Moon Ik Jeom (문익점, sinh năm 1329 ở Gangseong, nay thuộc tỉnh Gyeongnam) là một học sĩ đức cao vọng trọng thời Cao Ly (고려).

23 tuổi ông đã đỗ đạt, được triều đình tin tưởng giao cho đảm nhận nhiều chức vụ như trông coi vùng Gimhae (김해), trông coi việc đào tạo Nho sinh tại trường SungKyuKwan (성균관), tham gia vào Ti Gián Viện đảm nhận việc can gián vua.

Thành danh từ con đường học hành nhưng ông Moon Ik Jeom lại được vinh danh muôn đời với con đường “đạo chích”.

Chân dung học sĩ Moon Ik Jeom

Cớ sự bắt nguồn từ việc Trung Hoa xưa kia vốn muốn độc quyền mọi sản vật, quyết không để lọt bất kì vật gì cho các nước lân bang. Điển hình như loài cây ngô (bắp), xưa nhà Minh gọi là “ngọc mễ”, là loài cây dễ trồng, có thể làm lương thực thay gạo, nuôi sống hàng vạn bách tính nước Minh. Có giống lương thực quý nhưng nhất định không chia sẻ, triều đình nhà Minh ra lệnh chém tất cả những ai có ý định trộm hạt giống ngô đem ra nước ngoài.

Thời điểm ấy cũng là lúc ông trạng Bùng Phùng Khắc Khoan nước Đại Việt ta đi sứ nhà Minh. Thấy hạt giống cây ngô có thể nuôi sống hàng vạn bách tánh nhưng vua Minh lại cấm cản, không cho đem về dù chỉ một hạt nên ông bèn chọn cách… ăn trộm.

Không ai rõ ông Phùng Khắc Khoan đã đem hạt giống vượt qua trùng điệp các cửa lục soát của nhà Minh như thế nào, có người nói ông chia hạt cho tuỳ tùng giấu, mỗi người 1-2 hạt, có người lại kể ông nhét hẳn hạt giống vào… hậu môn để qua mắt binh lính.

Tuy mang tiếng là ăn trộm, nhưng đối với nước Việt, nhờ công của Phùng Khắc Khoan mà dân ta giờ đây mới biết đến loài cây ngô. Cùng cảnh ngộ với ông “Trạng Bùng” nước ta , Moon Ik Jeom xứ Cao Ly đã rất vất vả để trộm được hạt giống quý từ Trung Quốc về với quê hương.

Hạt giống ấy là hạt cây bông, quả của cây được lấy dệt nên vải bông, chăn bông giúp người dân vượt qua cái lạnh của mùa đông giá rét.

Đối với Trung Quốc khi ấy, hạt bông là thứ quý, họ chỉ muốn dân tộc mình no đủ, ấm áp nên nhất quyết không cho lọt bất kì hạt giống nào ra ngoài. Trước tình thế đó, Moon Ik Jeom đã hạ quyết tâm làm một phi vụ trộm lớn nhất lịch sử hai nước Cao Ly – Nguyên (Trung Quốc xưa) vì bá tánh cố hương.

Cách trộm và chỗ giấu hạt giống của ông Moon Ik Jeom cũng khôn khéo và không kém phần độc đáo so với ông Phùng Khắc Khoan nước Nam trộm hạt ngô sau này.

Truyện trộm xuyên quốc gia của ông Moon Ik Jeom

Năm 1360, Moon Ik Jeom và đoàn sứ bộ Cao Ly được cử sang Trung Quốc. Mục đích của chuyến đi này là nhằm cứu vãn mối quan hệ ngày một xấu đi giữa Cao Ly và triều đình nhà Nguyên. Khởi điểm của sự bất hoà này nằm ở sự quyết liệt của người đứng đầu đất nước lúc bấy giờ là Cung Mẫn Vương.

Tiên liệu được số phận nhà Nguyên rồi sẽ bị đè bẹp bởi thế lực của nhà Minh sau này, Cung Mẫn Vương bắt đầu lơ là triều cống, thẳng tay loại trừ hết các quan viên trong triều có tư tưởng thân Nguyên.

