Hình ảnh các bạn xem dưới đây không phải là nhà kho, cũng không phải nơi canh tác hoa màu mà là “kí túc xá” dành cho người lao động nước ngoài.

Vào ngày 20/12/2020, một nữ lao động người Campuchia tên là Sokheng (31 tuổi) đã chết rét trong cái lạnh -16 °C trong một “kí túc xá nilon” như thế này ở khu vực thành phố Pocheon, tỉnh Gyeonggi.

Đang làm việc ở một đất nước phát triển, nhưng Sokheng đã bị chết vì rét.

Người lao động làm trong ngành công nghiệp chế tạo thường sẽ được ở trong kí túc xá đúng chuẩn hoặc chí ít là ấm cúng, tươm tất hơn, nhưng lao động làm nông nghiệp hay ngư nghiệp lại có điều kiện sinh hoạt vô cùng tồi tàn. Điển hình như nơi ở của Sokheng chỉ là một căn nhà nilon chắp vá tạm bợ, hút gió, thiếu điện, thiếu sưởi.

Gọi là “kí túc xá” cũng chưa đúng, vì nhà nilon dựng trên đất nông nghiệp chỉ được sử dụng vào mục đích canh tác chứ không phải để ở. Vậy mà những lao động người nước ngoài vẫn bị xếp cho ở từ 5-7 người và bị trừ tiền thuê nhà vào lương từ 200.000 – 300.000 KRW/ tháng.

Những người chủ trong ngành nông nghiệp – ngư nghiệp cũng là nông dân, lớn tuổi nên đa phần thiếu kiến thức, nói tiếng địa phương nặng nề, thô lỗ, cộc cằn, họ cũng sống hà tiện, khổ sở, nghiêm khắc với chính bản thân mình nên đâu có thời gian để ý đến hai chữ “phúc lợi” cho người lao động nước ngoài. Thứ họ quan tâm duy nhất là năng suất lao động, lao động mùa vụ, người này đi thì có người khác tới, đâu cần phải cải thiện không gian sống!

Đau xót hơn là Sokheng qua đời khi chỉ còn 3 tuần nữa là được về nước đoàn tụ với gia đình, vé máy bay cũng đã đặt, hành lý cũng đã chuẩn bị xong.

Đây cũng không chỉ là câu chuyện của riêng Sokheng. Có rất nhiều lao động Việt Nam đang làm việc ở Hàn Quốc cũng phải chấp nhận ở nơi tồi tàn, thiếu thốn để âm thầm hoàn thành nốt “giấc mơ Hàn Quốc” của riêng mình. Cũng vì làm việc quá sức, ăn uống, nghỉ ngơi không đảm bảo nên cứ dăm bữa nửa tháng lại có tin người lao động mắc bệnh nặng hay đột tử.

Do cản trở ngôn ngữ, hoặc đơn giản là ngại va chạm nên nhiều lao động đã âm thầm chịu đựng cuộc sống khổ ải này. Cũng có trường hợp muốn chuyển việc nhưng nếu chủ tuyển dụng không đồng ý thì lao động cũng không thể đăng ký lên Bộ lao động xin giới thiệu chỗ làm mới. Đây cũng là lý do khiến nhiều người bỏ ra bất hợp pháp để ít ra là có thể tự do kiếm việc.

Tha hương, khổ sở như thế để dành dụm, gom góp từng đồng tiền mồ hôi, nước mắt gửi về cho gia đình đấy! Có ai hiểu cho “giấc mơ Hàn Quốc” này không?

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).