Kinh nghiệm xin visa du lịch tự túc Hàn Quốc là loạt bài do chính các thành viên của TTHQ chia sẻ, những người đã nhận thông tin hướng dẫn từ TTHQ Group để tự xin visa, sau đó chia sẻ lại kinh nghiệm của mình với các thành viên khác. TTHQ trân trọng cảm ơn những đóng góp của các anh chị và các bạn trong group của TTHQ, đặc biệt là các tác giả của các bài viết kinh nghiệm như dưới đây.

Bài viết của bạn Skill N Spirit.

Trong phần trước mình đã hướng dẫn các bạn tự xin visa du lịch Hàn Quốc để tiết kiệm tiền. Phần này, mời các bạn tham khảo các thông tin chuẩn bị trước khi đi du lịch.

1. Bảo hiểm du lịch:

Mình đề cập đến chuyện này đầu tiên vì bảo hiểm du lịch là thứ rất cần thiết khi đi du lịch nước ngoài. Không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra và có bảo hiểm cũng giúp mình cảm thấy yên tâm hơn vì nếu có gặp phải chuyện khó khăn ở xứ lạ mà lại không có người thân quen ở đấy thì bảo hiểm du lịch sẽ là chỗ dựa của mình trong lúc ấy.

Có khá nhiều hãng bảo hiểm cung cấp gói bảo hiểm du lịch nên các bạn có thể lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu, mình thì chọn một công ty bảo hiểm của Mỹ có gói cao nhất hết khoảng hơn 400.000VND với chi phí bồi thường lên đến 3 tỷ VND. Bảo hiểm du lịch cũng không quá đắt (chỉ từ hơn 200~400.000VND) mà lợi lích đem lại là khá nhiều, nhất là khi các chi phí y tế ở nước ngoài là khá đắt đỏ, nên các bạn hãy cân nhắc dùng nó cho chuyến đi của bạn.

2. Thẻ tín dụng và thẻ thanh toán quốc tế:

Khi ra nước ngoài ngoài việc phải đổi tiền mặt, bạn cũng nên làm thẻ thanh toán quốc tế và thẻ tín dụng của ít nhất 2 ngân hàng khác nhau đề phòng bạn bị rơi hoặc trộm mất tiền (bạn cũng sẽ cần dùng đến chúng để đặt phòng, thanh toán vé máy bay, mua các loại vé trên mạng…)

Bạn nên để thẻ thanh toán ở những nơi khác nhau, đề phòng mất cái này thì bạn vẫn còn cái khác để dùng. Đối với thẻ thanh toán quốc tế bạn không nên để quá nhiều tiền trong thẻ cũng như đặt hạn mức thấp với thẻ tín dụng để hạn chế rủi ro bị rút quá nhiều tiền nếu để mất thẻ.

Tốt nhất chia ra mỗi thẻ một ít tiền sao cho với mỗi cái đủ tiền để mua vé máy bay về và ăn uống trong một vài hôm là được. Gì chứ không có tiền khi ở nước ngoài thì thật là ác mộng phải không?

3. Đặt phòng và đặt vé máy bay:

Như mình đã nói ở phần đầu, các bạn có thể vào website của Booking hoặc Airnb để đặt phòng khách sạn, và website của các hãng hàng không để đặt vé máy bay. Nếu bạn có kế hoạch đặt phòng và đặt vé từ trước thì giá sẽ rẻ hơn nhiều, nên đặt trước ngày đi muộn nhất là 30 ngày.

Vì mình muốn chắc chắn xin được visa mới đặt vé máy bay nên vé cũng không được rẻ lắm, tiền phòng và tiền vé đã tốn gần nửa kinh phí chuyến đi rồi. Nếu bạn săn vé khoảng 06 tháng trước khi đi thì sẽ kiếm được vé rẻ hơn rất nhiều, giúp bản tiết kiệm được một khoản kha khá đấy. Các bạn cũng nên photo thông tin xác nhận đặt phòng và đặt vé máy bay đề phòng khi cần thì có sẵn để dùng nhé!

