“Cầu tõm” – một kiểu nhà vệ sinh thường được dựng lên bằng các thanh tre hoặc dừa bắt qua con mương hay trên một cái ao, hồ ở các vùng quê Việt Nam.

Sở dĩ có tên gọi “cầu tõm”, bởi từ “tõm” xuất phát từ âm thanh khi người ta “giải quyết nỗi buồn” theo cách này.

Ở một số khu vực Tây Nam Việt Nam, người dân còn kết hợp cầu tõm với ao nuôi cá tra, cá basa, cá vồ, do đó loại nhà vệ sinh này còn được gọi là “cầu cá”.

Tất nhiên, trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng cao, các ngôi nhà khang trang hầu hết đều xây dựng nhà vệ sinh khép kín, tự hoại. Tuy nhiên, hình ảnh những chiếc cầu tõm vẫn còn hiện diện ở một số nơi như cách lưu giữ nét văn hóa riêng độc lạ này.

“Văn hóa cầu tõm” tại Việt Nam

Bắt nguồn từ nền nông nghiệp lúa nước và nuôi trồng thủy sản, người dân thường sử dụng chất thải của con người hoặc động vật làm phân bón hay thức ăn cho thủy sản. Từ đó, các kiểu cầu tõm xuất hiện, phổ biến nhất là ở các vùng quê Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và các tỉnh miền Tây sông nước ở phía Nam Việt Nam.

Vào năm 2014, gần 34 triệu người dân nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng cầu tõm tận dụng nuôi cá, 48% hộ gia đình nghèo dùng chung nhà vệ sinh. Việc phóng uế trực tiếp ra nguồn nước đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực như ô nhiễm môi trường, trẻ em thấp còi và kém trí tuệ do điều kiện vệ sinh kém…

Tuy nhiên, đa phần các hộ gia đình hiện nay đều có nhà vệ sinh tự hoại riêng, đảm bảo sức khỏe của người dân. Song, đâu đó vẫn còn bóng hình của cầu tõm được tận dụng trong tình huống bất đắc dĩ, một số khác chỉ còn là mô hình hoài niệm.

Cầu tõm có khi chẳng xuất hiện trong từ điển của nhiều người trẻ, nhưng có thể là cả tuổi thơ của một thế hệ ở làng quê Việt Nam.

Cầu tõm trở nên rất đỗi thân thuộc với người dân miền quê chân chất, thế nhưng lại khá xa lạ đối với những người thành thị và du khách nước ngoài khi ghé thăm và có cơ hội trải nghiệm.

Cảm giác một mình giữa sông nước vắng vẻ, tiếng lá cây xào xạt tứ phía, lâu lâu đàn cá lại dẫy nước uỳnh uỳnh, nếu nhỡ có “nhu cầu” đột xuất về đêm là “căng như dây đàn” thật sự.

Nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” về cầu tõm được chính người trong cuộc chia sẻ như một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời.

– Phiên bản trải nghiệm kiểu trinh thám:

Dù nôn nao trong lòng từ tối khuya, nhưng vị khách từ thành phố về quê chơi kiên nhẫn chờ đến 4 giờ sáng. Lý do duy nhất là “sợ ma” giữa cảnh đêm hiu quạnh.

Ở miền quê, tầm giờ đấy cũng đã có người thức giấc, thắp đèn nên không gian cũng le lói chút ánh sáng từ xa. Thêm một điểm cộng vào khung giờ này là rất ít ai qua lại khu vực cầu tõm nên cũng không “ngại” là bao.

Bước lên cầu trong tâm thế hồi hộp, chiếc cầu chịu sức nặng lại rung rinh, lắc lư dữ dội. Lát sau, người nông dân bắt đầu ra đồng cho ngày làm việc mới, thấy có người họ lại hỏi thăm niềm nở khiến vị khách vừa cười, vừa phân tâm tư tưởng.

Cảm giác như “trút nỗi buồn” trong tư thế rình rập, lấp ló giống kiểu thám tử tư đang điều tra tình tiết vụ án.

– Phiên bản “người lạ trong bụi tre làng”:

Nếu có bệnh lý về tim mạch hoặc bẩm sinh sợ chuyện hồn ma bóng quế, tốt nhất nên tránh xa khu vực cầu tõm khi trời đã về đêm.

Câu chuyện được một sinh viên đi tình nguyện mùa hè xanh kể lại, cách chiếc cầu tõm tầm 12m có một bụi tre và tối nào cả đám cũng tụ họp kể chuyện ma cho đỡ nhớ nhà. Đông người không thấy sợ, nhưng tách riêng “một mình một ngựa”, lại thêm tiếng gió rút vào lá xì xào như tiếng ai đó đang hát hay trò chuyện ngay cạnh bên, quả thật rất kinh dị.

Bật cười phiên bản “cầu tõm” ở Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, hầu hết những người trong độ tuổi 40 trên đảo Jeju vẫn còn nhớ nhà vệ sinh truyền thống, được ví như một phiên bản “cầu tõm” (통시).

Thực chất, những nhà vệ sinh này được kết hợp với chăn nuôi lợn đen (흑돼지) đặc trưng của Jeju. Do đó, “cầu tõm” ở Hàn Quốc còn được gọi vui là “nhà vệ sinh phân lợn” (똥돼지 화장실).

