Nhắc đến Samsung là nhắc đến tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc. Quy mô của Samsung lớn đến mức tập đoàn này nắm giữ 1/5 GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Hàn Quốc và giá trị vốn hóa chiếm tới hơn 30% tổng vốn hóa thị trường của thị trường chứng khoán Hàn Quốc (2017).

Để có được tập đoàn Samsung hùng mạnh và là niềm tự hào của Hàn Quốc như ngày nay, không thể thiếu bàn tay của người kiến tạo, người tiên phong, người dẫn dắt và đồng thời còn là một bậc thầy kinh doanh xuất chúng. Người đó chính là Lee Byung Chul (이병철), người sáng lập – chủ tịch đầu tiên của tập đoàn Samsung.

Có thể nói cuộc đời của Lee Byung Chul có rất nhiều điều đặc biệt thú vị.

1. Lee Byung Chul – từ đứa trẻ “cá biệt” đến cậu thanh niên “lêu lổng”

Lee Byung Chul là con út trong một gia đình có truyền thống nhiều đời giàu có. Ông sinh năm 1910 tại tỉnh Gyeongnam (경남), một tỉnh phía Nam của Hàn Quốc. Năm ông ra đời cũng là năm Nhật Bản đánh chiếm nước này.

Thời niên thiếu của Lee Byung Chul có thể được gói gọn trong 2 chữ “bỏ học”. Ông bỏ học khi đang học lớp 3, lớp 5, lớp 9 và khi đang theo học tại Đại học Waseda ở Nhật Bản. Sự nghiệp học hành của ông luôn dang dở và ông chưa từng có được một tấm bằng tốt nghiệp nào dù ông theo học rất nhiều trường.

Thời thanh niên, khi học ở Nhật được 2 năm, ông bỏ học rồi quay trở về Hàn Quốc. Không ở lại quê nhà, ông khăn gói lên Seoul sống khoảng 2 năm. Nhưng suốt quãng thời gian này, Lee Byung Chul cũng không học hành làm việc gì mà chỉ ăn chơi lêu lổng, nhậu nhẹt, chơi bời.

Chán Seoul, ông bỏ về quê. Thời gian này ông có thử trồng một số giống cây đem từ Nhật về, thử nuôi gà, lợn giống mới… nhưng việc nào cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng thì ông lại chán chường bỏ ngang. Thất vọng với chính mình, Byung Chul lại lao vào ăn chơi bù khú. Ông đã sống cuộc đời mình như thế suốt 5 năm trời.

Đến năm Byung Chul 25 tuổi, ông mới thật sự dừng lại những tháng ngày vô định của đời mình và bắt tay vào sự nghiệp kinh doanh đầu tiên với một nhà máy xay xát gạo.

Sau đó là chuỗi ngày ông lăn lộn kinh doanh, thất bại và làm lại, dấn thân và thử nghiệm, để rồi gầy dựng nên Samsung và cùng với các chaebol khác đặt nền móng cho sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc.

2. Lee Byung Chul – Steve Jobs và cuộc gặp gỡ lịch sử

Cuộc gặp đã thay đổi cuộc đời Steve Jobs diễn ra vào tháng 11 năm 1983. Ở tuổi 28, anh đã gặp Lee Byung Chul, vị chủ tịch 73 tuổi của Samsung. Vào thời điểm đó, Samsung là công ty đầu tiên trên thế giới phát triển RAM 256 KD đồng thời cũng là công ty dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn.

Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Steve Jobs – người đang rất cần một nguồn cung bán dẫn chất lượng, đã tìm đến Lee Byung Chul. Phó chủ tịch Lee Hyeong Do của Samsung Electro – Mechanicalics (삼성전기) thời đó đã tiết lộ: Steve Jobs còn nhờ Lee Byung Chul cho mình lời khuyên về kinh doanh.

Con đường phát triển của Apple

Lee Byung Chul đã chia sẻ với Steve Jobs ba nguyên tắc mà Samsung theo đuổi: (1) Chúng tôi luôn đảm bảo doanh nghiệp của chúng tôi đang đóng góp cho nhân loại, (2) Chúng tôi coi trọng tài năng, (3) Chúng tôi coi trọng mối quan hệ cùng tồn tại và lợi ích song song với các công ty khác.

