Khi nhắc đến Hàn Quốc, người ta thường nghĩ đến một đất nước của sự phát triển, văn minh, hiện đại bậc nhất châu Á với hàng loạt mỹ từ như kinh đô thời trang, thiên đường giải trí hay những tập đoàn hùng mạnh.

Thế nhưng, chỉ mới cách đây 70 năm thôi, Hàn Quốc vẫn là một đất nước thuần nông nghiệp. Thậm chí phủ khắp đất nước còn là một bức tranh ảm đảm với những cánh đồng khô cằn, trước khi phong trào nông thôn mới hay những loại máy móc tiên tiến như bây giờ xuất hiện.

Ngay cả hiện tại, Hàn Quốc vẫn chú trọng vào phát triển nông nghiệp, vẫn có những vùng nông thôn mà người dân lấy nghề làm nông để kiếm kế sinh nhai. Và hẳn cũng vẫn còn rất nhiều người thuộc thế hệ trước dù có thể đã chuyển đến sống ở những đô thị, vẫn mang nỗi niềm thương nhớ những làng quê yên bình.

Tạm xa một Hàn Quốc hoa lệ với sự ồn ã, náo nhiệt, cùng trở về vùng nông thôn với những thứ thật bình dị nhưng đặc trưng mà không thể tìm thấy ở bất cứ đô thị hiện đại nào.

1. Chiếc quần hoa vải lanh, 몸뻬(일바지)

“Điều mà tôi nhớ nhất mỗi lần về thăm quê là chiếc quần hoa rộng của bà ngoại” – Đó là một lời chia sẻ rất thật của một bạn trẻ Hàn Quốc. Hình ảnh những bà lớn tuổi mặc chiếc quần vải lanh với hoa văn sặc sỡ, chân đi ủng làm việc trên những cánh đồng là một biểu tượng của nông thôn Hàn Quốc. Những người nước ngoài khi thấy hình ảnh chiếc quần này cũng phải thốt lên: “Đây thực sự là Hàn Quốc”“이게 진짜 한국”

Chiếc quần này có đặc điểm là có chun ở cả cạp quần và gấu quần, rộng ở phần hông và đùi, thu hẹp dần ở phía dưới, đem lại cảm giác vừa thoải mái khi mặc nhưng vẫn gọn gàng khi làm việc. Bởi vậy, nó rất phù hợp để mặc khi làm những công việc lao động chân tay. Người Hàn ngày nay vẫn hay gọi đây là “thời trang nông thôn”.

Khác hẳn với thời trang hiện đại, những chiếc quần hoa đi làm ruộng trong mắt giới trẻ hiện nay lại mang một nét đẹp độc đáo riêng khiến rất nhiều người yêu thích, kể cả những nghệ sĩ nổi tiếng khi tham gia các show truyền hình thực tế.

Mới đây, thời trang này lại một lần nữa xuất hiện trong một chương trình truyền hình thực tế “뽕숭아학당” do TV Chosun sản xuất. Chương trình có sự góp mặt của F4 trong Mr.Trot: Lim Young Woong, Young Tak, Lee Chan Won và Jang Min Ho. Bộ tứ đã diện quần hoa sặc sỡ, đi ủng và thực hiện nhiệm vụ tại một vùng quê khiến người hâm mộ vô cùng thích thú.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau chiếc quần sặc sỡ này lại là một câu chuyện buồn của lịch sử Hàn Quốc. Từ năm 1910, Đế quốc Nhật Bản hoàn toàn thôn tính bán đảo Hàn Quốc và thiết lập sự cai trị thực dân. Mãi đến năm 1945, Nhật Bản bị đánh bại trong cuộc chiến tranh thế giới thứ II, Hàn Quốc mới có thể thiết lập nền độc lập.

Trong khoảng thời gian này, chiến tranh Nhật – Trung nổ ra vào năm 1937, chính phủ Nhật Bản lúc bấy giờ muốn vắt kiệt sức lao động của người dân Hàn Quốc. Hanbok – trang phục truyền thống bị cấm và thay vào đó là chiếc quần rộng “몸빼” với mục đích để phụ nữ thuận tiện hơn khi lao động. Thậm chí, họ còn không thể đi ra ngoài nếu không mặc chiếc quần này.

