CXO (Viện nghiên cứu chuyên phân tích doanh nghiệp Hàn Quốc) ngày 29/1/2020 đã công bố thứ hạng 4 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc. Theo đó, Samsung chiếm ngôi vị cao nhất, tiếp theo lần lượt là Hyundai Motor, SK và LG.

Thứ hạng này dựa trên kết quả phân tích tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận kinh doanh, tỷ lệ lợi nhuận của doanh nghiệp trong 5 năm gần đây. 

Một điều mà không nhiều người biết được đó là sự đối đầu giữa hai “gã khổng lồ” mang tên Samsung và LG đã kéo dài suốt nửa thế kỉ qua. Điều gì đã khiến cho họ từ những người đồng hương, bằng hữu thân thiết đến mức kết tình sui gia lại trở mặt với nhau thành “kẻ thù không đội trời chung”?

Tình bằng hữu thủa cơ hàn

Cả hai nhà sáng lập của Samsung (삼성) là ông Lee Byung Chul (이병철) và ông Koo In Hwoi (구인회) của LG (주식회사 LG) đều cùng sinh ra cũng như lớn lên ở tỉnh Gyeongnam (경남) của Hàn Quốc. Vì cùng học chung hồi tiểu học, ông Lee và ông Koo đều giữ mối quan hệ bạn bè thân thiết.

Nếu như năm 1938, Lee Byung Chul (1910-1987 sáng lập ra Samsung Sanghoe (삼성상회 – Thương hội Samsung), một công ty với 40 công nhân chuyên bán cá khô, đồ tạp hóa và mì sợi ở Su-dong (bây giờ là Ingyo-dong); thì tiền thân của LG là nhà máy mỹ phẩm Luk Hai với dòng kem bôi mặt mang tên Lucky.

Có cùng bước khởi nghiệp với muôn vàn khó khăn, vậy nên Lee Byung Chul và Koo In Hwoi luôn dành cho nhau sự tôn trọng và kính nể ở thủa ban đầu. Giữa họ còn tồn tại một cam kết ngầm đó là không bao giờ nhảy vào lĩnh vực của nhau để không bị xung đột lợi ích.

Sau này, mối quan hệ giữa hai nhà còn trở nên thân thiết hơn khi con gái thứ hai của Lee Byung Chul kết hôn với con trai thứ ba của ông Koo In Hwoi. Sau khi trở thành vợ chồng, con trai ông Koo In Hwoi còn về làm cho Samsung một thời gian.

Dưới thời của hai vị chủ tịch đáng kính này, hai tập đoàn số 1 hiện tại của Hàn Quốc còn từng bắt tay để thành lập đài truyền hình Tongyang Broadcasting. Mối quan hệ giữa Lee và Koo tưởng chừng như không thể thân thiết hơn được nữa. Cho đến khi vị chủ tịch của Samsung bước chân vào thị trường sân nhà của LG là điện tử.

“Nước sông phạm nước giếng” mở đầu cuộc chiến kéo dài nửa thế kỷ

Ngày 19/6/1969, chính phủ Hàn Quốc dưới quyền Tổng thống độc tài Park Chung Hee ra mắt kế hoạch 8 năm với mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử của Hàn Quốc. Lý do Park Chung Hee đặc biệt quan tâm đến mảng thiết bị điện tử vốn còn khá mới mẻ là tương lai của ngành công nghiệp này. Ông thậm chí còn cấm nhập lậu các loại máy vô tuyến của nước ngoài để bảo vệ cho doanh thu trong nước của LG.

Giáo sư Choo Yong Soo (추용수) của Khoa Kỹ thuật Điện, Đại học Chung Ang (중앙대학교 서울캠퍼스) cho biết: “Tôi nghĩ quyết định thúc đẩy mảng kinh doanh điện tử công nghệ cao của chính phủ lúc đó là rất khôn ngoan, bởi Hàn Quốc không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Các mảng thương mại, xây dựng và công nghệ nặng, vốn là các ngành công nghiệp đã từng giúp chúng tôi tăng trưởng mạnh, giờ đều đã suy giảm, nhưng IT là lĩnh vực mà Hàn Quốc vẫn nằm trong top thế giới, nhờ có LG và Samsung”.

