập Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc (13/04/1919).

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).