Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc vừa gửi báo cáo cho Bộ LĐ-TB&XH về việc lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc quyết định kết thúc quá trình tìm kiếm các thuyền viên mất tích trong vụ cháy tàu cá Hải Dương mang số hiệu 307 xảy ra trên vùng biển thuộc đảo Jeju, Hàn Quốc ngày 4/3, khiến 6 thuyền viên của Việt Nam và Hàn Quốc mất tích.

Theo thông tin từ Cảnh sát biển Hàn Quốc, từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn ngày 4/3 đến 18h ngày 9/3, lực lượng này đã huy động tổng cộng 234 lượt tàu, thuyền và 45 máy bay tìm kiếm cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không phát hiện người mất tích cũng như các vật dụng liên quan trôi nổi trên biển.

Ngoài ra, cảnh sát biển Hàn Quốc cũng đã sử dụng thiết bị tìm kiếm dưới nước không người lái (ROV), tuy nhiên, do cửa phòng ngủ trên tàu nhỏ nên ROV đã không thể tiến vào trong được.

Từ những yếu tố nếu trên, Cảnh sát biển Hàn Quốc đã quyết định kết thúc việc tập trung tìm kiếm và chuyển sang tuần tra kết hợp tìm kiếm kể từ 18h ngày 9/3.

Ban Quản lý lao động tại Hàn Quốc đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp có thuyền viên mất tích thông tin để gia đình người lao động được biết.

Đối với lao động thuyền viên, khi đi làm việc tại Hàn Quốc thường được đóng các bảo hiểm liên quan. Trường hợp tử vong, mức hỗ trợ sẽ khoảng 30-40 nghìn USD. Trong trường hợp lao động mất tích, theo quy định của phía Hàn, sau 2 năm không tìm thấy thi thể sẽ được tuyên bố tử vong.

Như tin đã đưa, vụ cháy xảy ra lúc 3h18 ngày 4/3 (giờ địa phương) ở khu vực cách đảo Udo khoảng 70km về phía Đông Nam, khiến cho 6 thuyền viên mất tích, trong đó 5 người là công dân Việt Nam.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán đã chủ động liên hệ với cảnh sát biển khu vực Seogwipo, Jeju để tìm hiểu thông tin. Cảnh sát biển Hàn Quốc đã tích cực triển khai công tác cứu hộ cứu nạn và điều tra nguyên nhân vụ việc.

Thủ tướng Hàn Quốc Chong Se Kyun (정세균) đã chỉ đạo các cơ quan liên quan huy động mọi nguồn lực cho công tác tìm kiếm và cứu hộ nạn nhân mất tích. Đại sứ quán cũng đã làm việc với cơ quan phái cử lao động để cập nhật tình hình và thông báo cho gia đình các nạn nhân.

Số phận lênh đênh của những thuyền viên bạc mệnh

Thuyền viên họ Phạm mang quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1995. Trước khi đến Hàn Quốc, anh có ba năm làm ngư dân tại Việt Nam. Với số tiền lương ít ỏi (trung bình hàng tháng được khoảng 3 triệu VND), anh quyết định đến Hàn Quốc và làm việc trên một chiếc thuyền đánh cá vào tháng 7/2018. Khi ấy anh mới 23 tuổi.

Nhà tuyển dụng đã thuê anh từng nói: “Khi bạn làm việc ở đây (Hàn Quốc), mức lương tối thiểu là 1.88 triệu KRW và gấp 10 lần số tiền bạn kiếm được ở Việt Nam. Đó là một môi trường rất tốt để kiếm tiền”.

Nhưng dường như giấc mơ kiếm được nhiều tiền và trở về nhà đã không thể thành hiện thực. Anh đã mất tích trong vụ cháy thuyền cùng với những thành viên khác trong đoàn.

Gia đình vẫn từng ngày, từng giờ ngóng chờ tin tức người thân mất tích

Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, đáng buồn thay, lại trùng với những ngày đại dịch Corona hoành hành khắp nơi. Các lệnh cấm, lệnh hạn chế xuất nhập cảnh cứ tăng lên theo từng ngày.

Với địa điểm các thuyền viên gặp nạn là đảo Jeju, tất cả các chuyến bay thẳng giữa Hàn Quốc và Việt Nam đều bị hạn chế. Rất khó cho các gia đình Việt Nam có thể tiếp cận. Cho dù là đường bay thẳng hay qua một nước thứ ba vì lệnh cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc.

Về phía chính quyền đảo Jeju cho biết: “Chúng tôi sẽ giữ an toàn cho hài cốt của các thủy thủ mất tích nếu tìm được để có thể bàn giao đến gia đình của họ theo đúng quy định, thủ tục giữa hai quốc gia”.

Tổng hợpt từ pressianKBS

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).