4. Liên lạc:

Mình mang theo 02 cái điện thoại, một cái dùng sim của mình chuyển vùng quốc tế (roaming) để dự phòng có việc gì khẩn cấp hoặc mất đồ thì mọi người có thể gọi cho mình bình thường. Cái còn lại mình lắp sim data 05 ngày không giới hạn (nhận ở sân bay) dùng để lướt web và gọi video về nhà.

Các bạn nếu đi nhiều người có thể thuê cục phát wifi dùng được cho nhiều người thì sẽ rẻ hơn, tuy nhiên sẽ bị giới hạn bởi thời lượng pin cục phát. Sim data và cục phát wifi mọi người có thể thuê/mua trước ở nhà (sẽ rẻ hơn chút) qua TTHQ SHOP hoặc các trang khác như kkday, klook, trazy… Các bạn chỉ cần thanh toán sẽ nhận được voucher gửi về email, lưu vào điện thoại hoặc in ra rồi đổi ở quầy sim điện thoại khi xuống sân bay là được.

5. Di chuyển:

Để di chuyển từ sân bay Incheon về trung tâm Seoul và ngược lại mình đi tàu AREX (không dừng, đi một mạch hết 45 phút và khá là vắng). Mình mua vé trên kkday hết khoảng 110.000VND (rẻ hơn so với bạn mua trực tiếp tại quầy). Sau khi lấy hành lý bạn xuống tầng B1 của sân bay, đi theo chỉ dẫn đến quầy vé bạn trình e-voucher và đưa 500KRW (tiền đặt cọc vé), họ sẽ đưa bạn vé quẹt để qua cửa.

Khi bạn đến ga Seoul bạn chỉ cần ra máy ghi Refund Deposit Machine cho thẻ vào máy sẽ trả lại bạn 500KRW ban đầu. Từ ga Seoul đến chỗ bạn ở và sau này di chuyển trong thành phố Seoul bạn cần thẻ giao thông T-money, khi các bạn dùng thẻ này sẽ được giảm giá khoảng 10% so với việc bạn dùng tiền mặt và nó có giá trị trung chuyển miễn phí bus-bus, bus-tàu điện, tàu điện-tàu điện trong vòng 30 phút.

Thẻ này các bạn có thể mua ở các cửa hàng tiện lợi, máy bán thẻ ở các ga tàu điện ngầm, quầy vé tàu ở sân bay hoặc thậm chí mua trên kkday rồi họ sẽ chuyển về tận nhà cho bạn. Khi đã có thẻ cần nạp tiền vào thẻ để di chuyển, với bus thì giá khoảng từ 900-1.200KRW/lượt, với tàu điện ngầm là khoảng 1.250KRW/lượt, tùy vào việc đi ít hay nhiều của từng người mà nạp tiền vào. Mình đi khá nhiều tính ra tiền di chuyển của mình trung bình hết khoảng 9.000KRW/ngày.

6. Các ứng dụng điện thoại cần thiết:

– Đặt phòng:
Booking, Airbnb, Tripadvisor, Agoda…

– Đặt vé tàu xe, sim, các hoạt động du lịch khác:
Kkday,Klook, Trazy…

– Bản đồ dẫn đường:
Kakao Map hoặc Naver Map. Ở Hàn Quốc ứng dụng  Kakao Map và Naver Map được ưa chuộng hơn Google Map rất nhiều và mình thấy di chuyển đi lại ở Hàn chỉ cần  Kakao Map hoặc Naver Map là cũng đủ vì nó cũng bao gồm cả thông tin giờ giấc của bus và subway nên khi di chuyển bằng các phương tiện đấy thì dùng khá tiện, mình có thể căn thời gian để di chuyển sao cho tiện nhất.

– Bus, tàu điện ngầm:
Subway, KakaoBus, KakaoMetro, Korea Subway Bus.

– Từ điển, dịch:
Naver Dict, Google Translate, Hàn-Việt Dict…

– Thông tin du lịch Hàn Quốc:
Thông tin Hàn Quốc, VisitKorea, Korea Travel Books…

– Liên lạc, nói chuyện, video call:
KakaoTalk (nên có), Skype, Facetime (iOS), Whatsapp… Ở Hàn Quốc chủ yếu dùng KakaoTalk nên các bạn có thể dùng để liên lạc với chủ nhà trọ hoặc người khác ở Hàn Quốc.