Chính hành động này của vua Cao Ly đã chọc giận nhà Nguyên, khiến cho mỗi đợt sứ thần qua chầu đều bị nhà Nguyên đối xử tệ bạc như quân thế mạng. Nhiều đoàn sứ bộ khi ấy bị ngăn cản, không cho hồi hương dù đã làm xong nhiệm vụ đi sứ, cá nhân Moon Ik Jeom còn bị giam giữ tại xứ người mất 3 năm.

Những tưởng 3 năm này là cái xui xẻo từ trên trời rơi xuống, ấy vậy mà đó là quãng thời gian giúp Moon Ik Jeom có duyên tìm gặp một loại giống quý – hạt bông. Lúc bấy giờ người dân Cao Ly không hề biết đến sự tồn tại của hạt giống này. Vì vậy mà mỗi khi mùa đông đến họ đều không có tấm chăn bông giữ ấm như người dân nước Nguyên mà chỉ co ro trong tấm áo gai mỏng manh trong cái rét âm độ.

Lần phát hiện cây bông đầu tiên của Moon Ik Jeom là vào một ngày đầu thu. Bị giam giữ và quanh quẩn ở trong nhà mãi cũng chán, ông bèn ra tản bộ ở những cánh đồng gần bên cạnh. Trong khi đang lững thững bước đi, Moon Ik Jeom thấy một cảnh tượng lạ hiện ra. Trước mắt ông là một đồng ruộng thênh thang, nhưng thứ người dân đang tất bật thu hoạch lại không phải ngô, lúa hay khoai mà một loại cây kì lạ cho ra những quả có nhân gì đó màu trắng muốt lộ ra bên ngoài.

Quả cây bông vải

Thấy sự lạ, Moon Ik Jeom liền bước xuống ruộng, hỏi thăm một người đàn ông đang thu hoạch loại quả kì lạ ấy.

“Thưa ông, xin cho tôi hỏi đây là cây gì ?” – Moon Ik Jeom lên tiếng

“Thưa ngài, ngài không biết cây bông vải sao ?” – người dân ấy ngạc nhiên đáp “Đây là cây bông vải, khi nó nở hoa kết quả thì ta lấy phần bông trắng mềm này trong nhân quả để kéo thành sợi, may chăn bông, áo bông cho mùa đông ạ”

“Thế vải bông làm áo có ấm hơn vải gai không?”

“Tất nhiên là vải bông phải hơn nhiều rồi ạ. Nhờ vậy mà chỉ dân Thiên triều ta được ấm vào mùa đông, các nước Phiên bang còn không biết đến cái này”

“Ta có thể xem một chút được không ?”– Moon Ik Jeom cất lời xin.
“Tất nhiên rồi, xin mời ngài” – người nông dân đáp.

Moon Ik Jeom tiến lại gần quả bông vải xem thử thì thấy phần nhân bên trong trắng muốt, lại mềm mại như mây, bên trong nhân có lẫn một ít hạt giống. Vừa sờ vào đã thấy mềm, ấm, Moon Ik Jeom vui khôn xiết, vừa nâng nui quả bông vải vừa nghĩ đến cảnh bá tánh Cao Ly rồi cũng sẽ được mặc ấm, ngủ yên vào mùa đông. Phấn khởi với suy nghĩ đó, Moon Ik Jeom lại quay sang nói với người nông dân.

“Người anh em có thể bán cho ta thật nhiều hạt giống bông vải không ?”

“Ơ ?” – người nông dân lại bàng hoàng – “Thưa ngài, chúng tôi không thiếu loại hạt này. Chỉ hiềm một nỗi, xin cho tôi đây mạn phép hỏi ngài sẽ làm gì với hạt giống? Trông ngài không giống người trồng trọt làm ăn.”

“Ta là người Cao Ly. Xứ ta vốn không có loài cây này. Ta muốn mang hạt bông về Cao Ly để bá tánh của ta cũng được mặc ấm”.

Người nông dân thấy thế liền hốt hoảng “Thưa, ngài nói tiếng nước tôi hay quá làm tôi tưởng ngài cũng là người nước tôi. Ai dè… Xin ngài thứ tội cho tôi, luật nước tôi cấm tuyệt đối việc mua bán hạt bông này cho người nước, phạm luật thì cả người mua lẫn người bán đều sẽ bị chặt tay”.