Ngày nay, Apple đã phát triển thành một công ty hàng đầu trên thế giới. Phó chủ tịch Lee Hyung Do nhận định thành công này là nhờ vào phong cách quản trị của Steve kết hợp với những triết lý mà ông học hỏi được từ Byung Chul.

3. Lee Byung Chul và phong cách quản trị linh hoạt, giàu tính nhân văn

Có lẽ còn một điều mà Lee Byung Chul chưa chia sẻ với Steve Jobs, đó chính là phong cách quản trị rất linh hoạt của ông. Ông chưa từng ngại dấn thân, thay đổi, cải tiến, thử nghiệm, thất bại và đứng lên làm lại từ đầu.

Lee Byung Chul, người đã ảnh hưởng không nhỏ lên Steve Jobs, người sáng lập tập đoàn Samsung hiện tại, tập đoàn CJ và tập đoàn Jungang, lại cũng chính là người bắt đầu sự nghiệp với một nhà máy xay sát gạo rồi thất bại và mất hết nửa số vốn của mình sau phi vụ kinh doanh đầu đời này.

Nhưng cũng chính Lee Byung Chul là người đã đặt một nền móng cực kì vững chắc cho sự thành công của tập đoàn Samsung nổi tiếng thế giới ngày nay, sau rất nhiều lần “thất bại và làm lại” của ông.

Ngoại trừ tuổi 20 sống vô định không có mục tiêu cụ thể, Lee Byung Chul đã sống hơn 50 năm còn lại của cuộc đời mình với vai trò một nhà quản trị – một nhà quản trị tài ba.

Sau khi đất nước được giải phóng khỏi ách đô hộ Nhật Bản, Lee Byung Chul thành lập tập đoàn Samsung C&T vào năm 1951, bán kim loại phế liệu, phân bón và đường. Ông đã lập công ty Jeil Jedang chuyên sản xuất và cung cấp đường nội địa thay thế cho đường nhập khẩu.

Vào thời điểm phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng phá sản do cung vượt cầu, Lee Byung Chul đã không chọn cách giảm chi phí nhân công mà chọn cách đầu tư vào một dự án khác để vượt qua khủng hoảng. Bất chấp mọi sự phản đối, ông đã chọn sản xuất bột mì.

Trước yêu cầu của các thành viên Hội đồng Quản trị về việc tham gia vào ngành bánh kẹo, ông đã đưa ra quan điểm của mình: “Yêu cầu của mọi người là đúng. Chúng ta sẽ thu được lợi nhuận gấp nhiều lần so với sản xuất bột mì. Nhưng thử nghĩ mà xem. Chúng ta có nên vì sự sống của mình mà giết chết những công ty nhỏ lẻ? Tôi không làm kinh doanh chỉ để kiếm tiền. Thậm chí với tôi đó là việc không thể làm được.”.

Thời điểm đầy rẫy khó khăn vì khủng hoảng đó, Lee Byung Chul còn dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh khác. Công ty của ông cố gắng nội địa hóa những sản phẩm quần áo âu phục đắt tiền vốn được nhập lậu từ nước ngoài và tạo ra những sản phẩm may mặc “Made in Korea”.

Bằng việc tháo gỡ nhiều khó khăn khác nhau về quy mô nhà máy, vay vốn, nhập máy móc, công nghệ… ông đã thành lập Golden Tex (골덴텍스) và đưa Jeil Industries (제일모직) trở thành công ty hàng đầu trong ngành dệt may, cải thiện đáng kể chất lượng các sản phẩm quần áo may mặc của Hàn Quốc.

Bằng cách này, ông không những cải thiện được cuộc sống của người dân thông qua công việc kinh doanh các sản phẩm thiết thực mà còn bảo vệ được các doanh nghiệp nhỏ lẻ cũng như tránh được việc sa thải nhân viên vì khủng hoảng của công ty.