Phụ nữ lúc bấy giờ không hề thích thiết kế của chiếc quần này, nhưng dưới sự ép buộc của đế quốc Nhật Bản, những chiếc quần ống rộng trở thành trang phục phổ biến khắp cả nước.

Cũng bởi sự thuận tiện và giá trị thực tế mà chiếc quần này vẫn được sử dụng cho đến tận bây giờ. Ngày nay, khi nhắc đến chiếc quần hoa rộng, người Hàn Quốc đã không còn nhớ về quá khứ đau đớn ngày nào, mà thay vào đó, hiện lên trong họ là hình ảnh của những vùng quê yên bình.

2. Chiếc ghế cao su di động (작업방석)

Tưởng chừng như nhỏ bé nhưng có thể coi chiếc ghế này là một phát minh sáng tạo và thần kì của Hàn Quốc. Những công việc đồng áng khiến những người nông dân phải cúi và di chuyển vất vả. Thay vì phải còng lưng hay cầm theo chiếc ghế con, ghế cao su di động sinh ra để giải quyết tất cả nhưng vấn đề đó.

Chiếc ghế cao su này được trang bị thêm quai đeo giúp người dùng có thể gắn trực tiếp vào mông, thoải mái ngồi xuống khi làm việc, cũng không phải tự nhắc nhở mình phải nhớ cầm theo ghế mỗi lần đổi chỗ. Ghế có dạng hình tròn và làm bằng cao su nên cũng rất êm ái. Bởi thế, nó còn được gọi bằng những cái tên như “chiếc ghế ma thuật” (마술 의자), “chiếc ghế…mông” (엉덩이 의자).

Cũng từng có một thời, chiếc ghế cao su trở nên hot, được giới trẻ biết đến nhiều hơn khi năm 2014, “nữ hoàng gợi cảm của K-biz” Lee Hyori (이효리) đăng tải bức ảnh cô đang hoá thân thành một người nông dân trên cánh đồng cùng với chiếc ghế dính chặt ở mông.

Trước đó năm 2013, Lee Hyori đã quyết định rời xa ánh hào quang sân khấu để “lui về ở ẩn” cùng chồng trên đảo Jeju. Hình ảnh đó là cô đang cùng những người nông dân trên đảo thu hoạch đậu nành.

Lee Hyori với chiếc ghế cao su di động

3. Chiếc gùi rơm bằng gỗ (지게)

Người Hàn Quốc coi chiếc gùi ngày xưa là một phát minh đáng tự hào của thế hệ trước dùng trong việc vận chuyển hàng hoá trên lưng. Dụng cụ này xuất hiện từ năm 1690 với một tên gọi khác. Không chỉ được sử dụng rộng rãi trên khắp cả nước, đây còn là dụng cụ nông nghiệp mà ai cũng có thể tự làm tuỳ vào chiều cao của người đeo.

Phần lớn những chiếc gùi được làm bằng gỗ thông, gồm hai thanh dựng đứng hình chữ A hở đầu, 3-4 thanh ngang và 2 thanh chìa ra để đỡ hàng. Sau đó, người ta dùng rơm để lót phần tiếp xúc với lưng và dây đai để đeo. Trọng lượng của một chiếc gùi không quá nặng, khoảng 5-6kg nhưng nhờ dụng cụ này, một người đàn ông khoẻ mạnh có thể gánh đến 50-70kg hàng trên vai một cách dễ dàng.

Nhiệm vụ chính của chiếc gùi trong chiến tranh Triều Tiên là vận tải đạn dược, nhu yếu phẩm. Hiện nay, không còn dễ dàng để thấy hình ảnh những chiếc gùi này ở vùng nông thôn nhưng vào những năm 1960-1970, nó là một dụng cụ phổ biến ở mọi nơi trên Hàn Quốc, kể cả khu vực thành thị. Hàng hoá được chở đến từng con hẻm của thành phố trên những chiếc gùi gỗ, bởi vậy người Hàn Quốc vẫn luôn tự hào về nó như một phát minh vĩ đại của thế hệ cha ông.

