Để góp phần giải quyết vấn đề xã hội thiếu việc làm cho thanh niên đang diễn ra căng thẳng , chính quyền Thành phố Seoul tuyên bố sẽ mở rộng quỹ đầu tư cho chính sách “Hỗ trợ Thanh niên” (청년투자) hay còn có tên gọi “Đầu tư cho tương lai” (미래투자) với tổng ngân sách dự tính lên đến 430 tỉ KRW (8.415 tỉ VND) trong 03 năm sắp tới.

Chính sách “Hỗ trợ Thanh niên” của chính quyền Thành phố Seoul được triển khai từ năm 2016 với mục đích trợ cấp thất nghiệp cho công dân từ 19 đến 34 tuổi thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình, chưa có việc làm ổn định.

Thông thường, mỗi năm quỹ sẽ chọn ra 5.000 người được nhận một khoản hỗ trợ hàng tháng trị giá 500.000 KRW (tương đương 9,7 triệu VND) trong vòng 6 tháng.

Nội dung trọng tâm của chính sách này là mở rộng từ 6.500 thanh niên được nhận “Hỗ trợ Thanh niên” với số tiền 500.000KRW mỗi tháng (10 triệu VND) trong 06 tháng cho chi phí tìm kiếm việc làm lên thành 100.000 người trong 03 năm sắp tới.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ này sẽ bắt đầu mở rộng nội dung hỗ trợ như “Hỗ trợ Tiền thuê nhà Thanh niên” cung cấp tiền thuê nhà hàng tháng 200.000 KRW (4 triệu VND) trong tối đa 10 tháng cho những thanh niên đang phải gồng lưng vật lộn với chi phí nhà đắt đỏ tại Seoul.

Mục tiêu của chính sách đầu tư này là hỗ trợ tổng cộng 45.000 thanh niên trong 03 năm, bắt đầu từ 5.000 thanh niên vào năm nay và 20.000 người mỗi năm trong 02 các 2021 và 2022 sắp tới với tổng số đầu tư là 3.300 tỉ KRW.

Giúp đỡ cộng đồng – Trợ cấp sáng tạo và suy nghĩ

Hwang In Kyeong, 21 tuổi, hiện là sinh viên năm nhất chuyên ngành Viết Sáng tạo ở một trường đại học chuyên về nghệ thuật tại thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi.

Cô chia sẻ cuộc sống của mình hiện tại thật khó tin sau khi được nhận trợ cấp từ chính sách “Hỗ trợ Thanh niên”, và chắc chắn tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Cô bắt đầu nhận hỗ trợ từ Chương trình Trợ cấp Thanh niên của chính quyền thành phố Seoul từ năm ngoái. 

Hwang bắt đầu đi làm ngay sau khi tốt nghiệp một trường trung cấp nghề với tấm bằng Quản trị và Kế toán. Công việc đầu tiên của cô là nhân viên kiểm toán tại một công ty tín thác. Sau đó, cô chuyển sang quản lý cửa hàng và sản phẩm cho một công ty chuyên kinh doanh phụ kiện trang trí nhân vật hoạt hình cho điện thoại.

Cả hai công việc đều không phù hợp với cô và Hwang cũng không thể tiếp tục làm lâu dài. Công việc cuối cùng ở một trung tâm dạy thêm được cô miêu tả “rất nhiều điều lặp đi lặp lại trên một chiếc ghế”. “Còn bây giờ, tôi hoàn toàn làm chủ cuộc sống của mình”, Hwang khẳng định.

Đối với Hwang, đây là cơ hội thứ hai để theo đuổi ước mơ viết tiểu thuyết của mình. Cô sử dụng số tiền hỗ trợ cho hai mục đích, một để theo học viết lách, một để chi trả cuộc sống. Nhờ vậy, cô giảm được thời gian làm thêm tại tiệm cà phê.

Sim Kyu Hyeop đứng trước bức tranh tường Phong trào Độc lập 1/3 tại Bảo tàng Làng Donuimun

Sim Kyu Hyeop, 30 tuổi, là một người được hưởng trợ cấp ở cả 2 năm 2018 và 2019, đang hoạt động trong lĩnh vực cộng đồng. Anh đang liên hệ với những người hưởng trợ cấp khác để cùng nhau tổ chức những dự án cộng đồng tại khu Gangnam.

Năm nay, anh Sim sẽ tổ chức dự án “Hành trình tăm tối”. Những người làm dự án chiếu những tác phẩm điện ảnh về các giai đoạn đau khổ trong lịch sử Hàn Quốc, sau đó cùng nhau đến thăm những di tích lịch sử có liên quan. Sim thành lập tổ chức này với những người hưởng trợ cấp khác từ năm ngoái.

Năm vừa rồi, nhóm của anh đã đến thăm di tích tưởng niệm cuộc thảm sát ngày 3/4 trên đảo Jeju và chiến thắng cuộc thi viết cảm nghĩ được tổ chức bởi Hiệp hội Du lịch Jeju. Chủ đề năm nay nhiều khả năng sẽ là Phong trào Độc lập 1/3 để tưởng niệm tròn 100 năm sự kiện này.