Ấy vậy nhưng Samsung đã chuẩn bị sẵn sàng để bước chân vào thị trường này trước cả thông báo của chính phủ. Trong cuốn tự truyện của mình, con trai của Lee Byung Chul cho biết ông đã đi gặp người bạn Koo In Hwoi và nói rằng Samsung đã lên kế hoạch để kinh doanh các mặt hàng điện tử.

Koo In Hwoi dĩ nhiên không mấy vui vẻ với thông tin này. Làm sao ông có thể hứng thú được khi mà ông thông gia của mình lại muốn tham gia vào lĩnh vực LG đã làm chủ từ trước – trong khi ông Koo đã từng ra quyết định sẽ không bao giờ nhảy vào thị trường tinh luyện đường (mảng làm ăn lớn nhất của Samsung vào thời kỳ đó) để tỏ lòng kính trọng với ông Lee.

Quá tức giận, ông Koo đã hét vào mặt Byung Chul và khiến vị thông gia bị sốc vì phản ứng không ngờ đến. Không nói thêm lời nào, Byung Chul rời đi. Kể từ đó trở đi, người ta không bao giờ thấy hai ông thông gia tay bắt mặt mừng với nhau thêm một lần nào nữa.

Những “màn cà khịa” đi vào lịch sử

Xét về khởi đầu, LG là gia tộc có những bước tiến trước so với Samsung khi tiên phong trong lĩnh vực điện tử. Thế nhưng, khi nhà kinh doanh nào cũng có tham vọng thì Samsung cũng không thể làm ngơ trước “miếng thịt béo bở” này.

Nước cờ của ông Lee bị ông Koo coi là “không thể tha thứ được”, và mối quan hệ hữu hảo giữa hai gia đình nhanh chóng đổ vỡ. Con trai của ông Koo (và cũng là con rể của ông Lee) nhanh chóng rời khỏi Samsung. Hai vị chủ tịch đầu tiên của LG và Samsung đi đến quyết định không thể cùng phối hợp điều hành Tongyang được nữa, và cuối cùng ông Koo bán hết cổ phần của mình tại đài truyền hình này.

Vài tháng sau, bộ phận xuất bản báo giấy của Samsung bắt đầu đăng tải các bài viết do chính Lee Byung Chul làm tác giả để nói về tầm quan trọng sống còn của ngành công nghiệp điện tử đối với tương lai của đất nước Hàn Quốc.

Để đáp trả, tờ báo thuộc quyền sở hữu của LG cho đăng tải các bài viết công kích bước đi “phản bội” của Samsung. Cuối cùng, ông Lee trực tiếp đến gặp tổng thống Park để xin cho Samsung được tham gia vào sản xuất thiết bị điện tử (vào thời kỳ đó, chính quyền độc tài Park Chung Hee có những điều luật nghiêm ngặt cấm các công ty không được tham gia sản xuất vào một số ngành nghề khi chưa được sự cho phép của chính quyền).

Cái gật đầu đồng ý của vị tổng thống đã dẫn đến “cuộc chiến tranh giữa các vì sao” (chữ Samsung có nghĩa là ba ngôi sao, còn nguyên gốc của chữ G trong LG cũng có nghĩa là Goldstar – ngôi sao vàng, thế nên cuộc chiến giữa hai công ty còn được gọi là cuộc chiến giữa các vì sao).

Samsung đặt chân vào thị trường điện tử nội địa một cách mạnh mẽ bằng các sản phẩm TV trắng đen bắt đầu từ tháng 12/1969. Sang năm 1970, Samsung bắt tay với NEC và Sanyo của Nhật Bản để sản xuất linh kiện dùng trong TV rồi dần dần đa dạng hóa các sản phẩm của mình.

Đến năm 1976 Samsung đã vượt mặt Taihan, vốn là công ty điện tử lớn thứ hai chỉ sau LG. Đến những năm 80, nhu cầu với đồ điện gia dụng tăng cao kỉ lục và đây là lúc mà hai công ty bắt đầu đối đầu nhau một các trực tiếp trong lĩnh vực thiết bị tiêu dùng như TV, máy tính.

