Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport Systems – ITS) không phải là điều gì quá mới mẻ.

Ý tưởng về hệ thống này đã được khởi xướng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước tại Mỹ và các nước Châu Âu. Đến nay, mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Hệ thống giao thông thông minh là công nghệ được sử dụng để giải quyết các vấn đề của giao thông đường bộ, trong đó bao gồm việc xử lý tai nạn và ùn tắc giao thông. Về cơ bản, ITS sẽ sử dụng kết nối thông tin giữa hệ thống giao thông, phương tiện đang di chuyển và con người nhằm hình thành một mạng lưới, qua đó tối ưu việc vận hành và tham gia vào quá trình điều tiết giao thông.

Tại các nước châu Á, Hàn Quốc chính là quốc gia đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ nhằm phát triển Hệ thống giao thông thông minh. Seoul (Hàn Quốc) được nhận định là thành phố có hệ thống giao thông thông minh tốt nhất thế giới.

Tại Seoul, chính phủ thiết lập một hệ thống vận hành giao thông có tên TOPIS. Khi truy nhập vào hệ thống này, người dân sẽ được cung cấp các thông tin liên quan đến tình trạng giao thông. Với những người đang chờ xe bus, thông tin này bao gồm cả vị trí cụ thể của chuyến xe đang tới, thời gian dự kiến sẽ tới bến và lượng ghế còn trống trên xe là bao nhiêu.

Tuy nhiên, có một bài toán nan giải mà ngay cả Hệ thống giao thông thông minh cũng chưa xử lý được ở Hàn Quốc là vấn đề tắc nghẽn giao thông, đặc biệt là trong giờ cao điểm và ngày lễ. Các ứng dụng GPS dường như không đáp ứng được, trước sự thay đổi nhanh chóng tình hình giao thông trên các tuyến đường ở Hàn Quốc.

Để giải quyết tình trạng này, các nhà nghiên cứu của Đại học Khoa học công nghệ Hàn Quốc đã phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán chính xác tình hình giao thông tại các tuyến đường.

Hệ thống trí tuệ nhân tạo này có thể đoán trước 15 phút hiện tượng ách tắc trên bất kì con đường nào của nước này. Không chỉ thế, nó còn truyền thông tin với cho các phương tiện để giúp người lái thay đổi lộ trình, tìm con đường nhanh nhất.

Hiện việc sử dụng trí thông minh nhân tạo để theo dõi tình trạng giao thông đang được thí điểm tại thành phố Ulsan và sẽ sớm được áp dụng tại nhiều thành phố khác trong năm 2020.

Cũng nằm trong ứng dụng của AI vào cuộc sống, từ tháng 7/2020 Hàn Quốc sẽ thử nghiệm lắp đặt AI camera để theo dõi các hành vi tội phạm nhằm tăng cường đảm bảo an ninh xã hội.

XEM THÊM:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).