4. Lee Byung Chul – người đi trước thời đại

Lee Byung Chul luôn chứng tỏ mình không phải là một kẻ lẽo đẽo đi sau hay thành công chỉ nhờ ăn may. Ngược lại ông là một nhà kinh doanh nhạy bén, có tầm nhìn và nhờ vậy luôn là người tiên phong.

Khi công ty Đường Jeil gặp khó khăn, ông không chọn bẻ lái sang ngành công nghiệp bánh kẹo mà lại chọn kinh doanh bột mì. Công việc kinh doanh này đã bị thua lỗ mất một năm nhưng sau đó công ty ông đã cung cấp ¼ lượng bột mì cho cả nước.

Đến thập niên 1980, khi quyết định đầu tư vào sản xuất vật liệu bán dẫn, Byung Chul vấp phải khá nhiều sự phản đối. Lý do là vì khi đó, Mỹ và Nhật là 2 ông lớn chia nhau toàn bộ thị phần vật liệu bán dẫn của toàn thế giới.

Hai cha con Lee Byung Chul và Lee Kun Hee

Tuy nhiên, có 2 lý do khiến ông tin rằng khả năng thành công khi đưa sản phẩm này vào thị trường là rất cao: Đầu tiên là việc xây dựng một dây chuyền sản xuất xứng tầm có giá tới 1.000 tỉ KRW vào thời điểm đó sẽ đảm bảo chất lượng và sự cạnh tranh cho sản phẩm, và thứ hai là tuổi thọ sản phẩm ngắn khiến cho nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm sẽ liên tục tăng.

Intel của Mỹ khi ấy đã cho rằng Byung Chul chẳng khác nào bệnh nhân hoang tưởng. Tuy nhiên ông đã từng nói: “Nếu chỉ muốn kiếm tiền, chúng tôi sẽ không sản xuất vật liệu bán dẫn. Vậy thì tại sao chúng tôi phải lao tâm khổ tứ vì sản phẩm này? Là bởi vì vật liệu bán dẫn sẽ trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia, đồng thời là một sản phẩm của các ngành công nghiệp trong tương lai”.

Và thực tế đã chứng minh nhận định của Lee Byung Chul khi ngày nay Hàn Quốc trở thành “cường quốc vật liệu bán dẫn” trên toàn thế giới. Tầm nhìn của ông quả là tầm nhìn của một nhà kinh doanh xuất chúng.

Để theo đuổi việc sản xuất và kinh doanh vật liệu bán dẫn, Lee Byung Chul đã kí kết hợp tác kỹ thuật với Sharp của Nhật Bản và Micron của Mỹ. Ông cũng tuyển dụng các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này.

Những người từng gia nhập công ty của ông là cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Jin Dae Je, Chủ tịch Samsung Electronics Kwon Oh Hyun, và Hwang Chang Kyu (người đã phát triển RAM 64Kb).

Việc phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn đã đem đến thành công. Nhưng đối với Lee Byung Chul, thành công cần được xác thực lại bằng chính các đối thủ nước ngoài. Sự cạnh tranh này đem đến những tổn thất do việc bán phá giá trên thị trường, nhưng điều này không làm ông nao núng.

Ông vẫn tiếp tục đầu tư và cải tiến sản phẩm không ngừng. Và kết quả là sản phẩm RAM 256Kb của Samsung đã được phát triển đầu tiên trên thế giới và chiếm 10% thị trường RAM D toàn cầu.

Lee Byung Chul qua đời ngày 19/11/1987, ở tuổi 78. Người sáng lập nên tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc đã để lại không chỉ một đế chế hùng mạnh cho gia tộc mà còn để lại rất nhiều “di sản” quý giá cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Samsung dưới bàn tay quản trị của Lee Kun Hee đã trở thành đối thủ ngang tài ngang sức với Apple của Steve Jobs – một đại diện công nghệ của Mỹ.

Lee Byung Chul giao phó tương lai của Samsung vào tay con trai Lee Kun Hee, người đã đưa Samsung vươn ra thế giới và trở thành đối thủ ngang tầm với cường quốc công nghệ Mỹ.

Tổng hợp từ Mground và sách “Bộ ba xuất chúng”

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).