LG đi sau 1 bước đã không thể có được may mắn như Samsung và buộc phải bán lại mảng chip bán dẫn cho Hyundai, đồng nghĩa với việc mất đi “vũ khí” quan trọng để đối đầu đối thủ. Bên cạnh đó, khi Samsung đã vươn lên trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới thì LG vẫn giậm chân ở phía sau.

Năm 1993, hai nhân viên Samsung bị bắt khi đột nhập trái phép vào cơ sở sản xuất máy giặt của LG. Samsung đã phải xin lỗi vì sự cố này, chủ tịch Lee Kun Hee (이건희) còn gọi hành động đó là một sự vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức và rất tức giận về hai nhân viên của mình.

Tuy nhiên, Samsung cũng không bỏ lỡ cơ hội công kích LG với cáo buộc LG đã gửi gián điệp sang nhà máy sản xuất bán dẫn của hãng. Được biết nhiều nhân viên của Samsung và LG quen biết nhau từ thời trung học và đại học, thế nên họ có thể tiết lộ về kế hoạch của công ty mình khi đi hút thuốc hay uống bia cùng nhau.

Tháng 2/2015, một giám đốc của LG cũng phải ra tòa vì bị cáo buộc phá hoại máy giặt Samsung trong một sự kiện triển lãm tại Berlin (Đức). Samsung đã buộc tội giám đốc mảng thiết bị gia đình của LG phá huỷ hàng loạt máy giặt cao cấp của hãng được trưng bày tại đây với mức giá 2.700 USD mỗi chiếc.

Phía Samsung chỉ ra tên đích danh của lãnh đạo LG là ông Jo Seong Jin (조성진). Tuy vậy thông qua người phát ngôn, ông Jo từ chối lời buộc tội này và khẳng định máy giặt hỏng là do Samsung thiết kế cửa lồng giặt quá yếu. Vụ việc sau đó đã được giải quyết ổn thoả nhưng sự thật thì mối thâm thù giữa hai tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc này vẫn âm ỉ cháy suốt gần nửa thế kỷ qua.

Tháng 9/2019, LG nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Thương mại bình đẳng Hàn Quốc (FTC Korea), phàn nàn rằng, Samsung đang quảng cáo sản phẩm tivi QLED có thể gây hiểu nhầm cho khách hàng.

Tháng 10/2019, LG tung ra video “cà khịa” tivi QLED của Samsung, mang tivi OLED của LG và QLED của Samsung tiến hành mổ xẻ nội thất. Mục đích của LG là muốn chứng minh, đây không phải công nghệ tấm nền mới, mà chỉ là công nghệ LCD truyền thống.

Tháng 11/2019, đoạn video quảng cáo “LG OLED TV – Đẳng cấp khác biệt” của LG phát sóng cũng gây nên sóng gió. Nội dung quảng cáo này so sánh giữa công nghệ OLED và LED. Tuy nhiên, quảng cáo không trực tiếp sử dụng khái niệm QLED. Hình ảnh duy nhất mang nội dung “QLED” được LG biến tấu khéo léo thông qua việc thay đổi tên gọi của chiếc TV theo bảng chữ cái, gồm A, B, F, U, Q, K, S, T để gắn kèm khái niệm LED. Đáng chú ý nhất là phần QLED để dừng hình… lâu hơn bình thường.

Samsung sau đó khiếu nại với các cơ quan quản lý bởi cho rằng, LG đã vi phạm Luật Quảng cáo, vì đã có ý so sánh OLED TV với QLED TV của Samsung.

Cuộc đối đầu giữa Samsung và LG vẫn tiếp tục diễn ra ở thế hệ thứ hai và thứ ba. Samsung và LG có cả một câu chuyện dài trong quá khứ. Tuy nhiên, có một điều mà không ai có thể phủ nhận đó là Hàn Quốc sẽ rất khác nếu như không có hai “ông trùm” này.

Với quy mô phát triển của hai tập đoàn lớn, có lẽ sẽ còn rất lâu nữa mới có thể thấy được cái bắt tay hòa hữu giữa Samsung và LG. Dù bản thân hai gia tộc đều thừa nhận đã thấm mệt trước màn đấu đá qua lại, từ đời này sang đời khác trong suốt nửa thế kỷ.

Tổng hợp từ Youtube, DaumHankook Ilbo

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).