4. Gậy gãi lưng (효자손)

Gậy gãi lưng là vật bất li thân của các cụ ông, cụ bà ở Hàn Quốc, được ưu ái gọi với cái tên “bàn tay hiếu tử”. Gậy gãi lưng được làm bằng gỗ, gồm một thanh dài để cầm và một đầu có hình bàn tay để có thể dễ dàng gãi lưng mỗi khi thấy khó chịu.

Trong quá khứ, ở vùng nông thôn, người ta còn dùng lõi ngô sau khi đã tách hết hạt cắm vào cây gỗ để làm gậy gãi lưng. Một sự thật thú vị là ở Nhật Bản cũng có dụng cụ tương tự như vậy, với tên gọi “bàn tay của cháu trai” (손자의 손). Có lẽ đối với những cụ già cao tuổi, cây gậy gãi ngứa làm họ trở nên thoải mái hơn, cũng như khi con cháu hiếu thảo với họ.

5. Áo tơi đi mưa (옛날 우비)

Một câu hỏi được đặt ra là thời mà ô hay áo mưa hiện đại chưa xuất hiện như bây giờ, mọi người đã che mưa như thế nào? Với người dân Hàn Quốc, chiếc áo mưa bằng rơm là vật đồng hành với cuộc sống cơ cực của biết bao thế hệ nông dân. Thông thường, áo tơi này được làm bằng rơm hoặc các loại cỏ, đan lại với nhau tầng tầng lớp lớp, nước mưa chỉ chảy ở bên ngoài mà không thấm ở bên trong.

Áo mưa bằng rơm người nông dân Hàn Quốc sử dụng ngày xưa

Ở nông thôn, người ta đã sử dụng áo mưa như thế để làm việc những ngày mưa. Trong những ngày đông lạnh, nó lại trở thành mảnh chăn ấm được quân đội sử dụng. Tại những vùng quê Việt Nam, cũng có những chiếc áo như vậy được biết đến với tên gọi “áo tơi”.

Áo tơi ở Việt Nam gắn bó với người nông dân cả ngày nắng cũng như ngày mưa. Đâu đó tại những vùng quê miền Trung nắng gió, hẳn vẫn còn hình ảnh những chiếc áo tơi được các bà, các mẹ sử dụng trên những cánh đồng. Hơn cả một vật dụng che chắn, nó trở thành biểu tượng của một thuở tảo tần gian khó “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Hình ảnh áo tơi trên những cánh đồng ở Việt Nam

6. Những bọc rơm trắng lăn lóc trên cánh đồng

Về lại vùng nông thôn Hàn Quốc dọc theo những con đường vào mùa đông, người ta thường thấy những vật cuộn màu trắng khổng lồ trên những cánh đồng. Đó chính là những bọc rơm sau khi thu hoạch, được thu gom bằng máy và cuộn lại.

Những cuộn rơm này sau đó được bán lại cho các trang trại chăn nuôi và trở thành thức ăn cho gia súc. Theo những người nông dân, rơm khi được cuộn trong nhựa dẻo như vậy sẽ tự lên men bên trong và vị rơm trở nên ngon hơn khi cho bò ăn.

Ở Việt Nam, rơm được chất thành từng ụ, từng đống. Hình ảnh một ụ rơm vàng bên cạnh ngôi nhà tranh là biểu tượng cho vẻ đẹp của một làng quê yên bình. Người Việt dùng rơm để làm thức ăn cho gia súc, để che chắn chuồng trại mùa rét hay làm chất đốt.

Còn ở Hàn Quốc, một phần rơm được cuộn lại làm thức ăn cho gia súc, phần còn lại được sẽ được đưa đến các công xưởng, cho vào máy ép và dệt để trở thành các tấm cách nhiệt, tấm thảm lót đường. Người dân còn sử dụng tấm rơm nén kết hợp với một số nguyên liệu khác để làm tường các ngôi nhà kiểu truyền thống.

XEM THÊM: 17 Điều thú vị và dễ thương chỉ có ở Hàn Quốc

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).