“Cầu tõm” ở các làng quê Jeju đã được sử dụng cho đến năm 1990, với thiết kế tách rời khu nhà ở. Những chiếc “cầu tõm” này không có mái và được xây dựng thấp, xung quanh chuồng lợn cũng không có hàng rào. Các mặt bên được bao bọc bởi bức tường đá xếp chồng lên nhau, hai tảng đá lớn được đặt phía trên cho mọi người có thể ngồi và giải quyết nhu cầu.

Trên mặt sàn, người dân thường trải rơm để giữ vệ sinh cho những con lợn. Khi rơm mục nát, nó được sử dụng làm phân bón cho cây trồng.

Mùi phân từ các chuồng lợn thường khiến ngôi nhà gần đó cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, những người lớn ở nông thôn đã quen sống cả đời với điều này.

Khu vực chuồng lợn thường không được lắp đặt đèn điện, do đó khi đi “cầu tõm” vào ban đêm cần mang theo đèn. Những đứa trẻ con vô cùng sợ cảm giác phải đi “cầu tõm” về khuya, do những chú lợn thường huyên náo và gây tiếng động bên dưới.

Lợn đen được nuôi trong chuồng với nguồn thức ăn chính thải từ “cầu tõm” và thức ăn thừa trong nhà bếp. Sau đó, dùng làm quà tặng hàng xóm trong vùng hoặc làm sính lễ và thết đãi trong tiệc cưới.

Vào thời điểm đó, những người từ đất liền đến thăm các vùng nông thôn trên đảo Jeju có trở ngại lớn nhất là tìm nhà vệ sinh. Chủ gia thì xấu hổ ngại giới thiệu “cầu tõm” với khách, trong khi không ít khách lại từ chối ghé những khu vực thiếu nhà vệ sinh này vì sự bất tiện.

Tuy nhiên, “cầu tõm” Jeju được xem là một sáng kiến giúp tái sử dụng chất thải thực phẩm và đưa ra phương án giải quyết vấn đề môi trường cho ngày nay.

Hiện tại, hầu hết người dân đều xây dựng nhà vệ sinh khép kín và nuôi lợn theo hình thức chuồng trại riêng lẻ. Giờ đây, tất cả “cầu tõm” đã trở thành huyền thoại và chỉ có thể trải nghiệm qua hình ảnh và mô hình được trưng bày ở Bảo tàng làng cổ dân gian đảo Jeju.

Làng cổ dân gian đảo Jeju

Làng dân gian Jeju là điểm thu hút khách du lịch chính của đảo, nơi du khách có thể khám phá quá khứ và truyền thống của đảo Jeju.

Văn hóa dân gian tượng trưng cho tinh thần của người dân Jeju từ xa xưa. Nền văn hóa này được người dân thích nghi, thay đổi theo thời gian và môi trường xung quanh khi nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi thời gian trôi qua, các yếu tố mới được thêm vào hoặc các yếu tố hiện có được loại bỏ, nhưng làng cổ vẫn giữ nguyên nguồn gốc trước kia.

Bảo tàng làng cổ dân gian Jeju đã bảo tồn toàn diện các tài liệu văn hóa dân gian truyền thống Jeju vào năm 1890, kết thúc triều đại Joseon. Đến đây, du khách có thể đắm mình vào cuộc sống của hàng trăm năm trước, những khóm hoa và cây cối được chăm sóc và gìn giữ cẩn thận, cho phép người xem tận hưởng cảm giác thư thái, tự tại.

Với hơn 100 ngôi nhà và các cơ sở từng là nơi ở thực tế trước đây, các ngôi làng đã được tái xây dựng sau quá trình nghiên cứu và phân tích dài hạn từ các chuyên gia lịch sử ở Jeju.

Ngoài ra, một loạt các vật dụng dân gian cũng được trưng bày tại đây, bên cạnh các dịch vụ như hội trường cưới truyền thống, khu cưỡi ngựa chụp ảnh. Du khách ghé thăm làng dân gian Jeju còn có thể tận hưởng tiện ích ở các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng nông sản và thủy sản, nhà hàng, khu chụp ảnh kỹ thuật số, khu nghĩ dưỡng…

Mặt khác, những người hâm mộ K-Drama sẽ cảm thấy vô cùng quen thuộc, bởi địa điểm này từng là nơi thực hiện bối cảnh bị lưu đày của Jang Geum, nhân vật chính trong bộ phim truyền hình nổi tiếng “Nàng Dae Jang Geum” (대장금) vào năm 2003.

Một số hình ảnh đẹp về Bảo tàng làng cổ dân gian đảo Jeju:

Hướng dẫn đi đến bảo tàng ở làng cổ dân gian đảo Jeju

– Tên tiếng Hàn: 제주민속촌 박물관
– Địa chỉ: 제주특별자치도 서귀포시 표선면 민속해안로 631-34
– Điện thoại: 064-787-4501~2
– Giá vé: Người lớn: 11.000 KRW, thiếu niên: 8.000 KRW, trẻ em: 7.000 KRW
– Website : https://www.jejufolk.com
– Cách đi: Từ sân bay quốc tế Jeju (제주국제공항), GATE 1, đón xe bus số 121 (màu đỏ), đi 10 bến (64 phút) đến trạm dừng làng dân tộc Jeju (제주민속촌) thì xuống và đi bộ 367m đến nơi như hướng dẫn trong bản đồ.

XEM THÊM: Công viên bồn cầu và văn hóa ! của người Hàn Quốc

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).