– Ăn uống: 
+ MangoPlate (cái này tương tự Foody bên mình, bạn đi đến đâu nó sẽ quét các nhà hàng gần đấy cho bạn, rất hữu ích).
+ TripAdvisor (ứng dụng đa năng, các bạn có thể tìm kiếm các nhà hàng cũng như xem được các nhận xét về nhà hàng đó để cân nhắc lựa chọn).
+ Shuttle Delivery (ứng dụng đặt thức ăn, bạn có thể ngồi ở nhà, lựa chọn và đặt đồ ăn, họ sẽ đem đến cho bạn với điều kiện bạn phải có số điện thoại Hàn Quốc).

– Scan giấy tờ:
CamScanner.

7. Các giấy tờ và thiết bị cần thiết khác:

– Bản sao hộ chiếu, chứng minh thư/căn cước công dân:
Các bạn nên photo làm 2~3 bản để ở những chỗ khác nhau cũng như scan lại gửi vào mail để phòng khi cần đến luôn sẵn có.

– Đơn xin cấp lại hộ chiếu và đơn đề nghị giúp đỡ khẩn cấp (ở ngoài nước):
Hai giấy tờ này bạn nên điền sẵn 2~3 bản để ở những chỗ khác nhau cũng như scan lại gửi vào mail để phòng khi bạn bị mất hộ chiếu hoặc bị bắt, bị tai nạn… thì có thể đem đến nộp cho ĐSQ hoặc LSQ Việt Nam ở nước ngoài để họ có thể hỗ trợ mình giải quyết những vấn đề bạn gặp phải khi ở ngoài nước.

Tham khảo bài hướng dẫn xin cấp lại hộ chiếuđơn đề nghị giúp đỡ khẩn cấp ở ngoài nước.

– Ảnh hộ chiếu:
Bạn cũng nên đem theo khoảng 6~8 ảnh hộ chiếu 3x4cm nền trắng để ở những chỗ khác nhau cũng như scan lại gửi vào mail để phòng khi bạn bị mất hộ chiếu thì sẽ phải dùng đến.

– Pin dự phòng:
Vì dung lượng pin điện thoại có hạn mà nhu cầu sử dụng nhiều nên bạn cần mang pin dự phòng để dế yêu của bạn không bị rơi vào tình trạng hết pin giữa chừng (lưu ý pin dự phòng phải mang theo hành lý xách tay, không được để trong hành lý ký gửi).

– Chai nước rỗng:
Các bạn không được phép mang nước khi qua cửa soi chiếu thế nên hãy uống hết nước bạn mang theo trước khi qua cửa soi chiếu và nhớ giữ lại chai nước rỗng để khi đã qua cửa bạn có thể lấy nước ở những vòi nước sạch miễn phí ở phòng chờ để uống trong khi chờ và khi bạn ở trên máy bay.

– Áo khoác, ô (dù):
Nếu đi vào tháng 6 như mình thì bạn vẫn nên mang theo áo khoác mỏng vì ở Hàn Quốc nhiệt độ trung bình thấp hơn bên mình nên dù là đã sang tháng 6 nhưng buổi tối trời vẫn còn se se lạnh. Nếu bạn đi vào cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 thì là mùa mưa có khi mưa suốt cả một tuần nên các bạn sẽ cần đến ô.

– Thuốc men các loại, đồ vệ sinh cá nhân.

– Bút: Để các bạn điền các tờ khai hải quan khi được phát trên máy bay và tờ khai nhập cảnh khi xuống sân bay.

– Lịch trình:
Các bạn nên in ra hoặc lưu trong điện thoại và mỗi ngày nên xem qua lịch trình trước khi đi để sắp xếp thời gian và kế hoạch di chuyển sao cho hợp lý nhé!

(Phần cuối cùng mình sẽ gửi đến các bạn một số kinh nghiệm khi du lịch Hàn Quốc)

One thought on “Kinh nghiệm chuẩn bị trước khi du lịch Hàn Quốc

  1. Trần Thanh Thảo viết:

    Mình hay thuê luôn wifi ở trong nước rồi mang đi. Đến Hàn quốc xuống sân bay phát là có mạng luôn đỡ bỡ ngỡ. Minh toàn thuê của tadiwifi gần nhà mà giá cả hợp lý, dùng cũng ok

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).