Số tiền 500.000 KRW hàng tháng được anh dùng để trả một phần tiền thuê nhà, tiện ích và mua thức ăn. Ngoài ra, anh còn dùng số tiền này để chuẩn bị lấy chứng chỉ tư vấn nghề nghiệp. Khoản hỗ trợ tài chính cho anh thêm thời gian kết nối với mọi người xung quanh và nhận tư vấn nghề nghiệp, điều tạo cho anh sự chắc chắn về tâm lý cho những dự định tương lai.

“Từ khi nhận trợ cấp, tôi chỉ còn phải đi làm vào cuối tuần. Những ngày trong tuần, tôi thường gặp gỡ bạn bè cũng như tham gia những hoạt động hỗ trợ việc làm và chương trình cộng đồng tại Trung tâm Thanh niên,” . Sim hy vọng vai trò lãnh đạo tổ chức của mình lần này sẽ trui rèn và mang đến cho anh những cơ hội giúp đỡ các bạn trẻ.

Theo số liệu khảo sát sau khi triển khai chương trình chính sách “Hỗ trợ Thanh niên” các năm gần đây, trong số 2.002 người hưởng trợ cấp từ năm 2017, khoảng 6% đã tìm được việc làm trong lĩnh vực sáng tạo, 39% đã có việc làm và 2% tự thành lập doanh nghiệp.

Kết quả còn khả quan hơn vào năm 2018, trong số người hưởng trợ cấp 47,1% trả lời “cảm thấy đã tìm được công việc của mình” nhờ các hoạt động sáng tạo, 83% “rất hữu ích trong việc giúp đạt được mục tiêu tìm kiếm việc làm”, 88.7% ứng đáp rằng “có hiệu quả trực tiếp hơn các chính sách hỗ trợ thanh niên khác”.

Tranh cãi về tính tự quyết

Khác với những chính sách chương trình tương tự của Bộ Lao động và chính quyền các địa phương khác, Chương trình Trợ cấp Thanh niên của thành phố Seoul cho phép người thụ hưởng toàn quyền sử dụng số tiền hỗ trợ.

500.000 KRW này được gửi trực tiếp đến một thẻ tín dụng đặc biệt cấp cho người thụ hưởng. Thẻ này có thể sử dụng để rút tiền mặt hoặc thanh toán trong mọi trường hợp, ngoại trừ sòng bạc, quầy bar và khách sạn hạng sang.

Kể từ khi được triển khai vào năm 2016 đến nay, chương trình đã nhận nhiều chỉ trích từ giới truyền thông vì tính tự quyết này. Có người cho rằng đây là một chính sách mang tính dân tuý và là sự lãng phí tiền thuế. Nhiều người khác lo sợ đây sẽ mang lại một cuộc khủng hoảng đạo đức vì không khuyến khích người thụ hưởng tìm kiếm việc làm sớm nhất có thể.

Tuy nhiên, Kim Young Kyung, Giám đốc Điều hành Chính sách Thanh niên tại chính quyền thành phố Seoul không đồng tình với ý kiến trên.

“Những công dân trẻ từ 20 đến ngoài 30 tuổi tìm kiếm công việc và địa vị xã hội giúp họ có thể thực hiện quyền tự quyết của mình. Thay vì chuyển thẳng tiền đến các đơn vị đào tạo nghề và đơn vị tuyển dụng như các chương trình việc làm cho thanh niên khác, Chương trình Trợ cấp Thanh niên cho phép họ tự do quyết định cách mình tiêu tiền”.

Mặc dù có mức GDP/đầu người gần 30.000 USD, việc làm cho giới trẻ là một vấn đề nghiêm trọng ở Hàn Quốc.

Không như thế hệ trước sinh ra trong giai đoạn phát triển liên tục của đất nước (thập niên 1970~1990) có việc làm ngay từ khi tốt nghiệp trung học, người trẻ Hàn Quốc đang rất chật vật. Con số thanh niên thất nghiệp đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 11.5% so với các quý trước.

Trong đoạn phát biểu tại sự kiện định hướng cho những người mới được nhận trợ cấp thanh niên diễn ra ngày 14/5/2019, Thị trưởng Seoul Park Won Soon khẳng định sự ủng hộ của mình đối với chương trình.

“Chính sách Trợ cấp Thanh niên của Seoul ủng hộ quyền tự quyết của bạn. Không phải tốc độ, hướng đi mới là điều quan trọng trong cuộc sống”, ông chia sẻ.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ Seoul

author-avatar

About Ngọc Vũ

Kết nối với Hàn Quốc như một cái duyên và gắn bó cùng Hàn Quốc như một định mệnh. Quan tâm tới văn hoá, xã hội, các tin tức thời sự và mối quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).