Bị người nông dân từ chối quyết liệt, Moon Ik Jeom chỉ còn cách rời khỏi ruộng bông này. Ông vừa đi vừa nghĩ, vẫn tiếc rẻ hạt quý nên không chịu bỏ cuộc. Moon Ik Jeom liền quyết định đi về hướng thật xa nơi cũ, tìm một cánh đồng trồng bông vải khác.

Đến một đồng khác cách khá xa, quả bông vải trĩu nặng trên từng cành cây, trông được mùa thấy rõ. Đến nước này, ông Moon Ik Jeom quyết định không thẳng thắn như cũ nữa mà giả vờ như mình là người dân bình thường đang đi du ngoạn. Ông tiến đến với tốp người đang thu hoạch cây bông, cất lời khen

“Cánh đồng trông sai quả quá. Bông vải năm nay được mùa lắm đây.”
“Thưa ngài” – một người nông dân trong nhóm cười nói – “Hẳn là trời thương chúng tôi, ban cho một mùa mưa thuận gió hoà”.

Ông Moon Ik Jeom nghe vậy cũng cười đáp lại. Ông làm bộ thẩn thơ dạo quanh đồng như một người qua đường đang du ngoạn thật sự. Thừa lúc mọi người đang tất bật thu hoạch mà không để ý, ông nhanh chóng đưa tay vào một quả bông, lấy ra cỡ chục hạt giống lẫn trong những sợi trắng muốt rồi giấu vào tay áo.

Sau khi trộm được thành công những hạt quý giá rồi gấp gáp về lại nơi ở, ông đem ra đếm lại thì thấy mình trộm được tổng cộng 10 hạt giống. Vừa mừng lại cũng vừa lo, Moon Ik Jeom không biết phải giấu hạt giống đi nơi nào bởi quân lính nhà Nguyên đều rất tinh tường. Chúng sẽ lục tung mọi ngóc ngách hành lí, quần áo và cả thân thể mọi người để tránh việc bị tuồn các thứ hạt giống quý, đồ quý do nhà Nguyên độc quyền ra nước ngoài.

Nếu bị bắt tội trộm hạt mang về giữa lúc đang khởi hành hồi hương thì chắc Moon Ik Jeom sẽ không còn toàn mạng để về đất tổ Cao Ly nữa. Thấu được mối nguy hiểm đó, ông Moon Ik Jeom vội vàng lục tung mọi thứ hành lí để xem giấu vào đâu mới an toàn. Sau nhiều ngày tìm kiếm mà vẫn không có được “chỗ bí mật phù hợp”, Moon Ik Jeom sầu não vô cùng, trong khi đó, thời hạn được thả về nước lại cũng cận kề.

Hạt giống được giấu vào thân bút lông

Giữa lúc đang hoang mang nghĩ ngợi thì đập vào mắt ông là cây bút lông quen thuộc. Tức thì, một dòng suy nghĩ loé lên trong ông – “Thân cây bút dài, lại rỗng, giấu hạt giống vào đây hẳn không ai ngờ được”. Nghĩ đến là làm ngay, Moon Ik Jeom giấu tất cả 10 hạt giống lần trước mạo hiểm lấy được vào thân cây bút lông.

Rồi ngày trở về Cao Ly cũng tới. Trước khi rời khỏi biên giới, nhà Nguyên cho binh lính tới lụt soát đoàn sứ bộ rất kĩ. Từ hòm đựng tư trang, quần áo, đến cả thân thể các sứ và hầu cận đều bị dò xét cẩn thận. Khi binh lính nhìn đến chiếc bút, nơi Moon Ik Jeom cất giấu, họ chỉ xem sơ rồi bỏ qua, không hề ngờ được rằng hạt giống lại được cho vào thân bút.

Khi đoàn sứ thần được phép cho qua cổng thành biên giới, Moon Ik Jeom vô cùng vui mừng. Đó cũng là khoảnh khắc đầu tiên, hạt bông vải xuất hiện ở đất Cao Ly.

Từ một nước trộm hạt giống đến cường quốc xuất khẩu vải bông

Sau khi trở về từ kì đi sứ, Moon Ik Jeom ngay lập tức bắt tay vào việc trồng cây bông vải. Ông đến nhờ sự giúp đỡ của cha vợ, ông Cheon Ik Jeong, một người rất hứng thú với nghiên cứu nông nghiệp. Cha vợ ông Moon sau khi nghe ông giải thích liền rất hứng khởi, huy động cả gia đình cùng nhau chung tay chăm sóc hạt giống giúp dân.

Đền thờ được lập tại cánh đồng bông vải đầu tiên được trồng bởi Moon Ik Jeom

Sau bao vất vả, lo lắng tìm tòi cách chăm sóc cây, một năm sau đó, hạt bông được trộm về năm nào đã vụt lớn, nở hoa, kết thành quả bông trắng muốt. Ông Moon Ik Jeom cùng gia đình nhanh chóng thu lấy hạt giống từ từng quả bông rồi gieo vào một cánh đồng lớn hơn.

Lần này, ông Moon Ik Jeom đích thân nhận nhiệm vụ trông coi thửa ruộng, một vị quan đức cao vọng trọng như ông lại hăng hái chăm chút từng gốc cây, quyết không lơi lỏng canh gác một phút nào phòng cho mấy con gà ăn mất hạt quý.

Ba năm trôi qua, 10 hạt giống ngày nào đã được nhân giống thành cánh đồng bông vải lớn. Người dân Cao Ly xung quanh tò mò tìm đến xem rất đông, ai cũng ngạc nhiên trước loài cây cho quả lạ này. Ông Moon Ik Jeom liền lựa lúc này giới thiệu cho bà con loại cây thần kì giúp họ dệt nên áo, chăn chống rét, đồng thời phát hạt giống cho họ, bắt đầu truyền bá cách trồng cây bông vải.

Tái hiện guồng se sợi

Tuy nhiên, đã có đầy đủ quả bông nhưng ông Moon vẫn không có cách kéo thành sợi để dệt nên vải. Như một nhân duyên trời định, chính lúc này, có một nhà sư người nhà Nguyên đến thăm nước Cao Ly. Với tấm lòng bác ái của người nơi cửa Phật, nhà sư khi biết chuyện lập tức hướng dẫn ông Moon Ik Jeom thiết kế chiếc guồng se sợi, dạy cho phụ nữ Cao Ly cách se bông thành sợi để dệt vải.

Vải bông,dưới sự giúp đỡ của nhà sư nọ, đã nhanh chóng được dệt thành công, được đem may thành áo bông, chăn bông giúp người dân thoát khỏi cái lạnh. Nghề trồng bông, dệt vải từ đó cũng được lan truyền khắp Cao Ly.

Ảnh trong bảo tàng bông vải, bảo tàng tưởng niệm Moon Ik Jeom

Sự kiện trộm 10 hạt bông ngày nào của ông Moon Ik Jeom đã trở thành một cuộc cách mạng trên toàn cõi Triều Tiên. Từ một nước không biết đến hạt bông đã trở thành nguồn xuất khẩu vải bông sang các nước lân cận như Nhật Bản… Mặt khác, quả bông vải còn được ứng dụng làm bấc đèn hay thuốc nổ, đẩy mạnh việc xuất khẩu trong nước, tạo công ăn việc làm cho bá tánh.

Tiếng là kẻ trộm nhưng Moon Ik Jeom được người dân yêu mến và tưởng nhớ. Mãi đến khi triều Cao Ly sụp đổ, thành lập nhà nước Joseon thì vua và dân toàn bán đảo vẫn còn ghi nhớ công ơn. Bằng chứng là vua Sejong của triều Joseon (người sáng tạo bảng chữ cái tiếng Hàn) đã truy tặng cho ông tước vị “Lĩnh Nghị Chính” và danh hiệu “Phú dân hầu”.

Việc làm tưởng chừng trái đạo đức nhưng xuất phát từ lòng mong muốn đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, Moon Ik Jeom mãi được nhớ đến như “ông trộm vĩ đại nhất lịch sử”.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).